Liệu Trump có gây ra “sự sụp đổ” thứ tám?

Nguồn: Vương Văn, Harold James, 王文对话哈罗德·詹姆斯:特朗普会带来第八次“崩溃”吗?, Guancha, 10/01/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Kỷ nguyên Trump 2.0 đang đến, bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những thay đổi lớn.

Vào ngày 9/1, Vương Văn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã có buổi trò chuyện với Harold James – nhà sử học kinh tế nổi tiếng thế giới, tác giả cuốn sách mới bán chạy Bảy lần sụp đổ: Những cuộc khủng hoảng kinh tế định hình toàn cầu hóa (Seven Crashes: The Economic Crises That Shaped Globalization) và là giáo sư tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Hai bên đã tiến hành trao đổi chuyên sâu xung quanh chủ đề “Tác động của kỷ nguyên Trump 2.0 lên toàn cầu hóa và nền kinh tế Trung Quốc”. Bài viết này được biên soạn dựa trên nội dung phát sóng trực tiếp và được xuất bản bởi Guancha theo sự ủy quyền của Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, mời quý độc giả cùng tham khảo.

Vương Văn: Cuốn sách mới của ông có tên “Bảy lần sụp đổ” (Seven Crashes). Từ “crash” có hai hàm nghĩa trong tiếng Trung, một nghĩa là va chạm và một nghĩa là sụp đổ. Bản tiếng Trung giản thể sử dụng từ “sụp đổ”, nhưng theo tôi, từ này cũng có nghĩa là gây tác động rất lớn, phải không?

Harold James: Vâng, ý mà tôi muốn diễn đạt là “thêm nhiều bất ổn và bước ngoặt”, chứ không chỉ là sụp đổ. Tôi cho rằng, từ “crash” ban đầu xuất phát từ từ “kraft” trong tiếng Đức và bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán lớn đã lan sang Mỹ vào năm 1873, vì nó dường như là sự kiện chưa từng có. Từ này cũng có nghĩa là “vụ nổ lớn”, có lúc người ta dùng từ “vụ nổ lớn” vào những năm 1980 để mô tả một thời kỳ buông lỏng quản chế, khi mọi thứ phát triển nhanh chóng và kéo theo nhiều thay đổi mới mẻ.

Vương Văn: Sự sụp đổ mà ông nói đến, như tôi vừa đề cập, đã thực sự mô tả tác động của các sự kiện lớn mà thế giới phải trải qua trong thế kỷ qua. Hiện giờ, tất cả chúng ta cũng đều biết rằng thế giới đang phải đối mặt với những thách thức mới. Trong khoảng một tháng qua, tôi đã đến 5 quốc gia để tham gia các diễn đàn quốc tế. Dường như tất cả các học giả và chuyên gia đều đang thảo luận về những tác động mới mà Trump 2.0 sẽ mang lại. Tôi không biết liệu có thể miêu tả điều đó bằng từ “sụp đổ” mà ông đã đề cập trong cuốn sách hay không? Trump 2.0 sẽ có tác động ra sao đến thế giới? Nó giống và khác như thế nào so với Trump 1.0?

Harold James: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Thực ra đã có thể quan sát thấy một vài tác động từ trước lễ nhậm chức của Trump. Chính phủ Đức đã sụp đổ vào ngày kết quả bầu cử Mỹ được công bố, còn chính phủ Canada cũng đang trên bờ vực sụp đổ. Bởi vậy, điều này đã tạo ra một mức độ bất ổn nhất định, mà những bất ổn này trước tiên sẽ nảy sinh ở phía các đồng minh của Mỹ.

Mọi người hiện đang tự hỏi, liệu chúng ta có thể dựa vào Mỹ không? Khi chúng ta xem xét chính sách “Nước Mỹ trên hết”, mô hình cũ theo nghĩa truyền thống – một bên là bạn bè và đồng minh, bên kia là kẻ thù hay mối đe dọa – đang hoàn toàn bị xáo trộn và chúng ta rõ ràng không biết tương lai sẽ phát triển theo hướng nào.

Tôi cho rằng, điều này giống với liên minh trong các phong trào chính trị, cũng có một liên minh trong phong trào Trump. Liên minh này bao gồm những người cảm thấy bị toàn cầu hóa bỏ lại phía sau, họ là những người trước đây từng làm việc trong các ngành xuất khẩu ra thế giới, nhưng giờ đã mất việc và cảm thấy bị đe dọa bởi sự cạnh tranh từ nước ngoài.

