Thế giới hôm nay: 22/07/2024

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden rút lui khỏi cuộc đua tổng thống, đồng thời nói rằng “việc tôi rút lui là vì lợi ích tốt nhất của đảng và đất nước.” Ông sẽ tại vị đến hết nhiệm kỳ này. Ông Biden đưa ra thông báo trên sau nhiều tuần áp lực từ các đảng viên cấp cao của đảng Dân chủ buộc ông phải nhường lại đề cử của đảng cho một ứng viên trẻ hơn. Một số nhà lập pháp hàng đầu, bao gồm lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, đã ca ngợi quyết định của ông Biden. Song chủ tịch Hạ viện Mike Johnson của đảng Cộng hòa lại cho rằng nếu ông Biden “không phù hợp để tranh cử tổng thống thì ông cũng không phù hợp để làm tổng thống” và nên từ chức.

Trong khi đó ngày càng có nhiều đồn đoán về ứng cử viên mới của đảng Dân chủ. Ông Biden đã “hoàn toàn ủng hộ và tán thành” Kamala Harris, phó tổng thống của ông, và kêu gọi đảng “đoàn kết và đánh bại Trump.” Bà Harris nói bà có ý định “giành được và thắng đề cử.” Thống đốc Gretchen Whitmer của bang Michigan, người được coi là một ứng viên tiềm năng, dường như đã loại mình khỏi cuộc đua thay thế ông Biden.

Tòa án Tối cao Bangladesh đã bãi bỏ hầu hết các hạn ngạch việc làm chính phủ dành cho con cháu của các cựu chiến binh trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971 của đất nước. Chương trình này gây nhiều tranh cãi; và trong những ngày gần đây, nó đã làm dấy lên biểu tình rộng rãi do sinh viên lãnh đạo, khiến Bangladesh rơi vào hỗn loạn và làm cho ít nhất 100 người thiệt mạng. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Sheikh Hasina, thủ tướng Bangladesh, giành được nhiệm kỳ thứ năm vào đầu năm nay.

Quân đội Ukraine ở Donetsk đã rút khỏi làng Prohres để tránh bị quân Nga bao vây. Việc rút lui được báo cáo bởi DeepState, một tổ chức tình báo nguồn mở. Trong những ngày gần đây, quân đội Ukraine cũng đã phải bỏ Krynky, một ngôi làng ở bờ đông sông Dnipro, vì tổn thất nặng nề. Nhưng mặc dù Nga có nhiều nhân lực, kho vũ khí thời Liên Xô có thể đang cạn kiệt.

Nippon Steel cho biết họ đã thuê Mike Pompeo, cựu ngoại trưởng dưới thời Donald Trump, để giúp vận động hành lang cho việc mua lại US Steel. Thỏa thuận này bị cả Joe Biden và ông Trump phản đối. Nippon nói rằng ông Pompeo – người trước đây từng lãnh đạo CIA – sẽ giúp truyền đạt quan điểm của công ty rằng thỏa thuận này giúp củng cố “an ninh kinh tế và quốc phòng” của Mỹ.

Israel cho biết họ đã không kích vào các mục tiêu quân sự trong và xung quanh Cảng Al Hudaydah ở Yemen. Các đòn tấn công nhắm vào Houthi, một lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã nhận trách nhiệm một vụ tấn công bằng máy bay không người lái khiến một người thiệt mạng và khoảng 10 người khác bị thương ở Tel Aviv hôm thứ Sáu. Quân đội Israel cho biết động thái mới nhất là nhằm đáp trả “hàng trăm cuộc tấn công” của Houthi vào Israel trong những tháng gần đây.

Microsoft cho biết khoảng 8,5 triệu máy tính đã bị vô hiệu hóa do sự cố CrowdStrike toàn cầu vào thứ Sáu. Công ty cho biết, mặc dù con số này chỉ chiếm chưa đến 1% số máy chạy hệ điều hành của Microsoft, nhưng nhiều thiết bị bị ảnh hưởng được dùng cho các dịch vụ quan trọng. Vụ việc xảy ra do bản cập nhật phần mềm mang lỗi của CrowdStrike, một công ty an ninh mạng. Các chuyên gia CNTT cho biết các doanh nghiệp có thể mất vài tuần để phục hồi.

Con số trong ngày: 7,5 triệu, là số người có thể bị trục xuất khỏi Mỹ nếu Donald Trump trở thành tổng thống tiếp theo, theo một ước tính.

TIÊU ĐIỂM

Liệu Kamala Harris có trở thành ứng viên của đảng Dân chủ?

Tổng thống Joe Biden đã dừng chiến dịch tái tranh cử vào ngày 21 tháng 7, kết thúc một tuần bận rộn trên chính trường Mỹ. Khi đảng Cộng hòa cổ vũ Donald Trump – người chỉ vài ngày trước sống sót sau một vụ ám sát – tại đại hội ở Milwaukee, ông Biden đã rút lui khỏi các sự kiện vì dương tính với covid. Và áp lực từ các nhà lập pháp Dân chủ thúc giục tổng thống 81 tuổi từ bỏ nỗ lực tranh cử ngày càng nặng nề hơn.

