Thế giới quan toàn những pháo đài đối địch của Trump

Nguồn: Yuval Noah Harari, “Yuval Noah Harari: Trump’s world of rival fortresses,” Financial Times, 18/04/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhà sử học, triết gia, và tác giả Yuval Noah Harari bình luận về quan điểm của Tổng thống Mỹ về tình trạng hỗn loạn toàn cầu hậu tự do, trong đó kẻ yếu luôn phải đầu hàng kẻ mạnh.

Điều đáng ngạc nhiên về các chính sách của Donald Trump là mọi người vẫn còn ngạc nhiên về chúng. Các tít báo luôn thể hiện sự sững sờ và hoài nghi bất cứ khi nào Trump tấn công một trụ cột khác của trật tự tự do toàn cầu – chẳng hạn như bằng cách ủng hộ các yêu sách của Nga đối với lãnh thổ Ukraine, cân nhắc việc sáp nhập Greenland, hoặc gây hỗn loạn tài chính bằng các thông báo về thuế quan. Tuy nhiên, các chính sách của ông rất nhất quán và tầm nhìn của ông về thế giới đã được xác định rõ ràng, đến mức ở giai đoạn này, chỉ có sự tự lừa dối có chủ ý mới có thể giải thích cho bất kỳ sự ngạc nhiên nào.

Những người ủng hộ trật tự tự do xem thế giới như một mạng lưới hợp tác đôi bên cùng có lợi. Họ tin rằng xung đột không phải là điều không thể tránh khỏi, vì hợp tác có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên. Niềm tin này có gốc rễ triết học sâu sắc. Những người theo chủ nghĩa tự do lập luận rằng tất cả con người đều chia sẻ một số kinh nghiệm và lợi ích chung, từ đó hình thành cơ sở cho các giá trị phổ quát, các thể chế toàn cầu, và luật pháp quốc tế. Ví dụ, tất cả con người đều ghét bệnh tật và có chung lợi ích trong việc ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, tất cả các quốc gia sẽ được hưởng lợi từ việc chia sẻ kiến thức y tế, các nỗ lực toàn cầu nhằm xóa bỏ dịch bệnh, và việc thành lập các thể chế như Tổ chức Y tế Thế giới để điều phối các nỗ lực như vậy. Tương tự, khi những người theo chủ nghĩa tự do nhìn vào dòng chảy của ý tưởng, hàng hóa, và con người giữa các quốc gia, họ có xu hướng hiểu nó theo hướng có lợi ích chung tiềm năng hơn là sự cạnh tranh và bóc lột không thể tránh khỏi.

Ngược lại, trong tầm nhìn của Trump, thế giới được xem như một trò chơi có tổng bằng không, trong đó mọi giao dịch đều có người thắng và kẻ thua. Do đó, dòng chảy của ý tưởng, hàng hóa, và con người về bản chất là đáng ngờ. Trong thế giới của Trump, các thỏa thuận, tổ chức, và luật pháp quốc tế không thể là gì khác ngoài một âm mưu làm suy yếu một số quốc gia và tăng cường sức mạnh cho những quốc gia khác – hoặc có lẽ là một âm mưu làm suy yếu tất cả các quốc gia và mang lại lợi ích cho một giới tinh hoa quốc tế nham hiểm.

Vậy, lựa chọn thay thế ưa thích của Trump là gì? Nếu ông ấy có thể định hình lại thế giới theo ý muốn của mình, nó sẽ trông như thế nào?

Thế giới lý tưởng của Trump là một bức tranh ghép gồm nhiều pháo đài khác nhau, nơi các quốc gia bị chia cắt bởi những bức tường tài chính, quân sự, văn hóa, và vật lý cao vút. Thế giới đó từ bỏ tiềm năng hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhưng Trump và những người theo chủ nghĩa dân túy cùng chí hướng lại lập luận rằng nó sẽ mang lại cho các quốc gia sự ổn định và hòa bình.

Tất nhiên, có một thành phần quan trọng còn thiếu trong tầm nhìn này. Hàng ngàn năm lịch sử dạy chúng ta rằng mỗi pháo đài có lẽ sẽ muốn có thêm một chút an ninh, thịnh vượng, và lãnh thổ cho riêng mình, với cái giá phải trả là các nước láng giềng. Trong trường hợp không có các giá trị phổ quát, các thể chế toàn cầu, và luật pháp quốc tế, các pháo đài đối địch sẽ giải quyết tranh chấp của họ như thế nào?

