Ai có thể quản lý Gaza?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Daniel Byman, “Can Anyone Govern Gaza?,” Foreign Affairs, 30/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Con đường trắc trở đến tương lai.

Khi cuộc chiến tàn khốc ở Dải Gaza kết thúc, ai đó sẽ phải cai trị vùng đất này. Đó là công việc mà nhiều nhóm đã đảm nhiệm. Israel đã chiếm đóng dải đất từ năm 1967, khi nước này chinh phục Gaza, cho đến năm 1994, khi họ chuyển giao quyền kiểm soát chính thức hầu hết mọi vấn đề cho Chính quyền Palestine (PA) mới thành lập trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán hòa bình ở Oslo – dù người Israel vẫn duy trì 21 khu định cư ở đó mãi cho đến năm 2005. Năm 2006, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp ở vùng lãnh thổ Palestine, và vào năm 2007, tổ chức này đã đẩy các đối thủ của mình ra khỏi Gaza bằng vũ lực. Kể từ đó, Hamas bắt đầu cai trị Gaza, dù vẫn còn bị Israel hạn chế về nhiều mặt, cho đến khi Israel đánh bật tổ chức này để đáp trả các cuộc tấn công ngày 07/10/2023. Ngày nay, Gaza không có chính phủ nào hoạt động.

Khi tiếng súng dừng lại, Gaza sẽ vẫn là vùng đất hoang vu về chính trị và kinh tế. Theo Bộ Y tế Gaza, tính đến giữa tháng 7 năm nay, đã có hơn 38.000 người Gaza thiệt mạng. Theo UNWRA, 1,9 triệu người – khoảng 80% dân số lãnh thổ – phải di dời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 80% cơ sở hạ tầng dân sự của Gaza – như nhà cửa, bệnh viện, cơ sở cấp nước và vệ sinh – đã bị phá hủy hoặc hư hại. Giờ đây, Hamas không còn quản lý vùng đất này nữa nên tội phạm cũng lan tràn. Nền kinh tế Gaza đã trì trệ từ trước ngày 07/10, nhưng giờ chẳng còn có nổi một nền kinh tế. Người dân sẽ còn phụ thuộc nhiều hơn vào viện trợ bên ngoài so với trước đây.

Những vấn đề này sẽ rất khó khắc phục ngay cả khi Israel, Hamas, và Mỹ đồng ý về tương lai của Gaza. Nhưng mỗi bên hiện có một tầm nhìn khác nhau. Tất nhiên, Hamas muốn tồn tại, giành lại quyền lực ở Gaza, và dần dần làm lu mờ PA để thống trị phong trào dân tộc Palestine. Về phần mình, Israel muốn có một chính phủ Gaza không có mối liên hệ nào với Hamas, nhưng họ nghi ngờ khả năng tiếp quản của các tổ chức Palestine hiện có khác. Israel đổ lỗi cho PA, tổ chức kiểm soát phần lớn Bờ Tây và từ lâu đã hợp tác với Israel để trấn áp Hamas, vì đã duy trì thái độ khoan dung đối với chủ nghĩa cực đoan vốn ngầm khuyến khích các cuộc tấn công khủng bố. Còn người Mỹ hy vọng PA sẽ cai trị Gaza và cuối cùng trở thành đối tác đáng tin cậy hơn trong các cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước đã được tìm kiếm từ lâu.

Người Palestine ở Gaza không có tiếng nói, nhưng họ đang tìm cách chấm dứt xung đột, nối lại các dịch vụ thiết yếu, và tìm kiếm con đường dẫn đến thịnh vượng và độc lập dân tộc. Mong muốn của họ không nên bị nhầm lẫn với mong muốn của Hamas. Nhóm này không được ủng hộ ở Gaza trước ngày 07/10, và dù chiến tranh đã nâng cao đáng kể vị thế của Hamas, một số người Palestine ở Gaza vẫn đổ lỗi cho tổ chức này vì đã khiến dân thường rơi vào cảnh không có khả năng tự vệ và không có thức ăn hoặc nước uống trước phản ứng hủy diệt có thể hiểu được của Israel sau cuộc tấn công vào tháng 10. Motaz Azaiza, một phóng viên ảnh người Gaza, viết trong một bài đăng dường như ám chỉ Hamas vào tháng 3, “Nếu cái chết và sự đói khổ của người dân không tạo ra bất kỳ khác biệt nào đối với họ, thì họ cũng không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với chúng tôi.”

