Chiến dịch quảng bá chế độ chuyên chế của Trung Quốc đang thành công

Nguồn: Daniel Mattingly, “China’s Soft Sell of Autocracy Is Working,” Foreign Affairs, 25/09/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Còn những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy nền dân chủ lại đang thất bại.

Hàng chục năm qua, người Mỹ đã thúc đẩy nền dân chủ trên toàn cầu. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, một câu hỏi đã nảy sinh: Liệu Bắc Kinh có đang cố gắng xuất khẩu hệ thống chính trị chuyên chế của mình theo cách tương tự hay không? Không, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố. “Chúng tôi không tìm cách ‘xuất khẩu’ mô hình Trung Quốc,” ông nói với một hội đồng các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2017, “chúng tôi cũng không muốn các quốc gia khác ‘sao chép’ cách làm việc của chúng tôi.” Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng Bắc Kinh không tìm cách định hình dư luận toàn cầu có lợi cho hệ thống chính trị của Trung Quốc. Những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thúc đẩy chế độ chuyên chế đơn giản là không rõ ràng như những nỗ lực bán hàng cứng (hard sell) của Mỹ nhằm xuất khẩu dân chủ; thay vào đó, ĐCSTQ đang bán hàng mềm (soft sell) để quảng bá chế độ chuyên chế.

Để đạt được mục đích đó, ĐCSTQ đã đầu tư mạnh vào ngoại giao công chúng và các chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm khiến công chúng toàn cầu chấp nhận hệ thống chính trị phi dân chủ của họ. Đảng đã phát triển một chương trình đào tạo, hội nghị, và hội thảo sâu rộng để dạy cách quản lý báo chí, Internet, quân đội, và xã hội dân sự theo phong cách của ĐCSTQ cho các nhà lãnh đạo chính trị nước ngoài. Và dù một số nhà hoạch định chính sách và học giả phương Tây cho rằng những nỗ lực này là vô ích, các chiến dịch gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc thực chất tinh vi hơn, hiệu quả hơn, và có khả năng thành công trong dài hạn cao hơn so với những gì người phương Tây tin tưởng. Chúng chủ yếu nhắm vào các nước đang phát triển, nơi nhiều người cho rằng ‘mô hình Trung Quốc’ có khả năng mang lại những gì quan trọng nhất đối với họ: một con đường thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực và gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Đứng trước những tuyên truyền nước ngoài ngày càng được ủng hộ của Bắc Kinh, Washington đã không thể vượt qua kẻ thách thức. Họ vẫn chưa đưa ra được một thông điệp mạch lạc về giá trị của hệ thống chính trị Mỹ. Trái ngược với thông điệp của Trung Quốc, tập trung chặt chẽ vào việc giành được sự ủng hộ của công chúng ở các nước đang phát triển, thông điệp của Mỹ lại rời rạc và kém thuyết phục hơn. Để cạnh tranh, Mỹ cần phải bán một tầm nhìn tích cực về họ cho toàn thế giới. Và họ cần phải tinh chỉnh thông điệp này cho người dân ở các nước đang phát triển, nơi có lẽ sẽ là đấu trường chính của cuộc cạnh tranh. Nếu Washington không thể điều chỉnh chiến lược ủng hộ dân chủ của mình cho phù hợp với thực tế chính trị và kinh tế đang thay đổi hiện nay, họ sẽ phải nhường chỗ cho Bắc Kinh – và theo đó thúc đẩy sự ủng hộ quốc tế cho mô hình chuyên chế của Trung Quốc.

CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ DƯỚI MỘT TÊN GỌI KHÁC?

Để bán hệ thống chính trị của mình ra nước ngoài, ĐCSTQ đã định hình nó như một hệ thống phản ứng nhanh, trọng dụng người tài, và cực kỳ hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – mà không khiến người khác chú ý đến các khía cạnh chuyên chế của nó. Thông điệp của ĐCSTQ tuyên bố rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc phản ứng nhanh với người dân và nhu cầu hàng ngày của họ đối với các dịch vụ và cơ sở hạ tầng của chính phủ. Các video tuyên truyền có cảnh quay đầy cảm hứng bằng máy bay không người lái về những kỳ quan kỹ thuật như mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc, các cây cầu ấn tượng, và các sân bay sáng bóng của nước này.

ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng đảng cầm quyền sở hữu đội ngũ chính trị gia có năng lực, những người đã trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt. Về mặt này, thông điệp của ĐCSTQ thường lập luận rằng kỳ thi công chức hiện tại, vốn thực sự rất khắt khe, chính là di sản của kỳ thi tuyển chọn quan lại đầy cạnh tranh để tìm ra những vị quan phục vụ cho các hoàng đế Trung Quốc.

Yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược bán hàng mềm của ĐCSTQ là rao giảng về sự tăng trưởng kinh tế phi thường của Trung Quốc – biến nó thành một phúc âm thịnh vượng cho thế giới chuyên chế. Tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ nhấn mạnh thành công ấn tượng của Trung Quốc trong việc đưa hàng trăm triệu người từ cảnh nghèo đói chỉ kiếm được một đô la một ngày lên tầng lớp trung lưu toàn cầu – đây là một sự thật không thể phủ nhận. Nhưng thay vì ghi nhận người dân Trung Quốc đứng sau thành công này, ĐCSTQ thích tuyên bố rằng đảng cầm quyền chịu trách nhiệm phần lớn cho kết quả ấy.

Thông điệp chính thức của Trung Quốc thường lạc quan và tránh những lời lẽ kiểu bán hàng cứng, ngay cả khi những thông điệp gay gắt và hiếu chiến của một nhóm nhỏ các nhà ngoại giao nước này đôi khi trở thành tiêu đề trên các trang báo. Tập và các nhà lãnh đạo đảng khác thường nhấn mạnh đến nhu cầu “kể câu chuyện của Trung Quốc một cách lôi cuốn” và lan tỏa “năng lượng tích cực” về nước này ở cả trong và ngoài nước. Ý tưởng nền tảng ở đây là hy vọng và cảm hứng thường bán chạy hơn sự u ám và bi quan. Một số thông điệp đối ngoại của Trung Quốc tập trung vào việc chỉ trích các nền dân chủ phương Tây và mô tả nền dân chủ Mỹ là đặc biệt hỗn loạn. Tuy nhiên, phần lớn các thông điệp vẫn là để quảng bá câu chuyện của riêng Trung Quốc.

Đáng chú ý là những thông điệp này không chỉ xóa bỏ các khía cạnh chuyên chế của hệ thống chính trị Trung Quốc, mà còn khẳng định rằng nó thực chất là một nền dân chủ. Quan điểm chính thức của ĐCSTQ là Trung Quốc là một “nền dân chủ toàn quá trình” (whole process democracy) trong đó đảng cầm quyền dù không được dân bầu, nhưng đại diện cho lợi ích của tất cả mọi người, trái ngược với các đảng phái trong nền dân chủ vốn được cho là chỉ đại diện cho các phe phái của xã hội. Thông điệp này giúp xây dựng cơ sở ủng hộ cho hệ thống chuyên chế, phi tự do của Trung Quốc trong khi tô vẽ nó thành một nền dân chủ dân túy.

ĐCSTQ đã thúc đẩy thông điệp này thông qua một loạt các kênh truyền thông. Họ thành lập Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) như một sự đáp trả đối với CNN hoặc BBC. Họ còn tài trợ cho việc mở rộng dịch vụ của hãng thông tấn toàn cầu Tân Hoa Xã, thâm nhập nước ngoài bằng cách đưa nội dung của mình vào các tờ báo nước ngoài. Họ cũng sử dụng các chiến dịch gây ảnh hưởng bí mật trên mạng xã hội bằng cách quảng bá những người có ảnh hưởng, những người sẽ vui vẻ nói về những ưu điểm của hệ thống Trung Quốc.

