27/04/1994: Nam Phi tổ chức cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên

Print Friendly, PDF & Email

130625122348-mandela-carousel-use-only-horizontal-gallery

Nguồn:South Africa holds first multiracial elections,” History.com (truy cập ngày 26/4/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1994, hơn 22 triệu người dân Nam Phi đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội đa sắc tộc lần đầu tiên ở đất nước này. Đại đa số đã chọn lãnh đạo chống phân biệt chủng tộc Nelson Mandela làm người đứng đầu chính phủ liên minh mới bao gồm Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Mandela, Đảng Quốc gia của cựu Tổng thống Frederik Willem de Klerk, và Đảng Tự do Inkatha (IFP) của lãnh đạo tộc người Zulu Mangosuthu Buthelezi. Tháng 5, Mandela được tấn phong làm tổng thống, trở thành vị nguyên thủ quốc gia da màu đầu tiên của Nam Phi.

Năm 1944, luật sư Mandela tham gia ANC, tổ chức chính trị lâu đời nhất của người da màu tại Nam Phi, nơi ông trở thành nhà lãnh đạo một chi bộ trẻ của ANC ở Johannesburg. Năm 1952, ông trở thành phó chủ tịch quốc gia của ANC, ủng hộ đấu tranh bất bạo động với hệ thống vốn thể chế hóa quyền tối thượng của người da trắng và phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Tuy nhiên, sau vụ thảm sát người biểu tình da màu hòa bình tại Sharpeville năm 1960, Mandela đã giúp tổ chức một nhánh bán quân sự của ANC để tham gia chiến tranh du kích chống lại chính phủ thiểu số da trắng.

Năm 1961, Mandela bị bắt vì tội phản quốc, và dù sau đó được tha bổng, ông lại bị bắt vào năm 1962 vì đã xuất cảnh trái phép. Bị kết tội và bị kết án 5 năm tại nhà tù trên đảo Robben, ông bị đưa ra tòa một lần nữa vào năm 1964 vì tội phá hoại. Tháng 6 năm 1964, ông bị kết án cùng một số nhà lãnh đạo ANC khác và phải nhận án tù chung thân.

Mandela phải trải qua 18 năm đầu tiên trong tổng số 27 năm tù tại nhà tù vốn khét tiếng là tàn bạo trên đảo Robben. Bị giam trong một căn phòng nhỏ mà không có giường hay hệ thống ống nước, ông bị buộc lao động khổ sai ở một mỏ đá. Ông có thể viết và nhận thư mỗi 6 tháng, và hàng năm ông được phép gặp gỡ duy nhất một vị khách trong 30 phút. Tuy nhiên, quyết tâm của Mandela vẫn không suy suyển. Trong khi tiếp tục là nhà lãnh đạo biểu tượng của phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông đã dẫn đầu một phong trào bất tuân dân sự tại nhà tù, điều buộc giới chức Nam Phi phải cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt trên đảo Robben. Sau đó Mandela được đưa tới một nơi khác để quản thúc tại nhà.

Năm 1989, Frederik Willem de Klerk trở thành Tổng thống của Nam Phi và ông đã bắt đầu tháo dỡ chế độ phân biệt chủng tộc. De Klerk dỡ bỏ lệnh cấm đối với ANC, đình chỉ việc hành quyết các tù nhân, và đến tháng 2 năm 1990, de Klerk ra lệnh thả Nelson Mandela.

Hàng người xếp hàng bầu cử ở Soweto, Johannesburg. Ảnh: AP.

Sau đó, Mandela đã dẫn dắt ANC qua các cuộc đàm phán với chính phủ thiểu số da trắng để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc và thành lập một chính phủ đa sắc tộc. Năm 1993, Mandela và de Klerk cùng được trao giải Nobel Hòa bình. Một năm sau đó, ANC giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên của đất nước, và Mandela được bầu làm Tổng thống của Nam Phi. Ông nắm giữ vị trí này đến năm 1999.