Thuế quan của Trump đã giúp miền bắc Việt Nam bùng nổ, nhưng tương lai thì sao?

Nguồn: Damien Cave, “Trump’s Tariffs Helped Northern Vietnam Boom Like Never Before. What Now?New York Times, 17/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Miền bắc Việt Nam đã được hưởng lợi do làn sóng tìm kiếm các giải pháp thay thế cho sản xuất từ Trung Quốc trên toàn cầu. Nhưng không ai biết liệu nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ cản trở hay thúc đẩy sự tăng trưởng đó.

Đứng từ hiên nhà mình, Phạm Văn Thịnh có thể nhìn thấy rõ phía sau nhà máy điện tử LG, và trong mắt ông, không gì đẹp hơn con quái vật trắng sáng đó.

Có những đêm, khi công nhân ùa ra sau 8 giờ tối, trên cổ đeo những chiếc thẻ in hình khuôn mặt của những người mới được tuyển dụng, ông Thịnh lại đi giữa đám đông, tận hưởng nguồn năng lượng mới của một ngôi làng từng nghèo khó gần cảng Hải Phòng, miền bắc Việt Nam, nhưng đã đột nhiên hòa nhập vào dòng chảy thương mại toàn cầu.

“Điều này làm tôi thấy vui,” ông Thịnh, 73 tuổi, một sĩ quan công an đã nghỉ hưu, người từng chiến đấu cho miền bắc Cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam, nói. “Tất cả những người trẻ này, họ sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Sáu năm trước, sự thịnh vượng này hoàn toàn không tồn tại. Nhưng rồi Tổng thống Donald J. Trump quyết định đánh thuế Trung Quốc, làm bùng nổ cuộc tìm kiếm toàn cầu về các giải pháp thay thế cho sản xuất từ Trung Quốc.

Trong cuộc chạy đua này, có rất ít quốc gia, nếu không muốn nói là không có quốc gia nào, được hưởng lợi nhiều hơn Việt Nam – đặc biệt là miền bắc đất nước, nơi xét về mặt lịch sử là một nền kinh tế tụt hậu so với miền nam được quốc tế hóa hơn. Xung quanh Hải Phòng, cách Trung Quốc vài giờ lái xe, các nhà máy đang nở rộ. Nhà máy LG thậm chí còn mở rộng theo cấp số nhân. Khu công nghiệp gần đó hiện chật kín các công ty Trung Quốc mở rộng sản xuất ra nước ngoài. Những ngôi làng nông thôn như của ông Thịnh – trước đây chỉ được biết đến với những cánh đồng lúa và những giấc mơ – bây giờ đã phát triển thần tốc chỉ sau một đêm, thành những thị trấn bùng nổ với 30.000 dân.

Những ngôi làng nông thôn gần Hải Phòng đã phát triển thành những thị trấn bùng nổ với 30.000 dân chỉ sau một đêm.
“Điều này làm tôi thấy vui,” ông Phạm Văn Thịnh, 73 tuổi, nói về các nhà máy mới. “Tất “Tất cả những người trẻ này, họ sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Liệu nhiệm kỳ thứ hai Trump sẽ cản trở hay thúc đẩy sự tăng trưởng đó? Không ai biết.

Trump đã thề sẽ trừng phạt các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, và Việt Nam hiện đứng thứ ba trong danh sách đó, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Các quan chức tại Hà Nội bày tỏ lo ngại về “sự phân biệt đối xử” – rằng Việt Nam sẽ bị áp thuế trong khi các đối thủ cạnh tranh tránh được danh sách đen của Tổng thống Mỹ.

Các công ty Hàn Quốc (bao gồm LG và Samsung) thuộc nhóm những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhưng một vài công ty trong số họ đã tạm dừng kế hoạch mở rộng để chờ đợi Washington.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn tỏ ra tự tin khi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng nếu Trump áp mức thuế cao hơn nhiều đối với Trung Quốc so với các nước khác, đúng như ông đã đe dọa.

Bất kể điều gì xảy ra tiếp theo, vị cựu tổng thống và tổng thống tương lai của nước Mỹ có thể tự tin nói rằng ông đã giúp miền bắc Việt Nam vĩ đại trở lại. Lần đầu tiên kể từ khi người Pháp cai trị Việt Nam vào thế kỷ 19 ở Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, miền bắc đã trở thành động lực kinh tế và cửa ngõ của Việt Nam ra thế giới. Khu vực này đang dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào.

