Thế giới hôm nay: 01/07/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Kết quả ban đầu cho thấy đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu đang dẫn đầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội Pháp. Hãng thăm dò Ipsos dự đoán đảng của Marine Le Pen sẽ thắng 34% số phiếu, trong khi Mặt trận Nhân dân Mới cánh tả đạt 28,1%. Khối trung dung của tổng thống Pháp Emmanuel Macron tụt lại phía sau với chỉ khoảng 20%. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là cao nhất so với vòng đầu của bất kỳ cuộc bầu cử quốc hội nào kể từ năm 1997. Bà Le Pen sẽ hy vọng tận dụng được ưu thế của đảng mình cho vòng bỏ phiếu cuối vào ngày 7 tháng 7.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục chống lại những lời kêu gọi nhường chỗ cho ứng viên khác sau màn trình diễn tệ hại trong cuộc tranh luận tổng thống hôm thứ Năm. Cuối tuần qua, các đảng viên Dân chủ cấp cao đã vội vàng bảo vệ ông. Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, cho biết “bước lùi” của ông Biden chẳng qua chỉ là “chuẩn bị cho màn trở lại.” Trong khi đó, một cuộc thăm dò của CBS News và YouGov, công bố hôm Chủ nhật, cho thấy 45% cử tri Dân chủ đã đăng ký cho rằng ông Biden nên nhường chỗ cho người khác.

Các quan chức chính phủ cho biết Iran sẽ tổ chức vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/7 sau khi cả hai ứng viên dẫn đầu đều không giành được hơn 50% trong vòng đầu tiên. Masoud Pezeshkian, ứng viên có đường lối cải cách duy nhất được phép ứng cử, đã dẫn trước Saeed Jalili, một người bảo thủ theo đường lối cứng rắn. Khoảng 60% số người đủ điều kiện bỏ phiếu đã không đi bầu. Đây là tỷ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục ở nước Cộng hòa Hồi giáo.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết đảng cực hữu Fidesz của ông sẽ thành lập liên minh với Đảng Tự do của Áo và đảng Hành động của Công dân Bất mãn của Cộng hòa Séc. Nhóm sẽ tự gọi mình là “Những người yêu nước của châu Âu.” Ba đảng có đủ nghị sĩ EU để thành lập một khối trong Nghị viện châu Âu, nhưng hiện tại sẽ không thể làm được điều đó. Quy định của hội đồng yêu cầu họ phải nhận được ủng hộ của nghị sĩ EU đến từ ít nhất bốn quốc gia khác.

Nga cho biết các nhà máy lọc dầu của họ có thể tiếp tục xuất khẩu xăng cho đến cuối tháng 7, kéo dài thời gian tạm dừng các hạn chế xuất khẩu mà Điện Kremlin lần đầu áp đặt vào tháng 3. Chính phủ đưa ra các biện pháp này vì lo ngại về nguồn cung trong nước, một phần do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu Nga. Các hạn chế lần đầu tiên được tạm dừng sau khi tình trạng thiếu hụt giảm bớt vào cuối tháng 5.

SK Hynix, một nhà sản xuất chip của Hàn Quốc, cho biết họ sẽ đầu tư 80 nghìn tỷ won (58 tỷ USD) vào chip nhớ băng thông cao, vốn được dùng cho trí tuệ nhân tạo, trong hai năm tới. Nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới đã công bố kế hoạch này như một phần của chương trình đầu tư trị giá 103 nghìn tỷ won sẽ kéo dài đến năm 2028. SK Group, công ty mẹ đang gặp khó khăn của Hynix, cũng có kế hoạch tái cơ cấu các công ty con của mình.

TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng Hungary muốn lan toả chính trị cực hữu ở châu Âu

Hungary tiếp quản chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu vào thứ Hai, đem đến cho Viktor Orban một bệ phát biểu để truyền bá tôn chỉ “bảo thủ quốc gia” của ông tại Brussels. Vị thủ tướng lâu năm của đất nước có ý định sử dụng quyền lực của mình để “Làm cho châu Âu Vĩ đại Trở lại,” dù vẫn chưa rõ chính xác ông sẽ làm điều này thế nào. Chức vụ chủ tịch chủ yếu chỉ là chủ trì họp riêng của các nhà ngoại giao và bộ trưởng châu Âu.

