Nguồn: Ling Xin, “Trump or Harris? Why China-born scientists fear US shadow of suspicion will persist”, SCMP, 31/10/2024.
Biên dịch: Phạm Vũ Thiều Quang
Dù ai thắng cử, các nhà nghiên cứu vẫn lo sợ những tổn thương sâu sắc từ các cuộc điều tra an ninh sẽ tiếp tục ám ảnh họ.
Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump ngày càng nóng lên, căng thẳng địa chính trị cũng leo thang trên các mặt trận ít ai ngờ đến. Giới nghiên cứu khoa học gốc Hoa tại Mỹ đang đặc biệt quan ngại về tương lai của mình, khi mà các cuộc điều tra an ninh đã và đang gây ra những hệ lụy nặng nề. Bài viết này, nằm trong loạt bài chuyên sâu của Ling Xin, sẽ phân tích những rủi ro mà các nhà khoa học gốc Hoa phải đối mặt sau khi trở thành mục tiêu trong các cuộc điều tra của chính phủ.
Yan Chen, một nhà kinh tế học thực nghiệm tại Đại học Michigan, Ann Arbor, không hẳn mong đợi Kamala Harris sẽ chiến thắng, mà bà chỉ hy vọng Donald Trump sẽ thất bại. “Nếu Donald Trump đắc cử, đó sẽ là một tin xấu cho các học giả người Mỹ gốc Hoa”, Chen nhận định. “Nếu Kamala Harris đắc cử, mọi thứ vẫn còn là ẩn số, nhưng ít nhất chúng ta biết bà ấy mang trong mình dòng máu châu Á và là con gái của một nhà khoa học nhập cư. Tôi hy vọng bà ấy sẽ thấu hiểu hơn với cộng đồng học giả gốc Á và người Mỹ gốc Á”, Chen chia sẻ.
Tuy nhiên, Xiaoxing Xi, một nhà vật lý tại Đại học Temple ở Philadelphia, lại không mấy tin tưởng vào cả hai ứng viên. Ông cho rằng cả chính quyền Trump và Biden đều xem Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ. “Quan điểm này đã được cả hai đảng nhấn mạnh, và đó là thực tế địa chính trị mới mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt”, ông nói.
Dù có quan điểm khác nhau về các ứng cử viên, các nhà khoa học như Chen và Xi đều chung một nỗi thất vọng lớn khi Hạ viện gần đây thông qua luật khôi phục Sáng kiến Trung Quốc thời Trump. Sáng kiến này, với mục tiêu chống lại hoạt động gián điệp kinh tế và công nghệ từ Trung Quốc, đã gây ảnh hưởng nặng nề và không công bằng lên các học giả gốc Hoa trước khi bị dừng lại vào năm 2022.
Dự luật, được thông qua với sự ủng hộ của 214 nghị sĩ Đảng Cộng hòa và 23 nghị sĩ Đảng Dân chủ hồi tháng trước, dự kiến sẽ không được Thượng viện thông qua. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn lo ngại rằng một phiên bản mới của Sáng kiến Trung Quốc có thể sẽ xuất hiện.
“Chỉ là vấn đề thời gian”, ông Xi nhận định. “‘Các nhà khoa học gốc Hoa là gián điệp’ – chừng nào định kiến này còn tồn tại, sẽ còn có những nỗ lực để khôi phục Sáng kiến Trung Quốc. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra trong tương lai.”
Denis Simon, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Duke, nhấn mạnh rằng người Mỹ gốc Hoa luôn đi đầu trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ. Hành động này của Hạ viện hoàn toàn mang động cơ chính trị và phản ánh nỗi sợ hãi vô căn cứ đối với những người đã cống hiến rất nhiều cho đất nước này”, Simon, một chuyên gia giáo dục STEM lâu năm và cựu Phó Hiệu trưởng điều hành của Đại học Duke Kunshan tại Trung Quốc, cho biết.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chính thức khởi động Sáng kiến Trung Quốc vào năm 2018. Không lâu sau đó, chương trình này đã siết chặt kiểm soát các nhà nghiên cứu gốc Hoa về những vấn đề như việc không công khai các mối quan hệ học thuật hoặc thu nhập tại Trung Quốc – những vấn đề vốn không liên quan trực tiếp đến hoạt động gián điệp kinh tế hay trộm cắp công nghệ. Dù chưa phát hiện ra bất kỳ điệp viên nào, Sáng kiến này đã khiến nhiều nhà nghiên cứu bị điều tra mất việc làm và cuộc sống bị đảo lộn.