Bởi vậy, có rất nhiều người nghèo chỉ trích Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Tuy nhiên, quan điểm này đã gộp tất cả các tác động lại với nhau một cách tùy tiện, trong khi đây không chỉ là tác động của toàn cầu hóa, mà còn là tác động của cuộc chuyển đổi công nghệ.

Trong 10 đến 15 năm qua, trên thực tế đã có nhiều loại hình sản xuất quay trở lại Mỹ và các nước công nghiệp khác, nhưng điều đó không tạo ra nhiều việc làm, vì phần lớn chúng được thực hiện bằng máy móc. Vì vậy, công nghệ cũng dẫn đến thất nghiệp. Ngoài ra, tôi cho rằng cũng có một việc đã trở nên rõ ràng hơn kể từ cuộc bầu cử đến nay, đó là rất nhiều doanh nghiệp năng động ở Mỹ đang mong đợi Trump sẽ mang lại cho họ một lợi thế đặc biệt. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có quy mô toàn cầu, chẳng hạn như Elon Musk, người dường như luôn xuất hiện bên cạnh Donald Trump.

Musk rõ ràng có nhiều lợi ích xuyên quốc gia. Chẳng hạn, có nhiều lợi ích rất quan trọng ở châu Á có dính dáng đến Musk và những lợi ích này cũng sẽ ảnh hưởng đến các đề xuất chính sách của ông ấy.

Vì vậy, đối với giới tinh hoa công nghệ được quốc tế hóa, điều họ thực sự cam kết là một cuộc chuyển đổi công nghệ, với niềm tin rằng ít nhất thì công nghệ sẽ cải thiện cuộc sống của con người. Mặc dù đây sẽ là một sự thích ứng khó khăn nhưng tôi nhìn chung vẫn giữ thái độ lạc quan.

Ngoài ra, về chính sách đối ngoại tuyên bố chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào các cuộc chiến ở nơi khác trên thế giới, Trump có một sức mạnh mà Biden không có – Trump có thể gây áp lực lên Thủ tướng Netanyahu của Israel hay Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết các vấn đề ở Gaza hoặc Ukraina. Tuy nhiên, tôi cho rằng những vấn đề này không dễ giải quyết như vậy.

Vương Văn: Ngược lại với ông, tôi không nghĩ nhiệm kỳ mới của Trump sẽ thực sự mang lại nhiều thay đổi trên bình diện quốc tế. Theo tôi, ảnh hưởng của Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ không lớn hơn Trump 1.0. Quan điểm của tôi dựa trên những thay đổi của thế giới trong 8 năm qua, bởi trong 8 năm qua, “phương Nam toàn cầu” và các nền kinh tế mới nổi khác đã cùng nhau trỗi dậy, và thế giới không còn do Mỹ thống trị nữa. Tất nhiên, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất, nhưng vấn đề là ảnh hưởng của nó trên thế giới đã suy giảm và một vài quốc gia đã thực thi các biện pháp triệt để để đối đầu với Mỹ, chẳng hạn như Nga.

Tôi nhắc đến Nga vì trong 2 năm qua, tôi đã đến Nga 9 lần, nghiên cứu 21 thành phố và viết hơn 30 bài báo. Tôi cũng từng hai lần trực tiếp hỏi Putin những câu hỏi sắc bén. Tôi không phải một học giả thân Nga, nhưng tôi thấy được sự kiên cường của Nga, cũng như quyết tâm chiến lược của họ trong cuộc đối đầu với phương Tây. Chiến lược đối đầu này có thể sẽ không vì Trump mà kết thúc. Trump nói sẽ giải quyết xung đột Nga-Ukraine trong vòng một ngày, nhưng tôi thực sự không cho điều đó là khả quan.

Trên thực tế, tôi tin rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ là một cuộc chiến lâu dài và sẽ mang lại tác động quốc tế lớn hơn nữa. Vì vậy, giáo sư James, câu hỏi thứ hai của tôi là, theo logic của ông thì đây có phải là lần sụp đổ thứ 8 không? Ông đánh giá ra sao về tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine trong 3 năm qua?

Harold James: Đúng như ông nói, tôi cho rằng điều này là một phần của sự hỗn loạn, sai lầm và bất ổn của trật tự thế giới hiện tại. Theo tôi, nhiều khía cạnh có thể bắt nguồn từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Đại dịch đã gây tác động đáng kể và chúng ta vẫn đang sống trong bóng tối của nhiều vấn đề mà nó để lại.

