Nguồn: 蔡东杰语中评:特朗普政策未提台湾 为何?, China Review News Agency, 11/07/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Vào ngày 8/7, bản dự thảo Cương lĩnh Đảng Cộng hòa năm 2024 của Đảng Cộng hòa Mỹ đã được tiết lộ. Nội dung trong đó phản ánh đường lối chính sách của ứng cử viên tổng thống Donald Trump và đây là lần đầu tiên trong 40 năm qua, Đài Loan không được đề cập đến. Trong một cuộc phỏng vấn với China Review News, Thái Đông Kiệt, giáo sư xuất sắc tại Viện nghiên cứu Chính trị Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Trung Hưng (Đài Loan), cho biết, Trump là người hiện thực chủ nghĩa 100% và mọi chính sách của chính trị gia này đều sẽ hướng tới lợi ích. Vì vậy, chính sách về eo biển Đài Loan của Trump cũng sẽ có sự thay đổi, nhất là khi xét thấy lợi ích đến từ việc hỗ trợ Đài Loan là có hạn.
Thái Đông Kiệt, tiến sĩ Chính trị học tại Đại học Chính Trị, hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tầm nhìn về khoa học xã hội và nhân văn, giáo sư xuất sắc trọn đời tại Viện nghiên cứu Chính trị Quốc tế, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản-Hàn Quốc của Đại học Quốc gia Trung Hưng. Ông cũng đảm nhận các chức vụ như chủ tịch Hiệp hội Trao đổi học thuật hai bờ Trung Hoa đương đại.
Đảng Cộng hòa Mỹ sẽ tổ chức đại hội toàn quốc từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7. Bản dự thảo Cương lĩnh Đảng Cộng hòa năm 2024 được công bố vào ngày 8, trong đó cho thấy trước chính sách kinh tế và thương mại “Trump 2.0”, bao gồm cả việc thu hồi quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc, cấm nước này mua bất động sản và các ngành công nghiệp của Mỹ, đồng thời tránh nhập khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau 40 năm, dự thảo này không đưa ra tuyên bố nào về lập trường đối với Đài Loan.
Thái Đông Kiệt cho rằng, các hiện tượng có liên quan phản ánh rằng, nếu Trump đắc cử vào tháng 11, chính sách ở eo biển Đài Loan sẽ có sự chuyển biến. Đây là điều có thể đoán trước được và nó không chỉ liên quan đến sự luân chuyển của các chính đảng. Mặc dù phần lớn giới cầm quyền hiện tại của Mỹ theo chủ nghĩa hiện thực, nhưng vẫn có những yếu tố của chủ nghĩa lý tưởng trong chính sách đối ngoại của nước này. Giới cầm quyền ngoại giao của Mỹ là sự kết hợp giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực. Tuy nhiên, Trump là người hiện thực chủ nghĩa 100% và luôn hướng tới lợi ích. Khi không có lý tưởng nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Đài Loan khó có thể cho nước này đủ lý do để nỗ lực.
Thái Đông Kiệt chỉ ra rằng, chủ nghĩa lý tưởng trong chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ hiện đang nắm quyền có thể là một sự sắp đặt mang tính chiến lược, chẳng hạn như “duy trì bá quyền”, Mỹ sẵn sàng đầu tư lực lượng vào Đài Loan để duy trì sự sắp đặt cao hơn như bá quyền. Nhưng đối với Trump, lợi ích thu được từ việc từ bỏ quyền bá chủ có thể sẽ còn lớn hơn. Mỹ hiện đang vướng vào việc phải chịu tổn thất lớn hơn cho bá quyền. Khi lên nắm quyền, Trump sẽ suy xét đến việc liệu Mỹ có nên tiếp tục chi trả cho khoản này hay không?
Ông nói, Trump có tính cách của một doanh nhân. Tục ngữ có câu, “tráng sĩ có thể chặt đứt tay mình nếu bị rắn cắn”. Hy sinh cổ tay thì có thể sống sót, nếu không có thể sẽ phải bỏ mạng. Với Trump, một người hiện thực chủ nghĩa 100%, nếu nước Mỹ có thể tồn tại khi từ bỏ bá quyền, vậy thì Trump sẽ lựa chọn từ bỏ bá quyền mà không chút do dự. Trump là một doanh nhân và một người hiện thực chủ nghĩa, dù có tính toán ra sao thì lợi ích của Mỹ trong việc hỗ trợ Đài Loan cũng đều không đáng kể.