Franklin Tao, cựu Phó Giáo sư kỹ thuật hóa học tại Đại học Kansas, đã phải trải qua 5 năm đấu tranh pháp lý để lật ngược bản án cáo buộc ông che giấu mối quan hệ nghiên cứu của mình với Trung Quốc. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ các khoản đóng góp của cộng đồng và vợ ông phải làm ba công việc cùng lúc, những nỗ lực tự bào chữa của Tao đã khiến gia đình ông gần như phá sản. Tính đến tháng 7, ông vẫn còn nợ hơn 1 triệu đô la Mỹ tiền phí luật sư.
Anming Hu, một giáo sư người Canada gốc Hoa tại Đại học Tennessee, Knoxville, cho biết thử thách của ông với Sáng kiến Trung Quốc bắt đầu khi một đặc vụ FBI sử dụng Google để tìm kiếm thông tin về một hội thảo mùa hè mà ông đã tổ chức tại Trung Quốc. Sau đó, đặc vụ này đã dùng Google Translate để dịch nội dung sang tiếng Anh. “Hành động của FBI trong trường hợp của tôi đã cho thấy sự thiếu hiểu biết cơ bản về các hoạt động học thuật và việc coi bất kỳ mối liên hệ chuyên môn nào với Trung Quốc là tội phạm, ngay cả khi chúng hoàn toàn hợp pháp”, ông nói.
Vào tháng 9 năm 2021, Hu đã được tuyên trắng án sau khi một thẩm phán liên bang nhận thấy bằng chứng không đủ để kết tội. Tuy nhiên, vụ kiện đã hủy hoại mọi mặt trong cuộc sống của ông và gây ra tổn thương to lớn cho gia đình, Hu chia sẻ. Cho đến tận bây giờ, vợ tôi vẫn còn lo lắng mỗi khi điện thoại reo vào buổi chiều – bởi chính trong một cuộc gọi như vậy, con trai tôi đã báo cho bà ấy biết về vụ bắt giữ của tôi. Căng thẳng khiến bà ấy bị rụng rất nhiều tóc, còn các con trai tôi thì trở nên sợ hãi khi sống ở Mỹ”, ông nói. Hu cho biết gia đình ông phải mất hai năm để dần ổn định lại cuộc sống, nhưng những vết sẹo tinh thần “sẽ mãi mãi ở lại với chúng tôi”.
Là một trong những đối tượng đầu tiên của cuộc điều tra, Xi cho biết năng suất nghiên cứu của ông đã giảm sút đáng kể. Ông nói thêm rằng nhiều nhà khoa học đã phải giảm bớt khối lượng công việc hoặc thậm chí ngừng nộp đơn xin tài trợ của liên bang. Các nhà khoa học cũng trở nên cực kỳ thận trọng. Hu chia sẻ: “Giờ đây, tôi phải kiểm tra mọi thứ năm hoặc sáu lần, rà soát đi rà soát lại để đảm bảo rằng mọi thứ đều chính xác và không có gì có thể bị xuyên tạc. Thật mệt mỏi”.
Thử thách của Xi bắt đầu từ rất lâu trước khi Sáng kiến Trung Quốc ra đời, nhưng cũng không kém phần kịch tính. Năm 2015, ông bị bắt giữ ngay tại nhà riêng và bị buộc tội chia sẻ thông tin về một thiết bị được gọi là “máy sưởi bỏ túi” với các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc. Dựa trên các trao đổi email bị chặn giữa Xi và các đồng nghiệp người Trung Quốc, FBI đã nhầm lẫn thiết bị này với một số công nghệ siêu dẫn khác vốn đã được công bố rộng rãi từ nhiều năm trước. Vụ án của Xi sau đó đã được hủy vào cuối năm đó. “Nhưng nếu bạn để ý, vụ việc của tôi xảy ra trước cả khi Sáng kiến Trung Quốc được đưa ra. Đó là thời của chính quyền Obama”, ông nói.
Theo nghiên cứu của Andrew Chongseh Kim, một luật sư nước ngoài tại Bae, Kim & Lee ở Seoul, Hàn Quốc, xu hướng thành kiến tiêu cực đối với những người sinh ra tại Trung Quốc trong các cuộc điều tra tình báo kinh tế đã bắt đầu từ năm 2009. Khi còn hành nghề luật sư tại Texas, Kim đã tự hỏi liệu những trường hợp như của Xi có phải chỉ là những sự cố đơn lẻ bị thổi phồng bởi truyền thông hay là một phần của vấn đề mang tính hệ thống trong chính phủ Hoa Kỳ. Ông cho biết: “Tôi không biết mình sẽ tìm thấy điều gì”.
