Chi tiêu Quốc phòng Trung Quốc: Con số 700 tỷ USD gây hiểu lầm

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:  M. Taylor Fravel, George Gilboy, và Eric Heginbotham, “China’s Defense Spending: The $700 Billion Distraction”, War on the Rock, 02/08/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ đang khuếch đại những ước tính sai lệch về chi tiêu quốc phòng hàng năm của Trung Quốc, cho rằng con số này cao hơn nhiều so với thực tế. Trong những tính toán sai lầm này, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã đạt 700 tỷ USD, gần bằng mức ngân sách quốc phòng của Mỹ. Những ước tính phóng đại này đã thu hút sự chú ý ở Quốc hội, giới truyền thông và giới quốc phòng.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã chỉ ra trong bài báo gần đây trên Texas National Security Review (và như chúng tôi cũng đã thảo luận trên Horns of a Dilemma), những ước tính phóng đại này tính toán các hạng mục chi tiêu cho Trung Quốc mà không tính đến các chi tiêu tương tự cho Mỹ, đồng thời áp dụng phương pháp sức mua tương đương (PPP) nhấn mạnh chi phí lao động thấp như một lợi thế quân sự quan trọng. Ước tính tỷ giá hối đoái PPP giải quyết một vấn đề quen thuộc đối với nhiều du khách quốc tế: một USD chi tiêu ở một quốc gia nghèo hơn sẽ mua được nhiều sản phẩm nội địa hơn như quần áo, thực phẩm hoặc nhà ở so với một USD chi tiêu ở một quốc gia giàu có hơn. Mức giá chung cao hơn ở các quốc gia giàu có hơn là do mức đầu tư công nghệ, năng suất và tiền lương cao hơn. Sức mua tương đương điều chỉnh cho các mức giá khác nhau để cho phép so sánh chi phí cho các sản phẩm tương tự.

Tính đến những loại chi tiêu không nằm trong ngân sách chính thức và sử dụng dữ liệu sức mua tương đương mới của Ngân hàng Thế giới được công bố vào năm 2024, chúng tôi ước tính Trung Quốc sẽ chi tương đương 474 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2024, cao hơn nhiều so với ngân sách quốc phòng chính thức năm 2024 là 232 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái thị trường. Khi so sánh với các hạng mục chi tiêu tương tự của Mỹ, con số này chiếm 36% chi tiêu liên quan đến quốc phòng năm 2024 của Mỹ là 1,3 nghìn tỷ USD.

Cách tiếp cận của chúng tôi dựa trên hai nguyên tắc đơn giản nhưng thường bị bỏ qua. Thứ nhất, bất kỳ sự so sánh nào với chi tiêu quốc phòng của Mỹ cũng nên bao gồm các hạng mục chi tiêu tương tự cho cả Trung Quốc và Mỹ. Thứ hai, tỷ giá hối đoái được sử dụng để chuyển đổi tiền tệ nên phù hợp với ngân sách quân sự. Nếu điều chỉnh sức mua tương đương được thực hiện cho các yếu tố ngân sách cụ thể như tiền lương quân sự, thì chúng nên dựa trên dữ liệu chi phí thực tế (không phải ước tính) nếu có thể. Trường hợp khó khăn hơn, nên áp dụng dữ liệu sức mua tương đương ở cấp ngành phù hợp cho các yếu tố đầu vào như nhân sự, triển khai và đào tạo, cũng như chi phí thiết bị.

Tại sao những ước tính như vậy lại quan trọng và tại sao điều quan trọng là phải thực hiện chúng một cách chính xác nhất có thể? Thứ nhất, không có lý do gì để đưa ra một ước tính quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia sai khi có sẵn dữ liệu và phương pháp tốt hơn. Thứ hai, ước tính chi tiêu quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức độ và bản chất của những thách thức quân sự mà Trung Quốc đặt ra đối với Mỹ và các đồng minh. Trong trường hợp các yếu tố khác đều ngang bằng nhau, ngân sách quốc phòng lớn hơn cho thấy mối đe dọa rõ ràng hơn. Đánh giá thấp mối đe dọa có thể khiến người ta không chuẩn bị, trong khi đánh giá quá cao mối đe dọa có thể thúc đẩy vòng xoáy cạnh tranh an ninh. Thứ ba, việc tập trung sai chỗ vào mức chi tiêu tổng hợp có thể làm sao nhãng sự chú ý khỏi cuộc tranh luận quan trọng hơn về loại khả năng mà Mỹ nên trang bị đối phó với quá trình hiện đại hóa quân sự đang diễn ra của Trung Quốc.