Có ít nhất bảy lựa chọn khả thi cho tương lai của Gaza, nhưng không có lựa chọn nào tốt. Một vài lựa chọn sẽ khiến Hamas trở nên quá mạnh, trong khi những lựa chọn khác đòi hỏi Israel hoặc các thế lực nước ngoài phải chiếm đóng lãnh thổ một cách tốn kém. Lựa chọn tốt nhất trong số các lựa chọn tồi tệ này là để PA điều hành Gaza, nhưng xét đến sự phản đối của cả Hamas và Israel đối với bất kỳ sự nâng cao vị thế nào của PA, lựa chọn này có vẻ không khả thi. Mỹ và các đồng minh nên tăng khả năng thành lập một chính phủ do PA điều hành bằng cách thúc đẩy Israel chấp nhận lựa chọn đó, xây dựng năng lực hành chính và an ninh của PA, đồng thời yêu cầu ban lãnh đạo hiện tại của PA từ chức. Bằng cách đó, Mỹ có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất.

Tiếc thay, tương lai có thể xảy ra nhất đối với Gaza là nó sẽ trở thành một quốc gia thất bại, trong đó Hamas vẫn nắm một phần quyền lực, còn quân đội Israel thường xuyên xâm lược để tiêu diệt nhóm chiến binh này. Trong một kịch bản như vậy, dân thường Palestine sẽ tiếp tục phải chịu đựng cảnh khốn khổ, nhưng quốc tế sẽ ít phản đối hơn khi mọi người trên khắp thế giới dần trở nên vô cảm trước bạo lực. Washington nên chuẩn bị cho một Gaza thường xuyên bị tàn phá bởi bạo lực và nạn đói – đồng thời làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn kết cục nghiệt ngã đó.

ISRAEL TIẾP TỤC CHIẾM ĐÓNG

Một tương lai tiềm năng cho Gaza là Israel sẽ tái chiếm hoàn toàn lãnh thổ. Israel đang có sự hiện diện quân sự đáng kể ở dải đất này, nhưng họ không thực sự điều hành nó mỗi ngày – không có ai điều hành cả. Nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức từ thiện, như UNICEF và Bác sĩ Không Biên giới, đã cố gắng cung cấp một số dịch vụ nhưng bị cản trở bởi cuộc giao tranh đang diễn ra, các hạn chế của Israel đối với hàng hóa đi vào Gaza, và sự tàn phá cơ sở hạ tầng y tế của vùng đất này. Nếu Israel chính thức tái chiếm Gaza, nước này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp luật pháp và trật tự, điều hành các dịch vụ như vệ sinh và giáo dục, đồng thời giữ vai trò như chính phủ ở đó.

Israel có kinh nghiệm làm những việc này. Nếu Israel tái chiếm lãnh thổ, chủ quyền của người Gaza, vốn đã bị hạn chế trước chiến tranh, sẽ biến mất hoàn toàn, nhưng người dân có thể được hưởng một số dịch vụ hòa bình và cơ bản. Cuối cùng, Israel có lẽ sẽ trao lại một số quyền lực cho người Palestine địa phương, nhưng việc đó là cả một quá trình, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất. Thêm nữa, Israel sẽ thường xuyên săn lùng các thành viên của Hamas để ngăn chặn tổ chức này trở lại, do đó đòi hỏi phải có các chiến dịch quân sự thường xuyên. Ngay từ trước khi Hamas lên nắm quyền vào năm 2006, nhóm này đã cắm rễ sâu trong các tổ chức giáo dục, phúc lợi xã hội, và tôn giáo ở Dải Gaza. Dựa trên tính toán của nhà phân tích James Quinlivan từ RAND về việc xác định quy mô của các chiến dịch bình ổn, Israel sẽ phải duy trì khoảng 100.000 binh sĩ và cảnh sát ở Gaza vô thời hạn. Thậm chí họ có thể cần nhiều hơn vì Gaza chủ yếu là đô thị, khiến các chiến dịch quân sự trở nên đặc biệt khó khăn.

