Bên trong chuyến du lịch do Trung Quốc tài trợ để gây ảnh hưởng lên Đài Loan

Nguồn: Ian Huang, “Inside the CCP-Funded Travel Groups Looking to Influence Taiwanese,” The Diplomat, 24/03/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chuyến thăm của một nhóm thanh niên Đài Loan đến một số địa điểm lịch sử ít người biết đến không đơn thuần chỉ là một chuyến du lịch, mà là một phần của chiến lược tuyên truyền đã được tính toán.

“Này, tôi nghe nói có một nhóm du lịch miễn phí đến Hải Nam dành cho người Đài Loan từ 18 đến 40 tuổi. Nếu cậu là người đi du lịch lần đầu thì còn tuyệt hơn nữa,” Jeff, một du học sinh Đài Loan tại Trung Quốc, nói với tôi.

“Và nó còn hoàn toàn miễn phí,” cậu nói thêm.

Vì tò mò, tôi đã tham gia nhóm WeChat của họ sau khi được một người trong cuộc giới thiệu, và bắt đầu cuộc điều tra bí mật về sáng kiến kỳ lạ này.

Một hành trình bí mật

Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu bằng chuyến xe buýt kéo dài năm tiếng từ Macau đến Lôi Châu, một thành phố ít người biết đến ở miền nam Quảng Đông. Theo Metroverse, công cụ theo dõi kinh tế đô thị của Đại học Harvard, Lôi Châu xếp thứ 264 về GDP bình quân đầu người trong số 348 thành phố châu Á. Điểm đến này – vốn không phải là điểm nóng du lịch – đã làm tôi nảy sinh nghi ngờ.

Khi đến nơi, chúng tôi được chào đón bởi Tào Khang Vũ, Phó Thị trưởng Lôi Châu và cũng là thành viên của ủy ban thành phố, cùng nhiều quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khác. Họ dẫn chúng tôi đến một bữa tiệc chiêu đãi hoành tráng dành cho 30 người – điều không cần thiết đối với một nhóm chủ yếu là sinh viên. Sự tiếp đón này cho thấy một điều gì đó mang tính chiến lược hơn là một đoàn du lịch đơn thuần.

Bữa tiệc ở Lôi Châu. Ảnh của Ian Huang.

Một chuyến đi tuyên truyền được ngụy trang

Nhóm chúng tôi đã đăng ký đến thăm Hải Nam, mong đợi được ngắm bãi biển và cảnh quan nhiệt đới, nhưng hành trình thực tế lại được giữ bí mật. Mỗi buổi tối, chúng tôi nhận được thông tin chi tiết về lịch trình của ngày hôm sau, và nó khác xa so với mong đợi. Thay vì dành thời gian giải trí trên bãi biển Tam Á, nhóm chúng tôi đã phải lắng nghe các chương trình tuyên truyền.

Trong quá trình di chuyển đến các thành phố khác, chúng tôi dừng chân thăm Căn cứ Hải quân Trạm Giang, trụ sở của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Là nền tảng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc, căn cứ này là nơi neo đậu của một số tàu chiến tiên tiến nhất của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân, bao gồm tàu sân bay Sơn Đông Type 002, tàu đổ bộ trực thăng Type 075, và tàu khu trục Type 055.

“Những con tàu này là những tàu chiến tiên tiến nhất mà chúng tôi có, chúng tốt hơn hẳn tàu của Nhật Bản và Mỹ. Và chúng có thể giải quyết mọi xung đột trong thời gian rất ngắn,” hướng dẫn viên của chúng tôi nói, khoe khoang khả năng của hải quân, đồng thời ngầm báo hiệu quyết tâm của ĐCSTQ chống lại mọi ý niệm về nền độc lập của Đài Loan.

