Liệu Ukraine có thể lấy lại thế tấn công?

Nguồn: Mick Ryan, “Can Ukraine Get Back on the Offensive?”, Foreign Affairs, 08/08/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Cuối năm 2023, quân đội Nga đã có cơ hội để thay đổi cục diện chiến tranh ở Ukraine. Lực lượng mặt đất của Kyiv đã kiệt sức trong cuộc phản công ở phía nam. Ukraine thiếu đạn dược và hệ thống đánh chặn phòng không, đồng thời gặp khó khăn trong việc tiếp tế. Cùng với đó, dự luật gây tranh cãi về việc mở rộng lệnh động viên quân sự bị trì hoãn ở quốc hội Ukraine, khi tình trạng thiếu nhân lực của Kyiv trở nên trầm trọng. Dự luật chỉ được thông qua vào tháng Tư sau nhiều tháng tranh luận và có hiệu lực vào tháng Năm. Tại Mỹ, sự ủng hộ dành cho Ukraine đang bị chia rẽ theo đảng phái, khiến gói viện trợ 61 tỷ USD bị trì hoãn tại Quốc hội.

Tuy nhiên, trong sáu tháng qua, Nga nhìn chung đã không tận dụng được những cơ hội này. Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng không quân và tên lửa vào lưới điện của Ukraine, làm giảm đáng kể khả năng sản xuất điện của nước này, và khủng bố dân thường. Tuy nhiên, lực lượng mặt đất của Nga chỉ chiếm được một phần nhỏ lãnh thổ. Tổng cộng, diện tích lãnh thổ Nga chiếm được kể từ tháng 1 năm 2024 chỉ khoảng 360 dặm vuông, bằng khoảng hai phần ba diện tích của thành phố New York. Thật khó để coi những thành quả này là một thành công khi chúng phải trả giá bằng hơn 180.000 thương vong của Nga, theo ước tính của tình báo phương Tây.

Lực lượng của Moscow vẫn chưa kết thúc cuộc tấn công. Nga tiếp tục tấn công trên nhiều mặt trận trên bộ và ném bom cơ sở hạ tầng của Ukraine từ trên không. Nhưng ngay cả những tổ chức quân sự lớn nhất và có năng lực nhất cũng không thể duy trì các cuộc tấn công mãi mãi, và sau khi mất quá nhiều quân, cơ hội của Nga có thể sẽ sớm không còn. Những người lính đã chết trong chiến đấu chủ yếu là những người giỏi nhất của Nga. Nguồn dự trữ thiết bị của Nga cũng đang dần cạn kiệt. Cuối cùng Moscow sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm dừng cuộc tấn công và tập hợp lại lực lượng.

Trong quân sự, điều này được gọi là điểm cực hạn: thời điểm lực lượng tấn công cạn kiệt nhân lực, trang thiết bị và khả năng cần thiết để hoạt động hiệu quả. Thời điểm của các điểm cực hạn rất khó dự đoán, và Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như cảm thấy thoải mái khi tiếp tục cuộc tấn công này càng lâu càng tốt. Nhưng Nga đã tấn công hơn nửa năm nay và có lẽ chỉ có thể duy trì tốc độ hiện tại thêm một hoặc hai tháng nữa. Quân đội có thể sẽ thực hiện một số cuộc tấn công trên bộ và trên không sau đó, nhưng với tốc độ giảm đáng kể.

Điều đó có nghĩa là Ukraine phải bắt đầu lập kế hoạch để tận dụng tốt nhất sự suy yếu sắp tới của Nga. Làm như vậy sẽ không dễ dàng: người dân Ukraine đang đau khổ, và nhiều yếu tố quyết định thành công của Kyiv nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Ví dụ, Kyiv không thể xác định thời điểm hoặc địa điểm quân đội Nga sẽ đạt đến cực hạn, và họ không thể chắc chắn rằng phương Tây sẽ cung cấp hỗ trợ liên tục. Nhưng Ukraine có thể nghiên cứu chặt chẽ chiến trường để tìm dấu hiệu yếu kém của Nga. Ukraine có thể bắt tay với NATO để đào tạo và chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới. Ukraine có thể quản lý các kỳ vọng từ bên ngoài. Và họ có thể nghĩ ra một học thuyết chiến thắng mới- một học thuyết khiến vị thế quân sự của Nga thực sự không thể trụ vững. Khi và chỉ khi đó, Ukraine mới có thể đàm phán với các điều khoản thuận lợi và đảm bảo một chiến thắng lâu dài.