Đây là một lượng nhân sự khổng lồ đối với Israel, một quốc gia nhỏ với quân đội phụ thuộc nhiều vào quân dự bị, đặc biệt là khi nước này cũng phải đối mặt với một Bờ Tây bất ổn và một cuộc chiến có thể xảy ra với Hezbollah, nhóm chiến binh Lebanon được Iran hậu thuẫn. Nếu Israel tái chiếm Gaza với ít quân hơn, Hamas có thể quay trở lại các khu vực của dải đất này. Điều đó thực sự đã xảy ra: vào tháng 1/2024, Hamas đã quay trở lại Thành phố Gaza sau khi Israel rút phần lớn lực lượng, và kể từ đó, các chiến binh Hamas đã quay trở lại nhiều khu vực mà các quan chức Israel cho rằng đã được bình định. Chắc chắn, sau đó Hamas sẽ tiến hành một cuộc nổi dậy ở mức độ thấp chống lại quân đội Israel, thực hiện hàng loạt vụ bắt cóc và gây ra nhiều thương vong hơn.

Cái giá phải trả cho danh tiếng của Israel trên trường quốc tế sẽ còn đắt hơn thế. Hình ảnh của họ đã bị xé nát, kể cả đối với giới trẻ ở Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của họ. Bạo lực ở một vùng đất bị chiếm đóng có lẽ sẽ không được đưa tin thường xuyên như cuộc giao tranh trong những tháng sau ngày 07/10, nhưng bạo lực vẫn sẽ diễn ra liên tục, theo đó ngăn cản Israel khắc phục những tổn hại cho danh tiếng của mình. Những người Palestine bình thường cũng sẽ căm hận sự tái chiếm của Israel. Sự bất bình của họ đối với Israel vốn đã lớn, và giờ lại tăng thêm kể từ tháng 10. Chưa kể, việc tái chiếm sẽ là một bước lùi đối với tư cách nhà nước của Palestine. Washington cũng sẽ phản đối lựa chọn này, bởi họ không muốn bị xem là tiếp tay cho việc chiếm đóng lâu dài lãnh thổ của người Palestine, và việc tiếp tục giao tranh sẽ làm xao nhãng các mục tiêu khác của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như đoàn kết các đồng minh chống lại Iran.

HAMAS TRỞ LẠI

Một lựa chọn đối lập là khả năng Gaza về cơ bản sẽ trở lại hiện trạng trước ngày 07/10. Hamas sẽ cai trị Gaza, như họ đã làm từ năm 2007 đến năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn hơn trước. Chiến dịch của Israel đã giáng một đòn mạnh lên Hamas, phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự và giết chết nhiều thành viên của tổ chức này. Tuy nhiên, Hamas vẫn là thế lực Palestine mạnh nhất ở Gaza và có thể giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Hamas sau đó có thể sử dụng Gaza làm căn cứ để xây dựng lại lực lượng vũ trang của mình, tiến hành các cuộc tấn công vào Israel, và khôi phục tư cách là một thực thể cai trị. Israel sẽ thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào Hamas, cố gắng tiêu diệt các thủ lĩnh của tổ chức này và ngăn cản họ tập hợp lại lực lượng. Israel và Ai Cập cũng sẽ hạn chế nghiêm ngặt hoạt động kinh tế ở dải đất.

Hamas không chỉ muốn tồn tại như một tổ chức. Họ cũng muốn gia tăng sức mạnh trong quan hệ với cả Israel và đối thủ Palestine của họ là PA, dù ban lãnh đạo Hamas bị chia rẽ khi nói đến các ưu tiên. Các thành viên thực dụng của Hamas, nhiều người trong số họ sống bên ngoài Gaza, thường tìm kiếm ảnh hưởng giữa nhóm người Palestine ở Bờ Tây và hy vọng trở thành lực lượng thống trị trong phong trào dân tộc Palestine. Những người theo đường lối cứng rắn hơn, bao gồm cả Yahya Sinwar, lãnh đạo của Hamas ở Gaza và là kẻ chủ mưu vụ tấn công ngày 07/10, lại chọn cống hiến hết mình để hủy diệt Israel và sẵn sàng hy sinh chính người dân để đạt được điều đó. Như đã đúng từ trước ngày 07/10, việc quản lý Gaza sẽ khiến Hamas phải hứng chịu những lời chỉ trích rằng tổ chức này không thể cung cấp dịch vụ cho dân thường Palestine. Nó cũng sẽ khiến các thành viên của Hamas đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của Israel vì việc quản lý Gaza sẽ buộc các nhà lãnh đạo Hamas phải xuất hiện công khai, theo đó tiết lộ những tầng lớp sâu hơn trong bộ máy lãnh đạo của họ.