Giải pháp của Trump rất đơn giản: cách để ngăn chặn xung đột là kẻ yếu phải làm bất cứ điều gì kẻ mạnh yêu cầu. Theo quan điểm này, xung đột chỉ xảy ra khi kẻ yếu từ chối chấp nhận thực tế. Và vì thế, chiến tranh luôn là lỗi của kẻ yếu.

Khi Trump đổ lỗi cho Ukraine về cuộc xâm lược của Nga, nhiều người đã không thể hiểu nổi tại sao ông lại có thể có suy nghĩ vô lý như vậy. Một số người cho rằng ông đã bị tuyên truyền của Nga đánh lừa. Nhưng có một lời giải thích đơn giản hơn. Theo thế giới quan của Trump, những cân nhắc về công lý, đạo đức, và luật pháp quốc tế là không liên quan, và điều duy nhất quan trọng trong quan hệ quốc tế là quyền lực. Vì Ukraine yếu hơn Nga, nên họ phải đầu hàng. Trong tầm nhìn của Trump, hòa bình có nghĩa là đầu hàng, và vì Ukraine từ chối đầu hàng, nên chiến tranh là lỗi của họ.

Một logic tương tự cũng nằm sau kế hoạch sáp nhập Greenland của Trump. Theo logic đó, nếu nước yếu là Đan Mạch từ chối nhượng Greenland lại cho nước Mỹ mạnh hơn nhiều, và Mỹ sau đó xâm lược và chinh phục Greenland bằng vũ lực, thì Đan Mạch là bên chịu trách nhiệm duy nhất cho bất kỳ hành vi bạo lực và đổ máu nào.

Có ba vấn đề rõ ràng với ý tưởng rằng các pháo đài đối địch có thể tránh xung đột bằng cách chấp nhận thực tế và thực hiện các thỏa thuận.

Thứ nhất, nó vạch trần sự dối trá đằng sau lời hứa rằng trong một thế giới của những pháo đài, mọi người sẽ cảm thấy ít bị đe dọa hơn, và mọi quốc gia có thể tập trung vào việc phát triển các truyền thống và nền kinh tế của riêng mình một cách hòa bình. Trên thực tế, các pháo đài yếu hơn sẽ sớm bị nuốt chửng bởi các láng giềng mạnh hơn, những kẻ sẽ từ từ biến các pháo đài quốc gia thành các đế chế đa quốc gia rộng lớn.

Bản thân Trump cũng hiểu rõ về các kế hoạch đế quốc của riêng mình. Dù ra lệnh xây dựng các bức tường để bảo vệ lãnh thổ và tài nguyên của Mỹ, nhưng ông lại hướng ánh mắt tham lam đến lãnh thổ và tài nguyên của các quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh trước đây. Đan Mạch một lần nữa là một ví dụ điển hình. Suốt nhiều thập kỷ, họ là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ. Sau các cuộc tấn công ngày 11/09, Đan Mạch đã nhiệt tình thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước NATO. Bốn mươi bốn binh sĩ Đan Mạch đã thiệt mạng ở Afghanistan – tỷ lệ tử vong trên đầu người cao hơn hẳn tỷ lệ mà chính Mỹ phải chịu. Nhưng Trump không buồn nói “cảm ơn.” Thay vào đó, ông mong đợi Đan Mạch phải đầu hàng trước tham vọng đế quốc của mình. Ông rõ ràng muốn có chư hầu hơn là đồng minh.

Vấn đề thứ hai là vì không pháo đài nào có thể để mình rơi vào thế yếu, nên tất cả chúng sẽ phải chịu áp lực rất lớn để củng cố quân đội. Nguồn lực sẽ được chuyển hướng từ phát triển kinh tế và các chương trình phúc lợi sang quốc phòng. Các cuộc chạy đua vũ trang theo đó cũng làm giảm sự thịnh vượng của mọi người, mà không khiến bất kỳ ai cảm thấy an toàn hơn.

