Nguồn: Dalia Dassa Kaye, “Where Will Israel’s Multifront War End?”, Foreign Affairs, 02/10/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Vụ ám sát lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah của Israel vào tuần trước đã đánh dấu một bước ngoặt đối với Trung Đông. Dưới thời Nasrallah, Hezbollah đã trở thành đồng minh thân cận nhất của Iran và là lực lượng răn đe quan trọng, trụ cột trung tâm của “trục kháng chiến” của Tehran. Cái chết của ông là một đòn giáng mạnh và gây sốc không chỉ đối với Hezbollah mà còn đối với liên minh các lực lượng được Iran hậu thuẫn trên khắp khu vực. Đối với Israel, vụ ám sát là một bước leo thang hợp lý, dù táo bạo. Ngày 1 tháng 10, Israel đã thực hiện bước tiếp theo – một cuộc xâm lược trên bộ vào Lebanon, mở ra một cuộc tấn công toàn diện chống lại Hezbollah – trong khi phải đối mặt với sự trả đũa trực tiếp mới từ Iran, với gần 200 tên lửa đạn đạo được phóng vào Israel trong tuần này.
Kể từ cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào ngày 7 tháng 10 gần một năm trước, Israel đã liên tục thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn trong cuộc chiến chống lại những kẻ hậu thuẫn Hamas trong khu vực, bao gồm Iran và Hezbollah. Trong năm qua, Israel đã nhắm mục tiêu vào các nhà lãnh đạo của cả Hezbollah và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), giết chết hàng trăm đặc vụ hàng đầu một cách có hệ thống. Israel đã dần dần làm suy yếu Hezbollah và Iran, đánh giá rằng mặc dù cả hai sẽ duy trì xung đột ở mức độ thấp, nhưng không bên nào muốn có một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel. Các động lực trong nước cũng khuyến khích hành vi của Israel. Nhiều người Israel cảm thấy rằng việc quay trở lại hiện trạng trước ngày 7 tháng 10 là điều không thể chấp nhận được. Một bài học quan trọng từ các cuộc tấn công là Israel không còn đủ khả năng để chỉ quản lý và kiềm chế các mối đe dọa trên biên giới của mình. Israel cần những chiến thắng quân sự quyết định – bất kể cái giá phải trả là bao nhiêu.
Do đó, các nhà lãnh đạo Israel trở nên rất có động lực để khôi phục khả năng răn đe bị phá vỡ của đất nước và hào quang bất khả chiến bại bị xuyên thủng bởi cuộc tấn công của Hamas. Không thể đánh bại Hamas một cách dứt khoát ở Gaza, Israel có thể nhìn thấy nhiều cơ hội hơn trong cuộc chiến chống lại Hezbollah và Iran. Quân đội Israel đã dành nhiều năm chuẩn bị cho một cuộc chiến trên mặt trận phía bắc và, như các cuộc tấn công gần đây của Israel ở Iran và Lebanon đã chứng minh, các cơ quan tình báo của Israel đã thâm nhập rộng rãi vào cả mạng lưới của Iran và Hezbollah.
Trong môi trường leo thang hiện tại, những nỗ lực của Mỹ và quốc tế nhằm khuyến khích một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến ở Lebanon hoặc Gaza khó có thể thành công, ngay cả khi những lời kêu gọi ngừng bắn trở nên cấp bách hơn khi đối mặt với cuộc đối đầu trực tiếp mới giữa Israel và Iran. Nhưng hiện tại, Israel không tìm kiếm một lối thoát ngoại giao; họ đang tìm kiếm chiến thắng toàn diện. Thêm vào các tính toán chiến lược là những cân nhắc chính trị kết nối sự sống còn chính trị của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với các cuộc chiến tiếp diễn dường như chỉ làm tăng thêm sự nổi tiếng của ông và sự ổn định của liên minh cầm quyền.