Thái Đông Kiệt cho rằng, Trump luôn hướng tới lợi ích nên đối với Mỹ, việc hỗ trợ Đài Loan chỉ là vấn đề “làm thế nào để bán Đài Loan với giá tốt”. Trong mắt Trump, “Đài Loan là một món hàng” và có thể được định giá. Nếu có thể bán Đài Loan với giá tốt vào đúng thời điểm, Trump không có lý do gì để tiếp tục ủng hộ Đài Loan, điều này cũng được thể hiện trong nội dung cương lĩnh của Đảng Cộng hòa.
Về hướng đi của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Thái Đông Kiệt nói, Biden của Đảng Dân chủ, người đang nỗ lực tái đắc cử, có khả năng thua tương đối cao. Có thể thấy rằng, Biden đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 9 và công khai thể hiện lập trường cứng rắn, cho dù đó là đối với Trung Quốc hay Nga. Họ đang cố gắng đẩy mạnh thanh thế thông qua chính sách đối ngoại, nhưng lại không có cách nào để ghi thêm điểm trong các vấn đề đối nội. Với tư cách là tổng thống đương nhiệm, Biden đang đối mặt với tình thế khó khăn của các cuộc thăm dò ảm đạm, và chỉ có thể sử dụng bá quyền còn lại của Mỹ để ghi thêm điểm trong ngoại giao, nhưng điểm số này khá ít ỏi. Suy cho cùng, cuộc bầu cử tổng thống là vấn đề nội bộ. Mối quan tâm chủ yếu của phần lớn cử tri là các vấn đề trong nước.
Thái Đông Kiệt tin rằng, mặc dù Biden có thể ghi điểm thông qua công tác đối ngoại, nhưng ở một khía cạnh nào đó, điều đó chỉ đủ để ngăn điểm ban đầu của ông không giảm thêm. Nó chỉ bù đắp được một chút, chứ không thể đảo ngược bất lợi trong các cuộc thăm dò trước mắt của Biden. Điều đó chỉ đủ để tránh sự sụp đổ mà thôi.
Vì vậy, Thái Đông Kiệt chỉ ra rằng, lời kêu gọi “thay thế Biden” trong Đảng Dân chủ chỉ mới diễn ra gần đây, nhưng thẳng thắn mà nói, dù Đảng Dân chủ có thay thế Biden hay không thì kết quả cũng sẽ không thay đổi nhiều. Nói một cách chính xác, sau khi được xác định là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa thì cho đến nay, Trump vẫn luôn chiếm thế thượng phong. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, dù có thay Biden hay không thì cục diện cũng không thay đổi.
Cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 11, Thái Đông Kiệt cho rằng đã quá muộn để thay tướng vào thời điểm này. Nếu Đảng Dân chủ thay tướng trước khi cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa có kết quả thì có lẽ vẫn còn cơ hội, nhưng hiện giờ đã đang trong quá trình bầu cử, việc “thay thế Biden” chắc chắn không phải là một hành động khôn ngoan.
Thái Đông Kiệt cho rằng, đối với Đảng Dân chủ, việc “thay thế Biden” lúc này không phải để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, mà là vì lợi ích của toàn bộ quá trình tuyển cử và thậm chí là cho cả sự sắp đặt sau cuộc bầu cử. Nếu không thay thế lúc này, mọi thứ sẽ phải đợi cho đến sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Vì vậy, việc “thay thế Biden” được đưa ra hiện giờ, ở một khía cạnh nào đó, thực chất là một cuộc đấu đá nội bộ sau cuộc bầu cử nhưng được tiến hành trong quá trình bầu cử, mục đích của nó không phải bản thân cuộc bầu cử, mà là cuộc chiến tranh giành quyền lực trong “kỷ nguyên hậu Biden”.
Thái Đông Kiệt chỉ ra rằng, nhiều nhận xét chủ quan và dữ liệu khách quan cho thấy, khả năng Biden thua là rất cao, trừ khi có một biến số thần kỳ nào đó xuất hiện, nếu không Biden sẽ rất khó giành chiến thắng. Về cơ bản, toàn bộ cuộc bầu cử đã bắt đầu kể từ khi Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa. Biden đang tụt lại phía sau về mọi mặt. Ai nấy đều biết, Biden hiện chỉ có lợi thế là người đương nhiệm, vậy nên chỉ có thể cố gắng tận dụng lợi thế của người đương nhiệm để thu hẹp khoảng cách giữa hai bên trong phạm vi cho phép.