Đối với Israel, việc Hamas trở lại nắm quyền là điều không thể chấp nhận được. Người Israel sẽ tự hỏi làm thế nào họ có thể chung sống với nước láng giềng đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ và tàn bạo như vậy, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần khẳng định rằng Israel đang tìm kiếm “chiến thắng toàn diện” trước Hamas. Mỹ cũng sẽ chùn bước trước viễn cảnh Hamas công khai trở lại nắm quyền.

Trong một kịch bản hợp lý hơn, Hamas sẽ thực thi quyền lực ở hậu trường, giống như Hezbollah đã làm ở Lebanon. Dù Hezbollah là lực lượng hùng mạnh nhất ở Lebanon, nhưng nhóm này thường chỉ nắm từ 12 đến 15 trong số 128 ghế trong quốc hội. Hezbollah giới hạn số ghế mà họ nắm giữ để cho phép các nhóm đồng minh, bao gồm cả những người theo đạo Cơ đốc, giành được chúng, từ đó khiến người ngoài tưởng rằng họ không thống trị Lebanon. Liên minh này đôi khi chiếm đa số trong cơ quan lập pháp và Hezbollah đã kiểm soát nhiều bộ của chính phủ trong gần hai thập kỷ. Ngay cả khi Hezbollah và các đồng minh không giành được đủ số ghế để kiểm soát quốc hội, như trường hợp hiện tại, thì sự kết hợp giữa ảnh hưởng chính trị, lực lượng vũ trang, và quyền lực trên đường phố – và việc sẵn lòng ám sát các đối thủ – khiến Hezbollah trở thành một thế lực không thể bị ngó lơ. Những người ủng hộ Thủ tướng Lebanon Rafiq Hariri đã biết được điều đó vào năm 2005, khi Hezbollah sát hại ông vì ủng hộ lực lượng Syria rút khỏi Lebanon. Nhiều nhóm và cộng đồng người Lebanon chống Hezbollah nhưng vẫn tôn trọng quyền lực của tổ chức này. Nhóm này có quyền phủ quyết trên thực tế đối với việc hình thành chính phủ và chính sách.

Dù có ảnh hưởng lớn, Hezbollah vẫn tránh trở thành gương mặt đại diện cho Lebanon. Họ không nắm toàn quyền, và các nước phương Tây vẫn hợp tác với chính phủ Lebanon dù biết rằng việc làm đó gián tiếp tài trợ cho một số hoạt động của Hezbollah. Một thỏa thuận tương tự ở Gaza có lẽ sẽ hấp dẫn Hamas, những người sẽ muốn nắm quyền đằng sau ngai vàng hơn. Ngay từ trước ngày 07/10, việc quản lý Gaza dưới sự cô lập quốc tế đã liên tục gặp phải khó khăn. Tại một số thời điểm trong vòng 16 năm qua, Hamas thậm chí còn cân nhắc các thỏa thuận trong đó đối thủ của họ, PA, sẽ đảm nhận một số trách nhiệm, trong khi Hamas duy trì lực lượng quân sự và cơ sở quyền lực của mình như một phần trong một chính phủ thống nhất. Dù PA và Hamas từng ký các thỏa thuận ủng hộ ý tưởng này, nhưng chưa từng có chính phủ thống nhất thực sự nào – nỗ lực của Trung Quốc nhằm gắn kết hai bên lại với nhau vào đầu tháng này có lẽ cũng sẽ chịu số phận tương tự. Trong mọi trường hợp, với một vai trò ở hậu trường, Hamas có thể tấn công Israel khi họ muốn và từ bỏ nhiệm vụ khó khăn là xây dựng lại Gaza và cung cấp dịch vụ cho người dân.

Nếu Hamas chịu đứng sau một chính phủ chung bù nhìn của người Palestine ở Gaza, chính phủ Israel có thể công khai tuyên bố rằng Hamas không còn quản lý Gaza nữa, và các chính phủ nước ngoài có thể gửi viện trợ đến lãnh thổ mà không công khai hỗ trợ một chính phủ khủng bố. Do đó, thường dân Gaza có thể nhận được một số cứu trợ nhân đạo, và nếu tất cả các bên chấp nhận dàn xếp này, thì họ cũng sẽ có được một mức độ ổn định. Nhưng rủi ro đối với Israel – ngoài những cáo buộc đạo đức giả – là rất cao. Hamas có thể kiểm soát nguồn viện trợ chảy vào Gaza và tự xây dựng lại quân đội mà không cần sự can thiệp của chính phủ Gaza. Israel có thể vẫn thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công nhằm trấn áp chủ nghĩa khủng bố, theo đó khiến mạng sống của dân thường gặp nguy hiểm và khiến chính phủ chung ở Gaza trở nên bất lực và thiếu tính chính danh. Và bởi vì không có tổ chức chính trị mạnh nào khác ở trên dải đất này, bất kỳ chính phủ nào ở Gaza cũng phải chịu ơn Hamas nhiều hơn các phe phái Lebanon chịu ơn Hezbollah.

