Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Kaja Kallas, uỷ viên phụ trách ngoại giao của EU, cảnh báo rằng “bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào cũng là một thỏa thuận bẩn thỉu” cho Ukraine. Bà đưa ra tuyên bố này sau khi Donald Trump và Vladimir Putin đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Pete Hegseth, dường như đã rút lại tuyên bố trước đó rằng việc Ukraine gia nhập NATO là điều “không thực tế.” Hôm thứ Năm, ông khẳng định “mọi lựa chọn vẫn đang được cân nhắc.”
Ông Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ. Tổng thống đã ra lệnh cho các cố vấn tính toán mức thuế mới để hợp với các loại thuế mà các nước khác đang áp dụng đối với hàng Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ khi nào các mức thuế này có hiệu lực, nhưng chính quyền cho biết họ sẽ ưu tiên các nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.
Elon Musk cho biết trong một hồ sơ pháp lý rằng ông sẽ từ bỏ kế hoạch mua lại OpenAI nếu công ty này đồng ý duy trì mô hình phi lợi nhuận. Trước đó trong tuần, ông Musk đã đề nghị mua lại OpenAI với giá 97 tỷ USD, nhưng bị Sam Altman, giám đốc điều hành của công ty, từ chối. Ông Musk từng là một trong những người sáng lập OpenAI nhưng sau đó rời đi để thành lập công ty trí tuệ nhân tạo riêng, và hiện có ý định làm suy yếu đối thủ của mình.
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn Robert F. Kennedy Jr. vào vị trí lãnh đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS). Ông Kennedy là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong nội các của Donald Trump do lập trường chống vắc-xin. Mitch McConnell, cựu lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, là thành viên đảng Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu chống lại ông Kennedy. Không có thượng nghị sĩ Dân chủ nào ủng hộ ông. Ông Kennedy cam kết sẽ “Làm nước Mỹ khỏe mạnh trở lại” (Make America Healthy Again).
Hamas thông báo tiếp tục thả con tin theo thỏa thuận ngừng bắn với Israel. Trước đó vào thứ Hai, nhóm vũ trang này đã đe dọa trì hoãn việc thả ba con tin người Israel mà họ đã đồng ý trao trả hôm thứ Bảy tuần trước, với cáo buộc Israel vi phạm lệnh ngừng bắn ở Gaza. Israel cảnh báo họ có thể quay trở lại “giao tranh ác liệt” tại khu vực.
Giá cả tại Argentina tăng 2,2% trong tháng 1 so với tháng trước đó, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020 và giảm mạnh so với mức 20,6% cùng kỳ năm ngoái. Khi tổng thống Javier Milei nhậm chức vào tháng 12 năm 2023, ông đã phá giá đồng peso vốn bị định giá quá cao, khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong ba thập niên. Kể từ đó, ông đã cắt giảm chi tiêu chính phủ khoảng 30% theo giá trị thực.
Các cuộc đàm phán sáp nhập giữa Honda và Nissan đã đổ vỡ. Thỏa thuận này, vốn cũng có sự tham gia của Mitsubishi Motors – một hãng xe nhỏ hơn, sẽ tạo ra một tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản trị giá khoảng 60 tỷ USD. Có tin cho thấy Nissan – công ty dự kiến lỗ hơn 530 triệu USD trong năm 2024 – không muốn trở thành công ty con của Honda. Cả hai hãng xe cho biết họ vẫn sẽ hợp tác trong việc phát triển xe điện.
Con số trong ngày: 86% – tỷ lệ ngân sách của Lầu Năm Góc được phân bổ cho năm nhà thầu quốc phòng lớn.
