Tại sao Mỹ vẫn là trung tâm công nghệ thế giới bất chấp tình trạng bài trí thức tràn lan?

Nguồn: Chu Đức Vũ, 周德宇:为什么反智主义盛行的美国,仍是世界科技的中心?, Guancha, 18/12/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Trong vài ngày qua, 77 người đoạt giải Nobel ở Mỹ đã cùng ký vào bức thư ngỏ, với hy vọng các thượng nghị sĩ có thể ngăn cản Trump bổ nhiệm Robert F. Kennedy Jr. làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Họ lo ngại lập trường bài trí thức của Kennedy Jr. sẽ gây nguy hại cho sự phát triển của nền khoa học Mỹ và sức khỏe của công dân Mỹ.

Tất nhiên, ở Mỹ, việc các chuyên gia ký thư ngỏ về cơ bản là vô ích, ngay cả khi họ là những người đoạt giải Nobel. Mới chỉ hai tháng trước, 82 người Mỹ đoạt giải Nobel đã cùng ủng hộ Harris và phản đối các cuộc công kích của Trump nhằm vào cộng đồng khoa học. Kết quả ra sao thì chúng ta đều đã biết. Trước đó, cũng có 16 người đoạt giải Nobel cùng nhau phản đối các chính sách kinh tế của Trump, với niềm tin rằng các chính sách của Trump sẽ thúc đẩy lạm phát và gây tổn hại cho nền kinh tế. Kết quả thì…

Trên thực tế, nếu nhìn vào những nhận xét bài trí thức của Robert Kennedy Jr., chẳng hạn như “wifi gây ung thư”, “vắc xin có hại”, “người Trung Quốc tạo ra COVID-19”… Có rất nhiều người trên khắp thế giới tin vào những điều đó, bản thân chúng chẳng có chút đặc tính Mỹ nào cả. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều điều phi lý tương tự khi dạo quanh các nền tảng video ngắn trong nước.

Tuy nhiên, điều hiếm gặp ở các quốc gia khác và mang nhiều đặc tính Mỹ hơn là việc Robert F. Kennedy Jr. – người công khai chỉ trích y học hiện đại và các chính sách y tế công cộng – lại sắp chịu trách nhiệm chính về y tế và sức khỏe của nước Mỹ.

Tất nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi giới tinh hoa có địa vị cao lại bài trí thức. Sở hữu đầu óc thông minh không có nghĩa sẽ không bài trí thức, thậm chí họ có lẽ cũng chẳng thông minh đến vậy, chẳng hạn như Yoon Suk Yeol – người đã dựa vào phim ảnh và bói toán để lên kế hoạch đảo chính.

Nhưng xét cho cùng, Mỹ là nơi có nền công nghệ tiên tiến nhất, quả là có chút kỳ lạ khi chủ nghĩa bài trí thức lại phổ biến đến vậy ở đây. Một mặt, Mỹ có nền khoa học phát triển và nhiều nhà khoa học, nhưng mặt khác cũng có những chính trị gia lên nắm quyền nhờ vào chủ nghĩa bài trí thức dân gian, phản đối khoa học và coi thường các nhà khoa học. Sự kết hợp giữa phát triển khoa học và chính trị bài trí thức là đặc điểm thú vị nhất của chủ nghĩa bài trí thức Mỹ.

Khi bàn về chủ nghĩa bài trí thức ở Mỹ, không thể không nhắc tới cuốn sách Chủ nghĩa bài trí thức trong đời sống Mỹ (Anti-Intellectualism in American Life) của Richard Hofstadter. Cuốn sách xuất bản năm 1963 này kể về văn hóa bài trí thức phổ biến trong đời sống Mỹ cùng nguồn gốc lịch sử của nó. Chiến thắng của Trump vào năm 2016 đã đưa cuốn sách trở lại với công chúng. Người Mỹ phát hiện ra rằng, tình cảnh bài trí thức hỗn loạn mà họ đang trải qua và những căn nguyên đằng sau nó chẳng khác gì so với nửa thế kỷ trước.