“Cán cân quyền lực giữa hai miền đã thay đổi hoàn toàn,” ông Vũ Thành Tự Anh, một nhà kinh tế tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết. “Điều đó đã thể hiện trong tất cả các số liệu thống kê.”

Thâm hụt thương mại của Mỹ theo quốc gia. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2024. Lưu ý: Biểu đồ chỉ hiển thị tình trạng thâm hụt hàng hóa. Nguồn: Cục Phân tích Kinh tế. Biểu đồ được vẽ bởi Ashley Wu.

Bước chuyển mình của miền bắc Việt Nam, dù một phần là do địa lý và chính trị địa phương thúc đẩy, cũng làm nổi bật cách mà sự vũ khí hóa thương mại của các cường quốc đang sắp xếp lại nền kinh tế toàn cầu. Công nghiệp hóa đang lan rộng đến những địa điểm mới với tốc độ nhanh hơn, và vận may của từng địa phương không chỉ được xác định bởi các lợi thế cạnh tranh như năng suất, mà còn bởi cuộc tranh đấu giành quyền tối cao giữa các nhà lãnh đạo của các địa phương xa xôi, để chọn ra người chiến thắng và kẻ thua cuộc.

Nói cách khác, “trí tuệ của đám đông” và thị trường đang nhường chỗ cho ý thích nhất thời của những con người thất thường – với sự lan tỏa đến các quốc gia và làng mạc xa xôi.

Từ Trung Quốc đến Việt Nam

Ở châu Á, nơi nền kinh tế quốc gia thường hội nhập sâu hơn với ít rào cản thương mại hơn những nơi khác, điều được Trump khởi xướng bằng thuế quan đã được đại dịch thúc đẩy hơn nữa.

Niềm tin vào Trung Quốc đã bị lung lay khi chính phủ nước này phản đối các cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 và phản ứng với loại virus này bằng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và việc đóng cửa các nhà máy, theo đó khiến nhiều chính phủ quyết định tách chuỗi cung ứng của mình khỏi sự thống trị của Trung Quốc.

Chẳng hạn, vào năm 2020, Nhật Bản đã tạo ra một quỹ để giúp các công ty đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Về phần mình, Hàn Quốc đã mở rộng các nỗ lực để giúp các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ với Ấn Độ và Đông Nam Á thông qua “Chính sách phương Nam mới,” trong khi các quan chức Mỹ và châu Âu gây áp lực buộc các công ty (và các nhà cung cấp châu Á của họ) “giảm rủi ro” khỏi Trung Quốc.

Việt Nam đã trở thành người chiến thắng hàng đầu. Theo các quan chức Nhật Bản, trong số khoảng 120 công ty Nhật sử dụng trợ cấp đa dạng hóa của chính phủ, hơn 50 công ty đã yêu cầu trợ cấp cho Việt Nam, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong khi đó, LG, tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, gần đây đã bán hai nhà máy sản xuất màn hình hiển thị cuối cùng của họ tại Trung Quốc sau khi mở rộng sản xuất tại Hải Phòng.

Công nhân rời khỏi nhà máy LG ở Hải Phòng.
Một nhà máy mới đang được xây dựng tại khu công nghiệp DEEP C ở Hải Phòng. Việt Nam là nước hưởng lợi lớn khi các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Một nhà cung cấp thiết bị điện tử Đài Loan đã bắt đầu sản xuất các thiết bị mạng cho hệ thống Starlink của Elon Musk tại một nhà máy cách Hải Phòng gần 100 km.

Những hành động này là một phần của một xu hướng lớn hơn. Theo phân tích của ông Lê Hồng Hiệp, điều phối viên chương trình nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, từ năm 2017 đến năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký tổng cộng 248,3 tỷ đô la vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua 19.701 dự án. Con số này chiếm hơn một nửa tổng số vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế vào cuối những năm 1980.

Thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam với Mỹ – đạt 104 tỷ đô la vào năm ngoái, tăng từ 38 tỷ đô la vào năm 2017 – đã dẫn đến cáo buộc rằng Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam như một nhà kho, chuyển hướng sản phẩm của mình để né tránh thuế quan. Quả thật, nhập khẩu và đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng vọt.

Nhưng ở một đất nước cảnh giác với nước láng giềng như Việt Nam, nơi 1.000 năm đô hộ của Trung Quốc vẫn còn trong ký ức quốc gia, thì sự bùng nổ này hoàn toàn không do Bắc Kinh sở hữu hay kiểm soát. Từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế vào thập niên 1980 đến năm 2023, Trung Quốc đại lục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu tại nước này. Nếu tính cả Hong Kong, thì họ cũng chỉ đứng thứ tư, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, và Singapore.

Một nghiên cứu gần đây của Trường Kinh doanh Harvard cho thấy việc trốn thuế quan bất hợp pháp hiếm khi xảy ra hơn mức mất cân bằng thương mại cho thấy – chỉ chiếm từ 1,8 đến 16,1% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2021.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết các nhà xuất khẩu đều đang sản xuất sản phẩm mới với đầu vào từ nhiều địa điểm và đầu tư tại địa phương, chứ không đơn thuần chỉ dán nhãn sản phẩm Trung Quốc lại thành sản phẩm Việt Nam.

Bước nhảy vọt của Hải Phòng

“Không có bên nào chiến thắng” trong thương chiến Mỹ-Trung, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố hồi tuần trước, trong một cuộc họp với các nhà tài chính toàn cầu. Nhưng trải nghiệm ở miền bắc Việt Nam cho thấy điều ngược lại.

Năm 1954, sau khi giành độc lập khỏi Pháp, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất và kém phát triển nhất ở Châu Á, gần như hoàn toàn dựa vào nền nông nghiệp tự cung tự cấp.

Hải Phòng, cảng chính của miền bắc, đã bị quân đội Mỹ tấn công bằng những đợt ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh, và mười năm sau khi thống nhất vào năm 1975, toàn bộ Việt Nam đã trở thành thứ mà một học giả gọi là “một xã hội nghèo đói bị bao vây bởi một nền kinh tế trì trệ.”

Ngày nay, tốc độ tăng trưởng hai chữ số của miền bắc đã trở thành chuẩn mực, và Hải Phòng đã trở thành một đô thị hiện đại với hai triệu dân, được kết nối với Hà Nội bằng một xa lộ mới. Những chiếc cần cẩu đung đưa như chong chóng gió tại hơn một chục công trường xây dựng. Những cây cầu mới bắc qua con sông uốn lượn qua thành phố, nơi các cầu tàu tại các khu công nghiệp đang hỗ trợ tàu thuyền di chuyển đến một trong những khu cảng bận rộn nhất thế giới.

Một cảng cũ ở Hải Phòng. Các cảng của thành phố này hiện là một trong những cảng bận rộn nhất thế giới.
Những cây cầu mới bắc qua dòng sông uốn lượn quanh Hải Phòng.

Bruno Jaspaert, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam kiêm Giám đốc Điều hành của DEEP C, đơn vị quản lý các khu công nghiệp quanh Hải Phòng, cho biết hệ thống đường thủy này chỉ là một lợi thế của khu vực. Các tỉnh miền bắc Việt Nam cũng có những nhà lãnh đạo có quan hệ tốt hơn với Hà Nội, giúp họ nhận nhiều khoản đầu tư cơ sở hạ tầng hơn, cộng với nhiều khu đất mở với giá cả phải chăng hơn.

So với miền nam đất nước – nơi sở hữu các cơ sở công nghiệp còn sót lại từ thời chiến tranh, vốn từng giúp các công ty như Nike hoạt động vào những năm 1990 – Jaspaert nhận định miền bắc “bắt đầu muộn hơn, nhưng họ có thể lập kế hoạch tốt hơn và cũng nhanh hơn nhiều.”

Chỉ tay ra ngoài cửa sổ văn phòng, hướng về phía trung tâm hành chính mới của Hải Phòng, được bao quanh bởi các khu chung cư mới, ông nhấn mạnh rằng không hề có tòa nhà nào như vậy ở đó khi ông chuyển đến Việt Nam vào năm 2018.