PA QUAY LẠI

Cách tiếp cận ưa thích của chính quyền Biden là để PA lên nắm quyền chỉ đạo. PA đã điều hành Gaza trước khi Hamas nắm quyền vào năm 2007. Hiện tại, họ kiểm soát các khu vực của Bờ Tây và nhận được sự ủng hộ từ phần lớn thế giới, công nhận họ là tiếng nói của người Palestine. Suốt nhiều năm, lực lượng an ninh PA đã hợp tác với Israel để chống lại Hamas ở Bờ Tây và hạn chế bạo lực ở đó. Trên giấy tờ, PA vẫn có sự hiện diện hành chính ở Gaza – cho đến nay, PA vẫn trả lương cho một số công chức ở đó, một thỏa thuận đã tồn tại từ thời kỳ nắm quyền trước đây của PA – và PA còn có một nội các đối lập, tuyên bố quản lý giáo dục và an ninh, dù trên thực tế họ chẳng làm gì cả.

Nếu PA chịu trách nhiệm, các nước Ả Rập sẽ có thể dễ dàng hợp tác với Israel để xây dựng lại Gaza. Nhiều chính phủ Ả Rập ghê tởm Hamas vì quan hệ của họ với Tổ chức Anh em Hồi giáo và Iran, cả hai đều là những “ông kẹ” chính trị đối với Ai Cập, Ả Rập Saudi, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nhưng đồng thời, sẽ có rủi ro về mặt chính trị đối với các chính phủ Ả Rập khi họ hợp tác với Israel vì nước này cực kỳ không được lòng người dân Ả Rập, nhất là khi Israel đang giết hại người Palestine mỗi ngày. Nếu Israel nhượng bộ PA và hứa hẹn tiến tới giải pháp hai nhà nước, các nhà lãnh đạo Ả Rập có thể biện minh cho việc hợp tác với Israel vì họ có thể cho người dân thấy rằng họ không bỏ rơi người Palestine. Thống nhất quyền lãnh đạo ở Gaza và Bờ Tây dường như là một bước đi tích cực hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine – một mục tiêu cũng được Mỹ ủng hộ dù không được người Israel ủng hộ.

Tuy nhiên, việc đưa PA trở lại sẽ không phải là một giải pháp dễ dàng. Thành tích của PA ở Bờ Tây rất kém. Tổ chức này quá tham nhũng và không cung cấp được nhiều dịch vụ thiết yếu. Họ đã không tổ chức các cuộc bầu cử thực sự kể từ năm 2006 vì các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ nước ngoài lo sợ rằng họ sẽ thua, và có lý do chính đáng cho điều đó. Gần 90% người Palestine muốn Mahmoud Abbas, người đứng đầu PA, hiện đã 88 tuổi, từ chức. Quan trọng nhất, nhiều người Palestine coi PA là tay sai của Israel vì tổ chức này hợp tác với các cơ quan an ninh của Israel. Hình ảnh của PA đã xấu đi mỗi khi những người Do Thái cực đoan xây dựng khu định cư mới hoặc tấn công người Palestine. PA từng được ghi nhận là người duy trì trật tự ở mức độ nhất định. Giờ đây, khi bạo lực gia tăng ở Bờ Tây, PA có lẽ không còn đủ khả năng làm điều đó: theo Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, từ ngày 07/10/2023 đến ngày 15/07/2024, những người định cư Israel đã tấn công người Palestine hơn 1.100 lần.

