Vai trò của các sứ bộ Việt Nam trong thương mại Việt – Trung thế kỷ XVII-XIX

Tác giả: Trần Đức Anh Sơn*

Sau khi giành được độc lập vào thế kỷ 10, Việt Nam (tên cũ Đại Việt) thiết lập bang giao với Trung Hoa, dựa trên mối quan hệ “tông phiên”, trong đó Trung Hoa là “tông chủ”, Việt Nam là “phiên quốc”. Theo đó, Việt Nam, theo định kỳ, phải cử sứ thần mang cống phẩm sang tiến cống cho các triều đình Trung Hoa và thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao khác. Hoạt động này diễn ra liên tục từ thế kỷ XI cho đến cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, từ thời Lê – Trịnh (thế kỷ XVII trở đi), các sứ thần do Việt Nam cử sang Trung Hoa không chỉ đơn thuần vì nhiệm vụ ngoại giao, mà còn kiêm nhiệm các hoạt động thương mại do triều đình Việt Nam giao phó.

Dựa vào các nguồn sử liệu của Việt Nam và Trung Hoa, bài viết này giới thiệu sơ lược về cách thức triều đình Việt Nam từ thời Lê – Trịnh đến thời Nguyễn (thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX), phái cử các sứ bộ sang Trung Hoa; lộ trình đi sứ thông qua các tuyến đường kết nối giữa Trung Hoa và Việt Nam được hình thành từ thế kỷ XIV; đề cập vai trò của các sứ bộ Việt Nam trong hoạt động thương mại kiêm nhiệm khi họ đi sứ sang Trung Hoa vào các thế kỷ XVIII – XIX. Bài viết cũng danh mục cống phẩm và một số hàng hóa mà các sứ bộ thời Nguyễn đưa sang cống nộp hay giao dịch tại Trung Hoa, cũng như những hàng hóa mà các sứ bộ mua về cho triều đình Việt Nam.

1. Các sứ bộ do triều đình Việt Nam phái sang Trung Hoa từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX

Trong cuốn sách Bắc sứ thông lục được viết bởi Lê Quý Đôn (1726 – 1784), một vị quan của triều Lê – Trịnh, đồng thời là một sử gia nổi tiếng ở Việt Nam vào thế kỷ 18, có viết về việc triều Lê Cảnh Hưng đã phái một sứ bộ sang triều cống triều Thanh vào năm Canh Thìn (1760), cung cấp nhiều thông tin liên quan đến việc bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII.

Theo tư liệu này, vào năm Hồng Vũ 7 (1374), nhà Minh (1368 – 1644) ban hành quy định: cứ 3 năm 1 lần, Việt Nam (bấy giờ quốc hiệu là Đại Việt) phải cử sứ bộ mang cống phẩm sang Trung Hoa triều cống.

Sau khi nhà Thanh (1644 – 1911) diệt nhà Minh, vào năm 1663, hoàng đế Khang Hi (1662 – 1722) cũng theo nếp cũ, định lệ tam niên nhất cống (3 năm đi cống 1 lần) cho triều đình Đại Việt. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi cách trở nên thể theo yêu cầu của triều đình nhà Lê, vào năm 1668, hoàng đế Khang Hi đổi lệ trên thành lục niên lưỡng cống (6 năm mới sai sứ đi cống 1 lần, nhưng mang gộp lễ vật của cả 2 kỳ tuế cống). [Hoàng Xuân Hãn 1967]

Chưa có tư liệu nào thống kê đầy đủ về những sứ bộ do triều đình nhà Lê cử sang Trung Hoa, tuy nhiên, từ những thông tin trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí [Phan Huy Chú 1992], kết hợp đối chiếu các biên khảo: Sứ thần Việt Nam [Nguyễn Thị Thảo et al. 1996] và Les bleu Trịnh (XVIIIe siècle) [Philippe Truong 1999], tôi tạm thời xác định vào giai đoạn các chúa Trịnh nắm quyền ở Đàng Ngoài, đã có ít nhất là 38 sứ bộ được cử sang Trung Hoa (dưới danh nghĩa sứ thần của triều Lê).[1]

Nhiệm vụ chủ yếu của các sứ bộ này là đi cống theo định kỳ, đồng thời, kết hợp mua sắm hàng hóa, vật dụng phục vụ các nhu cầu của triều đình Lê – Trịnh.

Ở Đàng Trong, tuy thiết lập triều đình riêng, nhưng với vị thế là bề tôi của triều Lê nên các chúa Nguyễn không thể “tự tung tự tác” sai sứ sang Thanh. Mãi cho đến năm 1701, sau khi hai phe Trịnh – Nguyễn tạm ngưng các cuộc giao tranh kéo dài hơn 6 thập niên, lấy sông Gianh làm giới tuyến phân lập Đàng Ngoài – Đàng Trong, thì chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa, yêu cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt, tách khỏi thực thể chính trị do vua Lê – chúa Trịnh cầm quyền ở Đàng Ngoài. Nhà Thanh không chấp thuận yêu cầu này do e ngại sự lớn mạnh của Đàng Trong sẽ là một mối đe dọa cho Đại Thanh ở phương Nam. [Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc 1995] Đó là sứ bộ duy nhất do các chúa Nguyễn phái sang Trung Hoa trong hơn 200 năm họ “mưu bá đồ vương” ở Đàng Trong.

Thời Tây Sơn (1788 – 1802), theo các nguồn sử liệu hiện tồn, chỉ có bốn sứ bộ được phái sang Thanh vào các năm 1789 và 1792. Sứ bộ thứ nhất đi ngay sau khi vua Quang Trung (1788 – 1792) vừa đánh bại quân xâm lược nhà Thanh (1789), đem thư của vua (do Ngô Thì Nhậm soạn) sang xin giảng hòa với nhà Thanh. Sứ bộ thứ hai do Nguyễn Quang Hiển và Vũ Huy Tấn dẫn đầu, cũng đi trong năm 1789, mang cống phẩm sang Bắc Kinh vào chầu hoàng đế Càn Long (1736 – 1795) và dâng biểu quy phục và mang về ấn tín An Nam quốc vương (安南國王). [Trần Trọng Kim 1954, 364] Sau các nghi lễ công nhận của triều đình nhà Thanh được tổ chức tại Thăng Long, triều đình An Nam đã cử hai phái đoàn đến triều cống và tỏ lòng biết ơn để đáp lại những món quà đặc biệt mà hoàng đế Càn Long ban tặng cho vua Quang Trung nhân dịp công nhận chính thức. Phái đoàn thứ ba là phái đoàn lớn nhất do vua Quang Trung[2] dẫn đầu, cùng Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích… và hàng trăm người tùy tùng, đã đến Bắc Kinh chúc mừng Bát tuần khánh thọ (sinh nhật lần thứ 80) của hoàng đế Càn Long [Nguyễn Duy Chính, 2016], [Nguyễn Duy Chính 2018, 31-43], [Trần Trọng Kim 1954, 376]. Sứ bộ thứ tư đi vào năm 1792, do Vũ Vĩnh Thành làm chánh sứ, sang báo cáo việc chinh phục quân Lào nổi loạn và yêu cầu sửa đổi chế độ triều cống, đồng thời xin cầu hôn công chúa nhà Thanh cho vua Quang Trung và yêu cầu nhà Thanh trả lại cho Việt Nam đất Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây). [Trần Trọng Kim 1954, 383] [3] Sự tiếp đón đặc biệt của vua Quang Trung tại Bắc Kinh vào năm 1792 đã thúc đẩy triều đình Tây Sơn đòi hỏi một chế độ triều cống cao hơn. Do đó, vua Càn Long đã nâng An Nam từ chế độ triều cống 3 năm lên chế độ triều cống 2 năm vào năm 1792 và An Nam trở thành nước có thứ bậc thứ hai trong chế độ triều cống đối với Trung Hoa (chỉ thấp hơn Triều Tiên).