Nasrallah là một kẻ thù nguy hiểm, và Israel – và nhiều nước khác trong khu vực – vui mừng trước sự ra đi của ông ta. Nhiều người Israel ủng hộ việc tấn công Hezbollah đang suy yếu ở Lebanon, và ngay cả các nhà lãnh đạo đối lập cũng ủng hộ các hoạt động trên bộ của Israel hiện đang được tiến hành. Nhưng một khi sự phấn khích qua đi – điều này có thể xảy ra nhanh hơn dự kiến, khi các cuộc tấn công của Iran và Hezbollah nhằm đáp trả cái chết của Nasrallah đã buộc người Israel trên khắp đất nước phải vào hầm trú ẩn – họ có thể bắt đầu hỏi các nhà lãnh đạo của mình rằng chiến thắng thực sự có ý nghĩa gì. Nếu chiến thắng là sự leo thang và những thành công quân sự mang tính chiến thuật chống lại Hezbollah và Iran, thì Israel thực sự đã thành công. Nhưng đây chỉ là một chiến thắng phù du. Nó tạo ra những chi phí và kết quả khó lường, và dường như không gắn liền với bất kỳ động lực nghiêm túc nào hướng tới hòa bình với người Palestine – thách thức sống còn nghiêm trọng nhất của Israel.
Sau một năm chiến tranh, có khả năng thực sự là không có “ngày sau” nào tốt hơn ở Gaza hay phần còn lại của khu vực. Cuộc nói chuyện ở Washington về việc tận dụng cái chết của Nasrallah và sự yếu kém của Iran để “định hình lại” Trung Đông gợi nhớ lại những niềm tin sai lầm đã thúc đẩy cuộc xâm lược Iraq của Mỹ vào năm 2003 với hậu quả thảm khốc. Xung đột quân sự tiếp diễn gây tổn hại cho khu vực, và nó gây tổn hại đến lợi ích của Hoa Kỳ. Nếu không có sự thay đổi trong chính phủ Israel hiện tại, Israel và các nước láng giềng có thể đang hướng tới một ngày sau rất khác: Israel tái chiếm Gaza và thậm chí có thể cả miền nam Lebanon, cũng như củng cố quyền kiểm soát, nếu không muốn nói là sáp nhập Bờ Tây. Đây không phải là công thức cho chiến thắng mà là cho chiến tranh vĩnh viễn.
Chiến tranh đang hình thành
Nguy cơ cuộc xung đột tại Gaza có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột khu vực rộng hơn, bao gồm cuộc đụng độ trực tiếp giữa Israel và Iran, là rõ ràng ngay từ đầu. Hezbollah nhanh chóng tham gia vào cuộc chiến, có lẽ không đến mức mà Hamas mong muốn. Nhằm thể hiện tình đoàn kết, Hezbollah bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới vào miền bắc Israel trong tuần đầu của cuộc chiến, và Israel đã đáp trả bằng những cuộc phản công mở rộng ngày càng tăng. Sự gia tăng về bạo lực dẫn đến việc hàng ngàn người dân thường Israel và Lebanon ở hai bên biên giới phải di dời.
Nhiều người bám vào ảo tưởng rằng cuộc xung đột tại mặt trận phía bắc sẽ được ngăn chặn do không có bên nào muốn một cuộc chiến tổng lực. Hezbollah phần lớn giới hạn các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu gần với biên giới, nơi nằm trong khuôn khổ các quy tắc giao chiến được quy ước mà Hezbollah đã hình thành với Israel sau cuộc chiến cuối cùng vào năm 2006. Nhưng khi cuộc chiến tại Gaza vẫn tiếp diễn, cả Israel và Hezbollah đã vượt qua những lằn ranh đỏ với các cuộc tấn công thọc sâu vào trong lãnh thổ của Israel và Lebanon và gây nguy hiểm cho dân thường. Các con số thương vong tăng lên, nhưng ở một mức độ mà cuộc xung đột được cho là vẫn còn có thể ngăn chặn được.
Dù vậy, luôn có rủi ro một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ nổ ra theo hai cách. Đầu tiên là khả năng của việc tính toán sai – rằng một cuộc tấn công bởi một bên sẽ dẫn đến thương vong không thể đoán trước và buộc bên còn lại tham gia vào cuộc chiến không mong muốn. Rủi ro này là rõ ràng với cuộc tấn công của Israel hồi đầu tháng tư vào một cơ sở ngoại giao của Iran tại Damascus khiến các thủ lĩnh hàng đầu của Iran thiệt mạng. Israel nhận ra mình đã tính toán sai khi tin rằng cuộc tấn công sẽ không kích động một cuộc trả đũa từ Iran. Nhưng cuộc tấn công của Israel đã kích động Iran; Iran lần đầu tiên tấn công tên lửa trực tiếp vào Israel. Một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã đánh chặn được cuộc tấn công và nhanh chóng ngăn chặn nó, nhưng sự kiện đó cho thấy tính toán sai lầm có thể nhanh chóng leo thang như thế nào, và cũng khơi mào cuộc xung đột quân sự giữa Iran và Israel đang xảy ra một lần nữa ở hiện tại.