Bất chấp lịch sử hợp tác của PA với Israel, nhiều chính trị gia Israel có lẽ sẽ phản đối ý tưởng để PA nắm quyền kiểm soát Gaza. Họ tuyên bố rằng PA đã cực đoan hóa người Palestine, với bằng chứng là các sách giáo khoa được PA phê duyệt, trong đó ca ngợi bạo lực chống lại Israel, các tòa nhà công cộng được đặt theo tên của các chiến binh đã giết người Israel, và các khoản thanh toán mà PA chi trả cho gia đình những người Palestine đang ngồi tù vì tội khủng bố hoặc những người thiệt mạng khi chiến đấu với Israel. Nhiều người Israel tỏ ra khó chịu với ý tưởng rằng người Palestine nói chung có thể được hưởng lợi từ sự kiện ngày 07/10 và hậu quả của nó. Theo Viện Dân chủ Israel, một viện chính sách, hầu hết người Do Thái ở Israel hiện phản đối giải pháp hai nhà nước và tin rằng PA sẽ không cải cách. 44% cho rằng khủng bố sẽ gia tăng nếu một nhà nước Palestine xuất hiện. Phe cực hữu, thành phần cốt lõi trong liên minh cầm quyền của Netanyahu, đặc biệt thù địch với PA. Kể từ ngày 07/10, Israel đã từ chối gửi một số khoản thu thuế mà nước này thu được từ người Palestine cho PA. Các nhà lãnh đạo Israel, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính cực hữu Bezalel Smotrich, đã đe dọa sẽ thu hồi điều khoản miễn trừ cho phép các ngân hàng Israel gửi thanh toán cho các ngân hàng Palestine. Nếu không có điều khoản này, hệ thống tài chính của PA có thể sụp đổ. Netanyahu đã thể hiện rõ sự phản đối của mình đối với việc PA lên nắm quyền, nói rằng một nhà nước Palestine sẽ trở thành “thiên đường khủng bố” và ông “chưa sẵn sàng giao [Gaza] cho PA.”

NHÂN TỐ NƯỚC NGOÀI

Các nhà lãnh đạo Israel vẫn chưa trình bày chi tiết cách họ muốn Gaza được quản lý. Nhưng một số người đã nêu ra ý tưởng để các nhà lãnh đạo hoặc nhà kỹ trị Palestine địa phương, không liên kết chịu trách nhiệm thay vì Hamas hoặc PA. Một chính phủ như vậy có thể được phân quyền, với một thủ lĩnh thị tộc phụ trách một phần của Gaza và một chính trị gia địa phương ở một phần khác. Israel có thể tự mình kiểm soát một số khu vực nhất định, đồng thời giúp các nhà lãnh đạo Gaza địa phương quản lý phần còn lại của dải đất, giám sát công cuộc tái thiết với sự hỗ trợ của quốc tế, và hỗ trợ các chức năng hàng ngày của chính phủ. Cuối cùng, Mỹ hoặc các quốc gia nước ngoài khác có thể đảm nhận vai trò của Israel. Trong ngắn hạn, một số người Palestine có thể sẽ hoan nghênh một chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản và ít có nguy cơ kích động thêm chiến tranh với Israel.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này gần như chỉ là một giấc mơ viển vông. Hamas đã cắm rễ sâu ở Gaza đến mức khó có thể tìm được những quan chức đáng kính ở đó, những người độc lập với tổ chức này và đủ quyền lực để chống lại ảnh hưởng của nó. Theo Netanyahu, Hamas đã giết nhiều người Palestine ở Gaza, những người đã làm việc với Israel để phân phối viện trợ sau ngày 07/10, và bất kỳ người Palestine nào có liên hệ với Israel đều có nguy cơ bị xem là con tốt thí của kẻ chiếm đóng. Một chính phủ Palestine không thể hợp tác với Israel và duy trì tính chính danh lâu dài, đặc biệt nếu chính phủ này không thể đảm bảo cho người Palestine nhiều quyền chính trị hơn, và người Palestine sẽ không muốn một nhà nước bị chia cắt do Israel thống trị. Một số lựa chọn thay thế cho Hamas đều có quan hệ với PA.