Năm 1792, vua Càn Long ban cho triều đình Tây Sơn một chỉ dụ mới quy định về thời hạn tuế cống [Philippe Truong 1998] và nhắc lại thời hạn này trong một chỉ dụ khác ban hành vào năm 1803 sau khi vua Gia Long lập ra triều Nguyễn (1802-1945). [Nội các triều Nguyễn 1993, 305] Các chỉ dụ mới này quy định như sau:

– Triều đình An Nam,[4] cứ 2 năm 1 lần phải gửi cống phẩm sang Trung Hoa và cứ 4 năm phải có 1 sứ bộ sang chầu. [Quốc sử quán triều Nguyễn 1968, 65]

– Việt Nam cũng phải cử sứ bộ đến Bắc Kinh mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa thăng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

Ngoài ra, Việt Nam còn cử sứ bộ sang nước Thanh trong các trường hợp sau:

– Báo tang một vị vua Việt Nam vừa mất;

– Xin phong vương cho vị vua mới lên ngôi và sau đó phải có sứ bộ sang cám ơn về việc được nhà Thanh phong vương;

– Đi chúc mừng sinh nhật hoàng đế và các thành viên trong hoàng gia nhà Thanh;

– Đi mua sắm vật dụng cho triều đình;

– Áp giải các tội phạm Trung Hoa trao trả cho Thanh triều;

– Đi truy bắt tội phạm trong nước chạy sang Trung Quốc…

Đến triều Tự Ðức (1848 – 1883), triều Nguyễn còn cử người qua Trung Quốc cầu viện để chống phỉ; để do thám hoạt động của các nước Âu tây ở Hương Cảng (như các chuyến đi của Ðặng Huy Trứ vào các năm: 1865, 1867 – 1868) [Phạm Tuấn Khánh 1995, 85-90] và Thiên Tân (như chuyến đi của Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật vào năm 1882. [Quốc sử quán triều Nguyễn 1976, 161]

Sau khi Kinh đô Huế thất thủ (5.7.1885), phong trào Cần Vương nổ ra, vua Hàm Nghi còn cử người sang Trung Hoa cầu viện để chống Pháp (như các chuyến đi của Nguyễn Quang Bích vào các năm 1885, 1887). [Phạm Ðức Thành Dũng et al. 2000, 528] Các chuyến đi vì những mục đích này, sử sách triều Nguyễn thường dùng thuật ngữ “đi công vụ” thay vì “đi sứ”.

Dựa vào hai nguồn sử liệu chính thức do các sử quan triều Nguyễn biên soạn là Đại Nam thực lục Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, cùng các tập “sứ trình thi” (thơ đi sứ) của các sứ thần đã được khảo cứu và giới thiệu trong bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu [Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Học viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, 1993], kết hợp tham chiếu các biên khảo khác như: Chân dung các vua Nguyễn [Ðỗ Bang et al. 1996]; Các sứ bộ do triều Nguyễn phái sang nhà Thanh [Bửu Cầm 1966, 46-51], Những ông nghè ông cống triều Nguyễn [Bùi Hạnh Cẩn et al., 1995], Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn [Phạm Ðức Thành Dũng et al. 2000], Sứ thần Việt Nam [Nguyễn Thị Thảo et al. 1996] và Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804-1924) et les bleu de Hué [Philippe Truong 1999], tôi xác định rằng vào thời Nguyễn các vị vua: Gia Long (1802 – 1820), Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841 – 1847), Tự Ðức (1848 – 1883) và Khải Ðịnh (1916 – 1925) đã cử ít nhất 47 sứ bộ sang Trung Hoa với những mục đích khác nhau. (Xem Bảng 1)

Riêng các triều vua từ Dục Ðức đến Duy Tân (từ năm 1883 đến năm 1916), không phái sứ bộ nào sang Trung Hoa vì nội tình Việt Nam trong giai đoạn này có nhiều rối ren và phải lo đối phó với họa xâm lăng của thực dân Pháp.

Từ sau Hòa ước Giáp thân (1884), quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa đã thực sự chấm dứt do áp lực của thực dân Pháp. Những phái bộ sang Trung Quốc vào các năm: 1921, 1924 và 1925 triều Khải Ðịnh không phải là những sứ bộ ngoại giao. Họ chỉ đến Quảng Ðông để đặt mua đồ sứ.

Bảng 1: Thống kê số sứ bộ sang Trung Hoa thời Nguyễn

 

Triều đại

 

 

Số

sứ

bộ

Mục đích đi sứ
Cầu

phong

Tuế

cống

Tạ

ân

Chúc

mừng

Mua

hàng

hóa

Mục đích

khác

Chưa rõ

 

Gia Long 9 1 3 1 2 1 1
Minh Mạng 15 1 4 1 1 3 1 4
Thiệu Trị 4 1 1 1 1
Tự Ðức 16 1 7 4 1 3
Khải Ðịnh 3 3
Tổng số 47 4 14 3 7 8 5 6

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các sử liệu của triều Nguyễn

Thống kê trên đây cho thấy có rất ít các sứ đoàn được triều đình phái sang Trung Hoa với nhiệm vụ giao dịch thương mại thuần túy (chỉ 8 sứ bộ). Trong khi, hoạt động thương mại ở hải ngoại nhằm đáp ứng cho các nhu cầu tiêu dùng của hoàng gia, triều đình và quân đội là rất lớn. Con số ít ỏi trong bảng thống kê trên đây chưa phản ánh chính xác các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Hoa trong thời kỳ này, là vì trên thực tế, phần lớn các sứ bộ được cử sang Trung Hoa vì các nhiệm vụ ngoại giao, đều kiêm nhiệm giao dịch thương mại cho triều đình Việt Nam. Những dẫn liệu dưới đây sẽ chứng minh cho nhận dịnh này.

