Nguồn: Thần Phong, 晨枫:内塔尼亚胡正注视着“地狱之门”的打开, Guancha, 02/08/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Ngày 31/7, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở Tehran, thủ đô của Iran. Đây là một sự leo thang khác của cuộc xung đột Israel-Palestine kể từ khi Israel tấn công Lebanon trong những ngày gần đây.
Cuộc tấn công này của Israel chắc chắn sẽ khơi dậy lòng căm thù nơi người dân Palestine một lần nữa. Kể từ chiến dịch “Cơn lũ Al-Aqsa” vào tháng 10 năm ngoái, người dân Palestine đã thể hiện tinh thần chống lại Israel với một quyết tâm mạnh mẽ. Trong cuộc tiến công, Hamas đã thể hiện năng lực tổ chức và quân sự xuất sắc, đồng thời cũng thể hiện được ý chí chiến đấu kiên cường sau khi quân đội Israel xâm chiếm Gaza, điều này hoàn toàn khác với cách mà quân đội Ả Rập đã đầu hàng trong cuộc chiến Ả Rập-Israel trước đây. Trong điều kiện cực kỳ gian khổ, Hamas đã điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với tình hình, vừa kiên cường chiến đấu, vừa tránh những hành động mù quáng, tác chiến hết sức bài bản.
Kể từ ngày 7 tháng 10 năm ngoái, các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza đã khiến 39.324 người Palestine thiệt mạng và 90.830 người bị thương. Về mặt quân sự, Hamas không thể giữ quân đội Israel bên ngoài Gaza. Chỉ cần sẵn sàng chịu đủ thương vong, quân đội Israel có đủ khả năng chiếm đóng Gaza. Đây không phải vấn đề, vấn đề là quân đội Israel phải tốn bao nhiêu phí tổn để đạt được mục tiêu gì.
Đối với Netanyahu, bước tiếp theo là làm tốt công tác chuẩn bị.
Iran đã thề sẽ báo thù. Lần trước là khi chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hải ngoại bị giết ở Syria, nhưng dù sao thì cũng là ở nước ngoài, mà còn là lực lượng hải ngoại vốn là quân cảm tử, thế nên Iran đã trả đũa kiểu “sấm to, mưa nhỏ” một cách tượng trưng. Còn lần này thì trực tiếp đến Tehran và còn là với khách quý của Iran. Đây không chỉ là vấn đề thể diện. Iran đã lớn tiếng tuyên bố rằng sẽ báo thù, nhưng việc liệu nước này sẽ có hành động trực tiếp hay gián tiếp thông qua Hezbollah và Hamas thì hiện giờ chỉ có thể suy đoán.
Đối với Hamas, sự leo thang rõ rệt là một khía cạnh, còn việc trực tiếp hợp tác với Iran lại là một khía cạnh khác. Xét cho cùng, Hamas và Iran trước đây vẫn tồn tại cuộc tranh chấp giữa người Sunni và người Shia. Giờ đây, với cuộc hòa giải Saudi Arabia-Iran và Tuyên bố Bắc Kinh, cùng với “tình hữu nghị máu thịt” được cố kết sau cái chết của Haniyeh, mối quan hệ này chắc chắn sẽ trở nên sâu sắc hơn rất nhiều, qua đó gia tăng mối đe dọa lâu dài đối với Israel.
Điều đáng chú ý là cũng đang có những biến chuyển rõ rệt trong dư luận Israel, đó là việc chuyển từ trọng tâm ban đầu là trừng phạt nghiêm khắc và tiêu diệt Hamas sang ưu tiên giải cứu con tin. Không giống với vài tháng trước, giờ đây ở Israel, ngày càng có nhiều người chú ý đến thương vong của quân đội Israel, vậy nên tâm lý ghét chiến tranh và những tâm lý cực đoan khác nảy sinh từ đó cũng đang “lên men” trên quy mô lớn.
Sau hơn nửa năm giằng co, điều quan trọng nhất lúc này là có thể đạt được mục đích gì thông qua cuộc chiến? Hay nói cách khác, kết cục mà Israel có thể mong đợi là gì?
Đối với vấn đề này, giữa quân đội và chính phủ Israel cũng như giữa Israel và Mỹ tồn tại sự bất đồng sâu sắc. Việc các yêu cầu đối với Israel của Biden bị Netanyahu đẩy lùi nhiều lần trong vài tháng qua đã không còn là tin tức. Mà đối với việc sẽ tác chiến ra sao, Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Gallant cũng không có sự đồng lòng.