Nhưng con đường phía trước khó có thể bằng phẳng. Ông Biden nhanh chóng hậu thuẫn phó tổng thống Kamala Harris. Các đảng viên Dân chủ đầy quyền lực, bao gồm cả Bill và Hillary Clinton, cũng ủng hộ bà — nhưng Barack Obama, tại thời điểm hiện tại, thì không. Thay vào đó, ông và những người khác như cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dường như ủng hộ một cuộc tranh cử vội vã trong vài tuần tới, thay vì ngay lập tức chọn bà Harris tại đại hội đảng vào tháng sau ở Chicago. Nhưng nhiều ứng viên Dân chủ tiềm năng khác có thể sẽ từ chối thách thức phó tổng thống đương nhiệm và thay vào đó đi vận động để trở thành phó tướng của bà.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và bài toán lãi suất

Nhiều tổ chức chính phủ thường suy nghĩ ngắn hạn. Họ để cái trước mục tiêu mắt đánh bật mục tiêu lâu dài. Nhưng ngân hàng trung ương Trung Quốc thì không như vậy. Họ đứng trước mối đe dọa khẩn cấp của giảm phát: giá cả đã giảm trong 5 quý liên tiếp theo một thước đo. Trong một tình huống như thế, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ giảm lãi suất ngay lập tức. Nhưng Trung Quốc đã không cắt giảm lãi suất chính sách trong nhiều tháng. Hôm nay các ngân hàng trong nước, vốn giảm lãi suất lần cuối đối với các khoản vay 5 năm vào tháng 2, dự kiến ​​sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất.

Thay vào đó, ngân hàng trung ương bận rộn với những điều chỉnh quan trọng cho bộ công cụ của mình. Họ đã thu hẹp “biên độ” cho phép lãi suất ngắn hạn dao động xung quanh mục tiêu chính sách. Họ cũng cho biết sẽ bán trái phiếu chính phủ, bao gồm một số trái phiếu vay từ các tổ chức tài chính khác, nếu cần thiết để ngăn chặn bong bóng trái phiếu. Có lẽ là tốt nếu bỏ qua những vấn đề cấp bách nhưng không quan trọng. Chỉ có điều, giải quyết vấn đề giảm phát vừa cấp thiết vừa quan trọng.

Rạn nứt trong thượng tầng chính trị Philippines?

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos sẽ đọc thông điệp quốc gia hàng năm trước Quốc hội vào thứ Hai. Dưới thời ông Marcos và phó tổng thống Sara Duterte, đất nước đã có hai năm hầu như không gặp rắc rối gì trước những bất hoà vốn là thông lệ giữa các triều đại chính trị. Ông Marcos và bà Duterte đều thuộc hai trong những triều đại đó, được thành lập bởi người cha tổng thống của họ. Liên minh do hai người con thành lập đã gác lại cuộc cạnh tranh giành chức tổng thống để huy động lực lượng ủng hộ đông đảo của cả hai gia đình, giúp ông Marcos được bầu trước. Khi đó người ta kỳ vọng bà Duterte sẽ là tổng thống tiếp theo vào năm 2028.

Nhưng vào tháng 6, bà Duterte bất ngờ từ chức khỏi nội các của ông Marcos, dù vẫn giữ chức phó tổng thống. Cả hai vẫn chưa đưa ra lời giải thích thuyết phục cho động thái rạn nứt này. Do đó, Quốc hội – và Philippines nói chung – sẽ chăm chú lắng nghe bài phát biểu hàng năm của ông Marcos, cố gắng xem liệu liên minh Marcos-Duterte có thể tồn tại hay không. Triển vọng của nó có vẻ mờ mịt: bà Duterte sẽ không tham dự sự kiện này.

Tình hình đẩy lùi bệnh AIDS

Vào thứ Hai, Hội nghị Quốc tế về AIDS lần thứ 25 sẽ khai mạc tại Munich. Hội nghị sẽ tập trung vào việc kiểm soát để căn bệnh này không còn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Điều đó có nghĩa là, trên hết, đảm bảo càng nhiều càng tốt những người đã bị nhiễm được sử dụng thuốc kháng virus thích hợp. Làm vậy không chỉ cứu sống họ, mà còn ngăn sự lây truyền HIV, loại virus gây ra bệnh AIDS.

Ngoài ra, đối với những người chưa bị nhiễm bệnh nhưng cảm thấy có nguy cơ, ngày càng có nhiều kỹ thuật dự phòng đang được phát triển, triển khai, và đơn giản hóa. Chúng bao gồm thuốc PrEP, giúp giảm 99% nguy cơ nhiễm HIV do quan hệ tình dục. Mục đích là làm cho các loại thuốc này thân thiện hơn với người dùng, và trong một số trường hợp, khó bị phát hiện nhằm tránh làm mất lòng đối tác.

Trên thực tế, năm 2030 có lẽ là một mục tiêu quá tham vọng. Nó được Liên Hợp Quốc đặt ra dựa trên một số giả định lạc quan về nguồn tài trợ. Nhưng ngay cả khi không đạt được mốc 2030, chúng ta cũng có thể tự tin rằng bệnh AIDS giờ đây đã có thể bị chinh phục.