Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Trump tariffs ironically cast spotlight on Beijing-led free trade,” Nikkei Asia, 17/04/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Mỹ đã đổi vai và hiện đang ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ theo kiểu Trung Quốc những năm 1990.
Một meme hài hước đen tối đang lan truyền trên mạng internet bị kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc, giải thích cách chính sách thuế cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm đảo ngược các cực chính trị toàn cầu.
Ở một cực là khối các quốc gia ký kết thỏa thuận do Bắc Kinh lãnh đạo, kêu gọi thương mại tự do và mở cửa. Ở cực kia là phe do Washington dẫn đầu, gồm các đồng minh của Mỹ, những người không có lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý với chính sách thương mại bảo hộ của Trump.
Meme này đặt tên cho các phe đối lập là Bắc Ước và Hoa Ước. Bắc là viết tắt của Bắc Kinh, và Hoa là viết tắt của Hoa Thịnh Đốn, từ tiếng Trung chỉ Washington.
Trong khi đó, từ Ước theo nghĩa đen có nghĩa là hợp đồng hoặc lời hứa.
Trò đùa ở đây là Bắc Ước chính là cách người Trung Quốc gọi NATO, liên minh quân sự phương Tây mà Trung Quốc ghét cay ghét đắng, và Hoa Ước là cách họ gọi Tổ chức Hiệp ước Warsaw, liên minh quân sự do Liên Xô đứng đầu, bao gồm các nước cộng sản ở Đông Âu và là đối thủ của NATO trong thời Chiến tranh Lạnh.
Trò đùa này ca ngợi vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh trong việc duy trì nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và mở cửa dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời châm biếm Washington khi họ đảo ngược chính sách dưới thời Trump để chống lại toàn cầu hóa và xây dựng bức tường ngăn chặn thương mại.
Nó cũng cho thấy bản chất thay đổi của NATO khi chính quyền Trump tách Mỹ khỏi liên minh này.
Vào những năm 1990, Trung Quốc đã áp dụng chính sách bảo hộ cao độ nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.
Nước này áp dụng mức thuế xe hơi từ 80% đến 100%, cao đến mức tình trạng buôn lậu xe nước ngoài trở nên vô cùng phổ biến dọc theo bờ biển nước này.
Vào cuối những năm 1990, khi đang giữ chức quyền tỉnh trưởng Phúc Kiến, Tập đã trả lời phỏng vấn của Nikkei.
Khi được hỏi về vấn đề gây chia rẽ là liệu Trung Quốc có nên trở thành thành viên WTO hay không, ông cho biết chính quyền tỉnh sẽ “hoàn toàn tôn trọng” quyết định cuối cùng của chính quyền trung ương – một câu trả lời mẫu mực với tư cách là một quan chức cấp cao của chính quyền địa phương.
Nhưng thời thế đã thay đổi trong gần một phần tư thế kỷ kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO. Đặc biệt là gần đây. Sau khi thúc đẩy nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa suốt nhiều thập kỷ, nước Mỹ dưới thời Trump đã áp dụng lập trường bảo hộ cao độ và áp đặt mức thuế quan bổ sung lên tới 145% đối với Trung Quốc, khiến cả thế giới rùng mình.
Trong những hoàn cảnh như vậy, những gì từng được gọi là “đồng thuận Bắc Kinh” và “đồng thuận Washington” – hai bộ chính sách kinh tế đối lập – đang dần thay đổi hình thái.
Đồng thuận Bắc Kinh được tượng trưng bởi sự can thiệp của nhà nước vào thị trường và bởi các thị trường đóng cửa, trong khi đồng thuận Washington nhấn mạnh cơ chế thị trường, tự do và mở cửa.
Ý tưởng về thương mại tự do và toàn cầu hóa được dẫn đầu bởi Bắc Kinh, thủ đô của một quốc gia được cho là độc tài, nghe thật vô lý. Nhưng xét đến tình hình thế giới hiện tại, người ta chẳng thể gạt bỏ nó như một vở hài kịch đen.
Ngay sau đó, Tập đã biến Việt Nam thành quốc gia đầu tiên ông đến thăm kể từ khi trả đũa thuế quan của Trump và loại trừ khả năng thỏa hiệp với Mỹ
Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước ủng hộ chủ nghĩa Marx-Lenin. Hai nước láng giềng châu Á cũng có quan hệ hữu nghị với các quốc gia Đông Âu của Tổ chức Hiệp ước Warsaw.
Ngày nay, có rất ít quốc gia xã hội chủ nghĩa còn tồn tại trên thế giới. Trong số những quốc gia này, Trung Quốc và Việt Nam là những quốc gia duy nhất sử dụng nền kinh tế thị trường để đạt được tăng trưởng vượt bậc.
Trung Quốc có lý do chính đáng để nhắm đến Việt Nam như đối tác đầu tiên trong trật tự quốc tế mới.
Nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển sang hoạt động tại Việt Nam để tránh áp lực từ Mỹ. Nhưng vào ngày 02/04, chính quyền Trump đã công bố mức thuế “đối ứng” 46% lên Việt Nam, mức thuế cao thứ tư ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Campuchia, và Lào.