Chỉ cần khả thi về mặt quân sự, quân đội Israel luôn sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh tiêu diệt triệt để Hamas. Gallant từng là tư lệnh của Bộ Tư lệnh miền Nam Israel, ông chỉ huy chiến dịch Cast Lead tấn công vào Gaza từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009 và đã chiến đấu quyết liệt với Hamas. Gallant không yêu mến gì Hamas và rất quen thuộc với Gaza.
Với tư cách là thủ lĩnh chính trị tối cao của quân đội Israel, Bộ trưởng Quốc phòng phải chịu trách nhiệm chính trị đối với quân đội Israel. Là một cựu quân nhân chuyên nghiệp và một cựu chỉ huy cấp cao quen thuộc với Gaza và Hamas, Gallant phải đảm bảo rằng quân đội Israel nhận được những mệnh lệnh có thể thực hiện được, thay vì những ý tưởng không khả thi được thúc đẩy bởi óc tưởng tượng chính trị.
Gallant không phải là nhân vật duy nhất thuộc giới thượng tầng có mâu thuẫn với Netanyahu. Cựu tham mưu trưởng Eisenkot từng công khai chỉ ra rằng, “thắng lợi hoàn toàn” của Netanyahu ở Gaza là một trò mị dân. Ở Israel, một nhóm nhỏ các cựu tham mưu trưởng mới là những vị “trưởng lão” được kính trọng nhất. Họ đại diện cho những người lính và nhận được sự kính trọng cao nhất. Eisenkot không chỉ tự mình chiến đấu trong biển máu, con trai ông còn bỏ mạng ở Gaza nên ông hoàn toàn có quyền phát ngôn.
Tuy nhiên, với tư cách là Thủ tướng, Netanyahu chỉ quan tâm đến các ý tưởng chính trị và việc ban hành mệnh lệnh, còn chuyện thực hiện như thế nào là việc của Bộ trưởng Quốc phòng và quân đội. Đối với Netanyahu, việc tiêu diệt triệt để Hamas là ưu tiên chính trị hàng đầu. Điều đó không chỉ liên quan đến sự nghiệp chính trị của cá nhân Netanyahu, mà còn liên quan đến tương lai của Israel.
Netanyahu cũng từng phục vụ trong quân đội, nhưng chỉ là từng nhập ngũ giống như tất cả những người Israel không được miễn nghĩa vụ quân sự khác. Với tư cách là Thủ tướng, tính khả thi về mặt quân sự không phải là mối quan tâm lớn nhất của ông, “Tôi ra lệnh cho anh. Anh phải chấp hành vô điều kiện, còn chấp hành như thế nào là việc của anh.”
Ba anh em Netanyahu đều là thành viên của đội trinh sát tinh nhuệ nhất của quân đội Israel. Theo hồi ức của người em trai Iddo, khi anh trai thứ hai (tên thật là Benjamin, tên thường gọi là Bibi) sắp xuất ngũ, quân đội Israel muốn thăng Benjamin lên làm sĩ quan nhưng ông đã từ chối và đến MIT ở Mỹ để học kiến trúc, sau đó học tiếp MBA tại MIT. Khi Benjamin đang học tiếp tiến sĩ ngành chính trị học, anh cả Yonatan của ông đã bỏ mạng trong cuộc chiến.
Netanyahu bước vào chính trường bằng các vấn đề an ninh. Trên phổ chính trị, ban đầu Netanyahu thuộc cánh hữu, nhưng trong những năm gần đây, ông ngày càng nghiêng về cực hữu. Trên thực tế, chính phủ Israel đã vào độ chỉ có thể duy trì quyền lực bằng cách dựa vào chủ nghĩa Phục quốc Do Thái cực đoan và các thế lực tôn giáo.