Con đường thứ hai dẫn đến một cuộc chiến tổng lực đến từ sự thay đổi trong tính toán chiến lược – rằng một trong những cường quốc tham gia sẽ thấy những lợi ích to lớn khi phát động chiến tranh hơn là tránh chúng. Đây chính là lối tư duy dẫn đến việc Israel leo thang các cuộc tấn công vào Hezbollah tại Lebanon. Mặc dù Iran và Hezbollah dường như tin rằng một cuộc xung đột ở mức độ thấp với Israel là có thể kiểm soát được chừng nào Israel còn đang bận tâm ở Gaza, nhưng tính toán của Israel đã thay đổi khi sự chú ý của họ ngày càng hướng về phía bắc trong suốt mùa hè.
Khi nhắc đến phía bắc, có sự đồng thuận cao hơn nhiều trong giới lãnh đạo quốc phòng và trên toàn bộ phe cánh chính trị của Israel so với cuộc tranh luận về cách đối phó với Gaza và những con tin còn bị bắt giữ. Sau những cuộc tấn công của Hamas, việc dựa vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel để bảo vệ đất nước khỏi kho vũ khí khổng lồ của Hezbollah không còn hiệu quả, cũng như không đủ để cho phép những người Israel phải di dời trở về nhà. Israel không thể chịu đựng việc Hezbollah hoạt động tích cực ở biên giới, và Tel Aviv khước từ ý tưởng rằng chỉ một mình các đề xuất ngoại giao của Mỹ và Pháp sẽ là đủ để răn đe các cuộc tấn công trong tương lai và buộc Hezbollah thực sự rút lui. Hơn nữa, Israel đánh giá rằng Hezbollah – và Iran – đã miễn cưỡng đi quá xa trong cuộc xung đột quân sự với Israel. Do đó, Israel tính toán rằng họ có thể hưởng lợi từ việc phục kích cả hai đối thủ mà không phải đối mặt với sự trả đũa đáng kể, một đánh giá hiện nay dường như quá tham vọng. Israel cũng không mong đợi nhiều sự phản kháng từ các đồng minh của mình, vì Mỹ đã áp đặt rất ít hạn chế đối với hoạt động quân sự của Israel kể từ ngày 7 tháng 10. Kỳ vọng đó dường như đã được giữ vững: Mỹ đã tiếp tục hỗ trợ quân sự đầy đủ cho Israel khi nước này mở rộng hoạt động chiến dịch của mình vào Lebanon và phải đối mặt với các cuộc tấn công mới từ Iran.
Trước cuộc tấn công tên lửa mới nhất của Iran, Israel cho biết họ dự định chỉ thực hiện một chiến dịch quân sự hạn chế vào Lebanon và không chiếm đóng miền nam Lebanon nữa. Nhưng không có gì đảm bảo rằng cuộc chiến sẽ vẫn mang tính hạn chế hoặc kéo dài một cách ngắn ngủi, dựa trên lịch sử chiến tranh giữa hai nước và khả năng Israel sẽ phải đối mặt với sự kháng cự từ Hezbollah, ngay cả khi ở trạng thái suy yếu, giờ đây họ đã xâm chiếm lãnh thổ Lebanon. Với bối cảnh là cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran-Israel, mặt trận Lebanon có thể trở nên căng thẳng hơn nữa.
Israel có thể đã không dự định để vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm do Hezbollah phân phát vào giữa tháng 9 như phát bắn đầu tiên của cuộc chiến thứ hai. Nhưng bằng cách này hay cách khác, Israel vẫn quyết tâm thay đổi thế cân bằng với Hezbollah. Câu hỏi bây giờ là Israel dự định đi bao xa. Nếu Gaza là một dấu hiệu, thì Lebanon và người dân ở đây có thể phải đối mặt với những tuần mệt mỏi phía trước; một triệu người Lebanon đã phải di dời ở một đất nước chỉ có hơn 5 triệu dân.