TIÊU ĐIỂM
Trump phủ bóng lên Hội nghị An ninh Munich
Hội nghị An ninh Munich, khai mạc vào thứ Sáu, là cơ hội để thực hiện các nỗ lực ngoại giao kín đáo. Nhưng năm nay sẽ có nhiều đại biểu cảm thấy lo lắng. Hôm thứ Tư, Donald Trump tuyên bố ông đã có một cuộc điện đàm “hiệu quả” với tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine. Ông Trump không tham vấn trước với các đồng minh châu Âu hay tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuần này, ông Zelensky đã có một cuộc phỏng vấn với The Economist, trong đó ông cảnh báo ông Trump không nên tìm cách đạt một thỏa thuận song phương với Điện Kremlin.
Dường như để làm tăng thêm bầu không khí ảm đạm, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Pete Hegseth, đã tuyên bố Ukraine nên từ bỏ ý tưởng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất. Ông cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine sẽ chỉ đến từ châu Âu. Ông Hegseth còn khẳng định lục địa này sẽ phải tự chịu trách nhiệm về an ninh của mình trong tương lai. Ông Zelensky dự kiến sẽ gặp phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance bên lề hội nghị Munich, nhưng có lẽ ông khó nhận được bất kỳ sự trấn an nào.
Cơ quan Hiệu quả Chính phủ ra trước toà
Vào thứ Sáu, một tòa án liên bang ở New York sẽ nghe các lập luận trong vụ kiện do các bang do Dân chủ đệ trình nhằm ngăn các quan chức chính trị can thiệp vào Cục Dịch vụ Tài chính (Bureau of the Fiscal Service), bộ phận của Bộ Tài chính Mỹ chịu trách nhiệm chi trả gần như toàn bộ các khoản thanh toán của chính phủ. Vụ kiện này đã thu hút sự chú ý của Washington, khi nhiều người tò mò về những gì Elon Musk và Cơ quan Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency – DOGE) đang thực sự làm với ngân sách liên bang.
Tháng trước giám đốc của cục này, David Lebryk, đã từ chức, dường như là do bị một đồng minh của ông Musk ra lệnh dừng các khoản thanh toán cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Hôm 8 tháng 2, một thẩm phán đã ra lệnh tạm thời cấm các cộng sự của ông Musk truy cập vào hệ thống thanh toán, nơi chứa một số dữ liệu nhạy cảm nhất của chính phủ liên bang. Phó tổng thống J.D. Vance gợi ý rằng chính phủ có thể phớt lờ phán quyết. Phiên điều trần mới nhất sẽ xác định xem lệnh cấm có thể trở thành vĩnh viễn hay liệu DOGE có thể lấy lại quyền truy cập.
Lãnh đạo Serbia đối mặt với áp lực gia tăng
Các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo gần đây đã làm rung chuyển Serbia và sẽ tiếp tục với một cuộc tuần hành lớn tại thành phố trung tâm Kragujevac vào cuối tuần. Bất ổn bắt đầu từ tháng 11 sau khi mái vòm của một nhà ga xe lửa ở Novi Sad bị sập, khiến 15 người thiệt mạng. Người biểu tình cho rằng tham nhũng và can thiệp chính trị vào quá trình cải tạo nhà ga đã góp phần gây ra thảm họa. Họ cũng lên án sự suy giảm pháp quyền dưới thời đảng của tổng thống Aleksandar Vucic, vốn đang kiểm soát hầu hết các phương tiện truyền thông lớn và hệ thống tư pháp của Serbia.
Trong những tuần gần đây biểu tình đã lan rộng. Ngày 7 tháng 2, nông dân đã xông vào một tòa nhà chính quyền địa phương để phản đối kế hoạch cho phép khai thác lithium gần thị trấn Bogatic ở miền tây Serbia. Thủ tướng của ông Vucic đã từ chức trong nỗ lực kiềm chế tình trạng bất ổn, song không mấy hiệu quả. Vào thứ Bảy, ông Vucic sẽ tổ chức một cuộc mít tinh nhân Ngày Quốc khánh Serbia. Quyền lực của tổng thống đang bị đe dọa đáng kể, dù ông có thể cố tình phớt lờ.