2. Hoạt động thương mại của các sứ bộ Việt Nam khi đi sứ Trung Hoa

2.1. Lộ trình đi sứ từ Việt Nam sang Trung Hoa và ngược lại

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, đường đi sứ từ Việt Nam sang Trung Hoa bắt đầu từ kinh đô Huế, theo đường bộ ra Hà Nội, lên Bắc Ninh, đến Lạng Sơn và qua ải Nam Quan vào đất Quảng Tây rồi vào sâu trong nội địa Trung nguyên. Trên đường đi, khi sứ bộ đi ngang tỉnh nào thì tỉnh ấy phải cử biền binh hộ tống sứ bộ. Lượt về cũng như thế nhưng theo trình tự ngược lại. [Nội các triều Nguyễn 1995, 315-316]

Còn sứ nhà Thanh sang Việt Nam thì đi theo đường bộ qua ải Nam quan đến Bắc Thành (Hà Nội), rồi theo đường thủy để vào Kinh đô Huế qua các bến: Bắc Thành, Nam Định, Đồn Thủy (Thanh Hóa), Hồ Xá (Quảng Trị) rồi vào Huế. Khi đi ra cũng theo lộ trình ấy, hoặc đôi khi đi đường bộ ra tới Bắc Ninh rồi theo đường thủy trở về Trung Quốc. [Nội các triều Nguyễn 1995, 315-316]

Trong cuốn sách Histoire des Relations de la Chine avec l’Annam – Việtnam du XVIe au XIXe siècle (Lịch sử quan hệ giữa Trung Hoa với Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX) của G. Devéria, nguyên là thông dịch viên thứ nhất của phái đoàn Pháp tại Trung Quốc và là thông tín viên của trường chuyên về các sinh ngữ phương Đông ở Pháp, xuất bản năm 1880 ở Paris, có công bố nội dung một chiếu chỉ do nhà Thanh ban hành năm 1667 liên quan đến lộ trình đi sứ từ An Nam (Việt Nam) sang Trung Hoa. Theo đó, sứ bộ đi cống của An Nam phải đi qua phủ Thái Bình vào tỉnh Quảng Tây. Năm 1726, hoàng đế Ung Chính quyết định từ đó về sau, các sứ thần An Nam mang cống phẩm sẽ được cấp một giấy thông hành do tổng trấn Quảng Tây và đi đến Bắc Kinh bằng đường thủy băng qua các tỉnh: Hồ Quảng (Hồ Nam và Hồ Bắc), Giang Tây và Sơn Đông. Khi họ rời kinh đô, người ta sẽ cấp cho họ một giấy thông hành mới để về theo đường cũ. [Devéria, G. 1880, 60] Năm 1797, tổng đốc Lưỡng Quảng thông báo rằng An Nam cử sứ bộ mang cống phẩm đến và lần này các sứ thần An Nam thay đổi lộ trình đã định, đi bằng đường thủy qua Lưỡng Quảng, đến huyện Tiêu Tĩnh (Quảng Đông), sau đó lên bộ tại Sa Tĩnh (Giang Tây) và từ đó đi Bắc Kinh. [Devéria, G. 1880, 61] Năm 1804, các phái viên An Nam mang cống phẩm đi bằng đường bộ qua ải Nam Quan, đến châu Pingxiang (Quảng Tây), rồi từ đó theo đường thủy đến Bắc Kinh. [Devéria, G. 1880, 61]

Ngoài ra, trong cuốn sách này, G. Devéria cũng công bố tấm bản đồ Itinéraires de Chine en Annam (Những hành trình từ Trung Quốc đến An Nam). Tấm bản đồ này được ghi chú là “Theo một bản đồ Trung Hoa được vẽ dưới thời các hoàng đế Mông Cổ do Tschou-sse-peun xem lại, hiệu đính và công bố năm 1579”. Những chú giải trên tấm bản đồ này cho thấy: từ thế kỷ XV việc thông thương giữa Trung Hoa với An Nam (tức Việt Nam) và ngược lại, thông qua ba lộ trình khác nhau:

– Lộ trình Quảng Tây – Lạng Sơn (bằng đường bộ).

– Lộ trình Vân Nam – Lào Cai (bằng đường bộ).

– Lộ trình Quảng Đông – Hải Dương (bằng đường thủy).

Theo Devéria, từ Quảng Tây đến An Nam (Việt Nam) có ba tuyến đường:

* Tuyến đường thứ nhất: Từ Pingxiang (Trung Hoa) vượt qua ải Nam Quan, đi một ngày đường đến trạm Pha Lũy thuộc châu Văn Uyên (An Nam); hay đi qua phần phía bắc của châu Thoát Lãng (An Nam) để đến phủ Lạng Sơn sau 1 ngày, từ đó đi 1 ngày sẽ đến Đông Kinh (nay là Hà Nội). Ngoài ra, từ phía bắc của Wenzhou (Trung Hoa) qua Guimenguan, đi 1 ngày đến thôn Tân Lệ (An Nam) và băng qua sông Nhị Thập, đi thêm 1 ngày đến huyện Bảo Lộc, rồi thêm một ngày rưỡi sẽ đến bên sông Xương, phải vượt qua sông này, đi thêm 1 ngày sẽ đến phía nam Thị Cầu của huyện An Việt, rồi về Đông Kinh theo đường bộ hoặc đường thủy. [Devéria, G. 1880, 78-79]

* Tuyến đường thứ hai: Từ phủ Siming (Trung Quốc), vượt qua núi Motianling đến châu Siling (Trung Hoa), đi thêm 1 ngày qua ải Bianjiang đến châu Lộc Bình (An Nam). Ở phía tây của châu lỵ này có một con đường dẫn đến phủ Lạng Sơn sau 1 ngày. Nếu đi theo đường phía đông, phải vượt qua sông Tianli, đi thêm 1,5 ngày thì đến châu An Bác (An Nam). Từ đó, đi bộ 1,5 ngày đến động Hao Quân; thêm 1 ngày đi bộ, sẽ đến huyện Phong Nhãn. Từ đây có 2 con đường: đường thứ nhất đi đến huyện Bảo Lộc, rồi vượt sông Xương đi đến nam Thị Cầu thuộc huyện An Việt; đường thứ hai đi vào phủ Lạng Sơn (An Nam) và sau 1 ngày đi bộ cũng đến được Thị Cầu, rồi về Đông Kinh theo đường bộ hoặc đường thủy. [Devéria, G. 1880, 79-80]

* Tuyến đường thứ ba: Từ huyện Longzhou (Trung Hoa) đi 1 ngày đến ải Pinger. Vượt qua ải này đi thêm 1 ngày thì đến châu Thất Uyên (An Nam). Từ đó đi thêm 2 ngày đến huyện An Việt, rồi đi bộ 1 ngày đến phủ Từ Sơn, sau đó qua các huyện Đông Ngạn, Gia Lâm và các huyện khác, rồi vượt qua sông Phú Lương (sông Hồng) để vào Đông Kinh. [Devéria, G. 1880, 80-82]

Từ Vân Nam đến An Nam có hai tuyến đường:

* Tuyến đường thứ nhất: Từ Mengzi vượt qua thác Lianhua, người ta đi vào An Nam qua Thạch Long Quan, sau đó đi xuống đến động Trình Lan (Trung Hoa), vượt qua hữu ngạn sông. Tiếp tục đi bộ thêm 4 ngày sẽ đến châu Thủy Vĩ (An Nam), rồi đi thêm 8 ngày đến châu Văn Bàn. Từ đây đi tiếp 5 ngày đến huyện Trấn An, rồi thêm 5 ngày đến huyện Hạ Hoa. Từ Hạ Hoa đi 3 ngày đến huyện Thanh Ba và đi thêm 3 ngày đến phủ Lâm Thao, nằm trong lưu vực sông Phú Lương, nơi có con sông Thao ở phía bắc và con sông Đà ở phía nam. Từ Lâm Thao đi tiếp đến huyện Sơn Vi, đi thêm 2 ngày là đến phủ Hưng Hóa, gặp thành cổ Đa Bang, rồi ngã ba Bạch Hạc tiếp nối với con sông Phú Lương và xuôi theo dòng sông này về đến Đông Kinh. [Devéria, G. 1880, 82-83]

* Tuyến đường thứ hai: Từ ải Hà Dương (Trung Hoa) ở lưu vực hữu ngạn sông đi 10 ngày đến châu Bình Nguyên (An Nam), đi thêm 5 ngày đến huyện Phú An, tiếp tục đi 1 ngày đến phủ Tuyên Giang hay châu Tuyên Hóa, rồi đi thêm 2 ngày đến phủ Đoan Hùng. Từ Đoan Hùng đi thêm 5 ngày sẽ gặp ngã ba Tam Kỳ Giang, rồi theo sông Phú Lương về tới Bạch Hạc và xuôi về Đông Kinh. [Devéria, G. 1880, 83-84]

Từ Quảng Đông đến An Nam, hành trình sẽ theo đường thủy. Từ các hải khẩu thuộc tỉnh Quảng Đông, đi ngang qua đảo Liên Châu (Trung Hoa), rồi men theo bờ biển phía bắc An Nam vào đến phủ Hải Đông (An Nam). Hoặc từ bán đảo Lôi Châu, thuyền đi ngang qua đảo Bạch Long Vĩ (An Nam), rồi thâm nhập vào nội địa Việt Nam qua 1 trong 5 cửa biển: Bạch Đằng, An Dương, Đồ Sơn, Đa Ngư và Thái Bình; rồi ngược theo 1 trong những dòng sông: Bạch Đằng, Hoàng Kinh, Phú Lương, Hồng Hà, Thái Bình… đi qua các phủ, huyện như Nghi Dương, Bình Hà, Nam Sách, Thượng Hồng; hay Kiêu Thoại, Tân Minh, Tứ Kỳ, Khoái Châu, Kinh Môn, Hạ Hồng… để vào Đông Kinh. [Devéria, G. 1880, 84-86]

Hình 1. Bản đồ thể hiện ba lộ trình từ Trung Hoa đến An Nam in trong sách của G. Déveria

Những con đường thông thương giữa Trung Hoa và An Nam nói trên phần lớn do người Trung Hoa khai mở trong các cuộc viễn chinh xâm lược Việt Nam từ thời Hán (221 – 206 trước CN) cho đến thời Thanh. Và các sứ bộ Việt Nam từ thời Lê (1427 – 1788) đến thời Nguyễn (1802 – 1945) cũng sử dụng các con đường này để đi sứ nhà Thanh.

2.2. Hoạt động thương mại của các sứ bộ Việt Nam khi đi sứ sang Trung Hoa

Như đã đề cập trong phần trước, triều đình Việt Nam cử các phái bộ sang Trung Hoa với nhiều mục đích: ngoại giao, chính trị, thương mại… Bài khảo cứu này không quan tâm đến các chuyến “đi công vụ”; các chuyến đi vì mục đích thương mại thuần túy (chủ yếu đến vùng Quảng Đông và Hong Kong để mua hàng), mà chỉ xem xét hoạt động thương mại kiêm nhiệm trong các sứ bộ ngoại giao do triều đình Việt Nam, chủ yếu là triều Nguyễn, cử sang Trung Hoa dưới triều Thanh.

a. Thẩm quyền giao dịch thương mại của các sứ bộ

Thời Nguyễn, những sứ thần sang Thanh, ngoài các nhiệm vụ chính yếu như cầu phong, tạ ân, cáo thụ, chúc mừng… còn kiêm nhiệm việc mua sắm hàng hóa cho triều đình. Việc sai sứ sang Thanh là trách nhiệm của bộ Lễ, nhưng triều đình cũng bổ sung vào thành phần sứ đoàn, nhiều quan chức của các bộ, phủ khác như bộ Hộ, phủ Nội vụ… nhằm thực thi nhiều chức trách khác nhau ở nước ngoài, quan trọng nhất vẫn là việc tìm mua các hàng hóa để đáp ứng các nhu cầu của hoàng gia và triều đình. Vì thế, ngoài các sứ thần (gồm 1 chánh sứ và 2 phó sứ), sứ bộ còn bao gồm các hành nhân và tùy tùng, là những người khiêng kiệu cho sứ thần và mang vác cống phẩm, hàng hóa.

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết: Vào đầu triều Gia Long, triều đình “định lệ sai sứ sang nhà Thanh, cứ bốn năm sai sứ đi một lần. Nếu gặp các lễ chúc mừng, xin phong, tạ ơn hay dâng hương mà có sai sứ đi đều phải tư trước cho bộ Hộ và phủ Nội vụ theo lệ làm mọi việc, và tư cho Hà Nội tìm sắm đồ vật. Lại soạn sẵn công văn gửi tỉnh Quảng Tây hỏi rõ ngày cho vào cửa quan rồi chờ tỉnh ấy trả lời. Xin chỉ trước giao cho đình thần chọn cử lấy 3 viên sứ thần: 1 chánh sứ, 2 phó sứ và chọn lấy 8 hành nhân, 9 người tùy tùng”. [Nội các triều Nguyễn 1993, 366-368] Nhưng sang đầu triều Minh Mạng, số người trong mỗi sứ bộ sang Thanh có gia tăng: gồm 3 sứ thần, 3 lục sự, 9 hành nhân, 15 tùy tùng (30 người). [Nội các triều Nguyễn 1993, 305] Sở dĩ có việc gia tăng nhân lực này là để phụ giúp vào việc vận chuyển hàng hóa đi và về. Việc Việt Nam gia tăng nhân sự trong sứ bộ khiến nhà Thanh phải thêm phần tốn kém, vất vả trong việc cung đốn, phục dịch và áp tải sứ bộ trên đất Trung Hoa. Vì thế, vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), “nước Thanh tư sang ấn định mỗi sứ bộ chỉ có 20 người, gồm 3 sứ thần, 8 hành nhân, 9 tùy tùng” như trước. [Nội các triều Nguyễn 1993, 308]

Trước nay, có một số ý kiến cho rằng các sứ bộ ngoại giao không kiêm nhiệm hoạt động thương mại và vật phẩm do các sứ thần mang về từ Trung Quốc không phải là hàng hóa, mà là tặng phẩm của triều đình Trung Hoa cho triều đình Việt Nam. Theo tôi, ý kiến này không chính xác, bởi có nhiều sử liệu ghi chép tường tận việc mua bán hàng hóa của các sứ bộ ngoại giao thời Nguyễn ở Trung Hoa:

