02/05/1918: Tranh cãi về cách Mỹ tham chiến ở Mặt trận phía Tây

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Allies argue over U.S. troops joining battle on Western Front, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, tại một hội nghị của các nhà lãnh đạo quân sự thuộc phe Đồng minh Hiệp ước tại Abbeville (Pháp), Mỹ, Anh và Pháp tranh cãi đã về cách quân đội Mỹ tham gia Thế chiến I.

Ngày 23/03, hai ngày sau khi Đức mở một chiến dịch tấn công lớn ở miền bắc nước Pháp, Thủ tướng Anh David Lloyd George đã gửi điện cho Đại sứ Anh ở Washington, Lord Reading, yêu cầu ông giải thích với Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson rằng nếu không có sự giúp đỡ từ Mỹ, “chúng tôi không thể cung cấp cho các sư đoàn của mình trong một thời gian ngắn với tỷ lệ tổn thất hiện tại. Tình hình chắc chắn là rất nghiêm trọng và nếu Mỹ trì hoãn thì có thể sẽ quá muộn.”

Để đáp lại, Wilson đồng ý gửi một mệnh lệnh trực tiếp đến Tổng tư lệnh Lực lượng Viễn chinh Mỹ, Tướng John J. Pershing, yêu cầu ông cho các lực lượng của Mỹ đã có mặt ở Pháp ngay lập tức tham chiến cùng các sư đoàn Anh và Pháp, mà không cần chờ đủ số lượng binh sĩ để thành lập lữ đoàn riêng. Pershing đồng ý vào ngày 2/4, nhờ đó thúc đẩy tinh thần cho các nước Hiệp ước khi đó đã kiệt sức.

Tuy nhiên, trong lúc cuộc tấn công của Đức tiếp tục gây kinh hoàng suốt tháng 4, thì phần lớn quân đội Mỹ ở châu Âu – được chuyển đến với tốc độ 120.000 người/tháng – vẫn chưa tham chiến. Trong một cuộc họp của Hội đồng Chiến tranh Tối cao gồm các nhà lãnh đạo phe Hiệp ước tại Abbeville, gần bờ biển Eo biển Manche, bắt đầu vào ngày 01/05/1918, Clemenceau, Lloyd George, và Thống tướng Ferdinand Foch, tổng tư lệnh mới được bổ nhiệm của tất cả các lực lượng Đồng minh Hiệp ước trên Mặt trận phía Tây, đã nỗ lực thuyết phục Pershing gửi toàn bộ lực lượng Mỹ hiện có ra chiến trường ngay lập tức. Pershing phản đối, nhắc nhở mọi người rằng nước Mỹ tham chiến “một cách độc lập” với các nước Hiệp ước khác – quả thực, cả trong và sau chiến tranh, người Mỹ liên tục nhấn mạnh về việc được biết đến như một “bên liên kết” (associate) hơn là một đồng minh chính thức (ally) – và tuyên bố “Tôi không nghĩ rằng quân đội Mỹ phải phục vụ theo sự điều động của Bộ chỉ huy Pháp và Anh.”

Sang ngày 2/5, ngày thứ hai của cuộc họp, tranh luận vẫn tiếp tục, và Pershing vẫn giữ lập trường kiên định trước những lời lẽ gay gắt của các nhà lãnh đạo khác. Sau đó, ông đề nghị thỏa hiệp, mà cuối cùng Lloyd George và Clemenceau không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận: Mỹ sẽ cử 130.000 quân đến vào tháng 5, và thêm 150.000 quân nữa vào tháng 6, những người này sẽ trực tiếp tham gia vào hàng thủ của phe Hiệp ước. Nhưng Pershing không hứa hẹn điều gì vào tháng 7. Thỏa thuận này có nghĩa là trong số 650.000 lính Mỹ đóng ở châu Âu vào cuối tháng 5/1918, khoảng một phần ba sẽ tham chiến vào mùa hè đó; hai phần ba còn lại sẽ không ra chiến trường cho đến khi họ được tổ chức, huấn luyện, và sẵn sàng chiến đấu như một đội quân hoàn toàn của Mỹ, điều mà Pershing ước tính sẽ không xảy ra cho đến cuối mùa xuân năm 1919. Tuy nhiên, cho đến khi chiến tranh kết thúc vào ngày 11/11/1918, hơn 2 triệu lính Mỹ đã phục vụ trên các chiến trường ở Tây Âu, và khoảng 50.000 người trong số họ đã hy sinh.