Ai ở Israel cũng đều mong muốn hòa bình. Điểm khác biệt là cánh hữu nghiêng về “ép buộc hòa bình bằng vũ lực” còn cánh tả nghiêng về “đổi đất lấy hòa bình”. Đối với cánh hữu của Israel với đại diện là Đảng Likud, việc đảm bảo sự hiện diện của Israel trong khu vực “từ sông Jordan đến Địa Trung Hải” đã trở thành tín ngưỡng chính trị của họ. Những người này không chỉ có ý định loại bỏ “giải pháp hai nhà nước”, mà còn tìm cách kiểm soát hoàn toàn và lâu dài Bờ Tây dưới thời Fatah và Gaza dưới thời Hamas. Vì vậy, theo quan điểm của nhiều người trong số họ, việc Hamas nổi dậy đã trở thành cơ hội để họ hiện thực hóa lý tưởng chính trị của mình. Điều này đã được thể hiện một cách rõ nét khi Israel bỏ phiếu bác bỏ “giải pháp hai nhà nước” vào ngày 18/7. Ngược lại, phương án “đổi đất lấy hòa bình” của cánh tả thực ra đã diễn ra từ rất lâu sau khi nhà nước Israel được thành lập.
Khi nhà nước Israel được thành lập, cánh tả và cánh hữu có thể tranh luận về mọi thứ, nhưng không có sự bất đồng nào về quan điểm “ép buộc hòa bình bằng vũ lực”. Chỉ sau khi ngày càng nhận thức rõ hơn rằng con đường này đang bế tắc thì cánh tả mới thay đổi đường lối. Trong khi đó, cánh hữu gia tăng nỗ lực phá bỏ các rào cản thông qua hoạt động vũ lực mạnh mẽ hơn.
Sau cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ ba năm 1967, Israel đã thực sự hiện thực hóa lý tưởng “từ sông Jordan đến Địa Trung Hải”. Toàn bộ Bờ Tây và Gaza đều nằm dưới sự chiếm đóng của Israel, ngoài ra còn có bán đảo Sinai mà sau này được trao trả cho Ai Cập. Nhưng vào lúc đó, ngay cả châu Âu và Mỹ cũng không chấp nhận sự cai trị bất hợp pháp của Israel và đã trực tiếp từ chối công nhận tính hợp pháp của sự chiếm đóng này, sự phản kháng của người Palestine thì diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Có thể hợp pháp hóa việc chiếm đóng và “thuần phục” người Palestine hay không là chìa khóa cho việc liệu “ép buộc hòa bình bằng vũ lực” có khả thi hay không.
Ngày nay, cánh hữu càng không thể chấp nhận việc “đổi đất lấy hòa bình”. “Từ sông Jordan đến Địa Trung Hải” là một phần “không thể tách rời” khỏi “Miền Đất Hứa” của họ, và Jerusalem là huyết mạch trong đó.
Tuy nhiên, ý tưởng chỉ là ý tưởng. Để ý tưởng trở thành hiện thực, trước tiên phải giành được thắng lợi trên chiến trường, tiếp đến là thiết lập quyền cai trị hiệu quả đối với hơn 5 triệu người Ả Rập ở các vùng bị chiếm đóng.
Cuộc chiến đã kéo dài quá lâu và quân đội Israel cứ mãi ra ra vào vào Gaza, việc tiêu diệt được Hamas vẫn là một chuyện xa vời, chứ đừng nói đến việc thiết lập được một chế độ cai trị hiệu quả. Tệ hơn nữa, cuộc chiến ở Gaza đã làm khuếch đại cuộc chiến ở Trung Đông.
Lực lượng vũ trang Houthi của Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu buôn bị nghi có liên quan đến Israel ở Biển Đỏ. Vào tháng 4, họ tuyên bố đã tấn công hơn 100 tàu buôn. Một bài báo trong nửa đầu năm nay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, “trong hai tháng đầu năm 2024, khối lượng thương mại qua Kênh đào Suez đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khối lượng thương mại qua Mũi Hảo Vọng lại tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.” Hoạt động vận chuyển trên thế giới đã bị gián đoạn nghiêm trọng.
Mỹ và Anh chỉ còn cách tiến hành một cuộc phản công nhằm trấn áp lực lượng Houthi, nhưng không mấy hiệu quả, mà cảng Eilat của Israel đã đóng cửa do không có hoạt động kinh doanh lâu dài. Mỹ, Anh và Israel đã tiến hành nhiều đợt tấn công nhằm vào lực lượng vũ trang Houthi, nhưng sẽ là hơi quá nếu cho rằng chỉ một vài đợt ném bom là có thể buộc lực lượng vũ trang Houthi phải dừng lại. Nếu đã dám tấn công tàu buôn ở Biển Đỏ, lực lượng vũ trang Houthi chắc chắn phải lường được các cuộc phản công từ Mỹ và Anh. Trong khi đó, lực lượng vũ trang Houthi có nhiều kinh nghiệm sinh tồn và phản công phong phú trong những năm nội chiến ở Yemen.