Xét đến những điểm yếu của việc sử dụng các quan chức người Palestine, một lựa chọn khác là để người ngoài kiểm soát Gaza dưới hình thức ủy thác trên thực tế, như đã xảy ra ở Kosovo và Đông Timor. Cơ quan Chuyển tiếp của Liên Hiệp Quốc tại Đông Timor, được thành lập năm 1999, đã bổ nhiệm các thẩm phán, điều tiết nền kinh tế, và đào tạo công chức cùng nhiều nhiệm vụ khác. Nếu một dàn xếp tương tự được thiết lập ở Gaza, bản thân nó có thể là một kết quả hoặc được sử dụng như bước đệm để hướng đến một kết quả khác. Cơ quan được ủy thác, có lẽ sẽ bao gồm các quan chức và lực lượng từ các nước Ả Rập và châu Âu hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, có thể cung cấp các dịch vụ an ninh và hành chính. Ngay cả khi cơ quan được ủy thác không trực tiếp đối đầu với Hamas, sự hiện diện của họ sẽ tước đi nguồn thu thuế của nhóm này và bất kỳ tính chính danh nào đến từ lãnh thổ được quản lý. Sự kiểm soát của bên thứ ba thậm chí có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng giữa Israel và Palestine nếu cơ quan được ủy thác giúp hình thành một thế hệ các nhà lãnh đạo chính trị Palestine có tính chính danh ở cả trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, kịch bản ủy thác nhiều khả năng sẽ thất bại và không có ai tình nguyện đảm nhận công việc này. Các lực lượng của bên thứ ba thường có phạm vi ủy nhiệm khá hẹp, quân số hạn chế, và các quy tắc giao chiến cũng hạn chế, và Hamas sẽ khai thác tất cả những điều này. Ở Kosovo, sở dĩ cơ quan ủy thác của Liên Hiệp Quốc thành công là vì các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã đánh bại Serbia. Tại Đông Timor, Indonesia cũng đồng ý từ bỏ quyền kiểm soát. Trong cả hai trường hợp, cơ quan được ủy thác không phải chiến đấu với một cuộc nổi dậy mạnh mẽ của người dân bản địa. Ngược lại, bất cứ ai cai trị Gaza sẽ phải đối mặt với mối đe dọa từ sự hồi sinh của Hamas, cùng với những rủi ro, cả về quân sự và chính trị, do các chiến dịch thường xuyên của Israel nhằm tiêu diệt nhóm này. Nếu cơ quan được ủy thác để mặc cho Israel truy đuổi Hamas, thì đó sẽ được xem là sự mở rộng sự chiếm đóng của Israel. Nhưng nếu làm ngược lại, họ sẽ bị xem là ủng hộ Hamas. Một chính phủ được ủy thác sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp trung gian. Dù trong mắt người Palestine, các quốc gia Ả Rập có tính chính danh cao nhất, nhưng họ có xu hướng sở hữu quân đội kém hiệu quả và thường sợ rằng việc trấn áp quân nổi dậy của Palestine hoặc liên kết với Israel sẽ khiến họ phải đau đầu về mặt chính trị trong nước. Để giải quyết vấn đề đó, sự tham gia của họ cần phải được kết nối với một kế hoạch thực sự nhằm tạo ra giải pháp hai nhà nước – và vì kế hoạch đó khó có thể xảy ra, nên họ cũng không có bất kỳ sự quan tâm nào đối với việc cai trị.

CHUẨN BỊ CHO TÌNH HUỐNG XẤU NHẤT

Giờ đây, sự hỗn loạn đang ngự trị ở Gaza. Nếu không có chính phủ mới nào được thành lập hoặc xuất hiện, tình trạng hỗn loạn có thể sẽ tiếp tục thống trị ngay cả khi giao tranh đã chấm dứt. Quả thực, Gaza có thể sẽ có kết cục giống như Somalia, nơi nội chiến, tội phạm, và khủng hoảng nhân đạo là chuyện bình thường bên cạnh một vài vùng tương đối yên tĩnh. Nền kinh tế của Gaza đang bị hủy hoại. Lãnh thổ này sẽ cần hàng chục tỷ đô la viện trợ tái thiết nhưng không có ai sẵn lòng cung cấp. Người Israel sẽ không còn cho phép người Gaza làm việc ở Israel nữa và sẽ cảnh giác khi cho phép bất kỳ hàng hóa nào có thể có ứng dụng quân sự vào dải đất này. Đối với một số người Israel, Gaza không có chính phủ vẫn tốt hơn là Gaza do Hamas cai trị, nhưng tình trạng vô chính phủ chứa đựng rủi ro rất lớn. Người dân Gaza có thể cố gắng chạy trốn sang Ai Cập, nơi cũng đang phải chịu đựng một nền kinh tế đang suy thoái, một cuộc xung đột cấp độ thấp ở Bán đảo Sinai, và một chính phủ gần như không có tính chính danh. Và bầu không khí bất ổn và bạo lực này sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Hamas hoặc bất kỳ nhóm bạo lực nào khác chiêu mộ chiến binh.