Đại dịch COVID-19 đã thể hiện rất rõ ràng tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và việc chuỗi cung ứng có thể dễ dàng bị hủy hoại như thế nào. Đối với một quốc gia giàu nguồn tài nguyên như Nga, rất dễ khiến người ta nghĩ đến việc sử dụng nguồn cung năng lượng để làm đòn bẩy chính trị với các nước châu Âu, đặc biệt là Đức – quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga.

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra đại dịch, chúng ta đã phát hiện tình trạng thiếu hụt nhiều vật tư quan trọng mang tính chiến lược. Chẳng hạn, việc sản xuất chất bán dẫn cần đến khí neon, trong khi Nga và Ukraine là những nguồn cung chính của loại khí này. Vì vậy, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã xuất hiện những vấn đề trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Theo tôi, đây thực sự là một phần trong câu chuyện về việc công cụ hóa hay vũ khí hóa chuỗi cung ứng.

Không chỉ Nga, Algeria cũng đang làm điều tương tự khi cung cấp khí đốt tự nhiên cho Tây Ban Nha. Do Tây Ban Nha có mối quan hệ cung cấp khí đốt tự nhiên với Maroc, trong khi Maroc lại đang vướng vào cuộc xung đột lãnh thổ ở Tây Sahara, vậy nên Algeria đang cố gắng sử dụng quyền kiểm soát khí đốt tự nhiên của mình để gây áp lực lên Maroc. Ông sẽ thấy ngày càng có nhiều quốc gia thực hiện điều này, đặc biệt là các nước lớn có nhiều lợi thế lớn trong cuộc chơi chuỗi cung ứng như Mỹ hay Trung Quốc.

Vương Văn: Vâng, tôi cho rằng ông đã đề cập đến một từ khóa rất quan trọng, đó là “vũ khí hóa”. Hiện tại, không chỉ chuỗi cung ứng, mà cả mạng lưới và nhiều công nghệ, công cụ đều đã được vũ khí hóa. Ví dụ, những thứ có thể được vũ khí hóa bao gồm tiền tệ, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) hay đồng USD… Vì vậy, câu hỏi tiếp theo của tôi là, nếu Mỹ tiếp tục thúc đẩy việc vũ khí hóa mọi thứ, liệu điều đó có dẫn đến một sự sụp đổ mới của toàn cầu hóa và quyền lực mềm của Mỹ không? Ông có suy nghĩ ra sao?

Harold James: Chắc chắn có một vài tiền lệ lịch sử cho điều này. Trong cuốn Bảy lần sụp đổ, tôi có đề cập rằng các nước Bắc Âu vào giữa thế kỷ 19 đã phải đối mặt với những cú sốc tiêu cực rất nghiêm trọng về nguồn cung. Người dân thời đó nhận ra rằng, họ sẽ không thể nuôi sống chính mình nếu chỉ dựa vào châu Âu, vậy nên cần có được lương thực từ nơi khác.

Ngoài Bắc Mỹ, một trong những nơi giàu lương thực nhất là Đế quốc Nga, bởi ở phía Nam Đế quốc Nga có một vùng đất đen màu mỡ và rộng lớn, nơi mà hiện nay có một phần thuộc Ukraine và một phần thuộc Nga, điều này đã khiến Nga trở thành một nước xuất khẩu lương thực lớn. Vào những năm 1850, giữa Anh, Pháp và Nga đã nổ ra một cuộc xung đột rất lớn về Crimea. Đây cũng chính là khu vực tâm điểm trong tranh chấp giữa Nga và phương Tây kể từ năm 2014 đến nay.

Vì vậy, tôi cho rằng một phần vấn đề giữa Nga và Ukraine là sự tiếp nối và là di sản của cuộc xung đột vào giữa thế kỷ 19, bởi Nga muốn mở rộng quyền kiểm soát của mình về phía Nam, coi sự suy tàn của Đế chế Ottoman là cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng, đồng thời kiểm soát Crimea và cố gắng biến nó thành một phần của quá trình vũ khí hóa chuỗi cung ứng.

Vấn đề tiền tệ cũng đáng để suy ngẫm. Trump đã nói rất nhiều về việc tăng cường vai trò trung tâm của đồng USD trong hệ thống quốc tế và ông rõ ràng coi đồng USD là một phần sức mạnh của Mỹ. Nhưng mặt khác, tác động của các chính sách thuế quan, hạn chế nhập cư, trục xuất người nhập cư không có giấy tờ và các biện pháp kích thích tài chính và cắt giảm thuế quy mô lớn thì sao? Lạm phát gần như là điều chắc chắn, vậy nên đồng USD chứa đựng những yếu tố tương đối thiếu ổn định.