GƯƠNG MẶT MỚI CỦA TRUNG QUỐC

Hàng chục năm qua, các nhà phân tích Mỹ đã bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu bán hàng mềm có thực sự làm tăng sự chấp nhận toàn cầu đối với hệ thống chính trị Trung Quốc hay không. Giả định của họ từ lâu đã là hệ thống Trung Quốc quá chuyên chế và bối cảnh Trung Quốc quá đặc thù nên không thể giành được sự ngưỡng mộ ở nước ngoài. Đối với nhiều người Mỹ, thông điệp của Trung Quốc thường không thuyết phục. Một số thông điệp còn rõ ràng là chống Mỹ. Ngoài ra, những câu chuyện tích cực về sự thịnh vượng ngày càng tăng của Trung Quốc còn được xem là mối đe dọa đối với vị thế toàn cầu của Mỹ – và xét đến việc người Mỹ vẫn giàu hơn, có rất ít lý do để họ bắt chước hệ thống của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giờ đây, rõ ràng là thông điệp của ĐCSTQ thực sự có hiệu quả trong việc thay đổi ‘trái tim và khối óc’ cũng như xây dựng sự ủng hộ cho hệ thống chuyên chế của Trung Quốc, nhưng chủ yếu là ở bên ngoài các nền dân chủ giàu có. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Chính trị Mỹ năm 2024, tôi đã làm việc với một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế để khảo sát người dân ở 19 quốc gia trải dài trên sáu châu lục và phân tích dữ liệu về hàng nghìn video tuyên truyền do CGTN sản xuất. Chúng tôi thấy rằng quan điểm của người dân về Trung Quốc đã thay đổi đáng kể sau khi họ xem các clip đại diện do CGTN sản xuất. Dù ban đầu chỉ có 16% số người được hỏi thích mô hình chính trị Trung Quốc hơn mô hình chính trị Mỹ, nhưng sau khi xem nội dung của CGTN, 54% đã tuyên bố ngược lại. Mọi người cũng thấy hệ thống của Trung Quốc phản ứng nhanh hơn, mang lại tăng trưởng tốt hơn, và đáng chú ý là, có bản chất dân chủ hơn.

Thông điệp của ĐCSTQ đặc biệt được ủng hộ ở các nước đang phát triển mà chúng tôi nghiên cứu, chẳng hạn như Colombia, Kenya, Mexico, Nigeria, và Nam Phi. Không phải ngẫu nhiên mà đây là những khu vực mà Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc mở rộng dấu ấn truyền thông của mình. Ví dụ, CGTN đã mở một văn phòng tại Nairobi vào năm 2012 và tờ báo tiếng Anh của đảng, China Daily, đã thiết lập các thỏa thuận chia sẻ nội dung với hàng chục cơ quan truyền thông ở Mỹ Latinh.

Một điều may mắn cho Mỹ là vẫn có tương đối ít người sử dụng phương tiện truyền thông nước ngoài của Trung Quốc, có nghĩa là dù chương trình của họ có hiệu quả và tinh vi đến đâu thì phạm vi tiếp cận của họ vẫn chưa rộng. Ví dụ, chỉ có 7% người Nam Phi và 6% người Kenya nói rằng họ thường xuyên xem CGTN. Cho đến nay, phạm vi tiếp cận hạn chế của các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã khiến nó trở thành một công cụ hạn chế.

Tuy nhiên, Mỹ không thể xem đó là điều hiển nhiên, rằng thông điệp truyền thông chính thức của ĐCSTQ sẽ tiếp tục có lượng khán giả hạn hẹp. Lượng người xem CGTN và các kênh khác đang tăng lên, dù ở mức khiêm tốn. Ví dụ, ở Nigeria, lượng người xem đã tăng từ 6% dân số vào năm 2018 lên 11% vào năm 2020. ĐCSTQ cũng dựa vào một loạt các chiến lược khác để thâm nhập. Ví dụ, họ đã mở rộng dấu ấn của Tân Hoa Xã để các câu chuyện có thông điệp ủng hộ ĐCSTQ, ngấm ngầm hoặc rõ ràng, có nhiều khả năng xuất hiện trên các tờ báo toàn cầu hơn, dù đôi khi không ghi nguồn là Tân Hoa Xã.