Mọi chuyện vẫn chưa chắc chắn

Ukraine có thể sẽ có những ngày tươi sáng hơn phía trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích không nên nhầm lẫn: sáu tháng qua là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước này. Moscow đã không đạt được những bước tiến lớn về lãnh thổ trong cuộc tấn công gần đây, nhưng Ukraine đã mất một lượng lớn quân đội trong cuộc phòng thủ kiên cường của mình. Mặc dù Mỹ cuối cùng đã thông qua một gói viện trợ mới vào tháng Tư, nhưng dòng chảy vũ khí và đạn dược của phương Tây vẫn chưa trở lại mức như hầu hết thời gian trong năm 2023, trước khi viện trợ của Mỹ cho Kyiv bị trì hoãn trong các cuộc tranh luận đảng phái tại Quốc hội. Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không và ngân sách quốc gia của họ đang gặp khó khăn. Các nhà máy điện và máy phát điện của Ukraine chỉ hoạt động một nửa công suất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân Ukraine trong mùa đông này.

Những thách thức này chỉ là điểm khởi đầu cho Kyiv. Thật không may, các quan chức Ukraine sẽ phải đối mặt với những trở ngại khác – những trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đầu tiên trong số này là kẻ thù của họ: Moscow. Bất chấp những tổn thất to lớn về nhân sự và trang thiết bị, quân đội Nga vẫn cực kỳ nguy hiểm. Nga đang sản xuất tên lửa và rocket tầm xa có thể bắn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine. Giờ đây, Nga có thể bù đắp những thiếu sót của chính mình bằng cách tìm nguồn cung cấp vũ khí từ các đối tác Iran và Triều Tiên, tạo thành một kho vũ khí của các nhà cầm quyền độc đoán. Moscow có thể mua các công nghệ lưỡng dụng – hàng hóa có mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như vi mạch – từ Trung Quốc. Người Nga cũng đã chứng minh rằng họ có thể học hỏi và thích nghi ở cấp độ chiến thuật và chiến lược; câu châm ngôn “kẻ thù luôn có ảnh hưởng” (the enemy always get a vote) vẫn luôn đúng. Và cho đến nay, Mỹ hay Châu Âu vẫn chưa làm gì để thay đổi suy nghĩ của Putin hay chiến lược hủy diệt của ông ta đối với Ukraine.

Mỹ và Châu Âu cũng có thể là những đối tác không đáng tin cậy. Quyết định của họ, giống như của Nga, sẽ định hình khả năng của Ukraine vào năm 2025. Bị đánh thức khỏi giấc ngủ hậu Chiến tranh Lạnh bởi một nước Nga hung hãn và một ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa hoài nghi về NATO là Donald Trump, hầu hết các nước châu Âu đã tăng ngân sách quốc phòng của họ. Khả năng sản xuất quốc phòng của lục địa này cũng đang mở rộng. Nhưng sự tăng trưởng này sẽ không tự nó đáp ứng được các yêu cầu hiện tại của quân đội Ukraine, chứ đừng nói đến các yêu cầu lớn hơn nhiều của bất kỳ cuộc tấn công nào vào năm 2025.