Tạo một sức mua sức mạnh quân sự tương đương

Có nhiều cách hợp lý để so sánh chi tiêu quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng không có phương pháp phân tích nào đủ thuyết phục để đưa ra con số cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp hoặc sắp vượt qua tổng chi tiêu quốc phòng tương đương của Mỹ, như ước tính 700 tỷ đô la mà một số người đưa ra. Trong số các vấn đề với các ước tính tạo ra những con số cao như vậy là việc bao gồm các hạng mục chi tiêu ngoài ngân sách quốc phòng chính thức cho Trung Quốc mà không bao gồm các hạng mục chi tiêu liên quan đến quốc phòng tương tự cho Mỹ, chẳng hạn như an ninh nội địa, phúc lợi cho cựu chiến binh, nghiên cứu và phát triển liên quan đến quốc phòng không nằm trong ngân sách quốc phòng chính thức và “hợp nhất dân quân sự” (hợp nhất chi tiêu thương mại và liên quan đến quốc phòng cho các công nghệ như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo).

Các sai sót khác đến từ việc sử dụng tỷ giá hối đoái sức mua tương đương. Điều quan trọng là ước tính sức mua tương đương có những hạn chế. Ví dụ, chúng không được phát triển để đo lường hàng hóa, dịch vụ và công nghệ có thể giao dịch quốc tế. Thay vào đó, tỷ giá hối đoái thị trường phản ánh tốt hơn sức mua đối với những hàng hóa này.

Sử dụng tỷ giá hối đoái thị trường để chuyển đổi chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sang số lượng USD tương đương có thể là lựa chọn tốt nhất vì nó phản ánh chính xác hơn chi phí của vũ khí và thiết bị tiên tiến, đồng thời ít có khả năng xảy ra lỗi tính toán hơn. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái thị trường có thể đánh giá thấp sức mua đối với một số loại chi tiêu quốc phòng ở một quốc gia như Trung Quốc. Trong một nền kinh tế đang phát triển, tiền lương, quần áo, thực phẩm và xây dựng sẽ dựa trên chi phí thâm dụng lao động. Tuy nhiên, nếu sử dụng sức mua tương đương, cần xem xét cẩn thận cách điều chỉnh liên quan đến đầu vào và đầu ra trong thế giới thực. Điều chỉnh sức mua trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sẽ cho thấy lợi thế sức mua đáng kể của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái sức mua tương đương cũng có thể phản ánh sức mua tương đối thấp hơn so với tỷ giá hối đoái thị trường đối với hàng hóa thâm dụng vốn và công nghệ. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy sức mua của Trung Quốc đối với công nghệ máy móc và thiết bị thấp hơn đáng kể so với sức mua theo tỷ giá hối đoái thị trường. Nói cách khác, một số công nghệ nhất định có chi phí mua lại đối với Trung Quốc cao hơn so với chi phí mua lại đối với Mỹ. Điều này có thể xảy ra khi có rào cản thương mại đối với những hàng hóa đó hoặc khi phải vượt qua chi phí của rào cản gia nhập hoặc quá trình học hỏi. Bất kỳ tỷ giá hối đoái sức mua tương đương nào được sử dụng cũng nên tương ứng – trong giới hạn hợp lý – với hạng mục chi tiêu đang được xem xét. Nên tuân theo các hướng dẫn về phương pháp luận và phương pháp của Ngân hàng Thế giới để đảm bảo rằng các hàng hóa liên quan đến quốc phòng đang được xem xét là có thể so sánh được.

