Tại sao sự sụp đổ của chính phủ Đức lại là tin tốt?

Nguồn: Liana Fix, “Why Germany’s Government Collapse Could Be Good News,” Foreign Policy, 07/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một chính phủ bất lực và do dự không có chỗ đứng trong thời đại của Donald Trump.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đắc cử vào tháng 11/2016, nhiều nước châu Âu đã tập hợp xung quanh Thủ tướng Đức Angela Merkel, xem bà là nhà lãnh đạo mới của thế giới tự do. Ngày nay, họ sẽ phải đi tìm nhà lãnh đạo một nơi khác: Liên minh ba đảng tại Berlin dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz vừa sụp đổ sau khi Đảng Dân chủ Tự do – một đảng nhỏ ủng hộ giới doanh nghiệp – nổi loạn về định hướng kinh tế của đất nước.

Thời điểm này có vẻ tệ vì Trump đã tái đắc cử chỉ một ngày trước đó, đe dọa đẩy châu Âu và Đức vào kỷ nguyên bất ổn. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở Berlin vẫn có thể trở thành tin tốt. Liên minh ba đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh, và Dân chủ Tự do của Scholz là chính phủ Đức bất ổn, do dự, và chia rẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Các thành viên của liên minh đã tích cực tìm cách chống lại nhau về các vấn đề của Liên minh châu Âu, viện trợ cho Ukraine, chính sách đối với Trung Quốc, và cải cách kinh tế. Với việc Trump trở lại Nhà Trắng, Đức và châu Âu không thể tiếp tục chịu đựng tình trạng tê liệt gần như hoàn toàn ở Berlin.

Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2021 tại Đức, ba đảng trên đã tuyên bố “một khởi đầu mới” để phá vỡ sự trì trệ cải cách của thời đại Merkel. Sau đó, khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022, họ hứa hẹn sẽ suy nghĩ lại về mô hình kinh tế cũ của Đức, vốn phụ thuộc vào Nga về khí đốt giá rẻ, Trung Quốc về tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư, và Mỹ về bảo vệ quân sự.

Hai năm sau, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không còn có thể lạc quan. Thay vì bước lên với tư cách là một nhà lãnh đạo của châu Âu và phương Tây, liên minh ba đảng của Đức đã từ bỏ quyền lãnh đạo châu Âu, tránh đưa ra các quyết định chiến lược cấp bách, và theo đuổi các lợi ích quốc gia hẹp hòi trước tiên. Riêng về Ukraine, người Đức có lẽ chỉ đạt được thành tích trung bình. Họ là một trong những nước viện trợ lớn nhất, dẫn đầu về các cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng, đứng thứ hai về tổng viện trợ cho Ukraine sau Mỹ (dù chỉ đứng thứ 15 về viện trợ tính theo tỷ lệ phần trăm GDP), và đã tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine tự nguyện nhất trong số bất kỳ quốc gia nào.

Tuy nhiên, Đức không có trọng tâm chiến lược hay cảm giác cấp bách. Đi ngược lại với các đối tác liên minh của mình, và đi ngược với tuyên bố của chính mình về việc luôn đồng hành cùng các đồng minh, Scholz vẫn tiếp tục cấm chuyển giao tên lửa Taurus do Đức sản xuất, ngay cả sau khi Anh, Pháp, và Mỹ chuyển giao tên lửa tấn công tầm xa của riêng họ. Chưa kể, hỗ trợ cho Ukraine đã bị cắt giảm và hạ bậc ưu tiên trong ngân sách liên bang năm 2025, với việc chính phủ Đức tuyên bố rằng các khoản vay được bảo đảm bằng lãi suất thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga sẽ bù đắp cho các khoản cắt giảm. Việc khéo léo sử dụng tài sản của Nga vốn dĩ được cho là để mở rộng viện trợ của phương Tây, chứ không phải thay thế nó.

Đối với chi tiêu quốc phòng của riêng mình, Đức cuối cùng đã đạt được mức tối thiểu 2% GDP của NATO trong năm nay, nhưng nguồn quỹ đặc biệt ngoài ngân sách được tạo ra để thúc đẩy chi tiêu lên mức này sẽ cạn kiệt vào năm 2027. Vẫn chưa rõ Berlin dự định tài trợ cho quốc phòng năm 2028 và sau đó như thế nào; liên minh chỉ đơn giản là để lại vấn đề cho người kế nhiệm. Bộ trưởng Quốc phòng, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội, Boris Pistorius – chính trị gia được ủng hộ nhất ở Đức, cũng là lý do khiến ông bị gạt ra ngoài lề bởi Scholz không được lòng dân – cho biết ngân sách năm 2025 không cung cấp đủ số tiền cần thiết để trang trải chi phí nhân sự tăng thêm, chứ chưa nói đến việc đầu tư vào các năng lực mới. Cuộc thảo luận ở Đức về việc khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự để bổ sung cho lực lượng đã cạn kiệt của mình không dẫn đến đâu ngoài một lựa chọn tự nguyện. Thay vì trở thành một bên tham gia hàng đầu vào an ninh, và trở thành “lực lượng vũ trang được trang bị tốt nhất” ở châu Âu, như Scholz đã hứa, Đức dường như vẫn tiếp tục hoạt động như cũ.