Đồng thời, với sự hợp tác trong nội bộ lực lượng vũ trang Iran, các cuộc đọ súng liên tục chống lại Israel của Hezbollah ở mặt trận phía Bắc đang buộc Israel phải tính đến “Bắc phạt” để ổn định mặt trận này. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực biên giới Syria và Jordan cũng lần lượt hứng chịu các cuộc phản kích của lực lượng Iran. Điều này gây thương vong cho quân đội Mỹ và buộc quân đội Mỹ phát động các cuộc phản công hạn chế nhằm vào các mục tiêu ở Syria và Iraq.
Trên thực tế, do cái bóng tâm lý mà Anh, Mỹ và các nước khác đã tạo ra trong 20 năm “chống khủng bố” ở Trung Đông, việc một lần nữa rơi vào vũng lầy chiến tranh ở Trung Đông là một điều cấm kỵ. Mỹ cuối cùng đã phát động cuộc phản công tại Syria và Iraq. Giống như cuộc phản công chống lại Houthi, sau một thời gian dài do dự, Biden mới ra lệnh phản công. Và mặc dù vai trò của Iran đã được dán nhãn, nhưng Anh và Mỹ vẫn không dám thực sự đưa quân tấn công Iran một cách trực tiếp.
Ngày nay, việc chuyển hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược của Mỹ. Cuộc chiến chống khủng bố đã “đánh rơi” cánh cửa cơ hội kéo dài 20 năm, giúp Trung Quốc lặng lẽ lớn mạnh và trở thành cường quốc đứng thứ hai đang hướng về ngôi vị độc tôn. Mỹ không thể chấp nhận việc một lần nữa sa lầy ở Trung Đông và bỏ lỡ những thay đổi chiến lược. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng tự tin theo đuổi chiến lược “hai nửa”, tức là cùng lúc tiến hành hai cuộc chiến tranh cường độ cao trên thế giới, hay nói cách khác là phát động chiến tranh với Liên Xô và Trung Quốc cùng một lúc, đồng thời tiến hành cuộc chiến cường độ thấp ở nơi thứ ba. Sau đó, “hai nửa” rút gọn thành “một nửa”, về sau thì “một nửa” cũng không được nhắc đến nữa.
Hiện giờ, Mỹ chắc chắn vẫn còn khả năng tiến hành các cuộc chiến cường độ thấp nhưng ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong các cuộc chiến cường độ cao. Theo suy đoán của quân đội Mỹ hiện nay, kết quả của cuộc chiến với Trung Quốc (đặc biệt là ở hướng eo biển Đài Loan) ngày càng trở nên khó lường. Nếu tiến hành một cuộc chiến tranh cường độ thấp khác cùng lúc, đó sẽ là một gánh nặng không thể chịu nổi đối với quân đội Mỹ.
Tình hình này cũng xác định rằng, quân đội Mỹ trước tiên cần dọn dẹp các chiến trường ngoại vi và kết thúc các cuộc chiến cường độ thấp “cần phải đánh” rồi mới tập trung sức lực vào cuộc chiến cốt yếu với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều cuối cùng mà Mỹ cần lúc này là lại sa lầy ở Trung Đông. Vào thời điểm này, sự ngạo mạn và cố chấp của Netanyahu cùng hành vi ràng buộc trách nhiệm với Mỹ là rất không phù hợp. Chính vì vậy mà trong bài phát biểu của mình tại Quốc hội Mỹ lần này, Netanyahu đã cố gắng đánh đồng cuộc chiến của họ với cuộc chiến của Mỹ.
Sau cuộc đột kích của Hamas, hình tượng “quý ngài An ninh” (tức chỉ ông mới có thể mang lại an ninh ổn định và lâu dài cho Israel) của Netanyahu đã hoàn toàn tan vỡ và ông phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về trách nhiệm giải trình. Netanyahu là con lật đật trên chính trường Israel. Tuy nhiên, trên chính trường Israel vốn liên tục diễn ra các cuộc bầu cử trong những năm gần đây, do dư luận có sự chia rẽ sâu sắc nên các đảng cánh tả và cánh hữu đều khó thuyết phục được đa số. Chỉ các đảng thiểu số với chủ nghĩa Phục quốc Do Thái cực đoan và các thế lực tôn giáo mới có thể trở thành lực đẩy cho các đảng cánh tả và cánh hữu.