Khả năng một đảng viên Dân chủ tiếp tục ở lại Nhà Trắng đã tăng lên kể từ khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc bầu cử tháng 11 của Mỹ. Tuy nhiên, kết quả của cuộc đua vẫn chưa chắc chắn, vì vậy đối với Ukraine, Washington thậm chí còn là một dấu hỏi lớn hơn cả Châu Âu. Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 7 cho thấy sự chia rẽ trong việc ủng hộ Ukraine giữa các cử tri Dân chủ và Cộng hòa: chưa đến 15% đảng viên Dân chủ tin rằng Mỹ đang cung cấp quá nhiều hỗ trợ cho Ukraine, nhưng gần một nửa đảng viên Cộng hòa lại nghĩ như vậy. Nếu Trump thắng trong cuộc đua tổng thống và đảng Cộng hòa giành được Thượng viện và Hạ viện, Nga có thể thấy mình ở vị thế thuận lợi một cách đáng ngạc nhiên cho năm tới. Cả Trump và Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance, người được ông chọn làm phó tổng thống, đều đã chỉ ra rằng họ ủng hộ việc giảm hỗ trợ của Mỹ và theo đuổi một giải pháp thương lượng để chấm dứt chiến tranh.

Nếu Trump và Vance thắng cử, họ có thể, theo lẽ tự nhiên, sẽ thay đổi hướng đi. Thật dễ dàng để tưởng tượng Trump, thất vọng vì Putin không sẵn sàng đàm phán nghiêm túc về Ukraine, chuyển sang ủng hộ Kyiv. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Ukraine và NATO phải xem xét khả năng Washington sẽ không giúp ích được nhiều.

Trên thực tế, ngay cả khi đảng Dân chủ chiến thắng, Ukraine có thể thấy sự ủng hộ của Mỹ giảm xuống, tùy thuộc vào những gì xảy ra ở các khu vực khác trên thế giới. Cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10 đã làm giảm đáng kể tầm nhìn toàn cầu về cuộc chiến ở Ukraine, ảnh hưởng đến sự ủng hộ dành cho Kyiv. Mặc dù các loại đạn dược mà Lực lượng Phòng vệ Israel yêu cầu thường khác với những loại mà Ukraine yêu cầu, nhưng nhu cầu của IDF đã khiến các nhà hoạch định chính sách ở Washington và những nơi khác dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho Trung Đông, khiến Kyiv nhận được ít hơn. Cuộc chiến ở Gaza cũng thúc đẩy sự chuyển hướng chú ý của giới truyền thông khỏi Ukraine, điều này lại có tác động tiêu cực đến sự ủng hộ của người dân đối với đất nước này. Nếu các cuộc xung đột ở Trung Đông mở rộng, điều đó sẽ chỉ làm cạn kiệt thêm nguồn lực và sự chú ý của Ukraine – đặc biệt là nếu cuộc chiến của Israel với Hezbollah nóng lên. Một cuộc xung đột toàn diện giữa Hezbollah và Israel sẽ tiêu tốn gần như chính xác các loại pháo và vũ khí phòng không mà Ukraine cần, chẳng hạn như đạn 155 mm, đạn xe tăng và thậm chí cả bom chính xác thả từ máy bay. Giao tranh mở rộng với Iran hoặc Houthis có thể tiêu tốn những nguồn cung cấp tương tự.

Chỉ huy và kiểm soát

Ukraine không thể kiểm soát địa chính trị toàn cầu, và họ có ít ảnh hưởng đến chính trị nội bộ của các đối tác của mình. Tuy nhiên, phần lớn những gì sẽ định hình năm 2025 nằm trong tầm kiểm soát của Kyiv. Xét đến, ví dụ như huấn luyện. Lực lượng mặt đất mà Ukraine triển khai ở miền Nam đã không nhận đủ chỉ dẫn tập thể cấp cao trước các cuộc phản công năm 2023, với rất ít chiến dịch cấp tiểu đoàn hoặc lữ đoàn được tiến hành đồng thời. Các đội hình giàu kinh nghiệm nhất được giữ lại ở miền đông Ukraine, và đơn giản là không có đủ thời gian để nâng cấp và huấn luyện các lữ đoàn mới để họ có năng lực cao trong các hoạt động phối kết hợp đồng thời ở cấp cao hơn. Để có bất kỳ cơ hội nào cho các cuộc tấn công thành công vào năm 2025, Ukraine sẽ phải khắc phục thiếu sót này. Một số sẽ bao gồm yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ và các đối tác NATO, đặc biệt là khi nói đến việc đào tạo các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách cấp cao hơn. Nhưng Kyiv có thể đi đầu trong việc đào tạo tốt hơn cho các tân binh cơ bản. Do đó, Ukraine sẽ cần tìm ra các giải pháp nhanh chóng và hiệu quả để nâng cao và hướng dẫn thêm nhiều binh sĩ cá nhân cũng như trang bị cho các lữ đoàn mới.