Một số ước tính về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sử dụng một tỷ giá hối đoái sức mua tương đương trên toàn nền kinh tế để thổi phồng toàn bộ ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hoặc áp dụng điều chỉnh chung một cách không phù hợp cho các phần khác nhau của ngân sách. Điều này gây hiểu nhầm vì bất kỳ ngân sách quốc phòng nào cũng bao gồm sự kết hợp giữa một mặt là các thành phần sử dụng nhiều lao động trong nước và mặt khác là các thành phần giao dịch hoặc thâm dụng vốn quốc tế.

Nhiều ước tính cao gần đây về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã mắc phải một lỗi khác: Họ áp dụng tỷ giá hối đoái ngang sức mua chuyên biệt cho chi phí lao động (kém kỹ năng hơn) cho các thành phần rộng lớn trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc mà không áp dụng tỷ giá hối đoái chuyên biệt phù hợp cho các hạng mục chi tiêu khác. Điều này thể hiện một bức tranh phóng đại và không cân bằng về sức mua quốc phòng của Trung Quốc. Làm trầm trọng thêm sai sót, một số nguồn cố gắng ước tính tiền lương của lĩnh vực quốc phòng thông qua các biến số ủy quyền. Những ước tính này không tính đầy đủ sự khác biệt về năng suất (hiệu quả) giữa quân nhân Trung Quốc và Mỹ cũng như lực lượng lao động trong lĩnh vực quốc phòng. Hơn nữa, bản thân các ước tính về tiền lương không so sánh tốt với dữ liệu thực tế đối với quân nhân Trung Quốc. Một số dữ liệu về tiền lương quân sự của Trung Quốc chỉ ra rằng các ước tính kinh tế lượng gần đây về chi phí lao động quốc phòng đã thổi phồng sức mua lao động quốc phòng của Trung Quốc hơn 100%.

Tin tốt là có sẵn dữ liệu sức mua tương ứng với các hạng mục chi tiêu quốc phòng khác nhau. Ngân hàng Thế giới đưa ra tỷ giá hối đoái sức mua tương đương ước tính mức giá cho toàn bộ nền kinh tế (tổng sản phẩm quốc nội), và cũng cho các lĩnh vực cụ thể như tiêu dùng, xây dựng và công nghệ như thiết bị và máy móc. Dữ liệu này được thu thập trong các cuộc khảo sát thực địa chi tiết về giá thực tế của Chương trình So sánh Quốc tế. Nhưng dữ liệu không được cập nhật thường xuyên. Cuộc khảo sát thực địa gần đây nhất được thực hiện vào năm 2021 và được công bố vào tháng 6 năm 2024. Các cuộc khảo sát trước đây được thực hiện vào các năm 2005, 2011 và 2017. Tuy nhiên, các chuỗi dữ liệu này có những lợi thế đáng kể: Chúng dựa trên giá thực tế của sản phẩm và dịch vụ, có phương pháp luận nhất quán và cơ sở để so sánh các sản phẩm và tiết lộ một số thay đổi theo thời gian.

Để tạo ra “sức mua tương đương quân sự” cân bằng và chính xác, chúng tôi sử dụng dữ liệu của Ngân hàng Thế giới để tính toán các hạng mục chi tiêu quốc phòng bao gồm nhân sự, triển khai và đào tạo, cũng như thiết bị. Chúng tôi sử dụng tỷ giá hối đoái sức mua tương đương cụ thể, phù hợp cho tổng sản phẩm quốc nội, tiền lương, tiêu dùng, xây dựng và thiết bị cho từng hạng mục chi tiêu quốc phòng tương ứng.

Vào tháng 6 năm 2024 (ngay sau khi bài báo của chúng tôi trên Texas National Security Review được xuất bản), Ngân hàng Thế giới đã công bố dữ liệu mới từ các cuộc khảo sát thực địa được thực hiện vào năm 2021 và đã có sửa đổi nhỏ đối với bộ dữ liệu năm 2017 trước đó. Bảng 1 cho thấy ước tính cập nhật của chúng tôi về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm 2024 bằng cách sử dụng dữ liệu mới nhất. Dữ liệu mới dẫn đến ước tính chi tiêu quốc phòng năm 2024 của Trung Quốc tăng nhẹ (0,6%), lên tương đương 474 tỷ USD. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề tạo ra sức mua tương đương quân sự cân bằng và chính xác hơn, vì vậy để khuyến khích tranh luận, chúng tôi giải thích cách tiếp cận của mình trong phụ lục trực tuyến.