Mục tiêu kế tiếp sẽ là gì?
Iran phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong cách ứng phó với cái chết của Nasrallah và việc Israel tấn công Hezbollah. Quyết định từ bỏ đáp trả ngay lập tức sau vụ sát hại lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran vào cuối tháng 7 cho thấy mức độ thận trọng và tiếp tục quan tâm đến việc tránh một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn. Bất chấp tất cả sự thù địch của họ đối với Israel, các nhà lãnh đạo Iran coi trọng sự sống còn của chính mình hơn hết và hiểu rằng một cuộc chiến trực tiếp với Israel – một cuộc chiến có thể liên quan đến Mỹ – có thể đe dọa nước này. Iran và Israel đã tham gia hơn một thập kỷ vào cái gọi là cuộc chiến tranh trong bóng tối, được đánh dấu bằng các vụ ám sát, phá hoại và nhiều cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng quân sự và hạt nhân của Iran. Lần duy nhất Iran tấn công Israel một cách công khai và trực tiếp là vào tháng 4 năm ngoái trong một nỗ lực được chứng minh là không thành công nhằm khôi phục khả năng răn đe của Iran khi cuộc chiến ở Gaza mở rộng.
Nhưng các cuộc tấn công gây chú ý của Israel trong hai tháng qua, từ vụ sát hại Haniyeh đến vụ tấn công bằng máy nhắn tin và vụ ám sát Nasrallah, đã gia tăng áp lực bên trong Iran nhằm đáp trả mạnh mẽ hơn để khôi phục hình ảnh của mình trong số các đối tác thuộc phe trục và chấm dứt chuỗi chiến thắng của Israel trong vài tuần qua, trong đó bao gồm các cuộc tấn công của Israel chống lại phe Houthis ở Yemen. Các nhà lãnh đạo của Tehran cũng có thể đã đánh giá rằng, bất kể họ phản ứng thế nào, Israel vẫn sẵn sàng tấn công trực tiếp vào Iran, được khuyến khích bởi tình trạng suy yếu của Hezbollah, vốn là lực lượng răn đe nguy hiểm nhất của Iran chống lại Israel. Thật vậy, Netanyahu đã đưa ra một tuyên bố bằng video cho người dân Iran (bằng tiếng Anh) vào ngày 30 tháng 9, trong đó ông tuyên bố dứt khoát: “Không có nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể chạm đến”.
Do đó, bất chấp rủi ro, và chắc chắn sau cuộc tranh luận nội bộ quan trọng, Tehran đã thực hiện lời thề trả đũa bằng cách phóng tên lửa vào Israel lần thứ hai vào ngày 1 tháng 10. Họ đưa ra thông báo sớm hơn so với hồi tháng 4 và các mục tiêu của họ bao gồm các cơ sở quân sự ở vùng đông dân cư của Israel. Như trước đây, hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel – với sự hỗ trợ quân sự của Mỹ – đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công, hạn chế thiệt hại và đảm bảo không có thương vong cho Israel. Netanyahu tuyên bố Iran “sẽ phải trả giá” cho cuộc tấn công và các quan chức Mỹ hứa hẹn sẽ gây ra những hậu quả đáng kể cho Iran. Với tính chất trực tiếp của cuộc tấn công của Iran và danh sách mục tiêu ngày càng mở rộng của Israel, sự trả đũa của Israel gần như là chắc chắn. Điều ít chắc chắn hơn là liệu vòng đối đầu trực tiếp mới giữa Iran và Israel này có kết thúc nhanh như cuộc trao đổi hồi tháng Tư hay không.