Tại Nhà tưởng niệm Trần Tân, một bài giảng đã thu hút sự chú ý của tôi. Nó khẳng định rằng các cộng đồng bản địa Đài Loan thực chất có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến, nghĩa là họ có tổ tiên là người Trung Quốc. Ngụy luận này xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, nhưng đã lần đầu tiên được giới học thuật Trung Quốc đề xuất một cách có hệ thống cách đây khoảng 25 năm. Dù tuyên bố này phù hợp với các luận điệu của ĐCSTQ, nhưng nó mâu thuẫn với các nghiên cứu được chấp nhận rộng rãi, trong đó xác định nguồn gốc ngôn ngữ Nam Đảo đến từ Formosa ở Đài Loan cách đây hơn 5.000 năm. Bằng chứng về ngôn ngữ học cho thấy các cộng đồng Nam Đảo đã di cư từ Đài Loan đến Philippines, Indonesia, và xa hơn đến các đảo Thái Bình Dương cách đây khoảng 4.000 năm.

Sự bóp méo lịch sử này đã được khuếch đại bởi một người Đài Loan bản địa trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Trung Quốc. Cuộc điều tra sau đó cho thấy người này là một doanh nhân Đài Loan đang điều hành một cơ sở du lịch văn hóa xuyên eo biển tại Trung Quốc, càng khiến bà ta gắn bó sâu hơn với các nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ.

Cái giá thực sự của những chuyến đi “miễn phí”

Ba ngày sau chuyến đi, lịch trình đã được cập nhật để bao gồm sự tham gia của một nhà báo. Diễn biến bất ngờ này càng làm tăng nghi ngờ xoay quanh mục đích thực sự của chuyến đi.

“Tôi đã từng tham gia các nhóm du lịch tương tự trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên có một nhà báo đi cùng,” một thành viên lớn tuổi trong đoàn cho biết.

Chi phí đi lại của chúng tôi được Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Hội đồng Thành phố Lôi Châu tài trợ, người tham gia chỉ phải chi trả vé máy bay khứ hồi đến Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyến đi “miễn phí” này đi kèm với một cái giá ngầm: những người tham gia đã vô tình trở thành công cụ tuyên truyền. Hình ảnh và lời chứng thực ca ngợi Trung Quốc của nhóm đã được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông nhà nước, tạo ra hình ảnh những thanh niên Đài Loan say mê Trung Quốc.

Ngay sau chuyến đi, truyền thông do nhà nước tài trợ của Lôi Châu đã đăng một bài báo có tiêu đề “Tiếp nối di sản và tập hợp thanh niên Đài Loan tại Lôi Châu.” Tiêu đề phụ nhấn mạnh việc tăng cường “giao lưu văn hóa và bản sắc dân tộc” giữa “hai bờ máu thịt,” và do đó cũng đóng khung chuyến đi theo cách khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Thông qua những trò thao túng tinh vi, ĐCSTQ đã biến những du khách ngây thơ trong những chuyến đi du lịch này thành đại sứ cho câu chuyện của mình. Những nhóm du lịch này, tuy có quy mô và chủ đề khác nhau, nhưng tất cả đều phục vụ một mục đích: tuyên truyền tầm nhìn của Trung Quốc về sự thống nhất hai bờ eo biển. Bằng cách để các hướng dẫn viên du lịch hoặc quan chức ĐCSTQ giới thiệu về sức mạnh đô thị hóa và quân sự, họ đang quảng bá hình ảnh một Trung Quốc hiện đại và thống nhất.

Vì không nhận ra những rủi ro, những du khách Đài Loan đã này trở thành quân tốt thí trong một trò chơi địa chính trị lớn hơn. Sự xâm nhập của ĐCSTQ vào nhận thức của người Đài Loan đang diễn ra từng bước, với từng nhóm du lịch một, dần dần làm xói mòn ranh giới ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc.

Sự can thiệp của Trung Quốc vào bầu cử ở Đài Loan thông qua du lịch

Vào năm 2023, các bản tin của PTS và CNA tiết lộ rằng ĐCSTQ đã sử dụng mạng lưới cộng tác viên địa phương, chẳng hạn như Phiến Lam Hội [một liên minh chính trị tại Đài Loan bao gồm Quốc Dân Đảng, Thân Dân Đảng, và Tân Đảng], để mời các trưởng thôn Đài Loan đến Trung Quốc du lịch với chi phí được trợ cấp hoặc chi phí thấp. Những chuyến đi này luôn đi kèm với hướng dẫn ủng hộ các ứng viên chính trị cụ thể.