Vào năm 1963, tại sao Hofstadter lại viết cuốn sách này? Bởi ông vừa trải qua sự đả kích điên cuồng của chủ nghĩa McCarthy đối với giới trí thức, chứng kiến ​​cách các chính trị gia khơi dậy và lợi dụng sự thiếu lòng tin của người dân đối với khoa học và giới chuyên môn; chứng kiến ​​ ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Eisenhower – người mà ông cho rằng coi thường giới trí thức – đã hai lần đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Stevenson – người nhận được sự yêu mến của giới trí thức; cảm nhận được sự âu lo của người Mỹ đối với sự phát triển của nền khoa học Mỹ khi Liên Xô là nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo… Chúng ta có thể tìm thấy những điều tương tự trong nước Mỹ đương đại.

Phân tích của Hofstadter về nguyên nhân của chủ nghĩa bài trí thức ở Mỹ bao gồm từ những thiếu sót của giáo dục công, đến nỗi sợ của các chính trị gia phe bảo thủ đối với chủ nghĩa cấp tiến của Mỹ, đến sự coi thường kiến ​​thức chuyên môn của những người theo chủ nghĩa thực dụng trong giới thương nghiệp, đến sự đối lập giữa chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa tinh hoa, rồi đến liên minh giữa các thế lực tôn giáo ở Mỹ, đặc biệt là giữa những người Tin lành và chính trị… Tất cả những điều này đều đã được người Mỹ trải nghiệm trong thế kỷ 21. Chúng không hề là những điều mới mẻ, mà là sự tái hiện những câu chuyện kinh điển.

Chẳng hạn, quan niệm giáo dục “đúng đắn về mặt chính trị” rằng “vì người da đen học kém toán nên toán phải bị loại ra khỏi giáo dục cơ sở” mà hiện bị nhiều người chế nhạo thực ra không phải một sản phẩm đương đại và cũng không liên quan đến người da đen. Ngay từ 100 năm trước, các khái niệm giáo dục về “bình đẳng” và “dân chủ” mà giáo dục công ở Mỹ thúc đẩy chính là nhằm khuyến khích giáo dục nhân nhượng cho những học sinh có năng lực yếu. Giống như hiện nay, trong bối cảnh văn hóa Mỹ xem nhẹ kiến ​​thức và coi trọng tính thực dụng cùng nhân cách, mục đích của nền giáo dục công Mỹ trong lịch sử chưa bao giờ là rèn luyện năng lực trí tuệ, mà là để bồi dưỡng những “công dân có ích”. Vì vậy, việc xem nhẹ, chế nhạo giáo viên và học sinh giỏi cũng là một lề lối ở Mỹ từ xa xưa, mà ngày nay chỉ là thay đổi một chút về mặt từ vựng mà thôi.

Lý giải của Chủ nghĩa bài trí thức trong đời sống Mỹ về nước Mỹ mang tính kinh điển và lâu bền đến mức, chỉ cần chỉnh sửa bản thảo của cuốn sách năm 1963 này một chút là đã đủ để giới thiệu về chủ nghĩa bài trí thức ở Mỹ vào năm 2024.

Chủ nghĩa bài trí thức ở nước Mỹ đương đại cũng là một vấn đề phức tạp tương tự như năm 1963. Nó là kết quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố như văn hóa, tôn giáo, giáo dục, chính trị và kinh tế. Để giải thích rõ ràng điều này thì một bài viết là không đủ, mà có lẽ cần phải viết một cuốn sách giống như Hofstadter.

Tuy nhiên, trước khi viết về những nguyên do sâu xa đằng sau chủ nghĩa bài trí thức, câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra cũng là vấn đề mà Hofstadter không thể thấy trước vào thời điểm đó:

Tại sao nước Mỹ vẫn là trung tâm công nghệ của thế giới bất chấp tình trạng bài trí thức tràn lan?

Do ở Mỹ thực ra không tồn tại chủ nghĩa bài trí thức? Do có chủ nghĩa bài trí thức cũng chẳng hề gì? Hay do chủ nghĩa bài trí thức đã được giải quyết?