Khi trục ủy nhiệm của Iran suy yếu, Israel có thể quyết định nắm bắt cơ hội để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hoặc tăng cường nhắm mục tiêu vào các chỉ huy IRGC, hoặc thậm chí là các nhà lãnh đạo chính trị Iran. Cũng có những lý do hợp lý tại sao Israel có thể hạn chế phản ứng trước một cuộc tấn công có chủ đích và có hiệu chỉnh khác nhằm vào Iran, như họ đã làm vào tháng 4, cho phép cả hai bên tuyên bố chiến thắng và rút lui khỏi bờ vực. Sự phản kháng của Mỹ đối với việc mở rộng chiến tranh cũng có thể sẽ rất đáng kể. Lực lượng dân quân liên kết với Iran ở Iraq đã đe dọa nhắm mục tiêu vào quân nhân Mỹ nếu Mỹ can thiệp, và chính quyền Biden chắc chắn không tìm kiếm một cuộc chiến trực tiếp với Iran. Trong mọi trường hợp, Israel có thể muốn quay trở lại chiến thuật chiến tranh trong bóng tối, lợi dụng tình hình suy yếu của Iran. Tuy nhiên, tình hình leo thang hiện nay và những kết quả thường khó lường của chiến tranh có nghĩa là không thể loại trừ được điều gì.
Thật vậy, một số nhà phân tích suy đoán rằng Iran có thể đáp trả sự suy thoái của mạng lưới liên minh và bù đắp cho điểm yếu quân sự thông thường của mình bằng cách tiến tới vũ khí hóa chương trình hạt nhân. Nhưng một bước đi quyết liệt như vậy có thể sẽ bị phát hiện và chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công nghiêm trọng và quy mô hơn của Israel vào đất nước này.
Những ngày đen tối hậu chiến tranh
Israel đã sẵn sàng nỗ lực hết sức để làm suy yếu Hezbollah và Iran, và nước này đã đạt được những bước tiến đáng kể trên các mặt trận đó. Nhưng cuộc chiến ở Gaza và việc quân sự hóa gia tăng ở Bờ Tây đặt ra câu hỏi Israel chuẩn bị tiến bao xa trên lãnh thổ Palestine. Năm vừa qua cho thấy chính phủ của ông Netanyahu đang hướng tới mục tiêu không gì khác hơn là tạo ra một thực tế mới trên toàn bộ biên giới của Israel.
Các nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích đã lên kế hoạch cho “ngày hậu chiến” kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Họ hy vọng rằng cơ hội có thể xuất hiện từ bi kịch. Các chủ thể khu vực và quốc tế có thể giúp người Israel và người Palestine cuối cùng đạt được thỏa thuận và xây dựng lại Bờ Tây và Gaza sau nhiều năm bị lãng quên. Sự đau khổ và mất mát to lớn có thể là một lời nhắc nhở tàn nhẫn nhưng hiệu quả rằng không thể bỏ qua cuộc xung đột này, rằng nó sẽ tàn phá không chỉ người Israel và người Palestine mà còn trên toàn bộ khu vực, theo những cách có thể chạm tới mọi nơi trên thế giới. Họ hy vọng nó sẽ chứng minh rằng kết quả duy nhất có thể chấp nhận được là tìm ra một giải pháp chính trị khả thi có thể phá vỡ vòng xoáy bạo lực bất tận.
Đáng buồn thay, nếu không muốn nói là có thể dự đoán được, viễn cảnh về một ngày hòa bình và thịnh vượng sau đó đang ngày càng trôi xa hơn. Thay vào đó, bức tranh là một trong những cuộc chiến tiếp tục diễn ra, số người chết ngày càng tăng, sự tàn phá vật chất thảm khốc, sự di dời hàng loạt và các điều kiện nhân đạo thảm khốc. Trong khi đó, những con tin Israel còn lại chưa bị Hamas sát hại vẫn tiếp tục mòn mỏi trong các đường hầm bên dưới Gaza.
