Thế giới hôm nay: 14/08/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cuộc chiến “đang trở về nhà kẻ gây chiến” sau khi quân đội Ukraine được cho là đã chiếm giữ khoảng 1.000 km2 lãnh thổ Nga và bắt giữ hàng trăm binh sĩ đối phương. Chính quyền Nga đã sơ tán khoảng 180.000 người khỏi Kursk, khu vực biên giới mà quân đội Ukraine nhắm tới, và Belgorod, một tỉnh lân cận. Ông Zelensky nói cuộc tấn công này là nhằm thu hút binh lính Nga khỏi các vị trí khác ở miền bắc và miền đông Ukraine, gọi đây “hoàn toàn là vấn đề an ninh đối với Ukraine.”

Starbucks cho biết CEO Laxman Narasimhan sẽ từ chức ngay lập tức. Brian Niccol, người hiện đang phụ trách nhà bán lẻ thức ăn nhanh Chipotle, sẽ tiếp quản vào tháng 9. Ông Narasimhan phải chịu áp lực từ các nhà đầu tư chủ động đang nắm lượng lớn cổ phần tại Starbucks, những người muốn ông đảo ngược tình trạng doanh số bán hàng tăng trưởng chậm.

Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi chạy trốn khỏi Bangladesh, Sheikh Hasina, cựu thủ tướng độc tài của đất nước này, đã kêu gọi điều tra các cuộc biểu tình bạo lực lật đổ chính phủ và khiến ít nhất 300 người thiệt mạng. Trước đó, một tòa án đã ra lệnh điều tra Sheikh Hasina và sáu quan chức chính phủ khác về vụ cảnh sát giết một người bán hàng tạp hóa trong biểu tình. Muhammad Yunus, chủ nhân giải Nobel hòa bình, đang lãnh đạo một chính phủ lâm thời.

Ủy ban châu Âu cho biết Thierry Breton đã không tham khảo ý kiến ​​của các quan chức khác trước khi cảnh báo Elon Musk rằng ông có thể bị trừng phạt vì không ngăn chặn thông tin sai lệch trên X, một nền tảng truyền thông xã hội mà ông sở hữu. Ông Breton, người phụ trách quy định của EU đối với các công ty công nghệ, đã viết thư cho ông Musk trước cuộc phỏng vấn của ông với Donald Trump, được phát sóng trên X vào thứ Hai. Những người ủng hộ ông Trump cáo buộc ông Breton cố gắng “can thiệp” vào cuộc bầu cử Mỹ.

Các nhân vật cấp cao của đảng đối lập Chadema của Tanzania đã được tại ngoại. Chính phủ đã bắt giữ hơn 500 người ủng hộ đảng này kể từ Chủ Nhật. Chủ tịch đảng, Freeman Mbowe, và phó chủ tịch, Tundu Lissu, đã bị giam giữ để ngăn họ tổ chức một cuộc biểu tình. Tổng thống Tanzania, Samia Suluhu Hassan, trước đó đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các đảng đối lập sau giai đoạn đàn áp dưới thời người tiền nhiệm của bà.

Thành phố Melbourne của Úc đã công bố lệnh cấm xe scooter điện cho thuê. Thị trưởng Nicholas Reece cho biết có quá nhiều người đi loại xe này trên vỉa hè và bỏ xe rải rác khắp thành phố, gây trở ngại cho người đi bộ. Các công ty kinh doanh loại xe này, Lime và Neuron, phải loại bỏ chúng trong vòng 30 ngày. Melbourne là thành phố mới nhất cấm xe scooter cho thuê, sau Paris vào tháng 9 năm ngoái.

Con số trong ngày: 45%, là tỷ lệ các nước tham dự giành được ít nhất một huy chương tại Olympics năm nay.

TIÊU ĐIỂM

 Mỹ chuẩn bị công bố số liệu lạm phát tháng 7

Mỹ sẽ công bố số liệu lạm phát giá tiêu dùng tháng 7 vào thứ Tư. Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát ổn định ở mức 3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang.

Không rõ thị trường sẽ phản ứng ra sao. Một báo cáo dữ liệu việc làm yếu kém bất ngờ gần đây đã góp phần gây ra hoảng loạn trên thị trường chứng khoán vào tuần trước. “Thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, chỉ số VIX chuyên đo lường biến động dự kiến ​​bằng cách dùng mức mức giá mà các giao dịch viên sẵn sàng chi trả để bảo vệ mình trước các biến động, đã lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực của Mỹ vào năm ngoái. Dù giá cổ phiếu đã phục hồi kể từ đó, lạm phát thấp hơn dự kiến ​​có thể thúc đẩy một đợt bán tháo tiếp theo nếu nó được coi là một dấu hiệu khác của suy thoái kinh tế.

