Nguồn: James Palmer, “Can Trump Strike a Deal Over TikTok?”, Foreign Policy, 14/1/2024
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Có vẻ như Tòa án Tối cao sẵn sàng giữ nguyên một đạo luật có thể khiến TikTok của Trung Quốc bị cấm – trừ khi TikTok “bán mình”.
Tiêu điểm tuần này: Toà án Tối cao Mỹ tổ chức phiên điều trần xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm TikTok được thông qua vào năm ngoái; Vấn đề tội phạm xuyên biên giới được chú ý đến sau vụ giải cứu diễn viên Trung Quốc bị một băng nhóm ở Myanmar bắt cóc; Ông lớn trong lĩnh vực drone tại Trung Quốc DJI dỡ bỏ các hạn chế về khoanh vùng địa lý (geofencing) tại Mỹ và một số khu vực ở châu Âu.
Toà án Tối cao Mỹ có khả năng sẽ giữ nguyên lệnh cấm TikTok
Toà án Tối cao Mỹ tổ chức các phiên điều trần với lý do an ninh quốc gia nhằm xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm được Quốc hội thông qua vào năm ngoái đối với TikTok, một ứng dụng của Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu cho thấy tòa sẽ giữ nguyên đạo luật này, khép lại phiên kháng cáo cuối cùng của TikTok.
Đạo luật khiến TikTok bị cấm – trừ khi ứng dụng này chịu “bán mình” – được thông qua hồi tháng 4 năm ngoái, được cả hai đảng ủng hộ và sẽ có hiệu lực từ 19/1. Trung Quốc phản đối đạo luật, dù chính họ đang duy trì một môi trường mạng xã hội nội địa khép kín, nơi hầu hết các ứng dụng toàn cầu đều bị cấm hoặc phải tuân thủ kiểm duyệt gắt gao.
TikTok, có trụ sở tại Singapore, luôn phủ nhận việc chính phủ Trung Quốc kiểm soát các hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng phủ nhận này không thực tế chút nào: Công ty mẹ của TikTok – ByteDance – là một doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, ngay cả khi hoạt động ngoài lãnh thổ Trung Quốc, ByteDance cũng không thể chống lại các yêu cầu từ chính quyền trung ương (cả về mặt pháp lý lẫn trên thực tế).
Mặc dù chưa có chứng cứ rõ ràng nào chứng minh TikTok nhận lệnh từ chính quyền Trung Quốc, một số nghiên cứu cho thấy các thuật toán của ứng dụng này thiên về nội dung ủng hộ Trung Quốc và hạn chế thông tin đề cập đến các vấn đề nhân quyền cũng như các vụ phân biệt đối xử. Thêm vào đó, có nhiều bằng chứng cho thấy nhân viên của ByteDance ở Trung Quốc đã truy cập dữ liệu người dùng tại Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng ủng hộ việc cấm TikTok nhưng không thể thực hiện lệnh cấm này trong nhiệm kỳ đầu của mình. Tuy nhiên, vào năm ngoái, Trump đã thay đổi quan điểm về TikTok. Lý do chủ yếu được cho là Trump bị ảnh hưởng bởi Jeff Yass, một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa và nhà đầu tư của TikTok. Nhưng Trump có vẻ không có nhiều lựa chọn, bởi vì các nhà lập pháp rất có thể không muốn gỡ bỏ lệnh cấm này.
Chính điều này đã mở ra viễn cảnh về một thỏa thuận, trong đó lý tưởng đối với Trump là bán TikTok cho một trong những đồng minh tư tưởng của mình. Vào năm 2020, Trump từng cố gắng thương thảo để Oracle mua lại TikTok nhưng không thành công. Tờ Bloomberg đưa tin rằng chính phủ Trung Quốc đang xem xét việc bán TikTok cho chủ sở hữu mạng xã hội X, Elon Musk, người dự kiến sẽ đảm nhận một vai trò trong chính quyền Trump.