Đối với Netanyahu, chỉ có việc tiêu diệt hoàn toàn Hamas, vô hiệu hóa Gaza và dành được quyền kiểm soát quân sự vĩnh viễn mới có thể cứu được sự nghiệp chính trị của ông và bảo vệ được di sản chính trị của phe cánh hữu.
Việc ngừng bắn lâu dài trước khi Hamas bị tiêu diệt không chỉ đại diện cho sự yếu kém của Israel và sự trỗi dậy của Hamas, mà còn có nghĩa rằng Hamas có thể tấn công bất cứ khi nào muốn tấn công, muốn ngừng bắn bất cứ khi nào muốn ngừng bắn, cũng như Israel đã hoàn toàn đánh mất thế chủ động đối với chiến tranh và hòa bình. Đối với Israel, đây là điều không thể chấp nhận được.
Vì lý do này, Netanyahu kiên quyết chiến đấu đến cùng, từ chối ngừng bắn và không ngần ngại tạo ra thảm họa nhân đạo khủng khiếp ở Gaza. Lợi dụng việc cả đất nước Israel đang phẫn nộ vì cuộc đột kích của Hamas và lấy cớ ngăn chặn một cuộc diệt chủng khác nhắm vào người Do Thái, họ đã tạo ra một cái cớ hợp lý để quân đội Israel tùy ý giết hại người dân vô tội.
Tuy nhiên, những điều này không nhận được sự ủng hộ trên thế giới, ngay cả ở Mỹ và châu Âu. Khi sự bất đồng trong thái độ giữa người dân và chính phủ của Mỹ và châu Âu về hành vi tàn bạo mà quân đội Israel đã gây ra ngày càng trở nên rõ ràng, hơn 800 quan chức có thâm niên thậm chí đã cùng ký vào một tuyên bố đặt ra nghi vấn về chính sách liên quan của mỗi quốc gia. Họ chỉ ra rằng, chính phủ của họ có thể đã trở thành đồng phạm với “một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ này” và đang “tạo điều kiện cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, tội ác chiến tranh, thậm chí giúp đỡ thanh trừng và diệt chủng sắc tộc”.
Trong những câu chuyện đùa trên phố, Israel là cha và Mỹ là con. Nếu coi đó là câu nói đùa thì cũng khá thú vị, nhưng nếu coi nó là cơ sở để hiểu về quan hệ Mỹ-Israel thì thật sai lầm. Mỹ luôn xuất phát từ lợi ích của Mỹ chứ không phải từ lợi ích của Israel. Người Do Thái có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ ở Mỹ, nhưng đó là kết quả từ sự đồng lõa của “xã hội dòng chính” ở Mỹ, chứ không thể coi kết quả là nguyên nhân.
Ngay trong số những người Do Thái ở Mỹ, vẫn có một ranh giới rõ ràng giữa lòng trung thành với Israel và lòng trung thành với Mỹ. Trên thực tế, việc đi theo xu hướng chính trong nền chính trị của nước sở tại, ít nhất là ở ngoài mặt, là điều quan trọng nhất trong trí tuệ sinh tồn của người Do Thái xuyên suốt hai nghìn năm. Việc 15 nghị sĩ người Mỹ gốc Do Thái thuộc Đảng Dân chủ, trong đó có Raskin, đưa ra tuyên bố vào đầu năm nay, trong đó phản đối mạnh mẽ lập trường phản đối thành lập nhà nước Palestine của Netanyahu, đồng thời kiên quyết ủng hộ “giải pháp hai nhà nước” để giải quyết vấn đề Palestine-Israel chính là một ví dụ.
Ngay từ năm ngoái, trước khi cuộc tấn công trên bộ bắt đầu, nhằm “giảm bớt gánh nặng chính trị” cho Mỹ, chính quyền Biden đã không ngừng gây áp lực lên Netanyahu, yêu cầu ông trì hoãn và hạn chế quy mô của cuộc tấn công ở Gaza, tấn công chính xác thay vì ném bom bừa bãi, chú ý tránh thương vong cho dân thường, sớm mở đường tiếp cận nhân đạo, ngừng bắn sớm và thả con tin, cũng như xem xét việc thành lập nhà nước Palestine. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều bị Netanyahu đẩy lùi từng cái một.