– Châu bản triều Nguyễn (tập 15, tờ 212-213) phản ánh: “Ngày 28 tháng Ba năm Minh Mạng thứ 7 (1826), Hiệp tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Hữu Thận tấu trình về việc ngày 18 tháng 3, 2 sứ bộ sang Thanh[5] trở về đến Thăng Long. Hai chánh sứ Hoàng Kim Hoán và Hoàng Văn Quyền theo trạm về trước, 4 phó sứ còn lưu lại Thăng Long để kiểm soát đồ vật. Hộ tào Nguyễn Công Thiệp đã cùng các phó sứ kiểm kê đồ vật mua được; chọn các loại hàng hóa nhẹ như gấm, đoạn… gồm 14 thùng, phân thành 12 gánh, chuyển theo đường bộ về Kinh (Huế) từ ngày 25 tháng Ba. Còn hàng nặng gồm 16 thùng thì niêm phong, giao Cục Tạo tác giữ gìn, cùng với 53 hòm tư trang của hai sứ bộ và tùy tùng, chờ để chuyển về Kinh bằng đường biển”. [Cục lưu trữ nhà nước 1998, Tập 1, 420]

– Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết vào năm 1841, nhà Thanh có chiếu chỉ cho phép triều đình nhà Nguyễn miễn hai kỳ tuế cống vào năm Tân sửu (1841) và năm Ất tị (1845). [Vương Hồng Sển, 1993, 154] Trên thực tế, tuy không sai sứ đi triều cống theo lệ, nhưng nhà Nguyễn vẫn cử sứ bộ do Lý Văn Phức làm chánh sứ đi báo tang vua Minh Mạng và xin phong vương cho vua Thiệu Trị vào năm 1841.

Sau đó, triều Nguyễn cử sứ bộ do Trương Hảo Hợp làm chánh sứ đi tạ ân vào năm 1845. Sứ bộ này cũng nhận trách nhiệm đặt họa sĩ Trung Quốc vẽ những bức tranh gương minh họa nội dung một số bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị. Đây là những bài thơ trong Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập (御題名勝圖會詩集) do Nội các triều Nguyễn xuất bản vào năm 1845. Trong số đó, có 20 bài thơ vịnh 20 cảnh đẹp ở đất thần kinh, Thần kinh nhị thập cảnh thi vịnh (神京二十景詩咏) như: chùa Thiên Mụ, vườn Thiệu Phương, hồ Tịnh Tâm, núi Ngự Bình… Mỗi bài thơ trong Thần kinh nhị thập cảnh thi vịnh đều có in kèm một bức tranh mộc bản, vẽ rất chi tiết và tỉ mỉ những thắng cảnh được nhà vua tuyển chọn và vịnh thơ. Những bức vẽ này do các họa sĩ trong Họa tượng cục của triều Nguyễn thực hiện, rồi giao cho Nội các triều Nguyễn khắc in. Các họa sĩ Trung Hoa đã dựa vào những bản vẽ này để sao chép lại trên gương, cùng với bài thơ vịnh và dòng lạc khoản chữ Hán: 紹治乙巳恭錄 (Thiệu Trị Ất tị cung lục). Những bức tranh gương này đang treo trong điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức) và điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Sứ bộ Trương Hảo Hợp về đến kinh đô Huế vào năm Bính ngọ (1846) thì bị xử phạt vì tội bắt phu khuân vác nặng (khiến có người phải lao lực mà chết). Trong số họ, Trương Hảo Hợp bị phạt nặng nhất, mất chức Tả thị lang bộ Lễ và bị điều đi giữ chức quyền Tuần phủ Lạng Sơn. [Quốc sử quán triều Nguyễn, 1972, 139]

– Sách Đại Nam thực lục ghi: “Năm Tự Ðức nguyên niên (1848), Phủ Nội vụ lấy đơn hàng giao cho sứ bộ sang nước Thanh (tức là sứ bộ do Bùi Quỹ làm chánh sứ, Vương Hữu Quang và Nguyễn Thu làm phó sứ, đi báo tang vua Thiệu Trị và xin phong cho vua Tự Ðức), nhân tiện tìm mua hàng hóa nước Thanh. Trong đó kê khai những đồ ngọc, đồ cổ, đồ sứ và các đồ chơi. Khoa đạo là Ðỗ Danh Thiếp tâu nói: Hoàng thượng ta chính mới trong sáng, mọi việc bỏ xa xỉ theo kiệm ước. Nay đương ở trong nhà để tang, đồ mặc, đồ dùng trong cung đều theo trắng mộc chất phác. Huống chi sứ thần đi báo tin quốc tang, mà lại hỏi mua các đồ chơi quý lạ, thế không phải là tỏ ra kiệm ước vậy. Các hàng kê mua ấy đều xin đình chỉ. Vua khen và nghe lời tâu”. [Quốc sử quán triều Nguyễn, 1973, 58-59]

– Châu bản triều Nguyễn (tờ 209-214) phản ánh: năm Tự Đức thứ 21, ngày 15 tháng Tám: “Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế trình danh sách các vật phẩm mà hai người đã sang Hong Kong tìm mua để cung tiến trong dịp Lục tuần Đại khánh của hoàng thái hậu (Từ Dũ)”. [Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh 1979, 104] Trước đó, hai người này được phái sang Hong Kong để truy tìm một phạm nhân của triều đình tên là Lê Duy Định đang trốn tại đó và tập hợp bè đảng, mua vũ khí chống lại triều đình, sau kiêm thêm nhiệm vụ mua hàng.

– Trong cuốn Histoire des Relations de la Chine avec l’Annam – Việtnam du XVIe au XIXe siècle, G. Devéria cũng phản ánh một số sự kiện liên quan đến việc tìm mua hàng hóa của các sứ thần Việt Nam:

+ Năm 1775, sứ thần An Nam khi đi qua Nam Kinh muốn mua lụa. Thanh triều không phản đối chuyện việc này, nhưng do đây là một việc mua bán riêng tư, không có sự tiến cử của Thanh triều, nên các thương nhân Trung Hoa đã tăng giá lên một cách thái quá, khiến sứ thần An Nam phải cãi cọ nhau. Sau đó các quan cầm quyền phải can thiệp vào. Từ đó về sau sứ thần sẽ phải nộp cho nhà chức trách danh sách các món hàng mà mình muốn mua. Các nhà cầm quyền sẽ có nhiệm vụ mua hàng hóa giúp cho các sứ thần [Devéria, G. 1880, 70].