Ukraine cũng có quyền tự quyết đối với các trận quyết chiến ở tầm chiến dịch và chiến lược của mình. Ukraine đã phát triển một khả năng tấn công mạnh mẽ, bao gồm các loại tên lửa tự sản xuất; các hệ thống không người lái tầm xa, đặc biệt là drone; tên lửa phương Tây, chẳng hạn như tên lửa được bắn từ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật của Quân đội Mỹ và tên lửa Storm Shadow của Châu Âu; và một số vũ khí còn sót lại từ thời Liên Xô. Khả năng này cũng sử dụng kết hợp dữ liệu cảm biến của Ukraine và NATO. Và Ukraine đã học cách sử dụng học thuyết nhắm mục tiêu chung của NATO, một phương pháp tiêu chuẩn hóa để lập kế hoạch, tiến hành và đánh giá các hoạt động tấn công tầm xa.

Tổ hợp tấn công của Kyiv hiện đang được sử dụng để chống lại ba mục tiêu chính: ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga; khí tài quân sự tiêu chuẩn, chẳng hạn như sân bay, trụ sở chính, lực lượng dự bị, phòng không và trung tâm hậu cần; và Crimea và Hạm đội Biển Đen của Nga. Trong vài tháng tới, Ukraine sẽ phải đưa ra những đánh đổi khó khăn về cách ưu tiên các mục tiêu này và họ nên giữ bao nhiêu vũ khí dự trữ. Nhưng những lựa chọn này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Ukraine.

Các quyết định về thời gian và địa điểm của các chiến dịch tấn công trong tương lai cũng vậy. Các lựa chọn cuối cùng của Ukraine sẽ phải được giữ bí mật chặt chẽ để mang lại cho Kyiv cơ hội tốt nhất để gây bất ngờ cho Moscow. Điều đó sẽ không dễ dàng với các công nghệ hiện tại, vốn đã cung cấp cho Nga mạng lưới cảm biến rộng khắp. Nhưng như người Nga đã thể hiện trong cuộc tấn công Kharkiv năm 2024 của họ và như người Ukraine đã thể hiện trong cuộc phản công Kharkiv năm 2023 của họ, điều đó là có thể – đặc biệt là khi nói đến thời gian. Việc giữ bí mật về địa lý sẽ khó hơn, nhưng Ukraine vẫn có thể thận trọng và khôn ngoan về nơi họ tiến hành các cuộc phản công.

Kyiv không thiếu các mục tiêu tiềm năng. Họ có thể chọn bắt đầu ở Donbas, để cản trở mục tiêu của Putin là chiếm toàn bộ miền đông Ukraine. Họ có thể chọn Kharkiv, để đảm bảo rằng thành phố lớn thứ hai của Ukraine vẫn nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Nga. Các khả năng khác bao gồm các phần của miền nam Ukraine, vì tầm quan trọng kinh tế của nó, hoặc thậm chí cả Crimea.

Khi Ukraine cân nhắc thời điểm và địa điểm để bắt đầu chiến đấu, một trong những yếu tố quan trọng nhất sẽ là cơ hội. Tình báo Ukraine, phối hợp với NATO và các đối tác khác, sẽ theo dõi sức mạnh và tinh thần của quân đội Nga, lượng đạn dược quan trọng của Nga và lực lượng dự bị của Nga để tìm dấu hiệu yếu kém trên các mặt trận khác nhau. Kyiv có thể chọn bắt đầu chiến dịch dọc theo nhiều trục khác nhau để tạo ra sự mơ hồ về hướng chính của chiến dịch hoặc để tìm ra mặt trận nào dễ bị tổn thương nhất. Nhưng mọi khu vực tiềm năng sẽ đều khó khăn, xét tới việc Moscow hiện sở hữu nhiều lực lượng ở Ukraine và mạng lưới phòng thủ dày đặc mà họ đã xây dựng trên khắp miền đông và miền nam. Một cuộc phản công thành công ở bất cứ đâu sẽ đòi hỏi các hoạt động tấn công, tình báo quan trọng và dự trữ được thực hiện một cách bền vững. Việc huấn luyện và diễn tập cho các lực lượng quân sự tham gia ở mỗi khu vực sẽ hơi khác nhau.

