Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Các quan chức trong chính quyền Trump đã lên tiếng bảo vệ loạt thuế nhập khẩu nặng nề vừa được công bố. Bộ trưởng tài chính Scott Bessent nói sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán hôm thứ Năm và thứ Sáu chỉ là phản ứng “ngắn hạn” và không có lý do gì để tin rằng thuế quan sẽ gây ra suy thoái kinh tế. Chủ nhiệm Hội đồng Kinh tế Quốc gia, Kevin Hassett, thừa nhận giá cả có thể tăng, nhưng khẳng định nó sẽ không tạo ra “gánh nặng nặng nề” cho người tiêu dùng Mỹ. Một cố vấn thương mại kêu gọi người dân “đừng hoảng loạn.”
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cho biết họ sẽ không trả đũa mức thuế nhập khẩu 32% do Donald Trump áp đặt. Thay vào đó, bộ trưởng tài chính nước này cam kết sẽ đàm phán với Mỹ và tìm cách tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Cả khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi các mức thuế mới của Mỹ; doanh nghiệp Việt Nam đã đề nghị Mỹ hoãn áp dụng mức thuế 46% lên hàng hóa của họ.
Một cuộc không kích của Nga nhằm vào Kyiv, thủ đô của Ukraine, đã khiến ít nhất một người thiệt mạng và làm nhiều người khác bị thương. Thị trưởng Kyiv, ông Vitali Klitschko, cho biết có ba quận đang bị cháy lớn. Trước đó vào ngày thứ Sáu, Nga cũng tấn công Kryvyi Rih, quê hương của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng.
Mỹ hủy toàn bộ thị thực đã cấp cho công dân mang hộ chiếu Nam Sudan. Quyết định này được đưa ra sau khi Nam Sudan, vốn đang trên bờ vực nội chiến, từ chối tiếp nhận các công dân bị trục xuất từ Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cáo buộc chính phủ chuyển tiếp Nam Sudan đang “lợi dụng” nước Mỹ.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận binh lính của họ đã mắc sai lầm trong vụ sát hại 15 nhân viên cứu trợ ở Gaza hôm 23 tháng 3. Ban đầu IDF tuyên bố đoàn xe của những người này không bật đèn khi đi qua trạm kiểm soát của Israel. Song video từ điện thoại của một nạn nhân cho thấy các xe đều có đèn sáng rõ ràng.
Thiệt hại nhân mạng do trận động đất tại Myanmar hôm 28 tháng 3 đã tăng lên ít nhất 3.471 người. Mưa lớn và gió mạnh đã cản trở nỗ lực cứu hộ. Các tổ chức cứu trợ cảnh báo điều kiện khắc nghiệt, kết hợp với nhiệt độ cao, có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh. Liên Hợp Quốc một lần nữa kêu gọi viện trợ cho Myanmar; một quan chức cấp cao nói rằng thiệt hại tại Mandalay – thành phố lớn thứ hai của nước này – là “kinh hoàng.”
Ronin, một chú chuột túi châu Phi khổng lồ, đã lập kỷ lục mới khi phát hiện hơn 100 quả mìn tại Campuchia. Mìn từ các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau trong quá khứ đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng tại nước này trong bốn mươi năm qua. Những chú chuột như Ronin được huấn luyện để đánh hơi hóa chất có trong mìn. Sách Kỷ lục Guinness Thế giới đã gửi lời chúc mừng chú chuột vì “công việc quan trọng” này.
Con số trong ngày: 380.000 tấn, là sản lượng thiếc tinh luyện toàn cầu năm ngoái, so với 26 triệu tấn đồng.
TIÊU ĐIỂM
Chứng khoán toàn cầu sẽ trải qua một thứ Hai đầy lo lắng
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua một trong những đợt bán tháo nhanh nhất trong lịch sử sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế gây sốc hôm thứ Tư. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 10% chỉ trong hai ngày — mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 làm các thị trường tài chính tê liệt. Các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase hiện dự đoán kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Nhiều biến động thị trường hơn nữa có thể xảy ra nếu không có thay đổi chính sách nào được công bố trước khi các mức thuế cao nhất có hiệu lực từ ngày 9 tháng 4. Và nhiệm vụ hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang cũng không hề dễ dàng. Với tăng trưởng chậm lại và giá hàng hóa nhập khẩu tăng vọt, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ đang bị giằng xé giữa hai nhiệm vụ trái ngược nhau: giảm tỷ lệ thất nghiệp và giữ lạm phát ở mức khoảng 2%. Bất kỳ nhà đầu tư nào kỳ vọng Fed vội vã can thiệp bằng cách cắt giảm lãi suất mạnh đều có thể sẽ thất vọng.