Vào tháng 12/2023, Reuters ước tính số lượng lời mời như vậy là vài trăm, nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều.

Một trưởng thôn ở thành phố Đài Bắc đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn rằng chi phí đi lại rẻ hơn giá thị trường và có khá nhiều người muốn đăng ký những chuyến đi như vậy. Các nhóm thường được lên lịch trước khi khởi hành một tháng. Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc gửi lời mời một cách có chọn lọc, loại trừ những người có lập trường ủng hộ phe Lục (ủng hộ Đảng Dân Tiến) và chỉ chọn những người tham gia thuộc phe Lam (Quốc Dân Đảng) hoặc có khuynh hướng chính trị nghiêng về phe Lam.

Với việc số người Đài Loan tự nhận mình là người Trung Quốc giảm xuống còn 2,4%, theo khảo sát của Đại học Quốc lập Chính trị, Trung Quốc đã phải tăng cường “khuyến khích bầu cử thông qua du lịch.” Du khách Đài Loan được đưa đến Trung Quốc để nhận “tuyên truyền nội bộ chính thức” và kiểm chứng quan niệm rằng người Trung Quốc đang sống tốt dưới chính phủ Trung Quốc. Các trưởng thôn sử dụng “các nhóm riêng tư” để che giấu sự tham gia của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương của ĐCSTQ, đơn vị bí mật tài trợ cho các dự án này. Lời mời cũng mở rộng ra ngoài các trưởng thôn đến những nhân vật có ảnh hưởng ở địa phương, chẳng hạn như chủ tịch ủy ban quản lý cộng đồng tòa nhà, một ủy ban cộng đồng Đài Loan tương tự như hiệp hội chủ nhà.

Tác động của Trung Quốc tại Đài Loan

Ngoài ra, như một phần của các báo cáo điều tra về các mối đe dọa gián điệp do công dân Đài Loan nắm giữ bất hợp pháp cả quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan, Bộ Nội vụ Đài Loan đã phát hiện ra rằng có năm trưởng thôn có quốc tịch Trung Quốc. Bộ đã gửi thư đến các văn phòng địa phương của họ để giải quyết vấn đề này. Theo các quan chức, cả năm cá nhân này đều đến từ miền bắc Đài Loan. Nếu những trưởng thôn này không chịu từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, họ sẽ bị sa thải theo luật định. Theo luật pháp Đài Loan, công dân Đài Loan có đăng ký hộ khẩu tại Trung Quốc hoặc sử dụng hộ chiếu Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, bao gồm việc bị thu hồi hộ khẩu Đài Loan, chứng minh thư và hộ chiếu Đài Loan.

ĐCSTQ đang phá hoại nền dân chủ Đài Loan theo nhiều cách, và các nhóm du lịch chỉ là một trong những cách để đạt được mục tiêu này. Một con đường khác là TikTok, nền tảng mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty mẹ Trung Quốc là ByteDance.

Một cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Thông tin Đài Loan thực hiện cho thấy 34,8% người Đài Loan đang sử dụng TikTok. Những người dùng này, thuộc mọi lứa tuổi, đều có thiện cảm cao hơn đáng kể đối với Trung Quốc. Họ cũng chắc chắn hơn về ảnh hưởng tích cực của Trung Quốc đối với sự phát triển kinh tế của Đài Loan, và có xu hướng tin rằng “nền kinh tế Đài Loan đang thất bại,” vốn là những luận điểm được Bắc Kinh ưa thích.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan, cũng như các cuộc tranh luận trong nước về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đài Loan, các cơ quan thực thi pháp luật của Đài Loan đang hành động nhanh chóng để ngăn chặn công dân của họ tham gia vào các âm mưu này.

Tuy nhiên, những nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ vẫn sẽ có hiệu lực và sẽ tiếp tục diễn ra một cách âm thầm.

Ian Huang là nhà phân tích chính sách tại Safe Spaces, một công ty tư vấn chính sách có trụ sở tại Đài Loan và Washington, D.C. Công việc của ông tập trung vào quan hệ xuyên eo biển.