Một phiên bản nào đó của một nhà nước thất bại là kịch bản dễ xảy ra nhất đối với Gaza thời hậu chiến. Rất khó để các kịch bản thay thế xảy ra, và những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn hầu như đã bỏ qua câu hỏi ai sẽ quản lý Gaza để không làm chệch hướng các cuộc đàm phán vốn đã căng thẳng. Mỗi nhà nước thất bại đều thất bại theo cách riêng của nó. Gaza có thể không giống hệt Somalia hay Yemen. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Gaza sẽ chẳng thể tồn tại trong bối cảnh sự phản đối của Hamas, các cuộc tấn công của Israel, và nền kinh tế sụp đổ, vì vậy Mỹ phải chuẩn bị cho một kịch bản ảm đạm như vậy. Trong tương lai gần, vùng đất này có lẽ vẫn ở trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc cận kề khủng hoảng.

Tất cả các lựa chọn cho tương lai của Gaza đều tệ, nhưng để ngăn chặn sự hỗn loạn kinh hoàng, cần tập trung vào kịch bản ít tồi tệ nhất – đưa PA trở lại Gaza. Đó là một giải pháp hợp lý hơn việc áp đặt một chính phủ do một cơ quan được ủy thác quốc tế hoặc bởi những người Palestine không liên kết kiểm soát, và là một lựa chọn ít tai hại hơn là một nhà nước thất bại hoặc quay trở lại sự cai trị của Hamas, dù công khai hay bí mật. Dù PA không được người Palestine ủng hộ, nhưng họ sẽ thích Gaza do PA điều hành hơn là bị Israel trực tiếp chiếm đóng. Về lâu dài, điều này cũng có thể có lợi cho người Israel – bởi xét cho cùng, có lý do khiến Israel rút khỏi Gaza vào năm 2005.

Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa để đảm bảo PA vượt qua khó khăn và có thể quản lý Gaza. Để giúp PA, Washington phải cung cấp thêm đào tạo và viện trợ. Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo cũng cần tăng cường nỗ lực huấn luyện và trang bị cho lực lượng an ninh của PA để chống lại các cuộc nổi dậy. Tuy nhiên, đào tạo kỹ thuật chỉ là bước đầu tiên. Vấn đề lớn hơn, như người Mỹ đã học được một cách khó khăn ở Afghanistan, là các lực lượng an ninh phải có một chính phủ tạo được niềm tin. Hiện tại, PA không phải một tổ chức đáng để đấu tranh. PA sẽ cần phải tự giúp mình bằng cách thay đổi ban lãnh đạo. Abbas đã quá già, kém cỏi, và không được ưa chuộng cho vị trí điều hành Gaza, thậm chí là tiếp tục điều hành Bờ Tây. Mỹ nên phối hợp với các nhà tài trợ cho PA ở Ả Rập và quốc tế để xác định những người Palestine trẻ hơn, có trình độ hơn cho chiếc ghế lãnh đạo. Các nhà tài trợ nên hạn chế một số viện trợ nếu Abbas chống lại sự thay đổi và tăng cường viện trợ nếu có lãnh đạo mới.

Tuy nhiên, việc ủng hộ PA sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu Washington không thể thuyết phục người Israel tôn trọng thẩm quyền của mình và chấp nhận rằng một PA mạnh sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho họ. Dù Netanyahu nói rằng ông phản đối chính phủ do PA điều hành ở Gaza, các quan chức an ninh Israel đang ngày càng nhận ra rằng việc tiêu diệt hoàn toàn Hamas sẽ không giải quyết được vấn đề lâu dài của đất nước, và họ phải tìm một chính phủ thay thế cho Gaza nếu Israel muốn đánh bại Hamas. Các nhân vật đối lập hàng đầu, bao gồm các cựu thành viên nội các chiến tranh Yoav Gallant và Benny Gantz, dường như cũng cởi mở hơn với vai trò của PA ở Gaza. Vào tháng 6, Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel, tuyên bố “Nếu chúng ta không mang thứ gì khác đến Gaza, thì cuối cùng chúng ta sẽ có Hamas.” Ông đã đúng, và “thứ khác” tốt nhất là Chính quyền Palestine. Như nhà phân tích Trung Đông Ehud Yaari đã lưu ý trong cùng tháng đó, “Hamas đã và đang thực hiện kế hoạch ngày sau của riêng họ.” Khi đó, cách duy nhất để đánh bại nhóm này là Mỹ, Israel, và PA cùng nhau đưa ra một kế hoạch tốt hơn.

Daniel Byman là giáo sư trong Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Đại học Georgetown và là nghiên cứu viên cấp cao trong Chương trình Chiến tranh, Các mối đe dọa bất thường, và Khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.