Sau khi xem xét tất cả những người bị buộc tội gián điệp kinh tế từ năm 1996 đến năm 2020, Kim cho biết ông đã bị sốc trước những con số thống kê. “Từ năm 1996 đến năm 2008, chỉ có khoảng 16% bị cáo bị buộc tội gián điệp kinh tế là người gốc Hoa. Nhưng con số này đã tăng gấp ba lần vào năm 2009, và kể từ đó, phần lớn bị cáo đều là người gốc Hoa”, ông cho biết. Sự thay đổi này có thể là dấu hiệu cho thấy thời điểm Hoa Kỳ bắt đầu coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế – và là một mối đe dọa, ông nhận định.
Kim nhớ lại các cuộc điều tra nhắm vào các nhà nghiên cứu gốc Hoa tại Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas vào khoảng năm 2016. FBI đã kiểm tra email trong nhiều năm của hàng chục nhà nghiên cứu tại MD Anderson, hầu hết trong số họ là người Mỹ gốc Hoa. Kim cho biết các nhà chức trách liên bang và tiểu bang đã thẩm vấn những nhà nghiên cứu này, nhiều người trong số họ là công dân Hoa Kỳ, và trong một trường hợp, họ thậm chí còn bí mật lắp camera giám sát.
Theo Kim, không có cuộc điều tra nào phát hiện ra hành vi gián điệp hay hoạt động tình báo. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu đã bị sa thải, bị đưa vào danh sách đen cấm nhận các khoản tài trợ nghiên cứu của chính phủ trong tương lai và phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp tại Hoa Kỳ. Các cuộc điều tra trong lĩnh vực khoa học sự sống, sau đó được Viện Y tế Quốc gia (NIH) – cơ quan tài trợ nghiên cứu y khoa lớn nhất thế giới – thực hiện, đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của các nhà khoa học tương tự như Sáng kiến Trung Quốc.
Ví dụ, theo một nguồn tin giấu tên, ít nhất ba nhà nghiên cứu gốc Hoa tại một trường đại học ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ đã bị điều tra vì mối quan hệ với Trung Quốc, bị cấm vào phòng thí nghiệm và tiếp xúc với sinh viên của họ trong hai năm, đồng thời các khoản tài trợ của NIH của họ bị chuyển giao cho các giảng viên khác.
Lo sợ bị trả thù, các nhà nghiên cứu này đều từ chối trả lời phỏng vấn. Sau khi sự nghiệp bị đình trệ, mỗi người đều có những lựa chọn khác nhau. Một người quyết định nghỉ hưu sớm, một người khác từ chức, cả hai đều quay trở về Trung Quốc. Nhà nghiên cứu thứ ba vẫn ở lại trường đại học, tập trung vào giảng dạy cho đến khi được phép tiếp tục nghiên cứu.
Ngày 16 tháng 9, Diễn đàn Học giả Người Mỹ gốc Á đã tổ chức một diễn đàn trực tuyến với ban lãnh đạo NIH để gặp gỡ các học giả người Mỹ gốc Hoa và lắng nghe những lo ngại của họ. “Đó là một điểm khởi đầu tốt”, bà Chen, người đã tham dự sự kiện, nhận xét. Bà cho biết thêm rằng ban lãnh đạo NIH dường như sẵn sàng hợp tác với cộng đồng người Mỹ gốc Hoa và thừa nhận rằng các nhà nghiên cứu gốc Hoa đang bị nhắm mục tiêu quá mức.
Tuy nhiên, bà Chen nhấn mạnh rằng cần phải có người chịu trách nhiệm. “Cần có lời xin lỗi hoặc đơn từ chức. Những người đã gây sức ép với các trường đại học để buộc họ thực hiện những hình phạt này cần phải xin lỗi hoặc từ chức. Các nạn nhân cần được bồi thường – ít nhất, họ xứng đáng được khôi phục nguồn tài trợ nghiên cứu”, bà nói.
