Các chiến lang của Trung Quốc đã tuyệt chủng?

Nguồn: Tyler Jost, “Have China’s Wolf Warriors Gone Extinct?,” Foreign Affairs, 27/06/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tại sao Bắc Kinh lại áp dụng chính sách ngoại giao gây chiến – và tại sao họ có thể làm như vậy một lần nữa.

Cách đây 5 năm, vào năm 2019, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã ngừng xử sự theo kiểu ngoại giao. Các đại sứ cấp cao và người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này bắt đầu đưa ra những tuyên bố gay gắt, mỉa mai, và tiêu cực trên Twitter (nay là X), trong các cuộc họp báo, và sau cánh cửa đóng kín. Sự tương phản với phong cách tế nhị và thận trọng của các nhà ngoại giao Trung Quốc thời trước nổi bật đến mức các nhà quan sát trong và ngoài nước đã đặt cho các nhà ngoại giao mới này biệt danh “chiến lang.”

Mục đích chính của ngoại giao chiến lang là bác bỏ những lời chỉ trích của nước ngoài thông qua đối đầu công khai, thường sử dụng loại ngôn từ gợi cảm xúc. Chẳng hạn, vào tháng 7/2019, một trong những nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Pakistan đã có lời lẽ gay gắt nhắm vào một cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ trên Twitter. Sang tháng 11, Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển đã gây chú ý khi tuyên bố rằng “Chúng tôi chiêu đãi bạn bè bằng rượu ngon, nhưng đối với kẻ thù, chúng tôi có súng ngắn.” Trong cuộc đàm phán ngoại giao ở Alaska vào tháng 3/2021, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì đã công khai cảnh báo Ngoại trưởng Antony Blinken không được “bôi nhọ hệ thống xã hội của Trung Quốc,” và một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích phái đoàn Mỹ tạo ra bầu không khí thù địch “đầy mùi thuốc súng.”

Tuy nhiên, giai đoạn đỉnh cao của ngoại giao chiến lang đã qua. Trong ba năm gần đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã quay trở lại với cách tiếp cận truyền thống hơn. Nhiều khả năng là theo mệnh lệnh của Chủ tịch Tập Cận Bình, họ đã bắt đầu hạ giọng trong các tuyên bố công khai và tập trung vào việc cải thiện quan hệ với Mỹ, Tây Âu, và các nước đang phát triển. Các tài khoản mạng xã hội có liên kết với Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn hoạt động, nhưng thông điệp của họ đã trở nên ít gay gắt và đối đầu hơn. Các cuộc họp báo của Bộ cũng trở nên trầm lắng hơn. Một số nhà ngoại giao từng có phát biểu gây chấn động quốc tế trong những năm 2019 và 2020 hoặc đã nghỉ hưu, hoặc chuyển sang nhiệm vụ mới.

Nhiều học giả và nhà hoạch định chính sách cho rằng sự trỗi dậy của ngoại giao chiến lang là do tinh thần dân tộc chủ nghĩa của công chúng Trung Quốc và sự lãnh đạo theo chủ nghĩa cá nhân của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn bất kỳ yếu tố trong nước nào là sự thay đổi trong môi trường quốc tế. Trong khoảng một năm trước đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước sự tăng vọt của những lời chỉ trích từ nước ngoài – đáng chú ý nhất là từ Mỹ – mà họ cho là mối đe dọa đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng khi những lời chỉ trích của nước ngoài dịu đi, cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc cũng nhẹ nhàng trở lại.

Trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải cẩn trọng xem xét tác động của những bình luận công khai của họ. Nếu Bắc Kinh một lần nữa tin rằng mình đang bị bao vây, các chiến lang có thể quay trở lại – làm tổn hại đến triển vọng đối thoại mang tính xây dựng giữa Trung Quốc và Mỹ.

SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁC CHIẾN LANG

Các nhà ngoại giao của Trung Quốc về cơ bản không khác biệt với các nhà ngoại giao của các nước khác. Bộ Ngoại giao nước này cũng tiến hành các hoạt động tương tự như các bộ ngoại giao khác, chuyển tiếp các thông điệp đến và đi từ các đối tác nước ngoài và báo cáo các diễn biến ở nước ngoài. Các nhà ngoại giao Trung Quốc không phải là những người duy nhất có công việc đòi hỏi họ phải giao tiếp với các nước thù địch, đưa ra những lời đe dọa hung hăng, và giải thích hành động của đất nước họ cho các nhà phê bình nước ngoài. Tuy nhiên, thông thường, các nhà ngoại giao ở Trung Quốc và ở nước ngoài sẽ trình bày ngay cả những tin tức khó chịu nhất bằng loại ngôn ngữ được điều chỉnh cẩn thận và chứa đựng chính xác thông điệp mà các nhà lãnh đạo chính trị muốn truyền tải.

Nhìn chung, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chấp nhận đặc tính nghề nghiệp đó kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân. Chu Ân Lai, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng đầu tiên của đất nước, đã giám sát nhiều sáng kiến trong những năm 1950 và đầu những năm 1960 nhằm xây dựng một đội ngũ đông đảo các nhà ngoại giao được đào tạo bài bản. Sau bước lùi dưới thời Cách mạng Văn hóa, làm đảo lộn các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này đã trở lại và trở nên chuyên nghiệp hơn. Đến cuối những năm 1980, đại đa số các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đều có bằng đại học. Họ thường xuyên soạn thảo các sách trắng, tổ chức các cuộc họp báo, và can dự với các đối tác ở nước ngoài. Các nhà ngoại giao này cũng ngày càng thành thạo trong việc giao tiếp với khán giả nước ngoài. Như các nhà khoa học chính trị Taylor Fravel và Evan Medeiros từng chỉ ra trên Foreign Affairs năm 2003, các nhà ngoại giao của Trung Quốc đã trở nên “khôn khéo hơn trong việc trình bày rõ ràng các mục tiêu của đất nước họ.”

Đội ngũ ngoại giao Trung Quốc dần trở nên quyết đoán hơn khi sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này gia tăng, đặc biệt là sau khi Tập trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản vào năm 2012. Nhưng bước ngoặt thực sự trong hoạt động ngoại giao của Trung Quốc – cái mà sau này được gọi là chủ nghĩa chiến lang – đã xuất hiện vào cuối những năm 2010. Theo phân tích của Yaoyao Dai và Luwei Rose Luqiu, tỷ lệ câu trả lời thù địch với câu hỏi tại các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2017-2020. Tương tự, nghiên cứu của Weifang Xu cho thấy tần suất các nhà ngoại giao Trung Quốc mô tả nước khác bằng những ngôn từ không hay trong các cuộc họp báo này đã tăng đáng kể vào năm 2019. Từ năm 2018 đến 2019, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã mở hơn 100 tài khoản Twitter mới. Dù phần lớn nội dung đăng trên các tài khoản này không có gì nổi bật, nhưng nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng những nền tảng này để tranh cãi với các nhà phê bình nước ngoài.

Thuật ngữ “chiến lang” đã trở nên quen thuộc từ trước khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc quyết định thay đổi định hướng ngoại giao. Chiến lang 2, phần thứ hai của loạt phim hành động nổi tiếng, được phát hành vào năm 2017. Loạt phim kể về một đơn vị đặc nhiệm hư cấu, được giao các nhiệm vụ khác thường để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Khẩu hiệu của cả hai phần phim – “Dù cách xa ngàn dặm, bất cứ ai đối đầu với Trung Quốc cũng sẽ phải trả giá” – dường như phù hợp với chiến dịch ngoại giao của Bắc Kinh nhằm chống lại các nhà phê bình nước ngoài. Tính đến năm 2020, khán giả ở cả trong và ngoài nước đều đã mô tả các nhà ngoại giao Trung Quốc ngoài đời thực là “chiến lang.”