Hơn nữa, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc được hỗ trợ rất nhiều bởi thực tế là trong khi Mỹ là một tay chơi cũ, với danh tiếng được sinh ra từ nhiều thập kỷ hoạt động trên trường quốc tế, thì Trung Quốc lại được xem là một thế lực tương đối mới. Vì nhiều người vẫn tương đối ít hiểu biết về Trung Quốc và hệ thống của nước này, nên ĐCSTQ đang nắm bắt cơ hội này để tự định hình bản thân ở nước ngoài. Nói cách khác, Mỹ là bên đương nhiệm, còn Trung Quốc là kẻ thách thức ít được biết đến – và Mỹ, được biết đến rộng rãi và bị đè nặng bởi lịch sử can thiệp của mình, sẽ rất khó để khiến người ta thay đổi suy nghĩ. Mặt khác, Trung Quốc là một người mới đến với khuôn mặt tươi tắn, một người có thể tự giới thiệu mình là sự thay thế tốt hơn, không đem theo gánh nặng so với lựa chọn cũ kỹ từ Washington.

NHỮNG YẾU TỐ CỐT LÕI CỦA CHẾ ĐỘ CHUYÊN CHẾ

Trung Quốc sử dụng cả các phương tiện truyền thông truyền thống và mạng xã hội để tác động đến công chúng toàn cầu nói chung, nhưng ĐCSTQ cũng có một chiến lược bổ sung để thúc đẩy hệ thống của mình trong giới tinh hoa: các hội thảo và hội nghị thượng đỉnh để bán những lợi ích của nền quản trị theo kiểu Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đang điều hành các chương trình sâu rộng nhằm hướng dẫn các chính trị gia trên toàn cầu về cơ chế vận hành của hệ thống quản trị ĐCSTQ. Theo báo cáo năm 2024 của Hội đồng Đại Tây Dương, tính đến giữa những năm 2010, đảng này đã điều hành trung bình 1.400 chương trình đào tạo mỗi năm ở các nước đang phát triển về các vấn đề như quản trị quốc gia, chính sách sắc tộc, và phương tiện truyền thông mới. Nhưng hiệu quả của các chương trình này trong việc thay đổi suy nghĩ hoặc mô hình quản trị vẫn chưa rõ ràng.

ĐCSTQ cũng điều hành các trường đào tạo đặc biệt ở Châu Phi dành cho các chính trị gia từ các chế độ độc đảng. Năm 2022, đảng này đã thành lập Trường Lãnh đạo Mwalimu Julius Nyerere tại Tanzania, hợp tác với các đảng ở Angola, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Tanzania, và Zimbabwe, nhiều đảng trong số đó đã trải qua nhiều thập kỷ dưới sự cai trị độc đảng. Trường học này tập trung vào các bài học về quản trị đảng theo kiểu ĐCSTQ và kỷ luật cho các đảng ở Châu Phi. Ngoài các hội thảo dành cho giới tinh hoa dân sự, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc còn đào tạo binh lính nước ngoài tại các học viện quân sự ở Trung Quốc và nước ngoài về việc duy trì quyền kiểm soát lực lượng vũ trang.