Một vài người sẽ nói rằng, các mức thuế mà Trump đề xuất hay đề nghị chỉ là một công cụ thương lượng, giống như những năm 1980 khi Mỹ ở vào tình thế tương tự. Mỹ lúc đó chủ yếu đối đầu với Nhật Bản, người dân lo ngại việc hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu ồ ạt vào Mỹ, sau đó Mỹ dọa sẽ trừng phạt bằng thuế quan nếu Nhật Bản không thay đổi chính sách. Vì vậy, Nhật Bản đã thay đổi chính sách và điều này đã phá hủy nền kinh tế Nhật Bản vào những năm 1990.

Tôi cho rằng nhiều người ở Trung Quốc đều đã chứng kiến ​​kinh nghiệm của Nhật Bản và Trung Quốc sẽ không muốn lặp lại quá khứ của Nhật Bản – một loạt chính sách không phù hợp do Mỹ thúc đẩy đã dẫn đến sự sụp đổ vào đầu những năm 1990 của một nền kinh tế vốn rất lành mạnh.

Vương Văn: Vâng, tôi đồng ý với ông. Nhưng tôi cho rằng cuộc thương lượng quốc tế không chỉ diễn ra giữa Nhật Bản và Mỹ. Theo tôi, dường như sẽ có nhiều quốc gia tham gia vào cuộc thương lượng trong vòng 4 năm tới. Bởi chúng ta biết Trump tin rằng các quốc gia khác đang khiến Mỹ phải chi trả nhiều hơn, đặc biệt là NATO. Trump thậm chí còn nói rằng các đồng minh, đặc biệt là những nước thành viên NATO, phải tự chi trả. Trừ khi các thành viên khác đối xử “công bằng” với Mỹ, nếu không Trump sẽ triệt để xem xét việc Mỹ rút khỏi NATO.

Tôi nghĩ ông không chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ mà còn cả mối quan hệ giữa Mỹ và các thành viên NATO khác. Chúng ta biết rằng, tuyên bố của Trump không có gì đáng ngạc nhiên, vì Trump vẫn luôn nói về chiến lược “Nước Mỹ trên hết” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Vậy chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của Trump sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của toàn cầu hóa trong tương lai? Ông có thể đưa ra dự đoán về nước Mỹ và thế giới sau 4 năm nữa không? Ý tôi là, giả sử chúng ta đang ở năm 2028, thế giới lúc đó sẽ ra sao?

Harold James: Theo một nghĩa nào đó, chúng ta hiện đang ở trong một thế giới phân lưỡng cực đặc biệt.

Ở Mỹ, mọi người rất lạc quan, ông có thể thấy thị trường chứng khoán tăng vọt và nhiều người tin rằng AI sẽ thực sự mang lại cuộc chuyển đổi. Trong khi châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức – hai nước lớn thúc đẩy việc nhất thể hóa châu Âu, lại đang ngập trong nỗi lo âu mãnh liệt, đồng thời cũng rơi vào bế tắc về mặt chính trị và dường như không thể giải quyết các vấn đề chính trị một cách hiệu quả. Sau đó, áp lực này sẽ buộc các quốc gia phải đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng.

Cần phải nói rằng, tuyên bố của Trump không phải là bất thường hay chưa từng có. Kể từ những năm 1960, nhiều chính trị gia Mỹ đã luôn nhấn mạnh rằng người châu Âu nên chi trả nhiều hơn cho quốc phòng của chính họ. Tôi cho rằng đây là một thời điểm chuyển tiếp và châu Âu có thể sẽ làm nhiều việc hơn để điều phối quốc phòng của mình, chi trả nhiều hơn cho quốc phòng, cũng như nghiêm túc hơn so với trước đây trong việc xem xét những tuyên bố kiểu này của các chính khách Mỹ. Đây có thể là một điều tốt cho cả Mỹ và châu Âu.

Vương Văn: Nhưng tôi vẫn muốn biết, ông cho rằng 4 năm tới sẽ có sự “sụp đổ” không, hay nó sẽ “sụp đổ” như thế nào?