NGOẠI GIAO PHI NGOẠI GIAO

Dù ngoại giao chiến lang nổi lên trong bối cảnh Trung Quốc đang có một sự chuyển đổi rộng hơn, sang một đại chiến lược quyết đoán hơn dưới thời Tập, nhưng thuật ngữ này chỉ đề cập đến một hiện tượng hẹp. Trên hết, nó mô tả một phong cách giao tiếp. Ngược lại với lối nói chuyện vui vẻ và dễ chịu thường thấy trong thế giới của các nhà ngoại giao, các chiến lang sử dụng giọng điệu tiêu cực, và quan trọng hơn là gây kích động. Trong cả những dịp giao tiếp chuyên môn và giao tiếp công cộng, họ đều cố tình chọn cách diễn đạt gợi nhiều cảm xúc và khá thẳng thừng.

Một đặc điểm nổi bật của chính sách ngoại giao chiến lang là nhấn mạnh vào sự chia rẽ giữa “chúng ta” và “bọn họ.” Các nhà ngoại giao Trung Quốc mô tả các quan chức nước ngoài là đạo đức giả, vô đạo đức, hoặc phi lý trong so sánh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người thể hiện sự nhất quán, chính trực, và hiểu thấu lẽ thường. Ví dụ, vào tháng 6/2021, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp nói rằng ông “rất vinh dự” được gọi là chiến lang và còn nhận xét thêm rằng những nhà ngoại giao này chỉ đơn giản là bảo vệ Trung Quốc khỏi “lũ chó điên” – tức các nhà phê bình nước ngoài.

Ý nghĩa của những phát biểu đầy sức gợi của các nhà ngoại giao Trung Quốc thường nằm trong mắt người xem. Khán giả nước ngoài nhìn chung cho rằng phong cách ngoại giao mới này là bất lịch sự và thiếu tế nhị. Chẳng hạn, nhiều học giả và nhà bình luận chính sách đối ngoại ở Mỹ đã mô tả các chiến lang của Trung Quốc là “nóng nảy,” “thái quá,” “cứng rắn,” “đối đầu,” và “hung hăng.” Tuy nhiên, theo chính các nhà ngoại giao Trung Quốc, những tuyên bố của họ chỉ là một phản ứng phòng thủ trước sự thù địch xung quanh họ. Vào tháng 5/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết các đại diện của nước này chỉ đơn giản là đang đính chính “những lời vu khống ác ý” và “những lời bôi nhọ vô cớ” nhắm vào Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Trung Quốc khác thì cho rằng “sự cần thiết phải chiến đấu như chiến lang” xuất phát từ thực tế là “trên thế giới này còn nhiều loài lang sói.”

NGUỒN GỐC NƯỚC NGOÀI

Bất kể là ở thời kỳ nào, dù là giai đoạn sôi nổi hay im lặng của chủ nghĩa dân tộc, dù là dưới sự cai trị tập thể hay cá nhân, một xu hướng nổi bật vẫn luôn tồn tại trong chính trị Trung Quốc: ĐCSTQ dị ứng với những lời chỉ trích đặt ra câu hỏi về quyền cai trị của chế độ. Lời chỉ trích này hiếm khi dẫn đến các cuộc thảo luận trong hội trường quyền lực ở Bắc Kinh. Thay vào đó, chúng khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngừng đối thoại và quay sang công kích những người dám chỉ trích. Do đó, khi những lời chỉ trích quốc tế nhắm vào Trung Quốc gia tăng vào cuối những năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã đáp trả bằng cách huy động các nhà ngoại giao của mình.

Trong giai đoạn đó, Trung Quốc đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của nước ngoài do các trại giam giữ ở Tân Cương và việc đàn áp các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi dưới thời Tổng thống Donald Trump, các quan chức Mỹ lại càng chỉ trích Bắc Kinh. Và những lời chỉ trích Trung Quốc đã xuất hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ của Trump; Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền này, được công bố vào tháng 12/2017, đã gọi Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại. Nhưng sự chỉ trích đối với hệ thống chính trị Trung Quốc đã tăng lên sau tháng 10/2018, khi Phó Tổng thống Mike Pence có bài phát biểu tại Viện Hudson, trong đó ông lên án Trung Quốc “can thiệp vào nền dân chủ của Mỹ.”

