Thị trường bất động sản mâu thuẫn với ‘Trung Hoa mộng’ của Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “‘Chinese dream’ gives way to an urban legend in Shenzhen,” Nikkei Asia, 01/08/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Đau đầu về vấn đề bất động sản, các cặp vợ chồng Trung Quốc đã giả ly hôn để vay vốn.

Trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài ở Trung Quốc, một “truyền thuyết đô thị” đã bắt đầu lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nước này: Thâm Quyến, siêu đô thị với hơn 12 triệu dân ở tỉnh Quảng Đông, đang phải hứng chịu một đợt bùng nổ số người ly hôn.

“Truyền thuyết đô thị” này bắt đầu lan truyền vào mùa thu, khi hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 dự kiến sẽ được tổ chức.

Tại Thâm Quyến – một biểu tượng cho sự trỗi dậy nhanh chóng đáng kinh ngạc của Trung Quốc, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – ngày càng có nhiều cặp vợ chồng từng chật vật bán căn hộ chung cư của họ giữa lúc thị trường bất động sản suy giảm bỗng bất ngờ biến ngôi nhà của họ thành tiền mặt một cách kỳ diệu thông qua các vụ ly hôn giả.

Chí ít thì đó là cách câu chuyện thường được kể, có lẽ bởi một doanh nhân quen thuộc với thị trường bất động sản địa phương. Người này đã nghe nói về một cặp vợ chồng trung niên đang điều hành một doanh nghiệp. Ông kể rằng, khi công việc kinh doanh của họ đang phát đạt, cặp vợ chồng có một con này đã bỏ ra một số tiền và vay thêm một khoản lớn để mua một căn hộ sang trọng ở Thâm Quyến với giá hơn 1,3 triệu USD.

Những tòa nhà chọc trời ở Thâm Quyến. Các cặp vợ chồng trong thành phố này giả vờ ly hôn để được chấp thuận cho vay mua nhà, rồi dùng tiền cho việc khác. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Thế rồi, COVID ập đến và bong bóng bất động sản nổ tung, giáng một đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh của hai vợ chồng. Cặp đôi cố gắng bán căn hộ quý giá của mình để trả khoản nợ tồn đọng và đảm bảo vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của họ nhưng không thể tìm được người mua khi thị trường xuống giá.

Vì vậy, họ lập ra một kế hoạch liên quan đến việc ly hôn, nhưng chỉ là giả vờ thôi. Sau khi ly hôn, người chồng cũ giao căn hộ cho vợ để cô chăm sóc con.

Tiếp đến, cặp vợ chồng ly hôn sống riêng một thời gian. Sau đó không lâu, người vợ, vì không thể chịu đựng được gánh nợ lớn, đã quyết định rao bán căn hộ.

Ai đã xuất hiện để mua nó? Chính là người chồng cũ.

Giờ đây, anh ta có thể vay tiền mua nhà khi những hạn chế nghiêm ngặt trước đây về mua nhà đã được nới lỏng. Các yêu cầu thanh toán trước dễ dàng hơn và lãi suất giảm cũng có lợi cho người chồng cũ.

Nhờ khoản vay mới đó, người chồng đã có một nguồn tiền lớn, đủ để trả khoản vay cũ và đảm bảo vốn lưu động cho công việc kinh doanh của hai vợ chồng.

Sự việc lên đến đỉnh điểm khi anh ta cố tình không trả khoản vay, chủ nợ đến tịch thu căn hộ và đem ra bán đấu giá.

Về cơ bản, chủ nợ vừa mua căn hộ từ những nhân vật trong truyền thuyết đô thị, những người không chỉ thành công trong việc kiếm tiền từ một tài sản không có thanh khoản, mà còn đảm bảo vốn lưu động cho doanh nghiệp của họ.

Dễ hiểu tại sao câu chuyện này lại được chấp nhận. Nguyên nhân nằm ở “sự đáng tin hợp lý.” Những giá trị gia đình truyền thống đang sụp đổ ở các thành phố lớn của Trung Quốc, và ly hôn là chuyện rất đỗi bình thường. Tỷ lệ ly hôn ở Thâm Quyến những năm gần đây thuộc hàng cao nhất Trung Quốc.

Người ta nói rằng ở thành phố này cứ hai cặp vợ chồng thì có một cặp ly hôn. Đơn ly hôn ở Thâm Quyến thực sự rất nhiều, nhưng rất khó để ngay lập tức xác định liệu có đơn nào là giả hay không.

Khi giá nhà ở Trung Quốc tăng vọt, đã xuất hiện tin đồn rằng một số người đã giành được quyền mua căn hộ thứ hai thông qua ly hôn giả, qua đó lách luật hạn chế số lượng nhà có thể mua.

Khi tin đồn cũ này lan truyền, chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng hành động để lấp lỗ hổng này.

Một nguồn tin Trung Quốc quen thuộc với các xu hướng trên mạng xã hội đã chỉ ra rằng truyền thuyết ly hôn ở Thâm Quyến “đã bị phóng đại quá mức hoặc bịa đặt hoàn toàn” bởi các tài khoản cố gắng thu hút lượt xem.

Tuy nhiên, một nguồn tin khác trong ngành truyền thông nói rằng bản thân câu chuyện này không quan trọng bằng việc nó đã nhận được sự chú ý. Nguồn tin này cho biết: “Phần cốt lõi của câu chuyện được nhiều người cho là đúng.”

Truyền thuyết này cũng quan trọng vì cách người Trung Quốc ở các vùng khác của đất nước nhìn nhận về cư dân Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở chính của gã khổng lồ xe điện BYD và gã khổng lồ điện tử Huawei. Ấn tượng của những người dân bình thường ở những nơi khác là những người đổ xô đến Thâm Quyến để tìm kiếm “giấc mơ Trung Hoa” sẽ làm mọi cách để tránh phải chịu tổn thất.