Bảng 1. Ước tính chi tiêu quốc phòng năm 2024 của Trung Quốc, sử dụng tỷ giá hối đoái sức mua tương đương (PPP) mới được công bố vào tháng 6 năm 2024. Không bao gồm chương trình vũ khí hạt nhân, không gian và tình báo.

Bài kiểm tra thông thường về chuyển đổi sức mua tương đương.

Các phân tích gần đây về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sử dụng hệ số nhân sức mua tương đương trên toàn nền kinh tế hoặc ước tính chi phí lao động chuyên biệt không vượt qua được bài kiểm tra thông thường. Các khả năng quân sự hiện đại nguy hiểm nhất dựa trên vũ khí và hệ thống thâm dụng công nghệ, trong đó dữ liệu giá ở cấp ngành cho thấy Trung Quốc có sức mua thấp hơn — chứ không cao hơn — so với tỷ giá hối đoái thị trường. Các yếu tố sử dụng nhiều lao động như nhân sự thấp hoặc chi phí vật chất cơ bản, nơi Trung Quốc được hưởng lợi thế về sức mua, là một trong những khả năng quân sự kém nguy hiểm nhất, chẳng hạn như bộ binh hạng nhẹ.

Các đánh giá thổi phồng khả năng kém nguy hiểm nhất đã đảo ngược logic về sức mạnh quân sự hiện đại. Họ lập luận rằng mức lương và giá tương đối thấp hơn của Trung Quốc — do trình độ phát triển kinh tế và công nghệ tương đối thấp hơn — là một lợi thế quân sự chứ không phải là một bất lợi. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ đều có nhiều khả năng được xác định bởi sức mạnh tương đối của các khả năng tiên tiến về không quân, hải quân và không gian (và khả năng của quân đội trong việc sử dụng những khả năng đó một cách hiệu quả và linh hoạt), thay vì số lượng binh lính bộ binh. Các hệ thống quân sự của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với khả năng của Mỹ, chẳng hạn như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, tàu ngầm tối tân hoặc vũ khí dẫn đường chính xác, sẽ dựa ít nhất một phần vào công nghệ có nguồn gốc toàn cầu có chi phí mua lại cao hoặc dựa vào phát triển bản địa và thay thế tốn kém cho các công nghệ có nguồn gốc toàn cầu — những chi phí mà tiền lương thấp không thể bù đắp được.

Mặc dù điều chỉnh sức mua có thể giúp hiểu rõ về quy mô tổng thể của một nền kinh tế và mức sống tương đối trong nước giữa các quốc gia, nhưng việc sử dụng chúng để điều chỉnh ngân sách chính phủ hoặc các khoản chi tiêu cụ thể là rất phức tạp. Lỗi phương pháp và sai lệch có thể ảnh hưởng nặng nề đến kết quả cuối cùng.

Điều chỉnh sức mua tương đương đối với tiền lương chỉ đơn giản cho thấy Trung Quốc có lợi thế tương đối về chi phí lao động đối với quân nhân. Nhưng Trung Quốc chỉ thu được lợi ích từ tiền lương rẻ hơn so với khả năng mà tiền lương đó có thể mua được. Lợi ích từ lao động chỉ tỷ lệ thuận với chi phí nếu — và chỉ khi — người ta giả định rằng lực lượng mặt đất, hải quân, không quân, vũ trụ và các quân nhân chuyên môn cao khác của Mỹ và Trung Quốc có chức năng tương đương. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng quân nhân Mỹ và Trung Quốc không có chức năng tương đương dựa trên sự khác biệt về giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm quân ngũ. Phản ánh những khác biệt như vậy, năng suất lao động của Mỹ cao hơn khoảng bảy lần so với Trung Quốc theo tỷ giá hối đoái thị trường và cao hơn khoảng bốn lần khi điều chỉnh theo sức mua tương đương.