Làn sóng chỉ trích quốc tế đối với Trung Quốc lên đến đỉnh điểm cùng với đại dịch COVID-19. Dù một số lời chỉ trích có thể bị bác bỏ như một phản ứng bài ngoại vì cho rằng nguồn gốc của virus là từ Trung Quốc, nhưng phản ứng của các nhà lãnh đạo và truyền thông nước ngoài cũng đặt ra nghi vấn về tính chính danh của các thể chế nội bộ Trung Quốc. Họ chất vấn, tại sao chính phủ Trung Quốc lại chậm trễ trong việc ngăn chặn virus? Phải chăng Tập đã không thể thu thập thông tin chất lượng từ bộ máy hành chính? Phải chăng các nhà khoa học Trung Quốc đã bị bịt miệng? Phải chăng chính quyền địa phương đã bỏ qua các quy tắc và quy định của chính quyền trung ương? Xuyên suốt đại dịch, các nhà bình luận phương Tây cũng tranh luận về việc liệu hệ thống tập quyền của Trung Quốc sẽ hoạt động tốt hơn hay tệ hơn so với các mô hình dân chủ, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng của Trung Quốc trong việc sản xuất vaccine hiệu quả và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Phần lớn những lời chỉ trích các quyết định của Bắc Kinh có thể là chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là giá trị của lời chỉ trích mà là thời điểm mà chúng xảy ra: giai đoạn chỉ trích quốc tế gay gắt nhất lại trùng hợp với thời kỳ hoạt động mạnh nhất của các chiến lang Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Anchorage, Alaska, tháng 3/2021 © Frederic J. Brown / Pool / Reuters

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chỉ rõ mối liên hệ giữa những lời sỉ nhục của nước ngoài và các chiến thuật ngoại giao của chính họ. Cuối năm 2019, Triệu Lập Kiên – một chiến lang kiểu mẫu lúc đó đang phục vụ trong Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh – nói với BuzzFeed rằng đã đến lúc “các nhà ngoại giao Trung Quốc phải nói ra sự thật” để đáp lại những quan chức Mỹ đang “vu khống” và “nói xấu Trung Quốc.” Sang tháng 12/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành cũng đưa ra nhận xét tương tự, tuyên bố rằng “Giờ đây, khi [các nhà chỉ trích nước ngoài] đến trước sân nhà của chúng tôi, can thiệp vào công việc nội bộ, liên tục quấy rối, xúc phạm, và làm mất uy tín của chúng tôi, thì chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia và phẩm giá dân tộc.”

Một số nhà phân tích cho rằng động lực trong nước là nguyên nhân chính dẫn đến chủ nghĩa chiến lang. Họ thường quy kết sự trỗi dậy của các chiến lang là do yêu cầu của công chúng Trung Quốc hoặc mong muốn của các quan chức cấp thấp trong việc nhằm xoa dịu nhà lãnh đạo tối cao của đất nước. Theo cách lý giải thứ nhất, các nhà ngoại giao Trung Quốc, nhận thức được tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ ở trong nước, đã quyết định đáp ứng những lời kêu gọi từ dưới lên về một lập trường quyết đoán hơn đối với nước ngoài. Còn theo cách lý giải thứ hai, sau chiến dịch chống tham nhũng và thâu tóm quyền lực của Tập, các nhà ngoại giao lo sợ rằng ông và các cấp cao hơn trong Bộ Ngoại giao sẽ đặt câu hỏi về lòng trung thực chính trị của họ, và mối lo này buộc họ phải tự điều chỉnh thông điệp của mình theo hướng mà họ tin rằng Tập, người nổi tiếng với tham vọng chính sách đối ngoại, sẽ chấp thuận.