Harold James: Đối với tôi, sự thay đổi lớn nhất dường như không liên quan đến Trump hay bất kỳ nhân vật chính trị cụ thể nào, mà liên quan đến tốc độ chóng mặt của cuộc chuyển đổi công nghệ hiện nay. Chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi công nghệ nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử và những quốc gia nhận ra cơ hội do cuộc chuyển đổi công nghệ mang lại sẽ ở vị trí dẫn đầu.

Hiện tại, có rất nhiều người tin rằng do nhiều đổi mới được thúc đẩy bởi Mỹ nên Mỹ nhiều khả năng sẽ là nước hưởng lợi chính từ cuộc chuyển đổi này. Tuy nhiên, tôi cho rằng câu chuyện về cuộc cách mạng AI sẽ được quyết định bởi những ứng dụng cụ thể, mà những ứng dụng này sẽ được đồng sáng tạo trên toàn thế giới bởi người Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và những nước khác.

Công nghệ sinh học và đổi mới dược phẩm sẽ là một trong những lĩnh vực chính được hưởng lợi vì AI đã khám phá ra nhiều ứng dụng dược phẩm tiềm năng. Vì vậy, những loại thuốc mới, bằng sáng chế mới, những phương pháp mới để chống lại bệnh tật, là nơi chúng ta sẽ thấy cuộc chuyển đổi. Trong tương lai, thế giới sẽ trở nên kết nối hơn và công nghệ sẽ mang nhiều tính chuyển đổi hơn.

Giống như những thời đại trước, chúng ta sẽ thấy công nghệ nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Mặc dù chúng ta luôn nói về “sân nhỏ tường cao”, nhưng cách tiếp cận này khó có thể thành công trên thực tế vì công nghệ đang phát triển ở mọi nơi trên toàn thế giới.

Ở một khía cạnh nào đó, sự kết nối công nghệ có thể là một điều tốt. Bởi suy cho cùng thì trên thế giới này, chúng ta đều phải đối mặt với những thách thức chung, chẳng hạn như bệnh tật và sự già hóa. Ngoại trừ châu Phi, nhóm dân số cao tuổi đang tăng nhanh ở mọi châu lục và chúng ta cần tìm ra giải pháp.

Làm thế nào để chăm sóc người cao tuổi sẽ trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm. Ngoài ra, làm thế nào để giáo dục giới trẻ? Đây là một lĩnh vực rất hữu ích khác trong các ứng dụng AI. Sau đại dịch, giới trẻ ở Mỹ và nhiều nơi khác đã gặp phải một số vấn đề về giáo dục, nguy cơ thất nghiệp trong giới trẻ đang gia tăng. Cần có những phương pháp mới để giáo dục và đào tạo họ, và những tiến bộ mới về AI trong giáo dục sẽ là câu trả lời.

Một thống kê có ý nghĩa mà mọi người thường sử dụng để lập luận rằng chúng ta đang trải qua quá trình phi toàn cầu hóa hoặc toàn cầu hóa chậm lại là việc kể từ giữa những năm 2010 đến nay, tỷ trọng của thương mại toàn cầu với GDP toàn cầu luôn dao động nhưng không còn tăng nữa, trong khi mức tăng trước đó là vô cùng rõ ràng.

Tuy nhiên, nếu dùng tỷ trọng của thương mại toàn cầu với sản lượng ngành sản xuất toàn cầu để đo lường, ông sẽ thấy con số đó tiếp tục tăng. Điều này cho thấy thương mại vẫn đang tiếp diễn nhưng hàng hóa sản xuất ngày càng ít đi và hàng hóa dịch vụ ngày càng nhiều hơn. Xu hướng này sẽ càng trở nên rõ rệt hơn dưới sự thúc đẩy của cuộc cách mạng AI.

Vương Văn: Vâng, tôi đồng ý với quan điểm của ông. Vì Trump không phải là người có thẩm quyền duy nhất trong việc thế giới sẽ thay đổi như thế nào trong 4 hoặc 8 năm tới. Ông cũng đề cập rằng các chính sách của Trump thiên về “sân nhỏ tường cao” và xu hướng phi toàn cầu hóa hay toàn cầu hóa chậm.

Tôi cho rằng đây là một quan điểm rất sắc bén, nhưng có một điều tôi không thể không chia sẻ với ông là, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã đề xuất một thuật ngữ mới liên quan đến toàn cầu hóa – “toàn cầu hóa song song”, có nghĩa là chính sách “sân nhỏ tường cao” của Trump sẽ buộc các nền kinh tế mới nổi hay “phương Nam toàn cầu” phải nhất thể hóa, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác.