TikTok phủ nhận thông tin từ Bloomberg, gọi đó là “hư cấu”. Tuy nhiên, TikTok cũng có lý do chính đáng để từ chối việc phải thừa nhận rằng chính phủ Trung Quốc nắm quyền quyết định cuối cùng đối với số phận của mình.
Từ góc độ của Trung Quốc, Elon Musk mua lại TikTok, hay có thể hiểu là đặt vào tay Trump một công cụ có sức gây ảnh hưởng, việc này có thể bị xem như một hành động hối lộ vị tổng thống mới. Người dùng có thể rời bỏ TikTok nếu Musk sở hữu TikTok, như cách nhiều người đã rời bỏ X sau khi Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11. Tuy nhiên, nền tảng này cũng có thể trở thành một công cụ tuyên truyền hiệu quả khi đặt dưới sự quản lý mới.
Người dùng TikTok phẫn nộ trước lệnh cấm của Mỹ, nhưng một nỗ lực trước đó nhằm huy động người ủng hộ chống lại đạo luật đã phản tác dụng. Việc các nhà lập pháp bị “bủa vây” bởi hàng loạt cuộc gọi đã khiến thái độ quay lưng với TikTok trở nên gay gắt hơn. Hiện tại, một số người dùng đã chuyển sang hai ứng dụng xã hội khác của Trung Quốc: Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư), có nghĩa là “Sách đỏ nhỏ” nhưng được dịch thành “RedNote” trong tiếng Anh, và Lemon8, cùng thuộc sở hữu của ByteDance.
Nhưng người dùng có khả năng sẽ không gắn bó lâu dài với cả hai nền tảng này vì chúng phải tuân theo chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc, trong đó cấm hầu hết các nội dung chính trị, LGBQT, các nội dung sáng tạo, vốn là những điều mà người dùng cho biết họ coi trọng ở TikTok. Dẫu vậy, sự chuyển dịch này gợi mở ra viễn cảnh Mỹ phải liên tục đối phó với các ứng dụng Trung Quốc thành công nếu như Mỹ không sớm có một đạo luật toàn diện hơn.
Tin tức đang được quan tâm:
Các băng nhóm tội phạm ở Myanmar. Vụ giải cứu nam diễn viên Trung Quốc trẻ tuổi khỏi một băng nhóm tội phạm Myanmar lại một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng về vấn nạn công dân Trung Quốc bị các băng nhóm ở Myanmar bắt cóc. Nam diễn viên Vương Tinh đến Thái Lan và tin rằng mình được tuyển vào đóng một bộ phim, nhưng lại bị một nhóm có vũ trang bắt giữ tại thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan.
Diễn viên này bị đưa đến Myanmar và bị ép tham gia vào một hoạt động lừa đảo trực tuyến. Vương Tinh được cứu sau khi lời cầu cứu của bạn gái anh lan truyền trên mạng, buộc quân đội Thái Lan phải can thiệp. Các băng nhóm Myanmar thường thích sử dụng lao động cưỡng bức người Trung Quốc cho các hoạt động lừa đảo kiểu này; Các diễn viên như Vương và những người có ảnh hưởng gần đây đã trở thành mục tiêu của chúng. Các bộ phim Trung Quốc như “Được ăn cả, ngã về không” (No More Bets) đều kêu gọi mọi người chú ý đến vấn đề này.
Các băng nhóm tội phạm ở Myanmar, có liên hệ với quân đội cầm quyền lẫn các lực lượng nổi dậy trong nước, đã phải dừng một số hoạt động dọc biên giới Myanmar – Trung Quốc dưới sức ép từ Bắc Kinh. Một số ông trùm băng nhóm cũng bị bàn giao lại cho Trung Quốc, dù trước đó những kẻ này được hưởng sự hỗ trợ từ chính quyền Trung Quốc.