Tập, người đồng thời là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có cuộc gặp với Tô Lâm, lãnh đạo tối cao của Việt Nam và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Hà Nội vào thứ Hai ngày 14/04.
Tập đã rao giảng về thương mại tự do và thúc giục Tô Lâm thành lập một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến chống lại thuế quan của Trump.
Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam cam kết “mở cửa” và nên cùng nhau thúc đẩy “toàn cầu hóa kinh tế,” duy trì “hệ thống thương mại tự do toàn cầu,” và duy trì “sự ổn định của chuỗi công nghiệp và cung ứng.”
Tuy nhiên, chính quyền Trump đã gia hạn thời gian hoãn áp dụng mức thuế đối ứng cao hơn cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong vòng 90 ngày vào ngày 09/04, ngày mà các biện pháp này dự kiến có hiệu lực.
Mức thuế cơ bản 10%, vốn đã có hiệu lực trước đó, vẫn được giữ nguyên.
Vào ngày 04/04 – hai ngày sau khi chính phủ Mỹ công bố mức thuế quan đối ứng – Tô Lâm đã gọi điện cho Trump để nói rằng Hà Nội đã chuẩn bị đàm phán để cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm do Mỹ sản xuất xuống mức 0%.
Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Mỹ vì lợi ích quốc gia của mình. Rõ ràng là, như câu thành ngữ Trung Quốc “đồng sàng dị mộng,” Trung Quốc và Việt Nam đang “cùng nằm chung giường nhưng có những giấc mộng khác nhau.”
Hơn nữa, Việt Nam vẫn còn rất lo lắng về người láng giềng khổng lồ ở phía bắc của mình, một cảm giác lo lắng đã xuất hiện kể từ Chiến tranh Trung-Việt năm 1979.
Trước khi Tập có chuyến thăm Việt Nam, Malaysia và Campuchia, Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp quan trọng, một động thái phản ánh cảm giác khủng hoảng mạnh mẽ của chính quyền Tập về tình hình quốc tế hiện tại.
Hội nghị Trung ương về Công tác liên quan đến Các Nước láng giềng vừa được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 8 và 9 tháng 4, với sự tham dự của tất cả bảy thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng và do Tập lãnh đạo.
Tất cả 24 thành viên của Bộ Chính trị, ngoại trừ Hà Vệ Đông, một trong hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đều có mặt. Hà đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn một tháng. Cuộc họp khẩn cấp cũng quy tụ các đại sứ Trung Quốc đang công tác ở nước ngoài.
Không dễ để chính quyền Tập tiếp tục đứng vững trước thuế quan cao của Trump. Các phe Chiết Giang và Phúc Kiến là hai nhóm chính trị lớn ủng hộ Tập và là chìa khóa cho quyền lực của ông. Họ bao gồm các cấp dưới cũ của ông ở các tỉnh. Chính Tập đã đề bạt nhiều thành viên của các phe này vào các vị trí chính trị và quân sự quan trọng.
Nền kinh tế của Chiết Giang và Phúc Kiến đặc biệt phụ thuộc vào việc Mỹ mua hàng xuất khẩu của họ. Do đó, thuế quan của Trump sẽ gây áp lực nặng nề hơn cho họ so với các khu vực khác của Trung Quốc.

Năm 2024, sự phụ thuộc của Chiết Giang vào hàng xuất khẩu sang Mỹ là nặng nề nhất trong số các khu vực của Trung Quốc, trong khi của Phúc Kiến là nặng thứ năm, theo thông tin từ một cơ quan truyền thông kinh tế mới được nhiều người dân Trung Quốc tin tưởng.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc tuyên truyền về tự lực và tăng trưởng thương mại với các quốc gia khác ngoài Mỹ, nhưng Trung Quốc không thể dễ dàng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ, nếu họ muốn nền kinh tế của mình tiếp tục tăng trưởng.
Tập không thể không biết điều này; dù sao thì ông cũng từng làm việc ở Chiết Giang và Phúc Kiến.
Hơn nữa, trong một thời gian dài, Tập đã ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước, theo đó gây tổn hại cho khu vực tư nhân năng động. Ông thậm chí còn coi thường việc sử dụng thuật ngữ “hệ thống thương mại tự do,” vốn có thể đe dọa chế độ độc đảng của Trung Quốc.
Rõ ràng, cuộc chiến thuế quan leo thang sẽ trở thành cơn gió ngược đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Mặt khác, vẫn còn phải chờ xem cuộc chiến thuế quan sẽ tác động như thế nào đến chính trị Trung Quốc. Một số chuyên gia tin rằng mức thuế quan cao của Trump có thể mang lại cơn gió chính trị thuận lợi cho chính quyền Tập.
Họ giải thích rằng nếu đạt được sự đồng thuận về nhu cầu đoàn kết của đảng, chính phủ và nhân dân để vượt qua cơn bão, Tập sẽ là nhà lãnh đạo duy nhất có thể đối đầu ngang hàng với Trump.
Tập và Trump cuối cùng sẽ phải gặp mặt trực tiếp và chắc chắn điều này sẽ tác động đáng kể đến hướng đi tương lai của nền kinh tế toàn cầu.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.