Mặt khác, toàn cầu hóa truyền thống vẫn do Mỹ chi phối, chủ yếu trong hệ thống Bắc Đại Tây Dương. Ông có suy nghĩ như thế nào về “toàn cầu hóa song song” này? Nó có tồn tại không? Toàn cầu hóa trong tương lai sẽ có dáng vẻ ra sao? Ý tôi là, ngoài toàn cầu hóa chậm hay phi toàn cầu hóa, ông có quan điểm mới nào về toàn cầu hóa trong tương lai không?

Harold James: Tôi rất vui vì ông đã đặt ra câu hỏi này, vì tôi cho rằng đó thực sự là một phần của quá trình toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới và gắn kết các quốc gia trước đây từng bị loại khỏi quá trình toàn cầu hóa lại với nhau. Tôi không chắc liệu có đúng không khi xem xét điều này dưới góc độ của “phương Nam toàn cầu” và thế giới công nghiệp truyền thống, nhưng tôi cho rằng nó đề cập nhiều hơn đến những quốc gia mở cửa mà trước đây chưa từng liên quan nhiều đến thương mại.

Ông đã đề cập đến “toàn cầu hóa song song”, vậy thì tôi muốn bàn về lịch sử toàn cầu hóa. Nếu quay ngược lại không chỉ 100 năm mà hàng nghìn năm trước, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng toàn cầu hóa luôn lấy các thành phố làm trung tâm, những thành phố này thường nằm ở bờ biển và cảng biển. Vì vậy, nếu là châu Âu vào cuối thời Trung cổ, thì Venice và Genoa là những người thúc đẩy (toàn cầu hóa).

Sau đó, thế giới hướng về Biển Bắc và Đại Tây Dương, và chúng trở thành các thành phố cảng trên khắp thế giới như Antwerp, Amsterdam, London, New York, Thượng Hải, Hồng Kông, Sydney, Buenos Aires và Rio de Janeiro. Tôi nghĩ điều khiến người ta thấy hấp dẫn ở sáng kiến ​​“Một vành đai, Một con đường” là việc nó không chỉ có tuyến đường biển, mà còn có “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” xuyên châu Á. Tôi nghĩ đây là một ví dụ về cách thức vận hành của toàn cầu hóa mới và sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” cũng có thể bao gồm các quốc gia như Kazakhstan. Bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa trước đây, gần như không có hy vọng cho những nơi không có cảng biển.

Vì vậy, chúng ta sẽ có một toàn cầu hóa mang tính dung nạp hơn, nhưng tôi không nghĩ đó chỉ là vấn đề đơn giản giữa các quốc gia phương Bắc và các quốc gia phương Nam.

Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, thương mại của Việt Nam với Mỹ đang mở rộng mạnh mẽ và xuất khẩu thương mại của Mexico sang Mỹ cũng đang tăng trưởng. Tuy nhiên, Việt Nam và Mexico đang nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc và Ấn Độ, bao gồm thuốc từ các nhà sản xuất lớn, thuốc generic…, trong khi nhiều thành phần trong thuốc của Ấn Độ lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Vì vậy, chuỗi cung ứng là điều tương đối phức tạp và Trung Quốc vẫn là một phần của chuỗi cung ứng này, nhưng do vấn đề thuế quan, chuỗi cung ứng đang biến đổi theo một cách hơi khác.

Vương Văn: Trên thực tế, tất cả chúng ta đều nhắc đến vấn đề định hình lại thế giới tương lai và trong giới học thuật Trung Quốc có “hai loại” quan điểm về việc định hình lại thế giới tương lai. Một loại quan điểm cho rằng Mỹ đang suy tàn, trật tự thế giới cần được định hình lại và hệ thống quốc tế cần được cải cách. Trong quá trình cải cách này, như ông vừa đề cập, Trung Quốc có thể phát huy vai trò quan trọng hơn.

Một loại quan điểm khác cho rằng, Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển và chưa đủ khả năng thúc đẩy cải cách hệ thống quốc tế, và càng không có khả năng thay thế Mỹ. Hiện giờ nhìn lại thì có vẻ như quan điểm thứ hai đã sai, nhưng có lẽ nó phổ biến và được ưa chuộng hơn ở Trung Quốc. Vậy tôi xin hỏi ông một lần nữa, đâu là mấu chốt để định hình lại toàn cầu hóa trong tương lai? Liệu Trung Quốc cũng sẽ xuất hiện sự “sụp đổ” như ông nói?

