Nguồn: The Economist, “What it means to have an American on the throne of St Peter”, 08/03/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy
Cuối cùng thì Donald Trump đã không được chọn làm Giáo hoàng, dù ông từng nói đùa như vậy. Nhưng vào ngày 8 tháng 5, các hồng y của Giáo hội Công giáo La Mã đã bầu một người Mỹ, phá vỡ điều cấm kỵ về việc đồng nhất một siêu cường quốc địa chính trị với một quyền lực tinh thần.
Khó có khả năng tổng thống Mỹ sẽ vui mừng với việc Hồng y Robert Prevost được chọn. Vị Giáo hoàng mới đã gửi đi thông điệp đầu tiên về ý định của mình khi chọn tên hiệu là Leo XIV: một sự tôn kính đối với vị Giáo hoàng cuối cùng mang tên này, người trị vì từ năm 1878 đến 1903. Giáo hoàng Leo XIII là một người có tư tưởng tiến bộ theo tiêu chuẩn thời đại của ông. Nổi tiếng với những nỗ lực hòa nhập với thế giới hiện đại, ông là cha đẻ của học thuyết xã hội Công giáo và là tác giả của một thông điệp quan trọng, Rerum Novarum (Tân sự).
Nhưng các hồng y cũng bỏ phiếu cho sự thống nhất và thỏa hiệp. Giáo hoàng Leo nổi tiếng là người kín đáo và dè dặt. Ông không phải là một người cấp tiến. Những hồng y bầu chọn ông đã gạt bỏ những ứng viên thân cận hơn với phe tự do trong Giáo hội, và thay vào đó quyết định chọn một người mà họ tin rằng có thể thu hẹp được hố sâu ngăn cách giữa những người cấp tiến và những người bảo thủ trong Công giáo.
Phát biểu mạnh mẽ và lưu loát bằng tiếng Ý từ ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, vị Giáo hoàng mới 69 tuổi đã bắt đầu bài phát biểu đầu tiên của mình với tư cách là Giáo hoàng bằng những lời “Bình an cho tất cả anh chị em”. Lặp đi lặp lại trong bài phát biểu sau đó, Đức Leo XIV với làn da rám nắng và đeo kính đã nhắc đến khái niệm hòa bình, đi kèm với các khái niệm công lý, bác ái và, trong một trường hợp, một Giáo hội “mở cửa cho tất cả mọi người”.
Vị Giáo hoàng sinh ra ở Chicago này hầu như không phải là một người Mỹ điển hình. Ông đã dành phần lớn cuộc đời mình ở Peru với tư cách là một nhà truyền giáo, phục vụ như một cha xứ, giáo viên và sau đó là giám mục. Ông trở thành công dân Peru vào năm 2015 và do đó có hai quốc tịch. Giáo hoàng Leo XIV đã lãnh đạo dòng tu Augustino mà ông thuộc về. Và trong hai năm qua, ông phụ trách một trong những bộ phận quan trọng nhất của Vatican, nơi giám sát việc xem xét các ứng cử viên giám mục.
Trong số những câu hỏi cấp bách nhất mà các hồng y cử tri phải trả lời là liệu, trong một thời điểm đầy biến động của tình hình quốc tế, họ có muốn một vị Giáo hoàng sẵn sàng sử dụng uy quyền đạo đức của Giáo hoàng theo cách mà người tiền nhiệm của ông đã làm hay không, để thách thức các nguyên tắc của cánh hữu dân túy mới, đặc biệt là về vấn đề di cư. Khi bầu chọn Đức Leo XVI, người đã trích dẫn Đức Francis trong bài phát biểu đầu tiên của mình, họ đã chọn một sự tiếp nối đáng kể với cách tiếp cận của vị Giáo hoàng quá cố. Việc chọn một người Mỹ có tư tưởng toàn cầu khác thường như vậy dường như là một hành động chống đối trực tiếp ông Trump và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của ông ta. Trên X, một nền tảng truyền thông xã hội, khi đó Hồng y Prevost đã chỉ trích Phó Tổng thống J.D. Vance về quan điểm của ông đối với vấn đề nhập cư. Ông cũng đã đăng lại một bài đăng lên án thái độ của tổng thống đối với Kilmar Abrego Garcia, người đã bị trục xuất từ Mỹ về El Salvador.
Vị Giáo hoàng người Mỹ chia sẻ những lo ngại về môi trường của người tiền nhiệm và ủng hộ việc phân quyền Giáo hội mà Giáo hoàng Francis đã khuyến khích (trong giới hạn chặt chẽ). “Quyền thống trị thiên nhiên” – nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho nhân loại – không nên trở thành “bạo ngược”, ngài đã nói tại một hội thảo ở Rome năm ngoái. Nó phải là một “mối quan hệ tương hỗ”.
Nhưng Đức Leo XIV kiên quyết phản đối việc phụ nữ được phong chức thánh làm phó tế, chứ đừng nói đến linh mục. Và ông có khả năng sẽ không chào đón những người đồng tính như người tiền nhiệm của mình. Trong một bài phát biểu năm 2012 trước các giám mục, ông bày tỏ sự tiếc nuối về việc cổ xúy “sự thông cảm đối với những niềm tin và hành vi trái với phúc âm”, trích dẫn ví dụ như “lối sống đồng tính” và “các gia đình thay thế bao gồm các cặp đồng giới và con nuôi của họ”.
Mật nghị một lần nữa xác nhận câu nói “người vào mật nghị là hồng y, người ra là giáo hoàng”. Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Đức Francis, là ứng cử viên sáng giá nhất theo đánh giá của giới cá cược. Kết quả cũng trái ngược với những dự đoán về một cuộc bầu cử kéo dài. Giáo hoàng Leo đã được chọn ở kỳ bỏ phiếu thứ tư một ngày sau khi mật nghị khai mạc. Ngài trở thành người thứ 267 ngồi trên ngai thánh Phêrô vào thời điểm khủng hoảng và thay đổi. Nhưng trong suốt hai thiên niên kỷ tồn tại, các Giáo hoàng đã chứng kiến rất nhiều điều tương tự.