Putin và Trump đang gây rắc rối cho an ninh châu Âu

Nguồn: Gideon Rachman, “Putin plus Trump spell trouble for European security,” Financial Times, 06/01/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Việc tái vũ trang của Đức đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố khả năng phòng thủ của châu Âu.

Một cuộc khủng hoảng an ninh đang diễn ra ở châu Âu. Hai yếu tố nguy hiểm có thể kết hợp vào năm 2025. Mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và sự thờ ơ ngày càng tăng từ nước Mỹ của Donald Trump.

Các nước châu Âu cần khẩn trương ứng phó với sự kết hợp địa chính trị đáng báo động này bằng cách xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng mình. Và để thực hiện nhiệm vụ này, điều quan trọng là Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cuối cùng phải thực hiện lời hứa của Thủ tướng Olaf Scholz về việc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Để có thể đưa ra lý lẽ chính trị thuyết phục cho việc tăng chi tiêu quốc phòng, cần phải hiểu rõ những gì đang diễn ra ở cả Nga và Mỹ.

Mark Rutte, Tổng thư ký mới được bổ nhiệm của NATO, đã cảnh báo vào tháng trước rằng: “Nền kinh tế Nga đang trong tình trạng thời chiến… Nguy hiểm đang tiến về phía chúng ta với tốc độ tối đa.” Ông thúc giục NATO nhanh chóng tăng sản lượng quốc phòng và “chuyển sang tư duy thời chiến.”

Tháng 4 năm ngoái, Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy tối cao của NATO tại châu Âu, cũng cảnh báo rằng: “Nga không có dấu hiệu dừng lại. Nga cũng không có ý định dừng lại với Ukraine.” Các nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga đã tham gia vào một cuộc chiến hỗn hợp với châu Âu – bao gồm các hành động phá hoại thường xuyên với nguy cơ gây ra thương vong hàng loạt.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã dẫn đầu phản ứng của đồng minh khi Nga tăng cường áp lực quân sự ở châu Âu. Nhưng phản ứng của Mỹ lần này có lẽ sẽ rất khác. Những cuộc bổ nhiệm quan trọng của Tổng thống Mỹ đắc cử Trump bao gồm các cố vấn thể hiện rõ mong muốn tái triển khai tài sản quân sự của Mỹ từ châu Âu sang châu Á.

Elbridge Colby, người vừa được đề cử làm Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, đã viết trên tờ Financial Times vào năm ngoái rằng, đối với Mỹ, Trung Quốc là ưu tiên cao hơn nhiều so với Nga và lập luận rằng “Mỹ phải giữ lực lượng khỏi châu Âu, vốn cần thiết cho châu Á, ngay cả trong trường hợp Nga tấn công trước.”

Các nhà phân tích quốc phòng châu Âu lo ngại rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi châu Âu sẽ khuyến khích hành vi xâm lược của Nga. Trong một cuốn sách gần đây, Keir Giles của Chatham House lập luận: “Việc Mỹ rút quân ủng hộ NATO là cách chắc chắn nhất để biến khả năng Nga tấn công vượt ra ngoài Ukraine thành một khả năng có thể xảy ra.”

Đối với nhiều nước châu Âu, mối đe dọa từ Nga dường như vẫn còn xa vời. Trong gần ba năm giao tranh ở Ukraine, quân đội của Moscow đã giành được một số lãnh thổ hạn chế và chịu tổn thất đáng kinh ngạc – ước tính hiện đã có 700.000 lính tử trận hoặc bị thương.

Tuy nhiên, mức độ thương vong mà Vladimir Putin sẵn sàng chấp nhận cũng nên là một lời cảnh báo. Quân đội Nga hiện lớn hơn so với thời điểm bắt đầu cuộc chiến vào năm 2022. Và, như Rutte gần đây đã chỉ ra, nước này đang sản xuất “một lượng lớn xe tăng, xe bọc thép, và đạn dược.”

Về phần mình, các nước châu Âu thiếu nhân lực và trang thiết bị để tham gia vào một cuộc chiến tranh tiêu hao như Nga đang chiến đấu ở Ukraine. Vào đầu năm ngoái, quân đội Anh có 73.520 quân – mức thấp nhất kể từ năm 1792. Và quân đội Đức có 64.000 quân.

Các nhà hoạch định quân sự của NATO cho rằng liên minh này còn thiếu khoảng một phần ba nhân sự so với mức cần thiết để có thể ngăn chặn hiệu quả Nga. Có sự thiếu hụt đáng kể về lực lượng phòng không, hậu cần, đạn dược, và thiết bị liên lạc an toàn.

Các thành viên của liên minh hiện đang cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng. Họ có thể nâng mục tiêu danh nghĩa đó lên 3% tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo. Nhưng ngay cả điều đó cũng chỉ đủ nếu các quốc gia châu Âu đồng ý làm cho việc mua sắm ít bị phân mảnh theo các đường biên giới quốc gia.

Mục tiêu 3% cũng dựa trên giả định rằng Mỹ sẽ phần lớn duy trì cam kết của mình với NATO. Nếu không, các nhà hoạch định quốc phòng cho rằng các quốc gia châu Âu sẽ cần tăng chi tiêu quốc phòng lên 4,5% GDP. Nhưng ngay cả mức 3% cũng đã rất khó khăn. Vấn đề được thể hiện trong hồ sơ của chính Rutte, người từng là Thủ tướng Hà Lan từ năm 2010 đến năm 2024. Đất nước của ông chỉ đạt được mục tiêu 2% trong năm cuối cùng ông tại nhiệm thủ tướng.

Càng đến gần biên giới Nga, mối đe dọa từ Nga càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ba Lan đang trên đà tăng chi tiêu quốc phòng lên 4,7% GDP vào năm 2025. Nhưng ở các nền kinh tế Tây Âu lớn hơn, đây lại là một câu chuyện khác. Đức và Pháp chỉ mới chi 2% vào năm ngoái; còn Anh thì ở mức 2,3%.

Pháp hiện có thâm hụt ngân sách là 6% GDP và nợ công là hơn 100%. Chính phủ Anh cũng đang mắc nợ rất nhiều và đang rất chật vật tìm cách tăng doanh thu.

Nhưng Đức – với tỷ lệ nợ trên GDP chỉ hơn 60% – vẫn còn không gian tài chính để chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Nước này cũng sở hữu cơ sở công nghiệp và kỹ thuật đáng kể.

Friedrich Merz của Đảng Dân chủ Thiên chúa Giáo, người có thể sẽ trở thành Thủ tướng Đức sau cuộc bầu cử năm nay, xem mối đe dọa từ Nga là rất nghiêm trọng. Ông có thể chủ trì một sự thay đổi mang tính lịch sử. Nếu Đức nới lỏng các điều khoản hiến pháp chống lại việc tài trợ thâm hụt – và chấp nhận nhu cầu nợ chung của EU để tài trợ cho quốc phòng châu Âu – thì điều này có thể biến đổi bối cảnh an ninh của lục địa.

80 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, một số nước láng giềng của Đức – đặc biệt là Ba Lan và Pháp – sẽ cảm thấy lo lắng về việc Đức tái vũ trang. Nhưng, vì lợi ích an ninh của chính họ, họ cần phải vượt qua điều đó.