+ Năm 1794, vua của An Nam, vì thích các sản phẩm kỹ nghệ của Trung Quốc, mới đặt làm các áo dài thêu tại tỉnh Giang Nam; vua An Nam phái một người với các quyền hành để thực thi điều này. Người này có các giấy tờ chứng nhận rằng các món đồ này là dành cho vua; hoàng đế Trung Hoa sợ các đòi hỏi của ông vua này sẽ tăng lên mãi, sợ số các người môi giới này sẽ tăng lên gây ra rắc rối, nên đã ban chiếu chỉ sau: “Nước An Nam gửi đồ nộp cống hai năm một lần, các sứ giả đi lại luôn luôn. Nếu vua (An Nam) muốn mua áo quần cho mình thì sai các sứ thần mua các đồ này khi phái các sứ thần sang (Trung Hoa). Khi vua (An Nam) cần mua cái gì tại Nam Kinh, vua cần báo với tổng đốc Lưỡng Quảng xin hoàng đế (Trung Hoa) cho phép sứ thần An Nam thay đổi lộ trình đã định và đi bằng đường thủy ngang qua Nam Kinh. Nếu vua (An Nam) không có gì mua tại Giang Nam, sứ thần của ông sẽ phải đến Bắc Kinh bằng lối Hồ Bắc và Hồ Nam, như đã làm trước đây”. [Devéria, G. 1880, 71]

Hình 2. Đường đi sứ từ Việt Nam sang Trung Hoa bắt đầu từ Hữu Nghị Quan hay Hà Khẩu hay đường biển qua Quảng Đông, thâm nhập nội địa Trung Hoa, rồi mới theo đường bộ lên Bắc Kinh, mất hàng tháng trời, nên sứ thần thường ghé các địa phương ở vùng Giang Nam, đặt mua hàng hóa trước, trên đường trở về từ Bắc Kinh, họ mới nhận hàng và chuyển về nước.

Có một điều thú vị là các sứ bộ không chỉ mang cống vật đi nộp theo yêu cầu của Thanh triều và mua hàng hóa, vật phẩm từ Trung Hoa mang về. Họ còn mang hàng hóa từ trong nước sang bán ở Trung Hoa.

Trong cuốn Histoire des Relations de la Chine avec l’Annam – Việtnam du XVIe au XIXe siècle, G. Devéria đã công bố nội dung một chiếu chỉ do nhà Thanh ban hành năm 1665, cho phép các sứ thần của các nước phiên thuộc được phép mang theo hàng hóa từ các xứ này sang bán tại Bắc Kinh:

Các sứ thần của các nước nộp cống, trừ các sứ thần của Ryukyu và Korea, sau khi đã được hoàng đế ban quà, được phép mở chợ trong ba hoặc năm ngày. Riêng sứ thần của Ryukyu và Korea có thể buôn bán bất kỳ ngày nào. Bộ Lễ giao cho bộ Hộ chỉ định các quan làm việc tại các kho của triều đình được giao nhiệm vụ mua sắm (hàng hóa do sứ thần các nước này bán) cho triều đình. Khi nhận được sự trả lời của bộ Hộ, một thông báo sẽ được ban hành và người ta sẽ chỉ định các quan để coi về sự công bằng trong giao dịch. Tàu thuyền của các nước nộp cống, nếu đến ngoài những thời điểm xác định để nhận đồ cống của nước họ sẽ được xem như là buôn bán bất hợp pháp. Các tổng đốc và các quan trấn thủ sẽ phải đuổi họ đi”. [Devéria, G. 1880, 70]

b. Danh mục cống phẩm và hàng hóa giao dịch của các sứ bộ Việt Nam

Các nguồn sử liệu liên quan đến hoạt động thương mại của các sứ bộ Việt Nam ở Trung Quốc đã phân định rõ ràng giữa cống phẩm với hàng hóa đưa đi bán, cũng như giữa tặng phẩm (của nhà Thanh cho triều đình Việt Nam) với hàng hóa mua về.

* Cống phẩm

Theo Đại Thanh hội điển, vào năm 1803, triều Thanh đã ban hành danh mục các cống phẩm mà triều Nguyễn cho phải tiến cống cho triều đình Trung Hoa theo định kỳ: “Theo đề nghị của bộ Lễ, cống phẩm thông thường hai năm một lần mà An Nam phải gửi sang, theo quyết định của Trẫm, gồm: 600 lạng trầm hương (沉香), 1.200 lạng hương để ướp áo quần cho thơm (薰衣香), 4 ngà voi (象牙), 4 sừng tê giác (犀角), 600 tấm lụa (白絹), 200 tấm vải bông (棉花), 90 cân hạt sa nhân (砂仁), 90 cân hạt cau khô (梹榔). Còn cống phẩm nhân các lễ mừng (Đăng quang; Khánh thọ… của hoàng đế hay hoàng gia nhà Thanh) gồm: 4 ngà voi (象牙), 4 sừng tê giác (犀角), 300 tấm lụa (白絹), 100 tấm vải bông (棉花)”. [Devéria, G. 1880, 52]

Ngoài các vật phẩm trong danh mục trên, đôi khi phía Trung Hoa cũng yêu cầu thêm một số cống vật khác như: vàng và bạc đã gia công (金銀器皿), nhựa cây giáng hương (降真香), nhựa cây tốc hương (速香); gỗ trầm (木香), trầm sợi màu đen (黑線香), quạt giấy (紙扇), các loại lụa địa phương như: thổ chu (土綢), thổ quyên (土絹), thổ hoàn (土紈), nhựa cây tử giáng hương (紫降香). [Devéria, G. 1880, 88-89]

* Hàng đưa đi bán

Như đã đề cập trên đây, ngoài các cống phẩm, các sứ đoàn còn mang theo hàng hóa đến Trung Hoa để giao dịch. Chiếu thư năm 1665 của Thanh triều nói rõ:

Các sứ thần đến nộp cống phẩm được phép mang theo hàng hóa (để bán), nhưng họ phải lo trả phí vận chuyển. Nếu thích hợp cho họ thì họ có thể buôn bán tại Bắc Kinh nhưng nếu họ thích buôn bán ở chỗ khác thì các phó vương và các quan trấn thủ sẽ phải chỉ định người theo dõi các giao dịch và báo trước các khó khăn”. [Devéria, G. 1880, 70]

Trong cuốn Histoire des Relations de la Chine avec l’Annam – Việtnam du XVIe au XIXe siècle, G. Devéria, dựa vào cuốn An Nam thổ vật, cho biết hàng hóa Việt Nam mang sang bán ở Trung Hoa thường là các sản vật đặc trưng của Việt Nam như: vàng tự nhiên (生金), bạc (銀), đồng (銅), đơn sa (丹砂), ngọc trai (珠), đồi mồi (玳瑁), san hô (珊瑚), trầm hương (沉香), dầu tô hợp (蘇合油), ngọc phỉ thúy (翡翠), trĩ lông trắng (白雉), hươu trắng (白鹿), tê giác (犀); voi (象), sừng tê giác cái (兕), dê núi (羚羊); đười ươi (猩猩), khỉ (狒狒), vượn Mông cổ (蒙猿), con trăn (蚺蛇), quả xoài (菴羅果), quả mít (波羅密), cau khô (檳榔), hồ tiêu (胡椒), gỗ cây sam (蘇木), gỗ mun (烏木), muối (鹽), sơn (漆). [Devéria, G. 1880, 87-88]

* Hàng mua về

Con đường đi sứ từ Việt Nam lên đến Bắc Kinh đi qua rất nhiều tỉnh, thành Trung Hoa. Mỗi tỉnh, thành đều có những loại đặc sản riêng rất được các sứ thần ưa chuộng. Trong số đó, các mặt hàng tơ lụa cao cấp Giang Nam; đồ gốm sứ Giang Tây; rượu của Weizhou; thuốc bắc ở Bắc Kinh, trà ở Hồ Bắc; lâm thổ sản của Vân Nam… là những thứ luôn được triều đình kê đơn mua hàng.