Cả hai cách lý giải này đều để lại nhiều điều chưa thể giải thích. Có rất ít bằng chứng cho thấy dư luận Trung Quốc đã chuyển hướng đáng kể vào cuối những năm 2010, đủ để thúc đẩy chiến thuật chiến lang tăng đột biến. Chủ nghĩa dân tộc đã nổi lên ở Trung Quốc kể từ những năm 1990, và đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Olympic năm 2008 – rất lâu trước khi có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc. Việc trao cho Tập một vai trò mờ nhạt trong việc tạo ra bầu không khí sợ hãi cũng che đậy sự thật rằng ông đã can thiệp trực tiếp vào hoạt động ngoại giao. Năm 2019, khi làn sóng ngoại giao chiến lang gần đây bắt đầu hình thành, Tập được cho là đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao Trung Quốc thể hiện “tinh thần chiến đấu” khi họ thực hiện nhiệm vụ của mình. Các nguồn tin ở Trung Quốc tin rằng hướng đi của Tập nhiều khả năng là kết quả của sự thất vọng của ông đối với tình trạng quan hệ Mỹ-Trung. Ông dường như tin rằng Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đương đầu với làn sóng chỉ trích quốc tế mà nước này phải đối mặt – và ông đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao của mình làm điều đó.

TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG

Chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc bắt đầu suy yếu dần từ năm 2021. Tháng 5 năm đó, Tập Cận Bình đã triệu tập một phiên họp tập thể của Bộ Chính trị, một diễn đàn để các lãnh đạo cấp cao của đảng lắng nghe các chỉ thị và hướng dẫn, thảo luận về các vấn đề liên lạc quốc tế của Trung Quốc. Diễn biến phiên họp không được công bố rộng rãi, nhưng có lẽ Tập đã sử dụng sự kiện này để ra lệnh cho bộ máy hành chính dừng triển khai chính sách ngoại giao thù địch đối với Mỹ và Tây Âu. Các học giả Samuel Brazys, Alexander Dukalskis, và Stefan Müller đã phát hiện những thay đổi trong các thông điệp hướng tới các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD từ các tài khoản Twitter liên kết với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các bộ phận khác của chính phủ Trung Quốc trong những tháng sau phiên họp.

Không phải ngẫu nhiên mà sự chuyển hướng của Trung Quốc sang chính sách ngoại giao ít hung hăng hơn lại xảy ra đúng vào lúc môi trường quốc tế trở nên ít thù địch hơn với Bắc Kinh. Những lời chỉ trích của nước ngoài, đặc biệt là từ chính phủ Mỹ, đã được giảm bớt dưới thời chính quyền Biden. Đúng là các quan chức Mỹ vẫn lên án các hành vi vi phạm nhân quyền, ca ngợi tính ưu việt của các thể chế dân chủ, và kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những lựa chọn mà họ không đồng tình. Tuy nhiên, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cũng sẵn sàng trấn an rằng mục tiêu của Washington không phải là thay đổi chế độ ở Bắc Kinh. Vào tháng 5/2022, Blinken khẳng định rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ “phải ứng phó với nhau trong tương lai gần.” Đến tháng 6/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell đã tuyên bố rõ ràng rằng việc tìm cách thay đổi chế độ ở Trung Quốc là “liều lĩnh và có thể không hiệu quả.”

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã nhìn thấy cơ hội ổn định quan hệ với nước ngoài, đặc biệt là với Mỹ và Tây Âu. Những người ra quyết định của Trung Quốc không muốn rơi vào tình trạng bị cô lập kéo dài, bởi điều đó sẽ làm suy yếu triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, cũng như cản trở hành trình tìm kiếm vị thế quốc tế của nước này. Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc chắc chắn đã khiến cách tiếp cận ngoại giao mềm mỏng trở nên hấp dẫn hơn đối với Bắc Kinh.

Ngoài động lực hàn gắn quan hệ, Tập cũng có thể đã chọn cách kiềm chế chính sách ngoại giao chiến lang vì nó đang làm suy yếu, thay vì củng cố, hình ảnh của Trung Quốc trước công chúng. Những bằng chứng tốt nhất hiện có đã chứng minh phong cách hung hăng đó không xoay chuyển được dư luận nước ngoài theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Thay vào đó, các thí nghiệm khảo sát của Weifang Xu đã cho thấy rằng thông điệp phỉ báng có xu hướng làm tăng sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Tương tự, các thí nghiệm của Daniel Mattingly và James Sundquist phát hiện ra rằng thông điệp tiêu cực về Mỹ không cải thiện một cách nhất quán thái độ đối với Trung Quốc ở các nước thứ ba, chẳng hạn như Ấn Độ – và thậm chí có thể dẫn đến tác động tiêu cực khi được đưa ra trong các cuộc đối đầu quân sự với Bắc Kinh. Các cuộc phỏng vấn do Dylan Loh thực hiện tiết lộ rằng một vài nhà ngoại giao và học giả Trung Quốc thừa nhận rằng chủ nghĩa chiến lang không hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những quan sát của họ có đến được tai những người ra quyết định cấp cao hay không, và thậm chí nếu có thì liệu điều này có dẫn đến quyết định hạ cấp các chiến lang hay không.