Sự chia rẽ giữa Mỹ và Israel biểu hiện ra ngoài sau khi Netanyahu lên tiếng phản đối một nhà nước Palestine được Mỹ hậu thuẫn. Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tuyên bố: “Chúng tôi rõ ràng có quan điểm khác… Chúng tôi tin rằng người Palestine hoàn toàn có quyền được sống ở một quốc gia độc lập trong hòa bình và an toàn.”
Sau khi Ngoại trưởng Anh Cameron tuyên bố vào đầu năm rằng nước Anh đang xem xét việc chính thức công nhận nhà nước Palestine, Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland cũng lần lượt tuyên bố công nhận nhà nước Palestine vào tháng 5. Đối với giải pháp hai nhà nước, Mỹ đã nhiều lần thay đổi thái độ và cũng từng nói rằng, “tích cực tìm cách thành lập một nhà nước Palestine độc lập”. Đối với Israel, quốc gia phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ an ninh của Mỹ, đây là quả bom chính trị lớn nhất.
“Giải pháp hai nhà nước” đã được đề xuất từ lâu và được Mỹ, Anh công khai ủng hộ. Tuy nhiên, Mỹ và Anh chỉ hỗ trợ bằng lời nói, còn việc xúc tiến cụ thể được giao toàn bộ cho Israel. Đây thực chất là “giao việc nuôi gà cho chồn”, và “giải pháp hai nhà nước” do Israel nắm quyền chủ đạo vốn đã chết não từ lâu.
Nếu Mỹ và Anh công nhận nhà nước Palestine về mặt ngoại giao, điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho Israel ở ba cấp độ:
-
- Dù Israel có muốn hay không, “giải pháp hai nhà nước” cũng trở thành lựa chọn bắt buộc đối với Israel.
- Mỹ và Anh không còn ngầm ưng thuận việc Israel nắm quyền chủ đạo với “giải pháp hai nhà nước”.
- “Giải pháp hai nhà nước” sẽ bắt đầu từ luật pháp quốc tế và ép buộc luật pháp trong nước của Israel.
Israel được thành lập theo Nghị quyết 181 của Liên Hợp Quốc. Nói cách khác, luật pháp quốc tế là cơ sở pháp lý để Israel lập quốc. Sự công nhận về mặt ngoại giao của Mỹ và Anh thể hiện rằng, “giải pháp hai nhà nước” đã chuyển từ do Israel thúc đẩy sang do quốc tế thúc đẩy. Một khi cơ sở luật pháp quốc tế được hình thành mà Israel vẫn cố chấp từ chối, điều đó sẽ tạo ra mối nguy cho nền tảng pháp lý và đạo đức của chính quốc gia này. Đây chính là điều đe dọa bản sắc của Israel.
Hiện nay, có 139 quốc gia trên thế giới công nhận nhà nước Palestine. Điều này đề cập đến một nhà nước Palestine hoàn toàn độc lập, có chủ quyền và dựa trên đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô. Mỹ và phần lớn các nước châu Âu đã đồng thuận với “giải pháp hai nhà nước” nhưng chưa công nhận nhà nước Palestine.
Nước Anh sớm đã trở thành quốc gia hạng hai, nhưng nếu Mỹ kéo được Anh thì cũng có thể kéo được châu Âu. Châu Âu vốn luôn nhìn sắc mặt của Mỹ mà hành động. Nếu Mỹ chuyển sang hỗ trợ thực chất cho “giải pháp hai nhà nước”, thì việc châu Âu làm theo sẽ không có bất cứ trở ngại nào. Về vấn đề “giải pháp hai nhà nước”, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam bán cầu nhiều khả năng cũng sẽ cùng nhau thúc đẩy tiến trình này, xét cho cùng thì điều này phù hợp với lợi ích và mong muốn của thế giới. Nếu trước đây Mỹ không hành động tùy tiện và bảo vệ Israel đến chết, thì áp lực “từ ngoài vào” như vậy sớm đã khiến Israel không thể chống đỡ nổi rồi.
Việc Mỹ và Anh “bỏ rơi” Israel để công nhận nhà nước Palestine cũng đồng nghĩa với việc hai nước này đã không còn tuyệt đối ưu tiên lợi ích của Israel trong vấn đề Palestine-Israel. Theo cách nhìn của Israel, ưu tiên mà không tuyệt đối thì hoàn toàn không phải là ưu tiên. Trước chuyến thăm Mỹ của Netanyahu, Mỹ quả thực có xu hướng “vứt bỏ gánh nặng”.