Vấn đề này cũng phức tạp không kém, nhưng nó chính là điểm mấu chốt cho sự hiểu biết của chúng ta về chủ nghĩa bài trí thức Mỹ đương đại.

Một trong những cách nghĩ đơn giản nhất là cho rằng, chủ nghĩa bài trí thức mà Hofstadter bàn tới đã được giải quyết bởi những người Mỹ biết suy ngẫm. Sau “Khoảnh khắc Sputnik”, những người Mỹ bị kích thích bởi tiến bộ khoa học công nghệ của Liên Xô đã rút ra bài học xương máu và ý thức được rằng cần chú trọng phát triển khoa học công nghệ, từ đó giải quyết được tình trạng được bài trí thức. Chủ nghĩa bài trí thức đương đại cũng sẽ được giải quyết nếu người Mỹ một lần nữa suy ngẫm lại.

Tuy nhiên, vấn đề với cách nghĩ này là, nếu chủ nghĩa bài trí thức đã được giải quyết trong Chiến tranh Lạnh thì nó đã quay trở lại thời đương đại như thế nào? Nếu nhìn vào sự thật lịch sử, những biểu hiện của chủ nghĩa bài trí thức, ví dụ như sự khinh khi của người dân và các chính trị gia đối với các chuyên gia, cũng như nền tảng của chủ nghĩa bài trí thức trong giáo dục hay tôn giáo, thực ra chưa bao giờ thay đổi, vậy thì sao có thể nói là đã được giải quyết chứ?

Vậy nên có ý kiến ​​khác cho rằng Hofstadter đã lầm, mối lo ngại của ông là vô lý, chủ nghĩa bài trí thức không phải là câu chuyện có thật, hay nói cách khác là thực ra không hề tồn tại. Dù sao thì sau khi Hofstadter chỉ trích chủ nghĩa bài trí thức Mỹ, công nghệ Mỹ vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng, họ không chỉ đưa được người lên mặt trăng mà còn giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, mặc dù giới trí thức Mỹ ngày ngày chỉ trích Trump và Đảng Cộng hòa là bài trí thức, nhưng Mỹ vẫn là quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất, và Trump cũng hết lòng ủng hộ Musk – người đang tiến hành công cuộc đổi mới công nghệ. Vậy thì sao là bài trí thức được chứ?

Vấn đề này cần phải được xem xét từ nhiều góc độ.

Một góc độ cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của khoa học công nghệ rất phức tạp. Mặc dù chủ nghĩa bài trí thức ở Mỹ cản trở tiến bộ khoa học công nghệ, nhưng cũng có nhiều yếu tố lịch sử và thực tiễn thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ. Ví dụ, kể từ thế kỷ 20, Mỹ đã thu hút một lượng lớn các nhà khoa học tới từ nhiều quốc gia khác nhau và quyền bá chủ của nền kinh tế Mỹ đã cung cấp cho các nhà khoa học một nền tảng vật chất vững chắc, tất cả những điều này đều có thể làm giảm tác động của chủ nghĩa bài trí thức. Vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ không có nghĩa chủ nghĩa bài trí thức không gây ra thiệt hại, ngược lại cũng vậy. Mặc dù chủ nghĩa bài trí thức hiện không cản trở vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ nhưng điều đó không có nghĩa trong tương lai cũng vậy.

Một góc nhìn khác là, chủ nghĩa bài trí thức trong văn hóa Mỹ từ lâu đã được chủ nghĩa tinh hoa chính trị bù trừ ở một mức độ nhất định. Ví dụ, khi nước Mỹ thành lập, bản thân nhiều “nhà lập quốc” cũng là những nhà khoa học hoặc những người tin vào khoa học. Cái mà họ mường tượng ra là một nền cộng hòa nằm dưới sự quản trị của giới tinh hoa được bầu chọn, chứ không phải một nền dân chủ trực tiếp. Ví dụ, khi nhóm bảo thủ về tôn giáo và Quốc hội Lục địa phản đối việc sử dụng “vắc xin” (variolation) để ngăn ngừa bệnh đậu mùa, Washington với sự hỗ trợ của các nhà lập quốc khác đã có thể thúc đẩy việc tiêm phòng mà không chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa bài trí thức.

