Vì sao nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc thất nghiệp?

Nguồn:Why so many Chinese graduates cannot find work.” The Economist, 18/04/2024.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vào khoảng thời gian này hàng năm, giới doanh nghiệp sẽ đến các trường đại học Trung Quốc để săn tìm nhân viên tiềm năng. Nhưng tâm trạng năm nay thật tệ. Mới đây tại một hội chợ việc làm ở Vũ Hán, một công ty đăng tin thuê thực tập sinh quản lý nhưng chỉ muốn những sinh viên tốt nghiệp loại ưu và chỉ trả 1.000 nhân dân tệ (140 USD) mỗi tháng, theo một bài đăng trên mạng xã hội. Tại một hội chợ ở Cát Lâm, hầu hết các vị trí đăng tuyển đều yêu cầu bằng cấp cao, theo lời một sinh viên sắp tốt nghiệp. “Lần sau đừng có mời chúng tôi nữa.” Một người khác phàn nàn rằng các công ty không tuyển người. Cô viết: Quá trình tuyển dụng là “một trò lừa dối.”

Số liệu cũng cho thấy một bức tranh ảm đạm tương tự. Tỷ lệ thất nghiệp của người từ 16 đến 24 tuổi ở các thành phố đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6 năm ngoái. Điều đó có lẽ khiến chính phủ quá xấu hổ nên họ đã ngừng công bố dữ liệu trong khi điều chỉnh lại phép tính để loại trừ những người trẻ tìm việc làm khi đang đi học. (Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác tính cả các sinh viên như vậy.) Dữ liệu mới do đó thấp hơn, dù vẫn đáng thất vọng: 15,3% thanh niên ở các thành phố thất nghiệp vào tháng 3. Con số này gần gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp toàn thị trường.

Đối với những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, tình hình có lẽ còn thảm khốc hơn. Trung Quốc không công bố tỷ lệ thất nghiệp cho nhóm này. Nhưng chúng tôi đã nghiên cứu kỹ dữ liệu từ cuộc điều tra dân số mười năm một lần của đất nước và các niên giám thống kê để đưa ra ước tính. Theo tính toán (bao gồm cả những sinh viên đang tìm việc làm), tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ từ 16 đến 24 tuổi có trình độ đại học là 25,2% trong năm 2020, năm cuối cùng có dữ liệu điều tra dân số. Con số này gấp 1,8 lần tỷ lệ thất nghiệp của tất cả thanh niên vào thời điểm đó.

Có thể mọi thứ đã trở nên tốt hơn kể từ năm 2020, hoặc các biến số trong tính toán của chúng tôi đã bất ngờ thay đổi. Nhưng cũng có thể mọi chuyện đã trở nên tồi tệ hơn. Để đơn giản hóa, nếu chúng ta giả định tỷ lệ giữa hai nhóm giữ nguyên so với năm 2020, thì hiện nay có tới hơn một phần ba sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đang bị thất nghiệp.

Một lý do để cho rằng mọi thứ không được cải thiện là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong thanh niên thất nghiệp đang tăng nhanh hơn mức có thể được giải thích bằng các xu hướng nhân khẩu học. Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nghề, và trường kỹ thuật chiếm 70% số thanh niên thất nghiệp vào năm 2022, tăng từ mức 9% của hai thập niên trước. Nếu tính theo phần trăm dân số trẻ, số này chiếm tới 47% vào năm 2020.

Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc khiến nhu cầu cho sinh viên tốt nghiệp giảm. Trong khi đó nguồn cung lại tăng. Năm nay dự kiến có gần 12 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đại học, tăng 2% so với năm ngoái. Từ năm 2000 đến năm 2024, số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm ở Trung Quốc tăng hơn 10 lần.

Xu hướng này có thể được truy ngược về nhà kinh tế học Tang Min, người đã đề xuất mở rộng tuyển sinh giáo dục đại học như một cách giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990. Ông cho rằng chính sách như vậy sẽ trì hoãn việc người trẻ tham gia vào thị trường việc làm và kích thích nền kinh tế thông qua chi tiêu cho giáo dục. Chính phủ đã thông qua kế hoạch của ông, vào một thời điểm trùng với những thay đổi xã hội theo hướng tương tự. Trẻ em sinh ra theo chính sách một con của Trung Quốc bắt đầu trưởng thành từ năm 1999. Với quy mô gia đình bị hạn chế, cha mẹ có nhiều nguồn lực đầu tư hơn cho mỗi đứa trẻ – và có nhiều động lực hơn để khuyến khích việc học của chúng, vì những đứa trẻ này sẽ phải chu cấp cho cha mẹ lúc già.

