Thế giới hôm nay: 04/12/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật, chỉ vài giờ sau khi ông ban hành lệnh. Người biểu tình phản đối “chế độ độc tài” đã tụ tập bên ngoài quốc hội để hoan hô quyết định của ông. Các nhà lập pháp đã bỏ phiếu để ngăn chặn lệnh của ông Yoon vì cho rằng nó vi  hiến. Tổng thống trước đó cáo buộc Đảng Dân chủ đối lập thông đồng với Triều Tiên và tuyên bố cấm “mọi hoạt động chính trị.”

Phe nổi dậy Syria đã tiến về thành phố Hama ở miền tây đất nước. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham, lực lượng đã phát động cuộc tấn công bất ngờ ở tây bắc Syria vào tuần trước, hiện đã kiểm soát một số thị trấn ở tỉnh Hama. Để đối phó, không quân Syria và Nga đã thực hiện nhiều cuộc không kích tại khu vực này, theo tổ chức trên.

Trung Quốc cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản hiếm vốn được dùng trong sản xuất chất bán dẫn và thiết bị quân sự. Trung Quốc là nhà cung cấp chủ đạo của các khoáng sản bị cấm, bao gồm gallium, germanium, và antimon. Hôm thứ Hai, tổng thống Joe Biden đã giới hạn bán chip nhớ băng thông cao do Mỹ sản xuất cho hơn 100 công ty Trung Quốc, một động thái mà Trung Quốc gọi là “bất hợp pháp.”

Bộ ngoại giao Ukraine cho hay sự “đảm bảo an ninh thực sự duy nhất” cho nước này là gia nhập NATO một cách đầy đủ. Các bộ trưởng ngoại giao của liên minh đang họp tại Brussels vào thứ Ba. Ukraine hy vọng NATO sẽ mời họ gia nhập khối trong tuần này, dù khả năng này khó xảy ra. Nhiều người đang lo ngại Donald Trump sẽ áp đặt một thỏa thuận gây bất lợi cho Ukraine để chấm dứt chiến tranh.

Fatah, phe chính trị chính ở Bờ Tây, và Hamas, một nhóm vũ trang, được cho là đã đạt được thỏa thuận bổ nhiệm khoảng một chục người không thuộc phe phái nào để điều hành Gaza sau chiến tranh. Israel tuyên bố họ không muốn cả hai nhóm này tham gia quản lý dải đất. Trong khi ấy, Israel đã ban hành các lệnh sơ tán mới ở miền nam Gaza khi tiếp tục không kích vào khu vực này.

Phát biểu tại Angola, tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ đang “dồn toàn lực” vào mối quan hệ với châu Phi. Chuyến thăm Angola của ông Biden — lần đầu tiên của một tổng thống Mỹ — nhấn mạnh khoản đầu tư 3 tỷ USD vào nâng cấp đường sắt, với mục tiêu thắt chặt quan hệ và đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Donald Trump dự kiến sẽ tiếp tục cách tiếp cận này của người tiền nhiệm.

Con số trong ngày: 1962, là năm gần đây nhất mà Quốc hội Pháp lật đổ một chính phủ.

TiÊU ĐIỂM

Chính phủ Pháp bên bờ vực sụp đổ

Chính phủ thiểu số của Michel Barnier có thể sụp đổ vào thứ Tư khi Quốc hội Pháp bỏ phiếu về hai kiến nghị bất tín nhiệm. Cả hai kiến nghị đều được đệ trình vào thứ Hai nhằm phản đối việc thủ tướng dùng một điều khoản hiến pháp để cố gắng thông qua ngân sách mà không cần bỏ phiếu trực tiếp. Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen, tác giả của một trong hai kiến nghị, cho biết sẽ ủng hộ kiến nghị còn lại do liên minh cánh tả đệ trình.

Hai khối này có đủ số phiếu để lật đổ ông Barnier. Tổng thống Emmanuel Macron có thể yêu cầu ông tiếp tục giữ chức trong khi tìm kiếm người thay thế. Điều này sẽ cho phép chính phủ sử dụng các biện pháp đặc biệt để tiếp tục chi tiêu ở mức được phê duyệt trong ngân sách năm nay (không điều chỉnh theo lạm phát) cho đến năm 2025. Lần gần đây nhất ông Macron mất một thủ tướng, vào tháng 7, phải mất hai tháng ông mới bổ nhiệm được người kế nhiệm. Nhưng lần này thị trường có thể sẽ không cho ông nhiều thời gian như vậy.

Thế hiểm của Assad ở Syria

Đã một tuần kể từ khi phe nổi dậy phát động cuộc tấn công bất ngờ ở miền bắc Syria. Họ đang củng cố quyền kiểm soát tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai Syria, nơi chế độ Bashar al-Assad đã rút lui. Phe nổi dậy cũng đã đẩy lùi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhóm dân quân chủ yếu gồm người Kurd do Mỹ hậu thuẫn hiện kiểm soát vùng đông bắc Syria.