Miền bắc Việt Nam khi đó đã phát triển, trong một đất nước đã đưa 40 triệu người thoát khỏi đói nghèo từ năm 1993 đến năm 2014. Nhưng thuế quan của Mỹ đã trở thành một chất xúc tác kinh tế. Và ở miền bắc, trung tâm của nền văn minh Việt Nam cổ đại và cách mạng Cộng sản, hành động nhanh chóng của các quan chức chính phủ phù hợp với cảm giác cấp bách của các nhà đầu tư tư bản nước ngoài.

Jaspaert tiết lộ, trước đây, các quyết định sản xuất thường mất 18 đến 24 tháng, nhưng giờ chỉ mất 6 đến 9 tháng. Và trong khi miền nam rơi vào trì trệ (tuyến tàu điện ngầm của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành sau 20 năm xây dựng), thì miền bắc vẫn tiếp tục phát triển.

Bruno Jaspaert, Giám đốc Điều hành của DEEP C, cho biết miền bắc Việt Nam có nhiều lợi thế về kinh doanh so với miền nam.
Một khu công nghiệp ở Hải Phòng. So với miền nam, Jaspaert nhận xét miền bắc “bắt đầu muộn hơn, nhưng có thể lập kế hoạch tốt hơn và cũng nhanh hơn nhiều.”

Doanh thu và lợi nhuận của DEEP C đã tăng gấp năm lần kể từ khi Trump áp thuế.

Những ngôi làng như làng của ông Thịnh đã được đổi mới hoàn toàn.

Khi nhà máy LG mở rộng vào năm 2019, những con phố hẹp của các ngôi làng gần đó nhanh chóng trở thành những dãy phố thương mại với các nhà hàng và tiệm cắt tóc đủ sắc màu dành cho những công nhân địa phương có mức lương ổn định, khoảng 400 đến 550 đô la một tháng.

Mọi mảnh đất trống đều được biến thành nhà trọ cho công nhân. Ông Thịnh hiện đang quản lý 35 phòng trọ cùng gia đình mình. Gần đó, bà Phạm Thị Châm, 55 tuổi, đã tháo cạn một cái ao nuôi cá sau nhà để xây 8 phòng trọ, cho thuê với giá khoảng 60 đô la một tháng.

Nhiều công nhân đến từ miền trung Việt Nam. Thay vì đi vào miền nam như trước kia, giờ đây, họ đi ra miền bắc.

Cách đây ba năm, Trần Văn Sỹ, 26 tuổi, một chàng trai trẻ trầm tính trong chiếc áo phông nhái hiệu Givenchy, đã từ một tỉnh ven biển nghèo đến đây để làm việc cho LG. Anh cho biết mình đã cố gắng tiết kiệm để gửi 60% tiền lương về nhà.

Đó là câu chuyện được lặp đi lặp lại khắp các dãy hành lang nhà trọ, nơi có những đôi giày thể thao xếp ở mép cửa và xe máy đỗ bên ngoài.

Một tiệm cắt tóc ở khu vực đông đúc gần khu phức hợp nhà máy LG.
Mọi mảnh đất trống gần các nhà máy đều được biến thành nhà trọ cho công nhân.

Ông Thịnh cho biết cả chín người cháu của ông đều đang học đại học hoặc làm việc tại các nhà máy.

“Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được điều này,” ông nói.

Giờ đây, trong sự phấn khích tột độ, ông không thể tưởng tượng bước tiến này sẽ dừng lại.

Ông nhấn mạnh rằng ông tin tưởng chính phủ sẽ duy trì hoạt động sản xuất mạnh mẽ, tạo thêm áp lực cho các nhà lãnh đạo ở Hà Nội.

Thêm vào đó, liệu Trump có thực sự phá vỡ sự bùng nổ bên ngoài Trung Quốc, mà chính ông đã góp phần tạo ra không?

“Mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp,” ông Thịnh nói, nhìn chằm chằm vào ánh đèn mờ ảo của nhà máy LG. “Những công ty này sẽ tiếp tục mở rộng.”

Damien Cave là chủ nhiệm văn phòng New York Times tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, chuyên đưa tin về sự thay đổi quyền lực trên khắp châu Á và toàn thế giới.