Nguồn: Ân Chi Quang, 殷之光:我们为什么要讨论全球南方?, Sina Finance, 13/05/2025.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Ngày nay, giới lý thuyết quan hệ quốc tế phương Tây cho thấy sự nghèo nàn “triết học” rõ ràng khi thảo luận về “phương Nam toàn cầu” (Global South). Các nhà lý thuyết quan hệ quốc tế, các nhà phân tích chính sách và ý kiến của giới truyền thông đại chúng tới từ các nước thuộc nhóm G7 thường có xu hướng sử dụng các khái niệm mang đậm dấu ấn kinh nghiệm lịch sử phương Tây, như liên minh chính trị hay liên minh quốc gia, để giải thích về khái niệm “phương Nam toàn cầu”.
Theo cách tiếp cận áp dụng khái niệm này một cách cứng nhắc, một số học giả cho rằng “phương Nam toàn cầu” không có sự thống nhất và mang ý nghĩa mơ hồ, không thể được áp dụng như một phạm trù phân tích trong các cuộc thảo luận về quan hệ quốc tế. Lý do khiến các nước “phương Nam toàn cầu” không có sự thống nhất là do sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế, sức mạnh quốc gia và thậm chí cả văn hóa của các nước này. So với các liên minh quốc gia như G7 hay NATO, “phương Nam toàn cầu” rõ ràng thiếu sự thống nhất nội tại và không có khả năng hoạt động như một tập thể thực thụ hay tạo ra các hành động thống nhất mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Các học giả khác nhấn mạnh rằng “phương Nam toàn cầu” nhiều nhất cũng chỉ có thể được coi là một “phe phái toàn cầu phi chính thức, được xây dựng và đang phát triển, chứ không phải một thực thể chính trị chính thức và xác định”. Ngược lại, với tư cách là “nhóm chính trị lâu đời nhất và thống nhất nhất”, “phương Tây toàn cầu” hiện đã trở thành một cực quan trọng của thế giới theo “hệ thống liên minh do Mỹ dẫn dắt”.
Nhận thức này nhấn mạnh rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đặt ra thách thức đối với các nguyên tắc trật tự của các quốc gia dân chủ thuộc “phương Tây toàn cầu”. Tuy nhiên, Trung Quốc không thuộc “phương Nam toàn cầu” mà cùng với Nga tạo thành một cực có thể được gọi là “phương Đông toàn cầu”. Phương Đông toàn cầu, phương Tây toàn cầu và phương Nam toàn cầu cùng nhau tạo nên cục diện “ba thế giới” hiện nay. Trật tự thế giới chính là cuộc cạnh tranh giữa ba nhóm chính trị này.
Điều đáng chú ý là, theo nhận thức này, “phương Nam toàn cầu” không phải là chủ thể của cuộc cạnh tranh, mà là đối tượng bị tranh giành giữa “phương Tây toàn cầu” và “phương Đông toàn cầu” đang nổi lên. Cuộc cạnh tranh toàn cầu lưỡng cực này giữa Đông và Tây, với phương Nam toàn cầu/Thế giới thứ ba là chiến trường ý thức hệ, chắc chắn phản ánh nhận thức của phương Tây về cục diện Chiến tranh Lạnh. Bằng cách xây dựng Trung Quốc như một cực, một mặt, họ phủ nhận ý nghĩa lịch sử đằng sau sự thức tỉnh về tính chủ động chính trị của phương Nam toàn cầu trong thế giới ngày nay; mặt khác, họ biến sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một câu chuyện về “cuộc tranh giành bá quyền giữa các cường quốc” mà chắc chắn sẽ nảy sinh dưới trật tự quan lấy bá quyền làm trung tâm.
Tại sao lại nảy sinh tình trạng nghèo nàn về mặt triết học này? Chúng tôi nhận thấy rằng, trong khung nhận thức luận theo thuyết bản chất (essentialism) hiện nay, mọi người cố gắng hiểu “phương Nam toàn cầu” – vốn là một khái niệm động – như một tập hợp các quốc gia có bản chất nội tại và các thuộc tính cố hữu tương tự nhau. Các phạm trù như văn hóa, cấu trúc kinh tế-xã hội, môi trường địa lý, hệ thống chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, ý thức hệ, giai đoạn phát triển kinh tế và thu nhập quốc dân… đều được đưa vào cuộc thảo luận này dưới sự thúc đẩy của mong muốn bản chất hóa, và đã bị chuyển đổi thành các chỉ số và bị cố định hóa một cách thiếu suy xét, để đo lường xem liệu một quốc gia có thuộc “phương Nam toàn cầu” hay không.