Như thường lệ ở tất cả các quốc gia dân chủ, nhà lãnh đạo được bầu của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky, sẽ có tiếng nói cuối cùng về cả địa điểm và thời gian của các cuộc tấn công của Ukraine. Do đó, Zelensky và các cố vấn thân cận nhất của ông sẽ đánh giá cẩn thận khả năng của Nga cũng như khả năng của chính họ, và tìm kiếm những cơ hội tốt nhất có thể. Ông sẽ nhận được lời khuyên từ Oleksandr Syrsky, tổng tư lệnh của Ukraine. Ở cấp độ chính trị và chiến lược của việc ra quyết định thời chiến, không có cái gọi là quyền tự chủ quân sự. Sự tương tác giữa nhân viên dân sự và quân sự có thể cải thiện kế hoạch quân sự bằng cách thử nghiệm các lựa chọn khác nhau từ các quan điểm khác nhau.

Khi đưa ra lựa chọn, Zelensky và nhóm của ông cũng sẽ theo dõi sự hỗ trợ của phương Tây, bao gồm thông qua các cuộc thăm dò và bình luận từ các chính trị gia phương Tây. Nhóm của ông sẽ làm việc để quản lý kỳ vọng của các nước đối tác. Trước cuộc phản công ở miền Nam năm 2023, người Mỹ và người châu Âu tin rằng Kyiv sẽ thành công, nhờ các bản tin truyền thông, tuyên bố của các chính trị gia, dòng thiết bị mới đổ vào và chiến thắng của Kyiv vào cuối năm 2022. Thật không may, những kỳ vọng này đã bị dập tắt trên chiến trường. Sự thất vọng này đã gây ra những hậu quả chính trị đáng kể. Cuộc tranh luận kéo dài của Mỹ về việc có nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi kết quả này. Cuộc khủng hoảng dân-quân sự của Kyiv vào cuối năm 2023, dẫn đến việc Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh của đất nước khi đó bị sa thải vào tháng Hai, cũng vậy. Ukraine không thể để tình trạng sa sút như vậy xảy ra một lần nữa, vì vậy họ sẽ cần phải làm việc với NATO và các nhà lãnh đạo nước ngoài để kiểm soát nhận thức tốt hơn. Các chiến dịch quân sự của Kyiv cũng phải đạt được kết quả chính trị và đảm bảo rằng Ukraine được đặt ở vị trí tối ưu nếu họ buộc phải tham gia các cuộc đàm phán sớm.

Chuẩn bị và cơ hội

Các quyết định cụ thể về địa lý, hậu cần, chiến thuật và thời gian của Ukraine đều rất quan trọng. Nhưng cuối cùng, thành công của đất nước này sẽ phụ thuộc vào việc Kyiv có thể phát triển một học thuyết chiến thắng dựa trên nguồn lực của chính mình và của những quốc gia ủng hộ hay không.