Tương tự như vậy, trong lịch sử nước Mỹ, mặc dù các chính trị gia thường nương theo hay thậm chí khơi dậy chủ nghĩa bài trí thức, nhưng vào lúc vấn đề thực sự tìm đến mình, họ vẫn thường tôn trọng các chuyên gia. Đặc biệt là từ chủ nghĩa cấp tiến cuối thế kỷ 19 đến thời kỳ chính sách Kinh tế mới của Roosevelt những năm 1930, chính phủ cần sự giúp đỡ của các chuyên gia trong việc phục vụ người dân và thúc đẩy cải cách, đồng thời các chuyên gia cũng có được ảnh hưởng chính trị thông qua việc phục vụ người dân. Do đó, giới trí thức Mỹ có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa cấp tiến và Đảng Dân chủ, đây không phải một hiện tượng đương đại mà đã bắt đầu từ hàng trăm năm trước. Ngược lại, việc Đảng Cộng hòa và phe bảo thủ không ưa giới trí thức cũng có nguồn gốc lịch sử này.

Vì vậy, trong một khoảng thời gian rất dài, “liên minh” giữa giới trí thức và quyền lực chính trị là nguyên nhân quan trọng giúp các nhà khoa học và chuyên gia Mỹ có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh bài trí thức đã thâm căn cố đế.

Tuy nhiên, liên minh này cũng mang đến một vấn đề. Nếu chính trị gia nào lên nắm quyền cũng phải lắng nghe giới chuyên môn và tôn trọng ý kiến ​​của họ thì việc người dân bầu chọn chính trị gia còn có ý nghĩa gì? Chẳng phải những chuyên gia không bị hạn chế bởi bầu cử sẽ trở thành những người thực sự quyết định các chính sách của chính phủ và sẽ trở thành “nhà nước ngầm” (Deep State) đáng sợ sao?

Mặc dù giới trí thức không có nhiều tiếng nói đến vậy trong chính phủ, và “nhà nước ngầm” thực ra nằm ở các quan chức và tập đoàn, nhưng những người có thân phận công khai như họ rất dễ trở thành đối tượng gánh tội thay cho “nhà nước ngầm”. Trong Chiến tranh Lạnh, chính phủ Mỹ đã thực hiện không ít âm mưu nhân danh khoa học, đặc biệt là nhiều thí nghiệm vô nhân đạo trong lĩnh vực y tế, qua đó cung cấp đầy đủ cơ sở cho thuyết âm mưu rằng người dân Mỹ sợ khoa học. Với bối cảnh gia đình và kinh nghiệm cá nhân của mình, Robert F. Kennedy Jr. quá thuyết phục cho các thuyết âm mưu.

Do đó, khi phe kiến chế trong chính giới Mỹ ngày càng khó dựa vào chủ nghĩa tinh hoa để áp chế các yêu cầu của chủ nghĩa dân túy, những nhà khoa học liên minh với phe kiến chế và khoa học mà họ sùng bái đương nhiên cũng sẽ chịu ảnh hưởng liên đới.

Điều đáng chú ý là vào thời của Hofstadter, chủ nghĩa bài trí thức trong nền chính trị Mỹ ôn hòa hơn nhiều so với ngày nay. Mặc dù không ưa giới trí thức nhưng người thuộc Đảng Cộng hòa và phe bảo thủ vẫn giữ những phẩm giá cơ bản của nền chính trị tinh hoa.

Trong cuốn Chống chủ nghĩa trí thức trong đời sống Mỹ, Hofstadter còn đặc biệt xem xét Eisenhower thuộc Đảng Cộng hòa như một trường hợp điển hình của chủ nghĩa bài trí thức. Tuy vậy, Eisenhower là một “người tử tế” điển hình, đồng thời cũng là một tổng thống tôn trọng sự đồng thuận và chú trọng đến hợp tác. Ông không ủng hộ chủ nghĩa McCarthy vì lợi ích đảng phái, cũng như không phản đối phong trào dân quyền vì quan niệm cá nhân, mà ngược lại còn gửi quân đội liên bang tới Little Rock để bảo vệ học sinh da đen đến trường.

