Một số động thái liên quan đến thuế quan Mỹ – Trung dù không có đàm phán

Nguồn: James Palmer, “No Talk, but Some Action on U.S.-China Tariffs”, Foreign Policy, 29/04/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Bắc Kinh bác bỏ tuyên bố của ông Trump về các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nước.

Tiêu điểm tuần này: Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra phát ngôn mơ hồ về các cuộc đàm phán thuế quan với Trung Quốc; Giá thực phẩm ở Trung Quốc có thể tăng do thương chiến; Hạn chế mới của Mỹ đối với chip tác động đến cả những công nghệ kém tiên tiến hơn (so với trước đây), trong đó có dòng chip H20 của Nvidia.

Có hay không đàm phán thuế quan Mỹ – Trung?

Ông Trump nhiều lần khẳng định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với mình để bàn về thuế quan. Nhưng Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận, “Trung Quốc và Mỹ không tham gia vào bất cứ cuộc hội đàm hay đàm phán nào liên quan đến thuế quan”. Bên nào mới là bên nói thật?

Gần như chắc chắn rằng không có phiên đàm phán chính thức hay cuộc thảo luận cấp cao nào đang diễn ra. Điện đàm giữa hai bên lãnh đạo Mỹ – Trung thường đi kèm với thông cáo chung và được báo đài đưa tin, tuy nhiên không ghi nhận được tin tức nào về việc hai bên có những tiếp xúc chính thức và trực tiếp kể từ ngày 17 tháng 1, thời điểm trước khi ông Trump nhậm chức.

Khi Tổng thống Trump tuyên bố mình đã “nói chuyện với [ông Tập] nhiều lần”, ông Trump hoặc đang nói dối, hoặc đang nhầm lẫn với các cuộc đối thoại trước đây. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tỏ ý không đồng tình với phát ngôn của ông Trump, đồng thời ám chỉ Nhà Trắng vẫn muốn tìm một “đường lui” cho vấn đề thuế quan.

Lối nói mập mờ trên khó có thể tạo được thiện cảm với Bắc Kinh, họ ngày càng thẳng thừng phủ nhận mọi thông tin về các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không có động thái ngoại giao nào. Một phái đoàn Trung Quốc gần đây đã có mặt tại Washington để tham dự hội nghị mùa xuân thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (WB-IFM) và theo truyền thông Hàn Quốc, phái đoàn có thể đã âm thầm ghé thăm Bộ Tài chính Mỹ.

Giới chức và các chuyên gia kinh tế Trung Quốc đang gọi điện và gửi tin nhắn riêng cho các đầu mối liên hệ ở Mỹ tại các viện chính sách hoặc những người từng phục vụ chính quyền Biden, yêu cầu họ phân tích tương quan quyền lực trong nội bộ ê-kíp của ông Trump. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang cố tìm một cầu nối trung gian đáng tin cậy trong Nhà Trắng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tinh thần kiên trì, kiên cường cùng với sự kiên định của đất nước đối với các quy tắc thương mại hiện hành. Một bài bình luận đăng trên tài khoản mạng xã hội của tờ Bắc Kinh Nhật Báo còn nhắc đến loạt diễn thuyết “Bàn về chiến tranh trường kỳ” (On Protracted War) của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông để lý giải cho xung đột thương mại này.

Tuy nhiên không nên xem đây là một dấu hiệu chiến lược. Truyền thông Trung Quốc thường chứa đựng lời lẽ đậm chất chủ nghĩa dân tộc, các biên tập viên thường làm việc theo hướng mà họ nghĩ giới lãnh đạo muốn, đặc biệt khi họ sử dụng “giọng văn mang tư tưởng Mao”. Lời kêu gọi phản kháng thuế quan của Mỹ hôm nay có thể nhường chỗ cho lời lẽ tán dương chuyện đàm phán ngoại giao một cách dễ dàng vào ngày hôm sau.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã âm thầm miễn trừ thuế cho một số hàng hoá nhất định – ví dụ như một số dược phẩm, linh kiện hàng không vũ trụ và vi mạch – dù hai bên vẫn giữ giọng điệu cứng rắn. Nhưng Bắc Kinh sẽ không dễ gì thể hiện hành động nhún nhường như những gì ông Trump kỳ vọng ở các đối tác thương mại khác, hay dù chỉ là những hành động tượng trưng như Canada và Mexico đã làm với fentanyl. Mọi sự xuống thang có lẽ phải bắt đầu từ phía Washington trước.