ĐÁNH ĐỔI

Xét cho cùng, những thăng trầm của chính sách ngoại giao chiến lang chính là một biểu hiện cho nhận thức của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về môi trường quốc tế và mối đe dọa mà nó gây ra đối với an ninh của chế độ. Hiểu biết trọng tâm này dẫn đến hai kết luận quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Thứ nhất, việc Trung Quốc giảm bớt giọng điệu gay gắt có thể không phải là vĩnh viễn. Đội ngũ ngoại giao của nước này đã chứng tỏ khả năng thích ứng nhanh chóng với các điều kiện đang thay đổi, và các nhà lãnh đạo đảng có thể một lần nữa sử dụng các chiến lang nếu điều đó phù hợp với lợi ích của họ.

Ngoài ra, Washington phải cân nhắc kỹ những tuyên bố rằng cách thức vận hành của chính phủ Trung Quốc có thể làm suy yếu cơ hội duy trì liên lạc giữa hai bên. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ thường cảm thấy cần phải chỉ trích hành động của các chính phủ nước ngoài khi những hành động đó trái ngược với các giá trị của Mỹ, và đôi khi là điều này là chính đáng. Khi đề cập đến các vấn đề như đàn áp các dân tộc thiểu số, người Mỹ có thể và nên tiếp tục lên tiếng về những gì mình tin tưởng.

Những lời chỉ trích đó có thể chính đáng, nhưng không có nghĩa là chúng không có một cái giá đi kèm. Nước Mỹ được hưởng lợi từ sự can dự ngoại giao với Trung Quốc, cho phép cả hai bên làm rõ quan điểm của mình, phân định các lằn ranh đỏ, và xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, như các cuộc đàm phán năm 2021 ở Alaska đã minh họa, những cơ hội như vậy sẽ bị lãng phí nếu các nhà ngoại giao của Bắc Kinh lại sử dụng chúng để bảo vệ quyền cai trị của chế độ. Hơn nữa, những nỗ lực công khai của Trung Quốc nhằm bảo vệ danh dự quốc gia bằng cách chỉ trích các nhà phê bình nước ngoài đã phủ sóng khắp các kênh truyền thông, theo đó càng gây khó khăn cho việc xác định quan điểm thực tế của Trung Quốc. Ngay cả khi Mỹ đã chấp nhận một quan hệ dựa trên cạnh tranh với Trung Quốc, việc khuyến khích các nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng khả năng ngoại giao hữu hạn của họ để kích động đối đầu là không phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải lưu ý đến cái giá phải trả khi họ đưa ra những tuyên bố mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem là một nỗ lực nhằm làm suy yếu tính chính danh trong nước của họ. Một cái bẫy mà Washington thường rơi vào là xem những lời chỉ trích của họ dành cho một chính phủ nước ngoài chỉ đơn giản là sự khẳng định các giá trị của Mỹ – và bỏ qua khả năng các nhà lãnh đạo của chính phủ đó sẽ xem lời chỉ trích là mối đe dọa đối với sự sống còn chính trị của họ. Đôi khi, việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc là phù hợp, hoặc thậm chí là nên làm. Nhưng nếu hình thức và tần suất chỉ trích đạt đến mức đe dọa đến cảm giác an toàn của ĐCSTQ, Washington có thể sẽ đối mặt với một phản ứng kiểu chiến lang, và lúc đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải quyết định xem liệu cái giá của các kênh ngoại giao này có xứng đáng hay không.

Tyler Jost là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Brown và là tác giả cuốn sách “Bureaucracies at War: The Institutional Origins of Miscalculation.”