Đối với giới trí thức, Eisenhower quả thực không hề hành động ngang tàng. Sau khi nhậm chức, ông vẫn bổ nhiệm các cố vấn khoa học, ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và có mối quan hệ không hề tệ với giới khoa học. Nếu nhìn từ góc độ của thời nay, Eisenhower không thực sự bài trí thức, nhiều nhất cũng chỉ là ông không đồng tình với chủ nghĩa tinh hoa của giới trí thức mà thôi. Đến lúc nhậm chức tổng thổng và phải dùng người, Eisenhower vẫn tin tưởng giới trí thức và giới trí thức cũng vẫn phục vụ ông.

Trong chính trường Mỹ ngày nay, vào năm 2024 khi Đảng Cộng hòa đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc thanh toán và Đảng Dân chủ thì bận đưa ra lệnh ân xá để ngăn chặn việc bị thanh toán, thì một người tử tế như Eisenhower là điều khó tưởng tượng được.

Vậy là Hofstadter đã có chút sai lầm ở đâu đó. Trí tưởng tượng của ông về nền chính trị Mỹ vẫn chịu sự hạn chế của thời đại. Sống vào thời trước khi nền chính trị Mỹ trở nên phân cực, Hofstadter cảm thấy những điều đáng hổ thẹn nhất trong nền chính trị Mỹ là chủ nghĩa McCarthy và Eisenhower. Ông không lường trước được nền chính trị Mỹ ngày nay sẽ ra sao.

Bởi vậy, cũng sẽ không chính xác nếu chỉ đơn thuần cho rằng chủ nghĩa bài trí thức Mỹ đương đại chỉ là sự tái hiện của lịch sử trong quá khứ. Thay đổi của sự vật luôn là một quá trình từ thay đổi về lượng đến thay đổi về chất. Vào lúc nền chính trị Mỹ đã mất đi phẩm giá, chủ nghĩa bài trí thức Mỹ đương nhiên cũng sẽ thẳng thắn và trần trụi hơn thời Chiến tranh Lạnh.

Vì vậy, các nhà khoa học Mỹ có lý do để trở nên lo lắng trong những năm gần đây. Họ không biết liệu nền chính trị Mỹ có còn “tử tế” như trước để bảo vệ giới khoa học khỏi sự can thiệp quá mức của chính trị hay không. Chính quyền Trump khó có thể mang lại cho họ cảm giác an toàn.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã ca ngợi loại vắc xin ngừa COVID-19 mà mình thúc đẩy nghiên cứu và phát triển là “một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại”. Thế rồi trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump lại quảng bá các thuyết âm mưu chống vắc xin và đề cử Kennedy Jr. – một người chống vắc xin – phụ trách quản lý sức khỏe cộng đồng. Cứ như thể ngài Trump trước kia từng ủng hộ vắc xin chưa hề tồn tại.

Trump điên rồi sao? Không, nhưng ông sẽ chỉ ủng hộ “khoa học” có ích cho mình. Nếu “khoa học” của Trump vừa hay trùng khớp với khoa học thực tế thì tất nhiên sẽ tạo ra sự phát triển tương ứng, còn nếu không trùng khớp thì sẽ bị bỏ rơi. Đây là tình huống đã xảy ra với việc phát triển vắc xin ngừa COVID-19 vào thời điểm đó, trường hợp của Musk ngày nay cũng vậy.

Mối quan hệ tốt đẹp giữa Trump và Musk là do Trump quan tâm đến tiến bộ công nghệ của Musk trong lĩnh vực năng lượng mới?

Bởi vậy, có lẽ những nhà khoa học Mỹ cùng ký bức thư ngỏ đã thiếu hiểu biết thực sự về chủ nghĩa bài trí thức Mỹ. Điều này chưa từng là vấn đề khoa học dựa trên lý luận, mà là vấn đề quyền lực đòi hỏi phải bàn luận chính trị.