Một lý do để tham gia vào những cuộc đàm phán từ sớm là để xem đối phương đang nghĩ gì – nhưng thẳng thắn mà nói, Trung Quốc có lẽ không cần làm vậy. An ninh mạng của Mỹ đang rệu rã, nhiều quan chức trong chính quyền Trump đang xử lý công việc của chính quyền trên điện thoại cá nhân vốn dễ bị tấn công và chứa những thông tin dễ bị thu thập.

Do đó, các cơ quan tình báo Trung Quốc và các nước khác được cho là đang có khả năng tiếp cận các cuộc thảo luận nội bộ của Mỹ dễ dàng hơn bao giờ hết. Vấn đề lớn nhất của họ có lẽ là ngay cả các viên chức cấp cao của Trump dường như cũng không biết kế hoạch của chính quyền là gì.

Nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu cảm nhận được tác động tiêu cực. Các cảng ở bờ Tây, từ Seattle cho đến Los Angeles, ghi nhận lượng hàng hoá từ Trung Quốc sụt giảm. Ảnh hưởng sẽ lan rộng khắp nhiều lĩnh vực của Mỹ: ảnh hưởng đến ngay tức thì với các ngành sản xuất tại Trung Quốc như dệt may, đồ chơi và trò chơi điện tử, đến chậm hơn với những ngành phụ thuộc gián tiếp vào nhà máy Trung Quốc.

Trong khi phần lớn công chúng Mỹ phản đối thuế quan của ông Trump thì ở Trung Quốc, thương chiến lại khơi dậy lòng tự hào dân tộc – lần cao trào gần đây nhất là vào năm 2020, khi đất nước có những thành công bước đầu trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhưng lại trì hoãn các gói kích thích kinh tế, chính điều này đã khiến giới đầu tư thất vọng.

Về phần mình, chính quyền Trump đã làm rất ít hoặc không làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, ngoại trừ việc đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về việc bãi bỏ thuế thu nhập cho người tiêu dùng và công kích Amazon vì bị cho là có dự định nêu rõ chi phí thuế quan trên trang web của công ty. (Amazon sau đó nói rằng họ không có ý định thực hiện những thay đổi như vậy).

Dù là “lưỡng bại câu thương” nhưng Trung Quốc vẫn có thể chịu đựng được lâu hơn nhiều trước khi chấp nhận thất bại.

Tin tức được quan tâm

Giá thực phẩm tăng cao. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà cán cân thương mại Mỹ – Trung nghiêng về phía Mỹ. Nguy cơ đánh mất thị trường Trung Quốc khiến triển vọng của nông dân Mỹ, những người vốn đang trong khủng hoảng, trở nên xấu đi. Tuy nhiên, chính nông nghiệp cũng có thể trở thành một đòn bẩy then chốt cho Washington.

Vào tuần trước, Trung Quốc huỷ đơn đặt hàng 12.300 tấn thịt lợn Mỹ, loại thịt ưa thích của người tiêu dùng Trung Quốc. Giá thịt lợn tại Trung Quốc vốn đã cao, một phần là vì dịch cúm lợn bùng phát. Việc mất đi nguồn thịt từ Mỹ có thể đẩy giá thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Mỹ nhằm tận dụng chi phí thực phẩm làm đòn bẩy trong đàm phán thương mại có lẽ chỉ tạo được áp lực trong ngắn hạn: Doanh nghiệp Trung Quốc hiện đã bắt đầu tìm nguồn cung thay thế, đặc biệt là từ Brazil.