Đà tiến công của phe nổi dậy đã dừng lại ở vùng ngoại ô phía bắc Hama, cách Aleppo 120km về hướng nam. Hướng đi tiếp theo của họ sẽ phụ thuộc một phần vào tình hình địa chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ phe nổi dậy. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn đẩy lùi SDF, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, và muốn ông Assad đàm phán một thỏa thuận cho phép người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về quê hương. Thất bại quân sự của chế độ Assad mang lại lợi thế lớn cho ông Erdogan. Và với việc các đồng minh chính của Assad là Nga và Iran đang sa lầy trong các cuộc chiến khác, ông Assad ngày càng bị cô lập.

Sự kiện năm nay của giới bảo thủ được tổ chức tại Argentina

Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC), sự kiện hàng đầu dành cho các nhà lập pháp bảo thủ Mỹ, sẽ lần đầu tiên tổ chức tại Argentina vào thứ Tư. Tổng thống Argentina, Javier Milei, dự kiến sẽ phát biểu cùng với Jair Bolsonaro, cựu tổng thống cực hữu của Brazil, và Lara Trump, đồng chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Mỹ. Ông Milei, trong một cuộc phỏng vấn với The Economist tuần trước, đã bày tỏ ngưỡng mộ Donald Trump — ông là lãnh đạo đầu tiên gặp Trump sau khi tái đắc cử.

Song các nhà dân túy gặp nhau ở Buenos Aires lại bất đồng trên rất nhiều vấn đề. Ông Milei đã cắt giảm chi tiêu công và bãi bỏ các quy định, mang lại kết quả tích cực khi lạm phát hàng tháng giảm từ 13% xuống còn 3%. Ông Trump cũng muốn giảm thuế và bớt quy định, nhưng khác với Milei, ông là người nhiệt thành ủng hộ bảo hộ thương mại. Ông Milei tin vào thị trường mở và thương mại tự do, đồng thời phản đối thâm hụt ngân sách lớn mà ông Trump có thể sẽ áp dụng. Thí nghiệm của Milei có triển vọng hơn so với kế hoạch của ông Trump.

Đồng rúp mất giá

Trong tháng qua đồng rúp của Nga đã giảm mạnh. Vào tuần trước, đồng tiền này đã mất gần 13% giá trị so với đồng đô la và 11% so với đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Nguyên nhân trực tiếp là do các lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ vào ngày 21 tháng 11 đối với Gazprombank, ngân hàng lớn nhất của Nga chưa từng bị trừng phạt trước đó. Các biện pháp hạn chế được Mỹ đưa ra trong bối cảnh kinh tế Nga có dấu hiệu căng thẳng. Lạm phát đang gia tăng và lãi suất hiện ở mức cao nhất kể từ năm 2003.

Đồng rúp yếu đi là con dao hai lưỡi đối với Điện Kremlin. Nó làm tăng giá trị rúp của xuất khẩu dầu mỏ, giúp kiềm chế thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của chính phủ. Nhưng nó cũng làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm hơn một phần ba tổng số hàng nhập khẩu, cũng như các công nghệ cao quan trọng cho lực lượng vũ trang. Sau hai năm tăng trưởng tốt, năm 2025 có thể sẽ khó khăn hơn cho kinh tế Nga.

Toà án Tối cao Mỹ xem xét một vụ kiện về vấn đề chuyển giới

Câu hỏi gây tranh cãi về chuyển đổi giới tính cho thanh thiếu niên sẽ được Tòa án Tối cao Mỹ xem xét vào thứ Tư trong vụ United States kiện Skrmetti. Các thẩm phán sẽ xem xét liệu lệnh cấm của Tennessee đối với thuốc chặn tuổi dậy thì và điều trị hormone cho trẻ vị thành niên mắc chứng rối loạn giới tính có vi phạm Tu chính án thứ 14 hay không.

Những người kiện — gồm ba trẻ chuyển giới và cha mẹ của họ, cùng với chính phủ liên bang — dẫn chứng một phán quyết gần đây của Tòa Tối cao về phân biệt đối xử với nhân viên chuyển giới. Họ cho rằng Tennessee không thể cấm điều trị y tế cho thanh thiếu niên chuyển giới trong khi vẫn cho phép những liệu pháp này cho trẻ em khác bị dậy thì sớm hoặc lạc nội mạc tử cung.

Các nguyên đơn đã thuyết phục được một thẩm phán sơ thẩm ngăn chặn luật này vào năm 2023. Nhưng hai tháng sau, Tòa Phúc thẩm Khu vực Sáu đã đứng về phía Tennessee, cho rằng vì luật cấm “điều trị chuyển giới cho tất cả trẻ em, bất kể giới tính,” nên không có sự phân biệt đối xử. Phán quyết của Tòa án Tối cao, dự kiến được công bố vào mùa xuân, sẽ ảnh hưởng đến các luật tương tự ở 23 bang khác.