Trên đường đi sứ, các sứ thần sẽ ghé Giang Tây, đặt các lò gốm sứ vùng này chế tác những món đồ sứ theo yêu cầu của triều đình và quan lại Việt Nam (đồ sứ ký kiểu). Lượt về, họ sẽ tiếp nhận các món đồ sứ này để chuyển về nước. Ngoài việc ký kiểu các món đồ sứ cho triều đình, có ghi niên hiệu các triều vua Việt Nam và trang trí các đề tài dành riêng cho các bậc đế vương; các sứ thần còn ký kiểu những món đồ sứ cho riêng mình. Những món đồ sứ này thường có hiệu đề niên đại, ghi năm họ được cử đi sứ Trung Hoa như: 甲子年製 (Giáp tí niên chế: 1804), 庚辰年製 (Canh thìn niên chế: 1820), 丙戌年製 (Bính tuất niên chế: 1826), 丁巳年造 (Đinh tị niên tạo: 1857)…[6]

Ngoài trừ những món đồ phải đặt làm trước như đồ sứ ký kiểu hay tranh gương, phần lớn các mặt hàng khác đều được sứ bộ mua trên hành trình trở về nước. Lụa, tơ tằm, trà, thuốc bắc… là những hàng hóa dễ dàng vận chuyển được mua từ Trung nguyên, còn các mặt hàng thổ sản, hàng hóa có kích thước và trọng lượng lớn, chủ yếu được mua ở các tỉnh gần biên giới như Quảng Tây, Vân Nam…

G. Devéria cũng công bố trong cuốn sách của mình những mặt hàng mà các sứ bộ thường mua ở Quảng Tây và Vân Nam, gồm: trà Thái Hoa (太華茶), cá chỉ vàng (金線魚), chim công (孔雀), ngựa (馬); các loại vải đặc biệt như: sa la bố (沙羅布), văn bố (紋布), gấm ngũ sắc (五色錦), giấy Thiên Trường (千張紙); các loại trúc thổ sản như: đậu trúc (豆竹), vân trúc (雲竹), phác trúc (撲竹), thùy ti trúc (垂絲竹), kê thố trúc (雞腿竹), xạ hương (麝香), đá cẩm thạch (屏石), quặng đồng (石青), thiết (鐵), bạch đồng (白銅); kim cương (金綱鑽), thạch anh tím (紫石), ngọc lưu li (琉璃), thạch cao (石膏), hổ phách (琥珀), ngọc (玉), bột đá đỏ (銀硃); muối đen (黑鹽), đá long não (龍腦石)… [Devéria, G. 1880, 89-91]

Ngoài số hàng hóa mà các sứ bộ mua về theo yêu cầu của triều đình Việt Nam, họ còn mang theo những tặng phẩm do hoàng đế Trung Hoa tặng cho vua và triều thần Việt Nam.

Trên đường về nước, các sứ bộ được quan quân các địa phương Trung Quốc hộ tống và cử người mang vác hành lý, hàng hóa cho sứ bộ mỗi khi sứ bộ đi qua địa phận do họ cai quản. Những người này cũng có trách nhiệm báo cáo về cho triều đình nhà Thanh hành trình của sứ bộ từ lúc họ rời Bắc Kinh cho đến khi sứ bộ vượt qua các cửa ải vào nội địa Việt Nam. Từ đây, các quan tuần phủ ở các phủ, châu sát biên giới như Lạng Sơn, Thủy Vĩ, Bình Nguyên… sẽ cử người hộ tống sứ bộ và áp tải hàng hóa về đến Hà Nội. Tại đây, hàng hóa và tặng phẩm sẽ được phân loại sơ bộ, theo đó, tặng phẩm của Thanh triều cùng tư trang hành lý của sứ đoàn và những hàng hóa quan trọng sẽ được chuyển về kinh đô Huế cùng một lượt với sứ bộ. Các loại hàng hóa cồng kềnh, kém quan trọng sẽ được quan nha Bắc Thành tạm thời quản lý và sau đó được chuyển về Huế bằng đường thủy, như ghi chép trong tờ 212-213 của châu bản triều Minh Mạng mà tôi đã trích dẫn trên đây. [Cục lưu trữ nhà nước 1998, Tập 1, 420]

Kết luận

Như vậy, ngoài các sứ bộ được cử sang Trung Hoa thực hiện nhiệm vụ bang giao giữa hai nước, triều Nguyễn, và trước đó là triều Lê – Trịnh, còn cử các sứ bộ sang Trung Hoa để mua hàng hóa mang về, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của vua chúa, hoàng tộc và triều đình.

Bên cạnh các sứ bộ được giao nhiệm vụ đi mua hàng hóa, mà sử sách triều Nguyễn thường viết là “đi công vụ”, các sứ bộ chuyên trách nhiệm vụ ngoại giao, khi sang Trung Hoa cũng kiêm nhiệm hoạt động thương mại, như mang nguyên liệu, sản phẩm nông lâm nghiệp, khoáng sản, đặc sản… từ Việt Nam sang giao dịch ở Trung Hoa (tham gia các phiên chợ do phía Trung Hoa chỉ định) và mua các hàng hóa, nguyên liệu, vật dụng… và đặt làm các sản phẩm cao cấp, xa xỉ từ Trung Hoa đưa về nước theo yêu cầu của triều đình Việt Nam.

Những hoạt động thương mại này thể hiện vai trò của các sứ bộ Việt Nam trên đất Trung Hoa. Họ không thuần túy là các nhà ngoại giao, mà còn là những nhà buôn, thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của triều đình và mua sắm theo nhu cầu và sở thích của họ.

Ngoài ra, những quy định về của triều đình Trung Hoa cho các hoạt động thương mại của các sứ bộ Việt Nam, như: địa điểm và thời gian giao dịch, các mặt hàng được phép mua bán, sự can thiệp của chính quyền địa phương ở Trung Hoa đối với hoạt động thương mại của các sứ bộ Việt Nam trong mối tương quan với hoạt động thương mại của các sứ bộ đến từ Koryo và Ryukyu cho thấy thứ bậc trong mối quan hệ bang giao giữa Trung Hoa với các “phiên quốc”, theo đó, Việt Nam có vị thế kém hơn so với các “phiên quốc” khác như Koryo và Ryukyu. Điều này cũng cho thấy Việt Nam tự chủ hơn trong quan hệ bang giao với Trung Hoa. Đó là một “quốc gia triều cống” (tribute country) thay vì “quốc gia chư hầu” (vassal country), mà tôi đã phân tích trong một bài nghiên cứu đã công bố trước đây.

* Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng, Việt Nam); Viện Sử học Đài Loan (Trung ương Nghiên cứu viện, Đài Bắc, Đài Loan).

—————–

Tài liệu tham khảo

Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Loan, Lan Phương (1995). Những ông nghè ông cống triều Nguyễn. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.

Bửu Cầm (1966). “Các sứ bộ do triều Nguyễn phái sang nhà Thanh”. Sử địa. Số 2, 46-51.