Harold James: Rất nhiều người đang suy xét về một thế giới trong đó toàn cầu hóa được gây dựng bởi một số ít quốc gia, đây có thể là cái mà mọi người gọi là thế giới đa cực hay đa trung tâm. Ở một mức độ nào đó, không có lực lượng thống trị rõ ràng trong phần lớn lịch sử loài người. 2000 năm trước, ở phương Tây có Đế quốc La Mã hùng mạnh, nhưng đồng thời cũng có Đế quốc Trung Hoa hùng mạnh và Đế quốc Iran hùng mạnh. Vì vậy, trên thế giới luôn có một vài trung tâm nơi chính trị và kinh tế tụ họp.

Do đó, thời kỳ để một quốc gia một mình xưng bá là rất hạn chế. Tôi nghĩ ngay cả trong thế kỷ 19, không thể nói rằng Anh đã thống trị thế giới vì cũng có một Đế quốc Pháp khổng lồ, người Đức cũng đang cố gắng xây dựng một đế chế, trong khi Nhật Bản và Nga cũng đang phát triển nhanh chóng.

Vào cuối Thế chiến thứ hai năm 1945, Mỹ có một vị thế lớn mạnh độc nhất vô nhị. Vào thời điểm đó, ngành sản xuất của Mỹ chiếm một nửa ngành sản xuất của thế giới, đặc biệt là trong ngành sản xuất máy công cụ.

Trước năm 1945, chỉ có 3 quốc gia có công xưởng sản xuất máy công cụ lớn là Đức, Nhật Bản và Mỹ. Cả người Anh và người Pháp đều không giỏi việc này, Trung Quốc và Ấn Độ lúc đó cũng không làm được, Đức và Nhật thì đã bị đánh bại. Vậy là Mỹ đã ở vào vị trí thống trị độc nhất. Nhưng một thế giới như vậy chắc chắn sẽ không thể tồn tại lâu dài và sẽ tạo ra oán thù.

Mỹ đã nhìn thấy điều đó vào những năm 1950 và lo lắng về sự trỗi dậy của Đức. Họ lo lắng về sự phục hưng của Nhật Bản trong những năm 1960, điều này càng đúng hơn trong những năm 1970 và 1980. Chúng ta đôi khi thích nói về phương Nam toàn cầu, nhưng lại có những khác biệt rất lớn trong cách lý giải. Mexico không phải lúc nào cũng liên minh với Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc có những khác biệt lịch sử rất lớn, vì vậy đây là một thế giới đa nguyên, và tôi cho rằng một thế giới đa nguyên, đa cực hoặc đa trung tâm có thể là một cách rất hay để mô tả trật tự thế giới.

Vương Văn: Cảm ơn ông. Câu hỏi tiếp theo của tôi là về sự phát triển của Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua. Nửa thế kỷ trước, Trung Quốc vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhưng vào năm 1978, Trung Quốc đã thực hiện chính sách cải cách, mở cửa. Đến nay đã 47 năm, cuộc cải cách mở cửa này đã làm thay đổi hoàn toàn Trung Quốc. Phải chăng cũng có thể gọi điều này là một sự “sụp đổ”, tương tự như sự sụp đổ của hệ thống truyền thống, đồng thời cũng là sự định hình mang tính tích cực cho hệ thống tương lai?

Như chúng tôi đã đề cập trước đây, bởi dường như trong giới học thuật Mỹ có đủ học giả hiểu về tương lai của Trung Quốc từ góc độ học thuật, vậy nên tôi không rõ liệu hiểu biết của mình có đúng không. Ông đánh giá thế nào về thành tựu phát triển của Trung Quốc trong 40 năm cải cách, mở cửa vừa qua? Ông có kỳ vọng gì về tương lai của Trung Quốc? Trung Quốc nên áp dụng chiến lược nào những thách thức và cơ hội mà kỷ nguyên Trump 2.0 mang lại?

Harold James: Trước hết, cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc là một thành công to lớn, tôi cho rằng đây là một trong những lợi ích rõ ràng nhất của việc mở cửa và tự do hóa nền kinh tế. Tôi nhớ vài năm trước khi xảy ra đại dịch, tôi đã ở một thành phố nhỏ ở miền Nam nước Đức có tên Fürth. Nó là một thành phố rất nhỏ, nhưng có hai nhân vật đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ 20 đã sinh ra ở đó. Một người là Ludwig Erhard – người tiên phong đã thực sự mở cửa nền kinh tế Đức sau Thế chiến thứ hai, có thể nói ông là nhân vật “kiểu Đặng Tiểu Bình” ở Đức, và người kia là Henry Kissinger.