Mặc dù chúng ta có thể không mong đợi khoảng cách lớn như vậy về năng suất hoặc hiệu quả quân sự, nhưng giả định rằng một sĩ quan hoặc hạ sĩ quan Trung Quốc hoàn thành các chức năng tương tự ở cùng mức độ hiệu quả như một đối tác người Mỹ là điều đáng nghi ngờ. Sự khác biệt ở cấp độ nhập ngũ cơ sở cũng lớn không kém vì những người nhập ngũ cơ sở trong hệ thống Mỹ là những người tình nguyện thường được đào tạo để trở thành thế hệ lãnh đạo nhập ngũ tiếp theo hoặc để thăng cấp lên sĩ quan, trong khi các nhân viên nhập ngũ cơ sở của Trung Quốc thường là lính nghĩa vụ phục vụ ngắn hạn và có chương trình được đào tạo chất lượng thấp hơn. Hơn nữa, ngay cả khi người ta giả định rằng Trung Quốc sở hữu lợi thế tương xứng trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, điều này chỉ có nghĩa là Trung Quốc có lợi thế về sức mua đối với hàng hóa sử dụng nhiều lao động. Đây là những khả năng kém nguy hiểm nhất. Trung Quốc không có lợi thế về sức mua đối với hàng hóa công nghệ cao, vốn là nền tảng cho những khả năng nguy hiểm nhất. Các cải cách quân sự của Trung Quốc đã dần dần chuyển quân đội giải phóng nhân dân sang chú trọng công nghệ cao và tránh xa các lực lượng sử dụng nhiều lao động, tức là tránh xa những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ các điều chỉnh sức mua tương đương dựa trên lạm phát.

Vậy những con số mới nói với chúng ta điều gì?

Dữ liệu mới chỉ ra rằng sức mua tổng thể của Trung Quốc so với tỷ giá hối đoái thị trường không thay đổi nhiều kể từ năm 2017. Ở mức cao nhất và so với tỷ giá hối đoái thị trường cùng năm, sức mua trên toàn nền kinh tế của Trung Quốc gấp 1,6 lần so với tỷ giá hối đoái thị trường vào năm 2021, giảm nhẹ so với năm 2017 (bảng 3). Dữ liệu cấp ngành cho thấy sức mua tương đối của Trung Quốc tăng lên ở các lĩnh vực như nhà ở, chăm sóc sức khỏe, xây dựng, giao thông vận tải và truyền thông. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, sức mua tương đương của Trung Quốc đã bị xói mòn ở các lĩnh vực như tổng tiêu dùng, giáo dục và công nghệ thể hiện trong máy móc và thiết bị.

Ví dụ, dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ giá hối đoái theo sức mua tương đương của Trung Quốc đối với máy móc và thiết bị là 9,9 nhân dân tệ/USD. Không giống như sức mua tương đương tổng sản phẩm quốc nội tổng thể là 3,99 nhân dân tệ/USD, điều này ngụ ý sức mua của Trung Quốc đối với một số hàng hóa thâm dụng vốn ít hơn so với tỷ giá hối đoái thị trường năm 2021 là 6,45 nhân dân tệ/USD. Nói cách khác, ở một số lĩnh vực thiết bị, Trung Quốc cần chi nhiều hơn mức tỷ giá hối đoái thị trường đề xuất để mua một sản phẩm tương đương. Những điều chỉnh này phản ánh bất lợi về sức mua tương đương tương đối của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ này, chứ không phải là một lợi thế. Đây là kết quả nhất quán trong tất cả các cuộc khảo sát giá của Ngân hàng Thế giới về Trung Quốc kể từ khi bắt đầu vào năm 2005 (bảng 2).

Bảng 2. Tỷ giá hối đoái thị trường và tỷ giá hối đoái sức mua tương đương (PPP) của Trung Quốc:

Bảng 3. “Sức mua” mang tính biểu thị của Trung Quốc so với tỷ giá hối đoái thị trường.