Điều này giải thích tại sao hoạt động của các băng nhóm lại chuyển dịch sang biên giới với Thái Lan. Tuy nhiên, vụ việc mới đây nhất đồng nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ gây áp lực mạnh lên Bangkok để trấn áp tội phạm xuyên biên giới.
Một tín hiệu xấu cho Đài Loan? Trung Quốc đang đóng các tàu chiến đổ bộ được thiết kế cho một cuộc tấn công đổ bộ, loại tàu mà một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ cần đến, Naval News cho hay. Các tàu này đang được đóng bởi một công ty quân sự trực thuộc chính phủ Trung Quốc tại Nhà máy đóng tàu Quảng Châu (Guangzhou Shipyard). Chúng có cầu tàu dài để đổ bộ trên các bãi đá, giúp tránh được các cảng Đài Loan có phòng thủ nghiêm ngặt.
Hiện tại chỉ có từ ba đến năm tàu đổ bộ đang được đóng, không đủ cho một cuộc xâm lược có thể sẽ cần huy động từ 1 đến 2 triệu quân. Tuy nhiên, động thái này vẫn là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy “khao khát” của Trung Quốc – ít nhất họ muốn có đủ khả năng xâm lược Đài Loan trong những năm tới.
Công nghệ và Kinh doanh
Khoanh vùng địa lý cho drone được dỡ bỏ. Trong một động thái có thể gây tranh cãi, ông lớn trong lĩnh vực drone của Trung Quốc DJI đã gỡ bỏ các hạn chế khoanh vùng địa lý – những giới hạn bay được tích hợp sẵn nhằm ngăn drone bay qua các khu vực nhạy cảm như căn cứ quân sự và sân bay tại Mỹ và một số khu vực ở châu Âu. Thay vì bị khóa cứng (hardlock), giờ đây các drone sẽ nhận cảnh báo khi bay vào không phận hạn chế.
Theo tuyên bố của DJI, quyết định này nhằm trao quyền và trách nhiệm nhiều hơn cho người dùng, trong khi vẫn tuân thủ các quy định của Cục Hàng không Liên bang Mỹ và các quy định khác. Tuy nhiên, đây là thời điểm nhạy cảm đối với các công ty công nghệ Trung Quốc tại Mỹ, vừa vì chính quyền Trump sắp nhậm chức, vừa vì những hậu quả từ vụ tấn công mạng do nhóm tin tặc Salt Typhoon (Bão Muối) thực hiện.
Một đợt trừng phạt mới – dù có thể sẽ không hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công mạng – sẽ được áp dụng vào tuần này do vụ tấn công mạng của Salt Typhoon. Một động thái như vậy có thể dẫn đến một lệnh cấm toàn diện hơn đối với drone của Trung Quốc, trong khi drone vốn đã bị hạn chế tại các bang như Florida.
Thặng dư thương mại khổng lồ. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2024 đã đạt gần 1 nghìn tỷ đô, một mức chênh lệch gây sửng sốt chưa từng có. Đây là kết quả của quy mô lớn và quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc; những nỗ lực thúc đẩy chính sách công nghiệp của Chủ tịch Tập Cận Bình; cùng xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu sang tự sản xuất trong nhiều lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là xe hơi.
Mặc dù việc làm tại các nhà máy vẫn là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc hồi năm ngoái và giúp góp phần bù đắp cho tình hình suy giảm chung, nhưng tình trạng dư thừa công suất đang gây ra các vấn đề kinh tế trong nước và làm dấy lên phản ứng từ các nước khác.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang chật vật để duy trì hoạt động do cạnh tranh về giá đã đẩy biên lợi nhuận của họ xuống mức thấp hơn bao giờ hết, trong khi đó các chính phủ nước ngoài liên tục phàn nàn về chính sách công nghiệp của Trung Quốc bị cho là không công bằng. Quy mô thặng dư thương mại lớn có thể sẽ làm tăng thêm động lực để Trump áp đặt các mức thuế nặng lên Trung Quốc sau khi lên nắm quyền.