NỀN DÂN CHỦ MỸ KHÔNG THỂ BÁN CHÍNH MÌNH

Mỹ không thể đứng yên trong lúc Trung Quốc đẩy nhanh nỗ lực bán hệ thống chính trị của mình cho công chúng toàn cầu. Cho đến nay, thông điệp của Mỹ kém mạch lạc và hiệu quả hơn nhiều so với chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự khác biệt này đã được minh chứng rõ ràng trong nghiên cứu của tôi; sau khi những người trả lời khảo sát trên toàn cầu xem cả thông điệp của Mỹ và Trung Quốc, về cơ bản, họ chuyển sang Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải thừa nhận rằng việc bán các mô hình chính trị là một đấu trường quan trọng của cuộc cạnh tranh chính trị – một đấu trường mà người Mỹ có thể thua. Thông điệp chính thức của Mỹ đối với khán giả nước ngoài ở các nước đang phát triển thường lộn xộn và mơ hồ, cố gắng diễn giải ý tưởng về nước Mỹ, các quyền tự do dân sự Mỹ, và lối sống của người Mỹ. Không có nỗ lực nghiêm túc nào nhằm bán các ưu điểm của hệ thống Mỹ. Mặt khác, thông điệp của Trung Quốc tập trung vào việc xây dựng sự ủng hộ toàn cầu cho hệ thống họ thông qua các chiến lược nhất quán và có mục tiêu. Và trong bối cảnh hỗn loạn chính trị trong nước tiềm tàng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, ý tưởng về nền dân chủ Mỹ không còn có thể tự nó phát biểu được nữa.

Tuy nhiên, Washington vẫn có thể làm được nhiều điều về vấn đề này. Mỹ nên chuyển hướng tài trợ cho các chương trình ngoại giao công khai của Bộ Ngoại giao, mô tả một cách công bằng hệ thống chính trị Mỹ với tất cả những vinh quang và rối loạn chức năng của nó – và, quan trọng là, làm nổi bật nền kinh tế năng động của Mỹ. Phần lớn thành công của chiến lược truyền tải thông điệp của ĐCSTQ đến từ việc làm nổi bật các vấn đề liên quan đến tiền bạc, đặc biệt là khả năng thúc đẩy tăng trưởng của hệ thống Trung Quốc. Những khó khăn kinh tế gần đây của Trung Quốc rất có thể làm suy yếu khả năng truyền tải thông điệp này đến đông đảo công chúng. Mỹ nên xem đây là bài học đáng noi theo và cần nhắc đến những thành công đáng kể của nền kinh tế Mỹ trong việc tạo ra sự đổi mới và thịnh vượng.

Mỹ cũng nên nỗ lực nhấn mạnh những lợi thế của các hệ thống chính trị dân chủ, chẳng hạn như báo chí tự do. Washington không nên chỉ dựa vào các cơ quan chính phủ cho mục đích truyền tải thông điệp của mình; liệu có ai muốn nghe phương tiện truyền thông nhà nước khi vẫn còn nhiều lựa chọn thú vị hơn? Thay vào đó, Mỹ có thể trợ cấp cho các hoạt động báo chí độc lập của Mỹ ở nước ngoài, bao gồm hỗ trợ các văn phòng nước ngoài của các tờ báo, các kênh truyền hình cáp, và các hoạt động truyền thông Internet của Mỹ. Khán giả nước ngoài luôn háo hức được tiêu thụ các chương trình truyền hình, báo in, và Internet miễn phí và trung thực của Mỹ – nghĩa là phạm vi đưa tin phải bao gồm cả những điểm tích cực lẫn tiêu cực về Mỹ.

Về lâu dài, đây là cuộc cạnh tranh mà Mỹ có thể thắng. Tò mò về hệ thống Trung Quốc không có nghĩa là các quốc gia thực sự có thể hoặc sẽ noi theo họ; sự kết hợp đặc biệt ở Trung Quốc giữa một đảng cầm quyền mạnh mẽ và các yếu tố của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa sẽ khó có thể sao chép ở nơi khác. Hơn nữa, xét đến tình hình kinh tế suy thoái của Trung Quốc và việc cá nhân hóa ĐCSTQ xoay quanh Tập Cận Bình, những lời kêu gọi kinh tế của Bắc Kinh có thể sớm bắt đầu mất đi sức hấp dẫn. Quảng cáo tốt nhất cho hệ thống Mỹ vẫn là chính Mỹ – và khả năng của nước này trong việc sống theo các lý tưởng dân chủ của mình.

Daniel Mattingly là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Yale.