Ông Orban có mối quan hệ không mấy êm đẹp với Brussels. Việc ông coi thường pháp quyền đã khiến Hungary bị từ chối một phần trong các quỹ chung của EU những năm gần đây. Ông cho rằng một liên minh quyết đoán hơn của các đảng bảo thủ có thể bật lại được các nhà lãnh đạo của khối. Việc ông Orban ra mắt nhóm “Những người yêu nước vì châu Âu” mới tại Nghị viện châu Âu vào Chủ nhật qua được coi là đối trọng với các đảng trung dung hiện đang thống trị nền chính trị châu lục. Nhưng không có đảng cực hữu lớn nào, chẳng hạn như Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen hay Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức, đã đăng ký.

Nga bắt buộc người dân ở khu vực chiếm đóng phải chuyển quốc tịch

Thứ Hai là hạn chót cho công dân Ukraine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng có hộ chiếu Nga. Lệnh này yêu cầu cư dân ở đây phải tuyên thệ trung thành và được cho là tự nguyện, không như các nỗ lực “hộ chiếu hoá” trước đó tự động cấp quyền công dân cho một số lượng lớn người Ukraine ở các khu vực bị chiếm đóng. Nhưng hình phạt cho việc không tuân thủ rất nghiêm khắc. Người Ukraine không có hộ chiếu Nga có thể bị trục xuất hoặc bắt giữ.

Những người từ chối còn phải đối mặt với các vấn đề khác. Tại các khu vực do Nga kiểm soát, người Ukraine không có hộ chiếu Nga sẽ mất khả năng tiếp cận bảo hiểm, lương hưu, giáo dục, và chăm sóc y tế. Chính quyền Nga đang tịch thu tài sản thuộc sở hữu của công dân Ukraine. Các bậc cha mẹ thậm chí còn được thông báo rằng họ cần có hộ chiếu Nga để được quyền giữ con mình, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy vậy, một số người Ukraine ở các khu vực bị chiếm đóng có thể quyết định tiếp tục phớt lờ lời đề nghị cấp quốc tịch của Nga. Xuất hiện trước chính quyền vì muốn trở thành người Nga cũng làm tăng nguy cơ bị đưa ra mặt trận để chiến đấu với Ukraine.

Lạm phát giảm ở Đức

Vào thứ Hai, cơ quan thống kê của Đức sẽ công bố số liệu lạm phát tạm thời cho tháng 6. Sau thời kỳ lạm phát cao vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga, chỉ số giá tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục giảm dần. Hồi tháng 2, giá cả cao hơn 2,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng rồi giảm xuống 2,2% trong tháng 3 và tháng 4. Đến tháng 5, nó tăng nhẹ lên 2,4%, nhưng chỉ là tạm thời. Các chuyên gia tại viện nghiên cứu Ifo dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ thấp hơn 2% vào tháng 8.

Lạm phát giảm có thể giúp nền kinh tế yếu kém của Đức tăng trưởng nhanh hơn. Kết hợp với mức lương tăng, lạm phát thấp sẽ khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Xuất khẩu cũng có thể phục hồi. Tuy vậy, hiện tại, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không thấy mọi thứ trở nên tốt hơn nhiều. Vào tháng 6, chỉ số niềm tin kinh doanh của Ifo suy yếu và chỉ số nhà quản lý mua hàng cũng kém hơn dự kiến.

Úc sẽ tuyển lính từ các thành viên Ngũ Nhãn

Úc đang cố gắng củng cố khả năng phòng thủ của mình để răn đe Trung Quốc, nhưng nước này sẽ khó làm vậy nếu không có thêm binh sĩ. Do đó, chính phủ Lao động của  Úc đã quyết định mở cửa lực lượng vũ trang Úc cho lính tình nguyện đến từ các nước khác. Từ thứ Hai, người New Zealand sống ở Úc sẽ đủ điều kiện để nộp đơn. Cư dân từ Mỹ, Anh, và Canada — tất cả đều là thành viên của liên minh tình báo Ngũ Nhãn — sẽ có thể nhập ngũ từ tháng 1 năm 2025.

Bộ trưởng quốc phòng Richard Marles tuyên bố điều này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt 4.400 người trong quân đội, đưa tổng quy mô lên 60.000 nhân lực toàn thời gian. Như một sự khuyến khích bổ sung, Úc sẽ cho phép người nước ngoài đã phục vụ ba tháng trong lực lượng vũ trang của họ được nộp đơn xin quốc tịch. Tuy vậy, chính các nước Ngũ Nhãn khác cũng đang phải vật lộn để đạt mục tiêu tuyển quân của mình. Có lẽ cần nhiều hơn một tấm hộ chiếu để thuyết phục thanh niên đăng ký đi lính cho một nước khác.