Theo ông Simon từ Đại học Duke, tác động tiêu cực của Sáng kiến Trung Quốc cũng góp phần vào sự sụt giảm số lượng sinh viên Trung Quốc theo học các ngành STEM tại Hoa Kỳ. “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ mất đi một nguồn nhân lực quan trọng tại Hoa Kỳ… Dù là trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử hay khoa học sự sống, một bộ phận không nhỏ giảng viên và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực tiên tiến này là người gốc Hoa”, ông nói.
Với 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục STEM tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông Simon cho biết ông là một trong số những người đang nỗ lực xây dựng cầu nối hiểu biết và tin tưởng giữa hai nước. “Ngay cả khi quan hệ chính trị xấu đi, khoa học, công nghệ và giáo dục vẫn có thể là nền tảng cho sự hợp tác”, ông nói.
Tuy nhiên, khoa học và công nghệ đã trở thành vấn đề nhạy cảm trong 5 năm qua. “Chúng đã bị chính trị hóa bởi các hoạt động của Quốc hội, bởi cựu Tổng thống Donald Trump, và thật đáng ngạc nhiên là chính quyền Biden vẫn tiếp tục đi theo con đường đó”, ông cho biết. “Các trường đại học Mỹ đang rất lo lắng”, ông Simon nhận định. “Họ sợ rằng nếu tỏ ra quá thân thiện với Trung Quốc hoặc tuyển dụng quá nhiều sinh viên Trung Quốc, họ có thể bị cắt nguồn ngân sách nghiên cứu từ chính phủ liên bang”.
Nhiều người cho rằng nếu Hharris đắc cử, sẽ không có thay đổi triệt để nào trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. “Điều khiến tôi lo lắng là những xung đột về khoa học, công nghệ, nhân tài và giáo dục sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương, đến mức chúng ta có thể mất 10 năm để hàn gắn”, ông Simon nói. “Hoa Kỳ sẽ chịu thiệt hại nếu cắt đứt giao lưu với Trung Quốc”, ông nói thêm. “Rõ ràng chúng ta cần tiếp cận Trung Quốc để hiểu không chỉ khoa học và công nghệ hiện tại của họ, mà còn cả định hướng phát triển trong tương lai, nhằm tránh bất kỳ ‘cú sốc công nghệ’ nào. Điều đó vô cùng quan trọng”.
Ngay cả khi Sáng kiến Trung Quốc chính thức bị chấm dứt, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vẫn tiếp tục điều tra các nhà nghiên cứu gốc Hoa. Theo bà Ashley Gorski, luật sư cấp cao tại Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU), các vụ án mới tập trung vào những cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp truyền thống, vi phạm Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài (FARA) và đàn áp chính trị xuyên quốc gia. “Trong khi đó, Viện Y tế Quốc gia (NIH) và các trường đại học vẫn đang tiến hành điều tra các vấn đề liên quan đến việc tiết lộ thông tin. Những cuộc điều tra này diễn ra thiếu minh bạch và đã dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về quy trình tố tụng cũng như vấn đề phân biệt đối xử”, bà Gorski cho biết.
“Tôi vô cùng biết ơn hệ thống pháp luật độc lập của Hoa Kỳ, hệ thống cuối cùng đã bảo vệ công lý và chứng minh tôi vô tội”, ông Anming Hu, giáo sư người Canada gốc Hoa tại Đại học Tennessee, Knoxville, chia sẻ. “Tuy nhiên, việc truy tố vô căn cứ các nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa là một cách tiếp cận thiển cận, làm suy yếu vị thế dẫn đầu của đất nước này trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”. “Là một quốc gia, chúng ta chỉ có thể mạnh mẽ hơn bằng cách học hỏi từ những sai lầm này và đảm bảo rằng những bất công như vậy sẽ không bao giờ tái diễn”, ông nói thêm.
“Sáng kiến Trung Quốc về cơ bản là sai lầm”, ông Xi nói, đồng thời lập luận rằng sáng kiến này mang bản chất phân biệt đối xử, chỉ nhắm vào nguồn gốc quốc gia của một nhóm người. “Sáng kiến này đi ngược lại những lý tưởng cơ bản của Hoa Kỳ”, ông nhấn mạnh. Ông Xi kêu gọi các nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. “Chúng ta không đến Hoa Kỳ chỉ để hưởng thụ những lợi ích của nền dân chủ mà không tham gia vào tiến trình xây dựng và đóng góp cho nền dân chủ đó. Chúng ta cần phải là một phần của nền dân chủ này”, ông khẳng định.