Khi nhu cầu tăng, các trường đại học cũng tăng về quy mô và số lượng. Luật được thông qua vào đầu những năm 2000 để mở ra môi trường pháp lý cho các trường tham gia cuộc đua. Trong đó, trường tư thu học phí cao hơn đáng kể so với trường công và có động cơ tiếp nhận nhiều sinh viên hơn. Số lượng tuyển sinh tại các trường này tăng vọt, tăng 560% kể từ năm 2004. Khi ấy, cứ mười sinh viên ở trường cao đẳng hoặc đại học thì mới có một học sinh tư thục. Giờ đây tỉ lệ này là 4 trên 1.

Trường đại học tư thường yêu cầu điểm cao khảo thấp hơn so với các trường công. Nhưng tỷ lệ được nhận học ở tất cả các trường cao đẳng và đại học đang tăng lên. Trước năm 1999, chưa đến một phần tư số thí sinh thi cao khảo được nhận. Ngày nay hầu hết đều vào được đại học.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng có thể không phải là vấn đề lớn nếu họ học đúng những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần. Nhưng các công ty Trung Quốc phàn nàn rằng họ không thể tìm được ứng viên đủ tiêu chuẩn cho các vị trí còn trống. Một phần của vấn đề là các trường tư chất lượng thấp, nhưng lệch cung cầu trong đào tạo mới là vấn đề lan rộng khắp giáo dục đại học. Ví dụ, số lượng sinh viên theo học ngành nhân văn đang tăng lên mặc dù nhu cầu cho các sinh viên tốt nghiệp ngành này thấp hơn nhiều so với các ngành khác.

Một số sinh viên đang cố gắng né tránh thị trường việc làm khó khăn ở khu vực tư nhân. Số người tham dự kỳ thi công chức của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 2,3 triệu vào năm 2024, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Những người khác thì đang theo đuổi nghiên cứu sau đại học. Số lượng sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ tăng nhiều đến mức một số cơ sở đã hết chỗ trong ký túc xá.

Không thể tìm được công việc phù hợp với bằng cấp, một số sinh viên tốt nghiệp phải làm những công việc đòi hỏi tay nghề thấp, chẳng hạn như giao đồ ăn. Năm ngoái, một văn bản từ một sân bay ở Ôn Châu cho thấy họ đã phải thuê các kiến trúc sư và kỹ sư để làm người trông coi sân bay và nhân viên kiểm soát chim.

Li Xiaoguang từ Đại học Giao thông Tây An và Lu Yao từ Đại học Columbia đã nghiên cứu tình trạng thiếu việc làm ở Trung Quốc. Bà Lu cho biết, khi sử dụng dữ liệu khảo sát quốc gia, họ phát hiện có tới 25% người lao động trong độ tuổi từ 23 đến 35 không đủ tiêu chuẩn cho công việc của họ vào năm 2021, tăng từ 21% hồi năm 2015. Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn, bà Lu nói, khi sinh viên thất nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận công việc tay chân.

Hậu quả của tất cả những điều này là lợi nhuận từ giáo dục đại học dường như đã giảm xuống. Trong một bài báo nghiên cứu xuất bản năm ngoái, nhóm nghiên cứu do Eric Hanushek của Đại học Stanford dẫn đầu cho thấy chênh lệch lương của người có bằng đại học đã giảm từ 72% xuống 34% trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2018 đối với người dưới 35 tuổi.

Năm 2008, một quan chức của bộ giáo dục dường như đã thừa nhận rằng nhà nước phạm sai lầm khi mở rộng tuyển sinh cao đẳng và đại học quá nhanh. Nhưng ngày nay, chính phủ dường như quan tâm nhiều tới quy mô của hệ thống giáo dục hơn là chất lượng của nó. Riêng năm ngoái đã có tới 61 trường cao đẳng và đại học mới được mở ở Trung Quốc. Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng, khoe khoang: “Đất nước chúng ta đã xây dựng được hệ thống giáo dục đại học lớn nhất thế giới”.

Trong bài phát biểu thông điệp quốc gia vào tháng trước, thủ tướng Lý Cường ít nhất đã nhắc đến việc đảm bảo sinh viên tốt nghiệp được học các kỹ năng cần thiết trong các lĩnh vực như sản xuất tiên tiến và chăm sóc người già. Nhưng nhiều người sẽ tiếp tục thấy rằng bằng cấp của họ không phải là tấm vé để có được một công việc tốt. Sau nhiều năm được rót vào tai rằng giáo dục đại học là chiếc thang dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, sự thất vọng của họ đang ngày càng tăng./.