Thế giới hôm nay: 12/09/2024

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Lạm phát năm ở Mỹ đã giảm xuống 2,5% trong tháng 8, từ mức 2,9% của tháng 7. Đây là những con số thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2021. Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát giữ nguyên mức 3,2%. Với lạm phát xuống gần sát mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang và thị trường việc làm đang hạ nhiệt, ngân hàng trung ương gần như chắc chắn sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới.

Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích vào đêm thứ Ba và thứ Tư khiến ít nhất 34 người thiệt mạng, theo các quan chức y tế ở Gaza. Một đòn không kích vào một ngôi trường Liên Hợp Quốc đang cho người Palestine trú ẩn đã khiến 14 người thiệt mạng; nhưng Israel nói họ chỉ nhắm vào các chiến binh Hamas. Đầu tuần này, không kích của Israel vào một khu vực nhân đạo được chỉ định đã khiến 19 người thiệt mạng, theo bộ y tế Hamas.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ngoại trưởng Anh David Lammy đã gặp Volodymyr Zelensky tại Kyiv. Tổng thống Ukraine yêu cầu họ cho phép nước ông sử dụng các hệ thống vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Ông Lammy cho biết ông đang “lắng nghe cẩn thận” nhu cầu của Ukraine và công bố khoản hỗ trợ hơn 600 triệu bảng Anh (780 triệu đô la Mỹ), theo Reuters.

UniCredit, ngân hàng lớn thứ hai nước Ý, đã mua 9% cổ phần của Commerzbank, một đối thủ cạnh tranh đến từ Đức. Ngân hàng Ý cho biết họ sẽ tìm kiếm một động thái bật đèn xanh để mua số cổ phần lớn hơn. Động thái này làm dấy lên hy vọng về một làn sóng M&A được mong đợi từ lâu. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu muốn củng cố ngành ngân hàng bị phân mảnh của châu Âu, nhưng việc không có chương trình bảo hiểm tiền gửi chung gây trở ngại cho tiến độ của họ.

Tăng trưởng GDP ở Anh không đổi trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 7. Các nhà phân tích dự kiến ​​mức tăng trưởng hàng tháng 0,2%. Đà giảm của lĩnh vực xây dựng và sản xuất đã bù lại cho mức tăng trưởng vừa phải của ngành dịch vụ. Sau khi rơi vào suy thoái vào năm 2023, tăng trưởng của Anh vượt kỳ vọng của hầu hết các nhà dự báo trong nửa đầu năm 2024, đạt 1,5%.

Hoa Kỳ sẽ cấp cho Ai Cập toàn bộ 1,3 tỷ đô la mà họ đã phân bổ cho quốc gia Trung Đông này dưới dạng viện trợ quân sự. Chính quyền Biden cho tới nay luôn giữ lại một số khoản tài trợ vì hồ sơ nhân quyền kém của Ai Cập. Bộ ngoại giao cho biết quyết định này phản ánh những đóng góp của Ai Cập vào các ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, chẳng hạn như nỗ lực để đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Tỷ lệ tuyển sinh sinh viên da đen vào Đại học Harvard đã giảm bốn phần trăm trong đợt tuyển sinh đầu tiên kể từ khi Tòa Tối cao Hoa Kỳ chấm dứt chính sách tuyển sinh có xem xét yếu tố chủng tộc, từ 18% xuống 14%. Các đại học khác cũng báo cáo một xu hướng tương tự, bao gồm Brown và MIT. Tỷ lệ sinh viên người Mỹ gốc Á tại Harvard vẫn không thay đổi so với năm ngoái, ở mức 37%.

Con số trong ngày: 4.000, là số vụ sáp nhập và mua lại liên quan đến các công ty Nhật Bản vào năm 2023, gấp đôi so với năm 2013.

TIÊU ĐIỂM

ECB nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm lãi suất

Vào thứ Năm, vài ngày sau khi cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nêu ra các đề xuất để phục hồi nền kinh tế châu Âu, ECB sẽ họp để quyết định có nên cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay hay không. Các chỉ số kinh tế ủng hộ cắt giảm. Lạm phát hàng năm đã giảm còn 2,2% trong tháng 8, chỉ cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Tăng trưởng kinh tế yếu: GDP của khu vực đồng euro chỉ tăng 0,2% từ tháng 4 đến tháng 6, sau khi tăng 0,3% trong quý đầu năm. Mặc dù thu nhập thực tế đang tăng, giới kinh tế không kỳ vọng các hộ gia đình sẽ chi tiêu thoải mái.

Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng lạm phát dịch vụ, vốn đạt khoảng 4% kể từ tháng 11, vẫn cao. Nhưng điều đó có lẽ sẽ không ngăn cản ECB. Nếu châu Âu thực sự muốn tiến hành các khoản đầu tư mà ông Draghi kêu gọi, họ sẽ cần có lãi suất thấp và tăng trưởng mạnh hơn.

Trung Quốc tổ chức diễn đàn quốc phòng quốc tế

Hàng trăm quan chức quốc phòng cấp cao và các chuyên gia quân sự từ hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế đang tề tựu về Bắc Kinh vào thứ Năm cho Diễn đàn Hương Sơn. Sự kiện thường niên này, tổ chức lần đầu vào năm 2006, là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thể hiện mình là một cường quốc quân sự có trách nhiệm. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “thúc đẩy hòa bình vì một tương lai chung.”

Một số người sẽ nhăn mặt, đặc biệt là Michael Chase, đại diện của Lầu Năm Góc tại sự kiện. Phương Tây đang coi Trung Quốc là một mối đe dọa, với một số dẫn chứng như việc Nga và Trung Quốc chuẩn bị tập trận hải quân và không quân chung ở Đông Bắc Á hay việc tuần duyên Trung Quốc ngày càng hung hăng gần các bãi cạn mà Philippines, một đồng minh của Mỹ, tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ba ngày thảo luận tại diễn đàn có lẽ sẽ không làm dịu đi nỗi lo của phương Tây.

Cơn sốt IPO ở Ấn Độ

Resourceful Automobile trông không có vẻ như một công ty sẽ có màn niêm yết chứng khoán đình đám. Công ty này chỉ có tám nhân viên và bán xe máy từ hai cửa hàng nhỏ ở Delhi. Khi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch SME của Ấn Độ vào tháng trước, công ty hy vọng huy động được 120 triệu rupee (1,4 triệu đô la) để tài trợ cho việc mở rộng của mình. Nhưng rồi IPO của họ được săn đón gấp 400 lần, với tổng tiền huy động được lên tới 48 tỷ rupee.

Ấn Độ đang có một cuộc bùng nổ IPO. Chỉ trong tuần này đã có tới 17 công ty sẽ lên sàn, bao gồm SAFE, một công ty công nghệ tài chính nhỏ sẽ niêm yết vào thứ Năm. Theo hãng tư vấn EY, trong nửa đầu năm 2024, số tiền huy động được từ IPO trên toàn cầu đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tại Ấn Độ, số tiền này lại tăng gấp đôi trong cùng kỳ, lên 4,4 tỷ đô la. Các nhà đầu tư mới, với hy vọng nhanh chóng thu hồi vốn, chính là nguyên nhân của cơn sốt. Hồi tháng 8, cơ quan quản lý thị trường Ấn Độ đã thúc giục họ phải cẩn thận và cảnh báo các công ty không được phóng đại hiệu quả tài chính của mình.

Các siêu thị Mỹ bị cơ quan chống độc quyền chú ý

Hôm nay Kroger, chuỗi siêu thị lớn thứ ba của Mỹ tính theo doanh số, sẽ báo cáo kết quả kinh doanh của quý kết thúc vào tháng 7. Các siêu thị tạp hoá đã có một giai đoạn khó khăn trong những năm gần đây, khi lạm phát cao làm giảm tiêu dùng, gây áp lực buộc các cửa hàng phải giảm giá. Dữ liệu tâm lý tiêu dùng hiện đang được cải thiện, và giới phân tích sẽ xem xét kỹ lưỡng để biết liệu điều đó có giúp ích cho các nhà bán lẻ Mỹ hay không.

Các cơ quan chống độc quyền cũng sẽ chú ý. Hiện đề xuất sáp nhập của Kroger với Albertsons (đứng thứ năm theo doanh số) đang bị mắc kẹt trong một vụ kiện chống độc quyền. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) lo ngại thỏa thuận này sẽ làm giảm cạnh tranh và làm tăng giá. Vượt ra ngoài phạm vi hoạt động thông thường của mình, FTC cũng lập luận rằng việc Kroger và Albertsons sáp nhập sẽ không có lợi cho người lao động, vì làm hạn chế quyền thương lượng của các công đoàn. Song tại Walmart, nhà bán lẻ tạp hóa lớn nhất nước Mỹ, doanh số bán hàng cao gấp đôi so với Kroger và Albertsons cộng lại.