Một góc nhìn từ trên không của trụ sở toàn cầu của Huawei ở Thâm Quyến. Người dân đã từ khắp nơi đổ về Thâm Quyến để theo đuổi “giấc mơ Trung Hoa”. © Getty Images

Cuối cùng, câu chuyện đã có thể in sâu vào tâm lý người dân Trung Quốc trong bối cảnh bất bình lan rộng trước thất bại của chính phủ trong việc đưa Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Có lẽ người Trung Quốc chấp nhận câu chuyện này vì nó cho phép họ gián tiếp trút bỏ nỗi thất vọng. Đối với những người Trung Quốc giàu có sở hữu một hoặc nhiều bất động sản, sự thất vọng đó bắt nguồn từ việc tài sản của họ đã bị sụt giá rất mạnh. Đối với người Trung Quốc bình thường không sở hữu bất động sản, sự thất vọng đến từ việc nền kinh tế trì trệ kéo dài khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn.

Hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa 20 cuối cùng đã được tổ chức vào giữa tháng 7. Nhưng cuộc họp quan trọng này đã không mang lại cách giải tỏa cơn tức giận dồn nén này. Bên cạnh cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay, vấn đề lớn nhất trong việc giải quyết khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là cải cách thuế và những người giàu với nhiều lợi ích đã phản đối mạnh mẽ cải cách đó.

Vấn đề lớn nhất là cải cách thuế và những người giàu đã phản đối mạnh mẽ cải cách đó.

Tại Trung Quốc, nơi đất đai thuộc sở hữu nhà nước, không có thuế đối với bất động sản đối với nhà ở dân cư, ngay cả đối với những người siêu giàu sở hữu nhiều bất động sản. Cũng không có thuế thừa kế.

Kết quả là, khoảng cách giàu nghèo đã tồn tại nhiều thế hệ. Thật trớ trêu khi một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa xã hội thay vào đó đã để cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Trung Quốc không thể cải cách phương thức đánh thuế bất động sản một phần vì những người có quyền lợi chồng chéo là cán bộ đảng.

Các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị – từ trái sang: Lý Hy, Thái Kỳ, Triệu Lạc Tế, Tập Cận Bình, Lý Cường, Vương Hỗ Ninh, và Đinh Tiết Tường – tham dự hội nghị trung ương ba tại Bắc Kinh. © AP

Sau hội nghị trung ương ba, một thông cáo và một nghị quyết đã được ban hành. Trong khi thông cáo không đề cập đến thuế bất động sản, nghị quyết nói rằng “những cải tiến sẽ … được thực hiện đối với hệ thống thuế trong lĩnh vực bất động sản.” Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nghĩ rằng những lời này sẽ được thực hiện một cách có ý nghĩa.

Bất kỳ biện pháp cải cách táo bạo nào cũng sẽ không thực sự được triển khai cho đến khi điều đó được nêu rõ trong một thông cáo. Mọi nghị quyết sau này chỉ phản ánh lý tưởng của các quan chức đảng.

Bài học đó đã được rút ra từ hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 tháng 11/2013.

Đây là hội nghị đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương kể từ khi Tập Cận Bình lên đảm nhận chức vụ chủ tịch nước Trung Quốc 8 tháng trước đó. Ông đã trở thành Tổng Bí thư đảng trước đó 5 tháng.

Toàn văn nghị quyết được đưa ra sau hội nghị trung ương ba năm 2013 đề xuất cải thuế bất động sản và các loại thuế khác đã bị bỏ qua trong thông cáo của cuộc họp.

Nghị quyết năm 2013 đề cập đến cải cách thuế liên quan đến bất động sản rõ ràng hơn so với nghị quyết của hội nghị trung ương ba gần đây. Nó cho biết Trung Quốc sẽ “đẩy nhanh” các quy định liên quan đến thuế tài sản và “tiến hành cải cách kịp thời.”

Tuy nhiên, trong suốt 11 năm qua, Trung Quốc đã thực sự thụt lùi về vấn đề thuế tài sản tồn tại từ lâu.

Gia đình Tập có quan hệ kinh tế với Thâm Quyến. Sau khi Đặng Tiểu Bình công bố chính sách “cải cách và mở cửa” vào những năm 1970, cha của Tập Cận Bình, Tập Trọng Huân, lúc đó là Bí thư thứ nhất tỉnh Quảng Đông, đã bắt đầu phát triển Thâm Quyến.

Tập Cận Bình (trái) cùng cha là Tập Trọng Huân năm 1958. Tập Trọng Huân bắt đầu phát triển Thâm Quyến vào những năm 1970. © Getty Images

Tập Trọng Huân và vợ đã dành phần lớn những năm cuối đời ở thành phố phía nam giáp Hong Kong. Trong khi đó, chị gái của Tập Cận Bình và chồng bà là doanh nhân có tiếng ở Thâm Quyến.

Với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, Tập đang ủng hộ chính sách “thịnh vượng chung” nhằm khắc phục sự chênh lệch về thu nhập. Các biện pháp cải cách thu nhập và thuế khác nhằm đưa Trung Quốc tiến một bước gần hơn tới chủ nghĩa xã hội đã được đề xuất tại hội nghị trung ương ba gần đây.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu chính quyền Tập có thể bịt miệng các nhóm lợi ích và bắt đầu những cải cách táo bạo liên quan đến thuế bất động sản hay không.

Chắc chắn rằng những người ly hôn ở Thâm Quyến – hay những người dân bình thường của thành phố đang rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính – đang háo hức chờ đợi tin tức về diễn biến của câu chuyện này.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.