Thứ ba, tầm nhìn của Trump mong đợi kẻ yếu phải đầu hàng kẻ mạnh, nhưng nó không đưa ra phương pháp rõ ràng để xác định sức mạnh tương đối. Điều gì xảy ra nếu các quốc gia tính toán sai lầm, như thường xảy ra trong lịch sử? Năm 1965, người Mỹ tin chắc rằng họ mạnh hơn nhiều so với Bắc Việt, và bằng cách gây đủ áp lực, họ có thể buộc chính phủ ở Hà Nội phải thực hiện một thỏa thuận. Thế rồi, Bắc Việt từ chối thừa nhận sự vượt trội của Mỹ, kiên cường chống lại những khó khăn khổng lồ – và cuối cùng giành chiến thắng trong cuộc chiến. Làm sao Mỹ có thể biết trước rằng vị thế của họ thực sự yếu hơn?

Tương tự, vào năm 1914, cả Đức và Nga đều tin chắc rằng mình sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến vào đêm Giáng Sinh. Họ đã tính toán sai. Cuộc chiến diễn ra lâu hơn nhiều so với dự kiến của bất kỳ ai và liên quan đến nhiều diễn biến bất ngờ. Đến năm 1917, Đế chế Sa hoàng Nga bại trận đã bị nhấn chìm trong cuộc cách mạng, nhưng nước Đức cũng chẳng thể giành chiến thắng do sự can thiệp không lường trước của Mỹ. Vậy đáng lẽ Đức nên thực hiện một thỏa thuận vào năm 1914? Hay có lẽ Sa hoàng nên thừa nhận thực tế và đầu hàng theo các điều khoản của Đức?

Trong cuộc thương chiến hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ, ai nên làm điều hợp lý và đầu hàng trước? Bạn có thể trả lời rằng: thay vì nhìn thế giới như một cuộc chơi có tổng bằng không, tốt hơn là tất cả các quốc gia nên hợp tác để đảm bảo sự thịnh vượng chung. Nhưng nếu bạn nghĩ như vậy, bạn đang bác bỏ các tiền đề cơ bản trong tầm nhìn của Trump.

Tầm nhìn của Trump không phải điều gì mới lạ. Nó đã là tầm nhìn chiếm ưu thế trong hàng ngàn năm trước khi trật tự thế giới tự do trỗi dậy. Công thức của Trump đã được kiểm tra rất nhiều lần trước đây, đến mức chúng ta biết rõ nó thường dẫn đến đâu – đến một chu kỳ không bao giờ kết thúc của việc xây dựng đế chế và chiến tranh.

Tệ hơn nữa, trong thế kỷ 21, các pháo đài đối địch sẽ phải đối phó không chỉ với mối đe dọa chiến tranh xưa cũ, mà còn với cả những thách thức mới của biến đổi khí hậu và sự trỗi dậy của AI siêu thông minh. Nếu không có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ, sẽ không có cách nào để giải quyết những vấn đề toàn cầu này. Vì Trump không có giải pháp khả thi nào cho biến đổi khí hậu hoặc AI mất kiểm soát, nên chiến lược của ông ấy là đơn giản phủ nhận sự tồn tại của chúng.

Các quan ngại về sự ổn định của trật tự thế giới tự do đã gia tăng sau khi Trump lần đầu tiên được bầu làm Tổng thống Mỹ vào năm 2016. Sau một thập kỷ hỗn loạn và bất ổn, giờ đây chúng ta đã có một bức tranh rõ ràng về sự hỗn loạn của thế giới hậu tự do. Tầm nhìn tự do, xem thế giới như một mạng lưới hợp tác, đã được thay thế bằng tầm nhìn về thế giới như một bức tranh ghép của các pháo đài. Và bức tranh này đang được hiện thực hóa xung quanh chúng ta – các bức tường thành đang được xây dựng và các cây cầu dẫn vào cổng thành đang được nâng lên. Nếu điều này tiếp tục, kết quả ngắn hạn sẽ là thương chiến, chạy đua vũ trang, và bành trướng đế quốc. Kết quả dài hạn sẽ là chiến tranh toàn cầu, sự sụp đổ sinh thái, và AI vượt tầm kiểm soát.

Chúng ta có thể cảm thấy buồn bã và phẫn nộ trước những diễn biến này và cố gắng hết sức để đảo ngược chúng, nhưng không còn lý do gì để ngạc nhiên nữa. Đối với những người muốn bảo vệ tầm nhìn của Trump, họ nên trả lời một câu hỏi: làm thế nào để các pháo đài quốc gia đối địch có thể giải quyết các tranh chấp kinh tế và lãnh thổ của họ một cách hòa bình nếu không có các giá trị phổ quát hoặc luật pháp quốc tế ràng buộc?