Ngoài những tai họa hiện tại này còn có một hậu quả lâu dài không thể tránh khỏi. Những lựa chọn mà Netanyahu và liên minh cầm quyền cực đoan của ông đang đưa ra hiện nay có thể làm sáng tỏ những nỗ lực hàng thập kỷ của các Thủ tướng Israel trước đây là Yitzhak Rabin, Ehud Barak và Ariel Sharon nhằm tách Israel ra khỏi đất Palestine. Tại Gaza, lực lượng Israel vẫn cố thủ sâu, duy trì quyền kiểm soát hành lang Philadelphi ở biên giới với Ai Cập và chuẩn bị cho sự hiện diện quân sự lâu dài. Ở Bờ Tây, việc mở rộng các khu định cư của Israel vẫn tiếp tục được bảo vệ bởi Lực lượng Phòng vệ Israel và được khuyến khích bởi các bộ trưởng Israel có tham vọng kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Các cuộc tấn công của IDF vào các thành phố của Palestine, chẳng hạn như các cuộc tấn công lớn ở Jenin và Tulkarm, đã gia tăng trong những tháng gần đây khi sự kiểm soát của Chính quyền Palestine suy yếu. Cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Lebanon đã bắt đầu, và các nhà lãnh đạo cũng như các nhà phân tích của Israel đang thảo luận về khả năng khôi phục vùng đệm ở miền nam Lebanon, tương tự như vùng đệm mà Israel thành lập sau khi xâm chiếm Lebanon vào năm 1982 và duy trì cho đến khi Israel đơn phương rút quân vào năm 2000.
Nếu các chiến dịch này tiếp tục, Israel có thể, theo chủ ý hoặc theo mặc định, sẽ tái chiếm một phần hoặc toàn bộ Gaza, Bờ Tây và thậm chí cả miền nam Lebanon. Không cần phải nói, đây là một ngày đen tối hơn nhiều so với những gì nhiều người đã hình dung. Nhưng đó là một khả năng thực sự có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Việc tái chiếm đóng sẽ đe dọa an ninh lâu dài của Israel, dập tắt khát vọng độc lập và phẩm giá của người Palestine, đồng thời gây bất ổn cho toàn bộ khu vực.
Ngã ba đường
Sự hủy diệt của Israel nhắm tới Hezbollah sẽ làm sâu sắc thêm niềm tin vốn đã cố hữu của nhiều nhà lãnh đạo và người dân Israel rằng chỉ có lực lượng quân sự mới có thể giúp họ được an toàn. Và sau chấn thương ngày 7 tháng 10 và với sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo tôn giáo theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa ở Israel, người Israel có thể kết luận thêm rằng chiếm đất là cách tốt nhất để bảo vệ đất nước của họ. Công thức thúc đẩy chính sách ngoại giao của Israel kể từ hiệp ước giữa Israel với Ai Cập năm 1979 – đánh đổi lãnh thổ cho hòa bình – dường như đã bị mất đi tính chính đáng. Khi đó, Israel đã đồng ý rút khỏi Bán đảo Sinai để đổi lấy bình thường hóa quan hệ song phương. Nhưng với cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 đến từ Gaza, nơi Israel cũng đã chiếm đóng trước đó, việc kiểm soát đất đai một lần nữa dường như thu được nhiều lợi ích hơn như một chiến lược phòng thủ. Hàng rào công nghệ cao không đủ để giúp người Israel tránh khỏi nguy hiểm. Cơ sở hạ tầng phòng thủ tên lửa và phòng thủ dân sự sẽ hạn chế thiệt hại mà kẻ thù có thể gây ra, nhưng nếu không chiến đấu với kẻ thù và tái chiếm đất, một số nhà lãnh đạo Israel ngày nay cho rằng Israel sẽ không được an toàn.
Một kết thúc như vậy dường như đang ngày càng trở thành hiện thực. Nhưng nó không thể mang lại an ninh lâu dài mà Israel tìm kiếm. Thay vào đó, nó sẽ khiến Israel bị mắc kẹt trong chu kỳ chiến tranh và cô lập toàn cầu, kéo theo sau là Mỹ. Israel cần một nhà lãnh đạo biết đặt câu hỏi về định nghĩa chiến thắng hiện tại, thừa nhận rằng chiến thắng thực sự là không thể nếu không có hòa bình. Người ta không cần phải tin vào một “Trung Đông mới”, nơi Israel được chấp nhận hoàn toàn, giao thương và gắn kết với các nước láng giềng, để đánh giá cao rằng có một con đường khác, thực tế phía trước. Con đường đó không phải là con đường chiếm đóng vĩnh viễn và chiến tranh liên miên. Nhưng hiện tại, con đường thứ hai là con đường mà Israel đang đi.
DALIA DASSA KAYE là thành viên cao cấp tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế UCLA Burkle.