Kể từ năm 2012, việc Bắc Kinh đảo ngược các cải cách kinh tế, tái tập trung hóa việc ra quyết định kinh tế và nhà nước tái can thiệp vào nền kinh tế đã làm gia tăng các vấn đề dai dẳng của Trung Quốc về đổi mới công nghệ và sự phụ thuộc vào công nghệ và linh kiện nhập khẩu. Dữ liệu sức mua tương đương mới chỉ ra rằng ở một số lĩnh vực thiết bị và công nghệ, chi phí trong nước của Trung Quốc cao hơn so với tỷ giá hối đoái thị trường, và sự bất lợi này trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn 2017-2021. Cuộc cạnh tranh về sức mạnh quân sự, hải quân và hàng không vũ trụ công nghệ cao hơn có thể cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản sẽ vẫn khó khăn và tốn kém đối với Trung Quốc. Ít nhất, Trung Quốc không được hưởng lợi thế về sức mua trong công nghệ và thiết bị quân sự. Ngay cả trong các lĩnh vực quân sự mà Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển, nước này vẫn phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu, vốn chỉ có thể được mua theo tỷ giá hối đoái thị trường (và việc tiếp cận có thể bị gián đoạn hoặc thậm chí còn tốn kém hơn do các lệnh trừng phạt).

Cân bằng quân sự và các lựa chọn cho Mỹ

Việc đánh giá chính xác chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là quan trọng vì nhiều lý do. Đầu tiên, nó cung cấp thông tin về cách Mỹ nên chi tiêu nguồn lực khan hiếm của mình để củng cố vị thế của mình so với Trung Quốc. Ví dụ, Không quân Mỹ có nên cho ngừng triển khai các máy bay cũ và chi tiền tiết kiệm được để trẻ hóa lực lượng không? Hay Không quân nên tiếp tục duy trì chúng để tối đa hóa khả năng hiện tại hơn là tương lai? Thứ hai, đánh giá chính xác giúp các nhà lãnh đạo Mỹ cân bằng các ưu tiên cạnh tranh khi đối mặt với nhiều thách thức an ninh toàn cầu, chẳng hạn như cuộc xâm lược Ukraine của Nga và cuộc chiến giữa Israel và kẻ thù của họ. Thứ ba, đánh giá không chính xác có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn. Ví dụ, việc đánh giá quá cao chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể tạo ra áp lực mạnh mẽ buộc Mỹ phải phản ứng thái quá, làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai nước. Ngoài ra, việc đánh giá quá cao có thể củng cố lập trường của những người tin rằng những rủi ro và chi phí duy trì các liên minh khu vực của Mỹ hoặc vị thế chiến lược của Mỹ ở châu Á là quá cao. Cuối cùng, những đánh giá không chính xác có thể làm suy yếu khả năng răn đe bằng cách tạo ra sự không chắc chắn về cán cân quyền lực tương đối. Khoảng cách lớn về chi tiêu, sức mạnh và khả năng vẫn còn, và tốt hơn là các nhà hoạch định chính sách ở cả Mỹ và Trung Quốc nên biết điều đó.

Hiểu chi tiêu quân sự ở Trung Quốc và Mỹ chỉ là một phần của một loạt thách thức phân tích cần phải được giải quyết để đưa ra chính sách chiến lược và quân sự tốt hơn. Tuy nhiên, nếu các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông coi phân tích ngân sách là một số liệu quan trọng thì việc phân tích nên được thực hiện một cách thận trọng và hợp lý. Luật về đánh giá chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện đang được Quốc hội xem xét nên so sánh các hạng mục chi tiêu tương tự, sử dụng tỷ giá hối đoái thị trường để chuyển đổi chi tiêu của Trung Quốc hoặc nếu sử dụng sức mua tương đương, hãy áp dụng tỷ giá hối đoái cân bằng và phù hợp cho từng hạng mục của chi tiêu quốc phòng Trung Quốc. Báo cáo về tổng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ xuất hiện cùng với đánh giá về khả năng vật chất mà Trung Quốc đang có được.

Taylor Fravel là giáo sư khoa học chính trị Arthur và Ruth Sloan và là giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT); George J. Gilboy là giám đốc điều hành tại một công ty năng lượng toàn cầu và là cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế MIT; Eric Heginbotham là một nhà khoa học nghiên cứu chính tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế MIT và là đồng giám đốc phòng thí nghiệm trò chơi chiến tranh tại Chương trình Nghiên cứu An ninh MIT.