Đồng thời, nhận thức luận theo thuyết bản chất này cũng bỏ qua thực tế rằng tính liên tục và tính biến đổi của lịch sử cũng là một phần động lực phát triển của loài người. Vì vậy, trong quá trình phát triển và tương tác, ảnh hưởng đối với hành vi của chủ thể của các yếu tố như ý định chủ quan, ý chí chính trị, thậm chí cả các đặc tính văn minh và văn hóa được truyền lại qua kinh nghiệm lịch sử, đều bị làm mờ đi. Quy mô và sức mạnh, cũng như sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, do sự bá quyền mang tính cấu trúc mà hệ thống quốc tế hiện nay mang lại, cũng bị bỏ qua.
Tình thế mà thuyết bản chất này dẫn đến cũng ảnh hưởng đến cách Trung Quốc tự nhận thức về chính mình. Trung Quốc ngày nay liên tục bị gọi là “đế quốc nền văn minh” (civilizational empire) và “chủ nghĩa thực dân định cư” (settler colonialism), và thực thi “chủ nghĩa trọng thương mới” (neo-mercantilism), “chủ nghĩa đế quốc kinh tế” (economic imperialism), “học thuyết Monroe mới” (neo-Meonroe doctrine) và “chủ nghĩa đế quốc mới” (neo-imperialism) với bên ngoài. Chúng ta có thể cảm nhận rằng, những từ ngữ này khác xa so với nhận thức của chúng ta về bản thân, nhưng thật khó có thể tìm ra ngôn từ phù hợp để phản bác.
Tóm lại, sự nghèo nàn về mặt triết học này khiến chúng ta trở nên bối rối khi giải quyết các khái niệm như “phương Nam toàn cầu”, hoặc thậm chí là “khu vực” và “quốc gia”. Một thế giới tổng thể, có mối quan hệ, phức tạp, nhiều lớp đan xen và liên tục thay đổi dường như đã bị biến thành những mảnh ghép cơ học “quốc gia” rời rạc, độc lập, thuần túy và tĩnh tại. Sự nghèo nàn về mặt triết học này khi nghiên cứu “phương Nam toàn cầu” chính là điểm khởi đầu để chúng ta bắt đầu suy nghĩ về cách vượt qua các rào cản nhận thức luận và khám phá việc xây dựng một “hệ thống nhận thức tự chủ”.
Trên thực tế, triết học lịch sử dựa trên phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Marx cung cấp cho chúng ta một khung nhận thức luận để hiểu về thế giới động. Nhận thức luận này nhấn mạnh đến việc xem xét thế giới một cách tổng thể, trong thời gian dài và mang tính động, thay vì chỉ đơn thuần quy giản những sự vật vốn luôn không ngừng thay đổi thành một “bản chất” tĩnh tại. Hãy lấy cuộc thảo luận về vấn đề “phương Nam toàn cầu” làm ví dụ. Trong cuộc thảo luận ngày hôm nay về vấn đề phương Nam toàn cầu, một điểm cực kỳ then chốt nhưng dễ bị bỏ qua chính là tính “toàn cầu” của vấn đề này.
Thế giới là một khái niệm mang tính tổng thể. Các cuộc thảo luận về “toàn cầu hóa” trong 40 năm qua đã nhấn mạnh rằng, sự phân công lao động công nghiệp được mở rộng trên quy mô toàn cầu dường như đã kết nối lại một thế giới vốn bị chia cắt bởi biên giới quốc gia và dân tộc. Những tiến bộ về công nghệ cũng làm giảm đáng kể chi phí di chuyển của người dân. Vào đầu thế kỷ 20, khi Lương Khải Siêu thấy “tàu thuyền, đường sắt và dây điện có thể vươn tới hàng nghìn dặm trong chớp mắt và dường như có một phương thức bí mật nào đó để thu hẹp quả đất”, ông đã cảm thán rằng “Thái Bình Dương đã biến thành hồ nước”. Đến thế kỷ 21, sự tiến bộ về mặt vật chất này đã khiến không ít người cảm thấy rằng “ngôi làng toàn cầu” đang dần trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, cảm thức về tính “toàn cầu” này có lẽ không phổ biến như chúng ta nghĩ. Điều hỗ trợ cho tính “toàn cầu” này chính là cách phân bố cực kỳ không đồng đều của sự phát triển vật chất. Hệ thống thế giới được xây dựng dựa trên sự phân công lao động toàn cầu này, thông qua các tuyến vận chuyển trên biển và hàng không điểm đến điểm, cũng như các tuyến thông tin được tạo ra dọc theo các tuyến thương mại đó, đã kết nối thế giới thành một mạng lưới với đầy những lỗ hổng. Không khó để nhận thấy trên bản đồ rằng các tuyến thương mại và thông tin kết nối mạng lưới thế giới này cuối cùng sẽ hội tụ tại một vài nút chính, từ đó hình thành một cấu trúc “trung tâm-ngoại vi” rõ ràng.