Học thuyết chiến thắng này có khả năng sẽ có các cấu phần quân sự, kinh tế, ngoại giao và thông tin. Học thuyết này sẽ hướng đến một kết quả chính trị – bao gồm việc giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine, Crimea và Donbas – nhưng nó phải xem xét hàng loạt các thực tế chiến lược và chiến dịch được thể hiện bởi tình trạng hiện tại của cuộc chiến. Học thuyết này sẽ đòi hỏi những chiến thắng trên chiến trường trên bộ, trên không và trên biển, ít nhất là tăng gấp đôi số thương vong mà Ukraine hiện đang gây ra cho Nga. Làm như vậy là cần thiết để buộc Moscow, hiện đang tuyển mộ binh lính với số lượng tương đương với số thương vong, phải đưa ra những lựa chọn chính trị khó khăn hơn về việc ai sẽ được tuyển dụng hoặc nhập ngũ. Do đó, Ukraine sẽ cần phát triển các học thuyết quân sự tấn công mới, hiệu quả hơn và kết hợp nhiều hệ thống không người lái hơn cả trên không và trên bộ. Các hoạt động phòng thủ hiện là hình thức chiến tranh chủ yếu của Ukraine, nhưng Kyiv sẽ cần các cuộc tấn công mới để tiếp cận và đột phá các tuyến phòng thủ của Moscow. Phần lớn phụ thuộc vào việc Ukraine phát triển thành công các khái niệm như vậy trước Nga.

Họ phải làm như vậy với sự giúp đỡ của NATO. Trên thực tế, Ukraine nên phối hợp toàn bộ lý thuyết chiến thắng mới của mình với phương Tây. Lý thuyết này không thể chỉ tập trung vào việc bảo vệ Ukraine; nó cũng phải tập trung vào việc đánh bại Nga. Điều đó sẽ đòi hỏi sự gia tăng về nguồn lực và đào tạo của phương Tây và sự thay đổi trong tư duy của phương Tây. Theo đó, Kyiv phải thuyết phục được những người ủng hộ mình.

Để thành công, Ukraine nên nhắc nhở các đối tác của mình rằng không có cách nào để chấm dứt chiến tranh chừng nào Putin còn tin rằng ông ta có thể thắng. Moscow có thể đồng ý đàm phán ngay hôm nay, nhưng nếu Putin vẫn tự tin, ông ta sẽ chỉ đơn giản là sử dụng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào để tái vũ trang trước khi tấn công trở lại – như ông ta đã làm ở Chechnya và bằng cách xâm lược Ukraine vào năm 2022, vi phạm các hiệp định hòa bình ở Donbas. Đúng là hầu như tất cả các cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán. Nhưng các cuộc đàm phán tốt nhất là những cuộc đàm phán mà kẻ thù phải quỳ gối, như Đức và Nhật Bản vào cuối CTTG II, hoặc những cuộc đàm phán mà kẻ thù kiệt sức đến mức rút lui là lựa chọn thực sự duy nhất, như Liên Xô ở Afghanistan. Ukraine sẽ phải khiến cuộc chiến trở nên không thể chịu đựng và không bền vững đối với Nga đến mức Nga sẵn sàng đồng ý không chỉ một thời gian nghỉ ngơi tạm thời mà còn chấm dứt thực sự chiến tranh.

Kyiv có những gì cần thiết để thành công. Bất chấp phải đối mặt với vô vàn làn sóng tấn công, họ đã khiến quân đội Nga vốn có nhiều lợi thế phải thất bại. Ukraine đã làm được như vậy trong khi gặp phải tình trạng thiếu hụt đáng kể về nhân lực và hỏa lực. Giờ đây, cơ hội tối đa hóa của Moscow đã gần như qua đi. Trong những tháng tới, khi đà của Nga suy yếu, Ukraine sẽ chuẩn bị, tái cấu trúc và theo dõi các cơ hội. Thành công không bao giờ là chắc chắn trong chiến tranh, nhưng Ukraine sẽ có vị thế tốt hơn vào năm 2025 so với năm nay để giải phóng lãnh thổ và thuyết phục Nga rằng cái giá của chiến tranh là không xứng đáng. Nhưng để giành chiến thắng, Kyiv sẽ phải xây dựng lại năng lực tấn công của mình, thực hiện các nỗ lực ngoại giao, gây ảnh hưởng đến các hoạt động và đưa ra một học thuyết mới về cách giành chiến thắng.

MICK RYAN là Nghiên cứu viên Cao cấp về Nghiên cứu Quân sự tại Viện Lowy ở Sydney, Nghiên cứu viên Phụ trợ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là Thiếu tướng đã nghỉ hưu trong Quân đội Australia.