Sau ngày 11/9, Mỹ nhận ra rằng Israel đang trở thành gánh nặng chiến lược và không còn là tài sản chiến lược nữa. Thay vì trở thành điểm tựa cho sự kiểm soát của Mỹ ở Trung Đông, Israel đã trở thành cột thu lôi thu hút sự giận dữ đối với Mỹ. Israel đã không còn là nơi lánh nạn cho những dân tộc bị áp bức, mà đã trở thành nơi đàn áp theo chủ nghĩa chủng tộc đối với dân bản địa. Người Palestine bị đối xử bất công chỉ vì họ là người Palestine, đây là chủ nghĩa chủng tộc trong sách giáo khoa. Theo đó, sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ dành cho Israel ngày càng mất đi tính chính đáng về mặt đạo đức.
Trong một thời gian khá dài, các viện nghiên cứu ở Washington dường như đã đạt được một nhận thức chung rằng, dầu mỏ ở Trung Đông ngày càng trở nên ít quan trọng hơn, Trung Đông cũng ngày càng trở nên không thể chế ngự được và Trung Quốc ngày càng trở thành một thách thức mang tính sinh tồn.
Theo logic này, mọi thứ dường như đều trở nên rõ ràng. Lực lượng vũ trang Houthi tuyên bố rằng, họ sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn ở Biển Đỏ cho đến khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza. Lợi dụng tình hình Iraq, Syria và vấn đề Israel-Palestine, Iran ngày càng can dự nhiều hơn vào các vấn đề Ả Rập và thách thức kế hoạch Trung Đông của Mỹ. Ngay cả khi muốn ngăn việc bản thân lại rơi vào hố lửa Trung Đông, Mỹ cuối cùng cũng sẽ cần một lệnh ngừng bắn ở Gaza và tìm ra con đường hòa bình bền vững hơn cho vấn đề Israel-Palestine.
Tuy nhiên, Mỹ dường như vẫn chưa thể thoát khỏi sức ì trước đây của mình, hay nói cách khác, có một bộ phận nào đó trong nội bộ Washington có lực hấp dẫn quá lớn.
Năm nay là năm bầu cử ở Mỹ. Đánh giá từ tình hình hiện tại, Đảng Cộng hòa của Trump nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Có ý kiến cho rằng, trước đây Netanyahu dám cứng rắn trước Biden, thứ nhất là để tận dụng thế lực người Do Thái ở Mỹ ngăn chặn Biden thay đổi hướng đi, nhưng điều này đã không thành công; thứ hai, Netanyahu đang câu giờ để đợi Trump, một người có mối quan hệ tốt đẹp với Israel, lên nắm quyền và chính sách của Mỹ sẽ có chuyển biến. Áp lực lên chính sách Israel của Biden đã bắt đầu, ít nhất là trong thời gian bầu cử.
Các chính sách trước đây của Netanyahu và chuyến thăm Mỹ lần này dường như đã tăng thêm sức nặng cho khả năng Israel giành được sự ủng hộ từ Mỹ, ít nhất là trong thời gian tới. Hành vi của Israel ngày càng táo bạo hơn và ngày càng có ý lôi kéo Mỹ vào cuộc chơi, mà nguồn viện trợ đạn dược của Mỹ dường như đã không còn bị hạn chế.
Cuộc bầu cử tiếp theo đang đến gần và gần đây Trump, ứng cử viên tiềm năng cho vị trí tổng thống nhiệm kỳ tới, đã nhấn mạnh sự ủng hộ của mình dành cho Israel. Tôi cho rằng, Trump có thể thân Israel trong vấn đề Israel-Palestine, nhưng nước Mỹ vẫn là quốc gia ông thân nhất. Nếu lợi ích của Israel xung đột với lợi ích của Mỹ, Trump vẫn sẽ từ bỏ Israel không chút do dự. Suy cho cùng, NATO có thể bị bỏ rơi, vậy tại sao Israel lại không? “Nước Mỹ trên hết” không chỉ là lời nói suông.
Tóm lại, cuộc chiến ở Gaza kéo dài có nghĩa Israel đang phải đối mặt với những người dân Palestine dám đấu tranh, giỏi đấu tranh và kiên quyết đấu tranh, trong khi sự hỗ trợ vô điều kiện của Mỹ và Anh có thể không còn vững chắc như một vài thập kỷ trước.
Cánh cửa địa ngục đang mở ra trước mắt Netanyahu.