Đối với châu Âu, chính phủ Scholz được xem là chính phủ Đức đơn phương, hướng nội, và không hợp tác nhất suốt một thời gian dài. Berlin không chỉ đơn phương tái áp dụng kiểm soát biên giới trong phản ứng hoảng loạn khi những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu nổi lên trong các cuộc thăm dò ý kiến sau một loạt các cuộc tấn công bạo lực liên quan đến người di cư, mà các đại diện của chính phủ Đức tại Liên minh châu Âu còn ngày càng không dám bỏ phiếu vì ba đảng của liên minh không có lập trường thống nhất.

Lợi ích lớn hơn của châu Âu dường như hoàn toàn vắng bóng trong các tính toán của Đức, chẳng hạn như khi Đức cùng với Hungary, Malta, Slovakia, và Slovenia bỏ phiếu chống lại việc áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc. Và Bộ trưởng Tài chính của Đảng Dân chủ Tự do Christian Lindner, người bị Scholz sa thải vào ngày 06/11, là người đầu tiên nói “không” với đề xuất của cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi về việc tăng khả năng cạnh tranh của châu Âu bằng các khoản đầu tư quy mô lớn được tài trợ thông qua nợ chung.

Với cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 tới, đây sẽ là cơ hội mới để Đức khẳng định vị thế lãnh đạo về các vấn đề chiến lược này. Nếu bỏ phiếu được tổ chức vào hôm nay, kết quả có khả năng xảy ra cao nhất sẽ là một liên minh lớn giữa Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo cánh hữu và Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả – với Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo giành chiến thắng và theo đó được quyền giữ ghế thủ tướng. Theo kết quả khảo sát, hai đảng này cùng nhau có thể giành được khoảng 48% số phiếu bầu. Khi Merkel, một đảng viên Dân chủ Thiên Chúa giáo, còn là thủ tướng, bà đã cai trị với liên minh này trong 12 năm trong số 16 năm nắm quyền của mình, và dù giai đoạn đó đã bị ảnh hưởng bởi nhận thức về sự trì trệ, một sự thay đổi ở vị trí thủ tướng có thể mang lại sức mạnh mới cho chính sách đối ngoại của Đức.

Friedrich Merz, chủ tịch đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và ứng viên tiềm năng cho chức thủ tướng của một liên minh lớn, cuối cùng cũng đạt được mục tiêu cuộc đời sau khi bị Merkel đẩy ra khỏi chính trường hai thập kỷ trước. Về vấn đề an ninh, Merz đã ám chỉ rằng ông thiên về ủng hộ Ukraine hơn Scholz. Ông cũng công khai thách thức Scholz đưa ra tối hậu thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin: Ngừng tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine trong vòng 24 giờ, nếu không Đức sẽ chuyển giao tên lửa Taurus. Dù Merz sẽ cần phải hành động theo lời nói của mình khi ông thực sự tham gia chính phủ, một liên minh lớn cũng có thể cung cấp sự linh hoạt tài khóa mới để bảo lãnh cho chi tiêu quốc phòng và viện trợ cho Ukraine, vì cả hai đảng có thể đồng ý nới lỏng các hạn chế tài khóa của Đức, điều mà Lindner và Đảng Dân chủ Tự do hiện đang phản đối.

Đây sẽ là kiểu lãnh đạo mà các đối tác châu Âu của Đức đã chờ đợi kể từ năm 2022, khi Scholz tuyên bố một Zeitenwende – hay kỷ nguyên mới – về an ninh và quốc phòng nhưng không bao giờ hiện thực hóa nó. Và kiểu lãnh đạo mới này sẽ là điều không thể thiếu khi chiến tranh đang hoành hành ở châu Âu và Trump tiến vào Nhà Trắng với nhiệm kỳ thứ hai.

Liana Fix là nghiên cứu viên về châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cựu giám đốc chương trình an ninh châu Âu tại Quỹ Körber, và cựu nghiên cứu viên tại Quỹ Marshall của Đức.