Tại một sự kiện liên quan đến gia đình Ludwig Erhard, chúng tôi đã bàn luận về những người Đức có ảnh hưởng đến chính trị thế giới, thứ nhất là Karl Marx và thứ hai là Ludwig Erhard. Họ dường như đại diện cho những điều khác nhau. Marx rõ ràng đại diện cho một lý thuyết về sự phát triển của lịch sử, nhưng đồng thời cũng là một lý thuyết cho rằng sự phát triển lịch sử có thể được kiểm soát. Erhard thì nhấn mạnh tính năng động ​​chủ quan của cá nhân.

Theo tôi, bất kỳ quốc gia nào cũng phải thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa hai khía cạnh này. Một mặt, một quốc gia phải có hiểu biết tổng thể về đường hướng tương lai của mình. Mặt khác, các cá nhân cần được khuyến khích và “trao quyền” vì họ có thể mang lại những phát triển và công nghệ mới. Theo tôi, đây là xu thế phát triển trong tương lai.

Trung Quốc đang ở vào thời kỳ chuyển tiếp, khi tất cả mọi người đang lo lắng về toàn cầu hóa thì Nhật Bản, Đức và Trung Quốc đều có thặng dư xuất khẩu lớn. Tôi cho rằng trong mọi trường hợp đều cần phát triển cân bằng hơn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngành sản xuất xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp thì phát triển kinh tế dịch vụ nhiều hơn, như những gì chúng ta từng thảo luận.

Vương Văn: Câu hỏi cuối cùng của tôi là về chương cuối trong cuốn sách mới “Bảy lần sụp đổ” của ông, bởi ông đã đề cập đến lần toàn cầu hóa quy mô lớn tiếp theo trong chương cuối. Theo tôi, toàn cầu hóa kiểu vậy có thể vẫn phải đối mặt với những khủng hoảng lớn và tính bất định. Những cuộc khủng hoảng và tính bất định này không chỉ đến từ Trump hay các yếu tố kinh tế khác, mà còn đến từ Crimea và các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và dịch bệnh mà ông đã đề cập, vì vậy chúng tôi rất quan tâm đến khả năng hợp tác sắp tới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Cũng cách đây 3 ngày, Trump nói rằng hợp tác Trung-Mỹ có thể giải quyết được mọi vấn đề của thế giới. Giáo sư James, tôi muốn hỏi ông một câu cuối cùng. Ông nghĩ sự hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ như thế nào? Ông có cái nhìn ra sao về khả năng hai cường quốc này ngăn chặn được lần “sụp đổ” tiếp theo?

Harold James: Vâng, ông nói đúng. Tôi nghĩ sự hợp tác này giữa Trung Quốc và Mỹ là vô cùng cần thiết, chẳng hạn như trong các vấn đề biến đổi khí hậu hay bệnh truyền nhiễm kiểu mới. Nhưng nếu không có hợp tác thì tất cả những điều này đều có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, chính bởi vậy mà giờ đây chúng ta ngập trong xung đột và mâu thuẫn, khiến cuộc đối thoại ngày càng trở nên khó khăn. Công nghệ thúc đẩy cuộc cách mạng xanh hiện nay chủ yếu đến từ Trung Quốc. Ông có thể thấy những tấm pin mặt trời của Trung Quốc được giới thiệu khắp nơi ở nhiều nước thị trường mới nổi như châu Phi và Nam Mỹ, và các tấm pin mặt trời của Trung Quốc quả thực rất tốt.

Đây mới là cách thức đúng đắn, nhưng ông biết đấy, đây cũng là điều khiến người châu Âu và người Mỹ lo ngại, vì họ lo rằng mình sẽ mất đi các ngành công nghiệp và việc làm. Do vậy, ở một mức độ nào đó, những người châu Âu cố gắng ngăn chặn xe điện của Trung Quốc cũng đang cản trở việc cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu.

Trung Quốc là nguồn cung cấp các khoáng sản quan trọng như germanium và gallium, trong khi một báo cáo do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu công bố đã chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi xanh phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn năng lượng này. Nếu không hợp tác, chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nhiều biện pháp (chuyển đổi) năng lượng mà Mỹ hiện đang thúc đẩy. Tôi nghĩ nếu nhìn từ góc độ này thì quả là đáng lo ngại.

Vương Văn: Rất cảm ơn ông, giáo sư James.