Sự biến mất của các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có lẽ cũng làm lộ ra tình trạng tham nhũng khi mà chính phủ Trung Quốc thanh tra việc sản xuất nội địa sát sao hơn: Vào hôm thứ Hai, ông Ngô Kỳ Tu (Wu Qiu Xiu), Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp thuộc Bộ Tài chính, được công bố là đang bị điều tra.

Miễn thuế đối với vật tư y tế. Một lĩnh vực thiết yếu khác trong thương mại Mỹ – Trung là vật tư y tế, trong đó Bắc Kinh đã cho phép miễn thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ. Một điều đáng ngạc nhiên là Mỹ vẫn chưa áp dụng miễn trừ, trong khi bệnh viện và ngành dược phẩm Mỹ phụ thuộc vào thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cùng các thiết bị y tế khác nhập từ Trung Quốc.

Do vậy, thuế quan nhiều khả năng sẽ đẩy giá dịch vụ y tế tăng vọt ngay tức thì và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng tại Mỹ, tương tự như kịch bản đã từng xảy ra trong giai đoạn đầu đại dịch – khi đó, nhu cầu nội địa ở Trung Quốc bùng nổ đã khiến các bệnh viện Mỹ rơi vào tình trạng thiếu hụt PPE trầm trọng.

Vật tư y tế là minh hoạ rõ nhất cho thấy việc đưa sản xuất trở lại Mỹ – một ưu tiên hàng đầu của ông Trump – khó khăn đến mức nào. Đại dịch đã cho thấy, duy trì nguồn cung nội địa là một nhu cầu chiến lược thực chất, tuy vậy điều đó vẫn không ngăn được hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường Mỹ ngay khi nhu cầu cấp bách ấy hạ nhiệt.

Công nghệ và Kinh doanh

Lệnh trừng phạt chip ở một cấp độ thấp hơn. Đợt hạn chế mới nhất của Mỹ đối với chip đang nhắm vào cả những công nghệ kém tiên tiến hơn so với trước đó, trong đó có chip H20 của Nvidia, loại chip được thiết kế riêng để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Thông tin ban đầu cho rằng, chính quyền Trump sẽ không áp dụng các hạn chế như vậy sau khi ông Trump dùng bữa tối với CEO Nvidia Jensen Huang vào ngày 4 tháng 4.

Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý từ Nvidia và các tập đoàn lớn khác cho thấy, tuy các loại chip này không bị cấm hoàn toàn, nhưng giờ đây chúng cần giấy phép – một gánh nặng chi phí đáng kể cho các nhà sản xuất. Các công ty Trung Quốc đã tích trữ lượng lớn chip để đề phòng các lệnh trừng phạt tiếp theo. Động thái mới nhất này có thể trở thành chất xúc tác tiếp theo thúc đẩy tham vọng lâu nay của Trung Quốc là xây dựng ngành công nghiệp vi mạch nội địa.

Phản ứng dữ dội với Temu và Shein. Kể từ thứ Sáu tuần trước, hai nền tảng dropshipping (bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển trung gian) nổi tiếng là Temu và Shein đã bắt đầu hiển thị chi phí thuế quan trên giá sản phẩm, khiến cho người tiêu dùng Mỹ – những ai không theo dõi chính trị quốc tế – cảm thấy bàng hoàng. Một số mặt hàng thậm chí tăng giá hơn 300%.

Giá cả tăng mạnh vừa do thuế quan của Mỹ, vừa do việc bãi bỏ quy định miễn thuế de minimis (miễn thuế đơn hàng giá trị nhỏ) – một quy định đã góp phần thúc đẩy đáng kể doanh số của các kiện hàng có giá trị nhỏ trong thập kỷ qua. Tiktok hiện tràn ngập các video thảo luận về tác động của mức giá mới, theo đó nghiên cứu cho thấy, mức giá mới nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới nhóm có thu nhập thấp và nhóm người tiêu dùng thiểu số.