Các bộ trưởng thương mại EU chuẩn bị phản ứng
Đối với châu Âu, việc ông Donald Trump leo thang chiến tranh thương mại hoá ra không tệ như dự đoán. EU không cần phải nhấn mạnh mức độ tàn phá và tự hại của các mức thuế mới — các thị trường tài chính đã làm điều đó thay cho họ. Trung Quốc, bằng cách lập tức trả đũa, cũng giúp EU đỡ phải phản ứng sớm. Nhưng vào thứ Hai, các bộ trưởng thương mại EU sẽ bắt đầu thảo luận về các biện pháp trả đũa đối với thép, nhôm, và ô tô của Mỹ. Đây giống như một cuộc diễn tập, và cho phép EU bắn ra một vài “phát súng cảnh báo.”
Một số biện pháp trả đũa từ thời nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã được tái kích hoạt (ví dụ như thuế lên xe mô tô). Hôm nay, các bộ trưởng sẽ trả đũa các mức thuế bổ sung lên kim loại mà ông Trump đặt ra với lý do an ninh quốc gia. EU dự kiến sẽ bắt đầu áp thuế lên tổng giá trị hàng hóa Mỹ thấp hơn, rồi sau đó leo thang nếu cần thiết.
Macron thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông
Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Ai Cập vào thứ Hai. Các cuộc xung đột trong khu vực sẽ là trọng tâm thảo luận. Vào thứ Ba, tổng thống Pháp sẽ đến Al-Arish trên bán đảo Sinai. Khu vực này nằm cách Rafah, một điểm nhập cảnh vào Gaza, khoảng 50km. Thảm họa nhân đạo tại đây đã trở nên trầm trọng thêm kể từ khi Israel chấm dứt lệnh ngừng bắn và phát động các đợt không kích mới nhắm vào Hamas.
Ông Macron đã gọi các cuộc không kích là “một bước lùi nghiêm trọng.” Israel nói họ phải phá vỡ lệnh ngừng bắn vì Hamas không trao trả thêm con tin; nhóm vũ trang này đã từ chối trả con tin theo đề xuất của Mỹ, vốn nhằm hướng tới ngừng bắn kéo dài. Ai Cập là một trong những nước đang làm trung gian giữa hai bên. Ông Macron muốn khuyến khích các cuộc thảo luận về tương lai của khu vực. Vào tháng Sáu, Pháp và Ả Rập Saudi sẽ đồng tổ chức hội nghị về “việc thực hiện giải pháp hai nhà nước” — một ý tưởng mà thủ tướng Israel, Binyamin Netanyahu, phản đối.
Đấu tranh chống lại Trump tại tòa án
Cuộc chiến chống lại chương trình nghị sự chính trị gây chấn động của Donald Trump không diễn ra tại Đồi Capitol, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện, mà là tại các tòa án. Một tổ chức bảo thủ đang thách thức loạt thuế quan của ông Trump. Và 23 tổng chưởng lý của các bang Dân chủ đang thách thức tính hợp hiến của nhiều sắc lệnh hành pháp — từ việc đóng cửa bộ giáo dục cho đến việc cắt giảm kinh phí y tế công. California và New York, hai bang lớn và giàu nhất của đảng Dân chủ, đang dẫn đầu làn sóng phản đối. Vào thứ Hai, các luật sư hàng đầu sẽ tập trung tại Nashville để trao đổi tại Hội nghị Chuyên đề của Hiệp hội Tổng Chưởng lý Quốc gia.
Tổng chưởng lý bang đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách quốc gia với quyền đệ đơn kiện liên bang lên các tòa án thân thiện. Các thẩm phán sau đó có quyền đặc biệt để ban hành lệnh cấm trên toàn quốc, từ đó vô hiệu hóa các sắc lệnh của tổng thống. Trên mặt trận này, phe Dân chủ đang nhìn thấy tia hy vọng. Trong hơn chục vụ kiện mà các bang đã đưa ra cho đến nay, phe Dân chủ giành được phán quyết có lợi trong ít nhất tám vụ.