Nhưng lạm phát cao cũng có thể gây lo lắng. Cục Dự trữ Liên bang đã không cắt giảm lãi suất vào tháng trước vì lạm phát vẫn quá cao. Hầu hết các nhà đầu tư hiện cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, với một phần tư hoặc một nửa điểm phần trăm. Nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục khiến Fed trì hoãn giảm lãi suất, tâm lý trên thị trường sẽ khá ảm đạm.

Đàm phán về Sudan ở Geneva

Nỗ lực mới nhất nhằm đưa các bên tham chiến ở Sudan ngồi lại với nhau để đàm phán ngừng bắn sẽ bắt đầu tại Geneva vào thứ Tư. Hoa Kỳ đã mời cả Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), nhóm bán quân sự của Muhammad Hamdan Dagalo, một lãnh chúa được gọi là Hemedti, và Lực lượng Vũ trang của Sudan (SAF), do Tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy. Nhưng chỉ có Hemedti hứa sẽ tham dự. SAF nhấn mạnh rằng họ xứng đáng được công nhận là chính phủ của Sudan, chứ không chỉ là quân đội. SAF cũng phản đối sự hiện diện của UAE tại các cuộc đàm phán, vì họ cáo buộc nước này ủng hộ RSF.

Một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo vào thứ Hai rằng Sudan hiện đang ở “điểm bùng phát thảm khốc.” Cuộc nội chiến bắt đầu từ tháng 4 năm 2023 đã khiến hơn 10 triệu người phải chạy nạn trong nước; bên cạnh 2 triệu người phải chạy ra nước ngoài. Nạn đói vừa được tuyên bố tại một trại tị nạn lớn. Nếu các cuộc đàm phán này thất bại, hoặc thậm chí không bao giờ bắt đầu, thì nỗi thống khổ của Sudan sẽ chỉ kéo dài.

Tencent và một tựa game đình đám

“Dungeon & Fighter”, một trò chơi di động theo phong cách chặt chém phổ biến, đã trở thành cú hích của công ty Hàn Quốc Nexon. Đây cũng có thể là điềm lành cho Tencent, gã khổng lồ mạng xã hội và game của Trung Quốc, bên sẽ phát hành game này cho thị trường Trung Quốc. Tencent đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 vào thứ Tư. Một nhà phân tích tại Morningstar, một công ty dịch vụ tài chính, cho rằng “DnF” có thể đóng góp tới 22 tỷ nhân dân tệ (3,1 tỷ đô la) doanh thu trong năm tài chính cho bộ phận trò chơi của Tencent.

Công ty đa quốc gia này từng có vẻ có đà phát triển không thể ngăn cản. Nhưng họ chịu tổn thất trong cuộc đàn áp kéo dài 18 tháng của chính phủ Trung Quốc đối với các tập đoàn công nghệ, khiến hàng trăm tỷ đô la bị xóa khỏi định giá của các công ty. (Việc ra mắt “DnF” đã bị hoãn khi chính phủ tạm ngưng phê duyệt các giấy phép mới.) Tencent vẫn điều hành dịch vụ nhắn tin di động lớn nhất nước, WeChat. Nhưng giá cổ phiếu của công ty chỉ bằng một nửa so với đầu năm 2021. Một số tin tốt về trò chơi có thể thúc đẩy định giá của công ty.

Lạm phát tăng ở Ba Lan

Lạm phát đang giảm ở hầu hết các nước phương Tây, nhưng ở Ba Lan thì lại tăng. Vào thứ Tư, cơ quan thống kê của nước này sẽ công bố số liệu cuối cùng của tháng 7. Theo dữ liệu sơ bộ, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm đã tăng vọt lên 4,2% từ mức 2,6% của tháng 6. Nguyên nhân là do năng lượng. Hồi tháng 7, chính phủ Ba Lan bắt đầu nới lỏng giá điện và khí đốt cho các hộ gia đình, vốn đã được kiểm soát từ năm 2023 để bảo vệ họ khỏi những tác động kinh tế của cuộc chiến ở Ukraine. Kết quả là giá năng lượng tăng gần 12% từ tháng 6 đến tháng 7.

Nếu không tính đến các thành phần biến động, tức thực phẩm và năng lượng, lạm phát năm của Ba Lan được cho là ở mức 3,7-3,8% trong tháng 7, tăng so với 3,6% của tháng 6. Con số này có vẻ khả quan hơn so với con số chính thức, nhưng nó đã chấm dứt nhiều tháng giảm. Ngân hàng trung ương Ba Lan dự kiến ​​lạm phát sẽ đạt đỉnh 6,3% vào đầu năm 2025. Họ có lẽ sẽ duy trì lãi suất cao trong một thời gian.