Cục lưu trữ nhà nước, Đại học Huế, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (1998). Mục lục châu bản triều Nguyễn. 2 tập. Hà Nội: Văn hóa.

Devéria, G. (1880). Histoire des Relations de la Chine avec l’Annam – Vietnam du XVIe au XIXe siècle. Paris: Ernest Leroux Editeur.

Ðỗ Bang, Nguyễn Minh Tường (1996). Chân dung các vua Nguyễn. Tập 1, Huế: Thuận Hóa.

Hoàng Xuân Hãn (1967). “Vụ Bắc sứ năm Canh thìn đời Cảnh Hưng với Lê Quý Ðôn và bài trình bằng văn Nôm”. Sử địa. Số 6, 3-5.

Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (1995). Nguyễn Phúc tộc thế phả. Huế: Thuận Hóa.

Lay Chung-cheng (賴淙誠) (2006). Diplomatic relations between China and Việt Nam under the Qing dynasty: annual trade and border issues [清越關係研究-以貿易與邊務為探討中心 (1644~1885)]. Ph.D. dissertation, Taipei.

Nguyễn Duy Chính (2016). Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông. TP. HỒ CHÍ MINH: Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Duy Chính (2018). “Quang Trung thật, Quang Trung giả: Bàn thêm về phái đoàn Đại Việt sang Trung Hoa năm Canh tuất (1790)”. Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Số 102, tháng 6, 31-43.

Nguyễn Thị Thảo, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Kim Oanh (1996). Sứ thần Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.

Nội các triều Nguyễn (1993). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập 8. Bản dịch của Viện Sử học. Huế: Thuận Hóa.

Phạm Ðức Thành Dũng, Vĩnh Cao (2000). Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn. Huế: Thuận Hóa.

Phạm Tuấn Khánh (1995). “Chuyến đi sứ của Ðặng Huy Trứ và một tư liệu chưa được công bố”, Thông tin Khoa học và Công nghệ, Số 3.

Phan Huy Chú (1992). Lịch triều hiến chương loại chí. 3 tập. Bản dịch của Viện Sử học. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Philippe Truong (1998). Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué. Paris.

Philippe Truong, Les bleu Trịnh (XVIIIe siècle), Paris, 1999.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1968). Đại Nam thực lục. Tập 20. Bản dịch của Viện Sử học. Hà Nội: Khoa học xã hội

Quốc sử quán triều Nguyễn (1972). Đại Nam thực lục. Tập 26. Bản dịch của Viện Sử học. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1973). Đại Nam thực lục. Tập 27. Bản dịch của Viện Sử học. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1976). Đại Nam thực lục. Tập 35. Bản dịch của Viện Sử học. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Trần Trọng Kim (1954). Việt Nam sử lược. Sài Gòn: Tân Việt.

Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh (1979). Châu bản triều Tự Đức 1848 – 1883. TP. Hồ Chí Minh. Tài liệu đánh máy.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Học viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (1993). Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu. 3 tập. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Vương Hồng Sển (1993). Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế. Tập thượng. TP. Hồ Chí Minh: TP. Hồ Chí Minh.

——————–

[1] Cụ thể như sau:

– Triều Trịnh Tùng (1570 – 1623) có 4 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Tráng (1623 – 1657) có 5 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Tạc (1657 – 1682) có 5 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Căn (1682 – 1709) có 4 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Cương (1709 – 1729) có 5 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Giang (1729 – 1740) có 5 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Doanh (1740 – 1767) có 6 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Sâm (1767 – 1782) có 3 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Cán (1782) không có sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Khải (1782 – 1786) có 1 sứ bộ đi sứ.

– Triều Trịnh Bồng (1787 – 1788) không có sứ bộ đi sứ.

[2] Về phái đoàn đi sứ sang Thanh năm Canh tuất (1790), các nguồn sử liệu Việt Nam trước đây đều chép rằng vua Quang Trung không trực tiếp sang Trung Hoa vào năm này, mà cử người đóng giả vua Quang Trung đi thế. Tuy nhiên, sử liệu Việt Nam ghi chép tên của người đóng giả vua Quang Trung không thống nhất với nhau. Có tài liệu ghi giả vương là Ngô Văn Sở, có tài liệu ghi là Phạm Công Trị, có tài liệu ghi là Nguyễn Quang Thùy… Tuy nhiên, theo Nguyễn Duy Chính, một người đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về mối quan hệ giữa triều Tây Sơn với nhà Thanh (Trung Hoa), bằng các nguồn sử liệu gốc của Thanh triều, có đối chứng với sử liệu phương Tây và các tập thơ văn do các sứ thần tham gia phái đoàn đi sứ sang Thanh năm 1790, khẳng quyết chính vua Quang Trung đã thân hành sang Trung Hoa vào năm 1790, chứ không phải là cử người đóng giả vua để đi thay như các nguồn sử liệu Việt Nam trước đây ghi nhận. [Nguyễn Duy Chính, 2016], [Nguyễn Duy Chính 2018, 31-43]

[3] Theo Trần Trọng Kim, sứ bộ thứ tư do Vũ Vĩnh Thành và Trần Ngọc Thị làm chánh, phó sứ, sang Thanh năm 1792 nhằm tìm cách sắp xếp một cuộc hôn nhân giữa vua Quang Trung với một công chúa nhà Thanh và yêu cầu nhà Thanh trả lại Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) cho Việt Nam. [Trần Trọng Kim 1954, 383]. Tuy nhiên, những ghi chép trên là không đúng sự thật. Sứ bộ này được cử sang Thanh để báo cáo về việc chinh phục những người Lào nổi loạn và yêu cầu sửa đổi các kỳ triều cống. Theo thứ bậc của hệ thống triều cống của nhà Thanh lúc đó, Triều Tiên đứng đầu, tiếp đến là Lưu Cầu, An Nam, Xiêm, Miến Điện… Sau chuyến đi của sứ bộ Vũ Vĩnh Thành, An Nam được nâng cấp triều cống lên hàng thứ hai, chỉ sau Triều Tiên. [Nguyễn Duy Chính, 2016], [Nguyễn Duy Chính 2018, 31-43]

[4] Quốc hiệu Việt Nam từ thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XIX là Đại Việt, đến năm 1804, vua Gia Long, người sáng lập vương triều Nguyễn đổi quốc hiệu thành Việt Nam. Năm 1838, vua Minh Mạng đổi thành Đại Nam. Từ năm 1945 trở đi, quốc hiệu đổi trở lại là Việt Nam. Tuy nhiên, trong các nguồn sử liệu Trung Hoa, quốc hiệu Việt Nam thường được viết là An Nam; vua Việt Nam được gọi là An Nam quốc vương.

[5] Đó là sứ bộ do Hoàng Kim Hoán làm chánh sứ và sứ bộ do Hoàng Văn Quyền làm chánh sứ, đều sang Trung Hoa năm 1825.

[6] Tôi đã thống kê được 52 hiệu đề niên đại có trên đồ sứ ký kiểu phù hợp với những năm có sứ bộ Việt Nam đi sứ Trung Hoa.