Trong mạng lưới thế giới này, các ngoại vi chỉ có thể kết nối với nhau thông qua trung tâm. Mạng lưới thế giới này chắc chắn đã tổ chức thế giới thành một tổng thể, nhưng qua các lỗ hổng của nó, chúng ta có thể thấy nhiều nhóm người và quốc gia hơn nữa bị lọt qua những lỗ hổng này và rơi vào tình trạng bị lãng quên.
Điểm khởi đầu cho cuộc thảo luận về các vấn đề của phương Nam toàn cầu là việc thừa nhận tình trạng mất cân bằng và bất bình đẳng mà mạng lưới thế giới này tạo ra. Cuộc thảo luận này mang tính phê phán. Một mặt, nó đòi hỏi chúng ta phải “đảo ngược” góc nhìn và hiểu những hạn chế của mạng lưới thế giới này từ góc độ của những người bị quản lý, bị lãng quên và bị điều chỉnh. Mặt khác, nó cũng đòi hỏi chúng ta phải sử dụng một cách tiếp cận theo phương pháp lịch sử để làm sáng tỏ các diễn ngôn tự xưng là “phổ quát” về trật tự toàn cầu mà mạng lưới thế giới này xây dựng nên, đồng thời trả chúng về với bối cảnh, cộng đồng và thời đại đặc thù như những sản phẩm nhân tạo không hoàn hảo và không ngừng biến đổi.
Trên thực tế, tính toàn cầu được xây dựng bởi mạng lưới thế giới này không thể tách rời khỏi tiến trình lịch sử “tạo ra một thế giới theo hình ảnh của chính nó” của chủ nghĩa tư bản. Một trong những đặc điểm nổi bật của tiến trình này là xu hướng nhận thức, điều chỉnh và cuối cùng là lũng đoạn thế giới thông qua trật tự quan lấy bá quyền làm trung tâm. Trật tự quan này giả định rằng nguồn gốc của trật tự phải là nhất nguyên.
Nó được cung cấp bởi một tổ chức hoặc một nhóm các tổ chức được coi là “cường quyền”. Sự hiện diện của cường quyền không chỉ đảm bảo hòa bình mà còn đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định hiệu quả của trật tự kinh tế quốc tế. Sự hình thành trật tự là sự mở rộng quyền lực từ trên xuống dưới đến các không gian “vô trật tự”, và cũng có nghĩa là sự chiếm lĩnh và kiểm soát không gian của những người nắm giữ cường quyền. Trật tự quan này tương tự như trật tự nhất nguyên được xây dựng bởi thần học Kitô giáo phương Tây. Trong tác phẩm Thành phố của Chúa, Thánh Augustine lý giải trật tự là “sự tồn tại vĩnh cửu”, “luật của Đấng Sáng Tạo” và “mục đích và chuyển động” mà Đấng Sáng Tạo đã quy định cho mọi vật theo “bản chất” của chúng. Trong cấu trúc “có trật tự” này, biểu hiện của “tự do” cá nhân là quyền tự do di chuyển đến vị trí được định sẵn tương ứng của mình.
Câu chuyện sáng thế dựa trên nhất nguyên luận của thần học Kitô giáo cung cấp tính chính danh cho việc xây dựng “Leviathan tự do” và “Đế quốc thế giới”. Khả năng duy nhất để chấm dứt tình trạng vô trật tự, đen tối và đáng sợ đó là thiết lập một trật tự quyền lực từ trên xuống dưới kiểu đế quốc. Sáng thế có nghĩa là sự khởi đầu của “Vương quốc của Chúa” do Chúa thiết lập. Sự hình thành của một đế quốc thế giới rõ ràng là nhằm hiện thực hóa lý tưởng về Vương quốc của Chúa trên trần gian.
Trên cơ sở này, hầu hết các đế quốc đều coi mình là một trật tự phổ quát tốt lành và vĩnh cửu. Tự sự của các đế quốc dường như đều dựa trên các khái niệm mang đầy màu sắc lý tưởng như đạo đức, công lý, phát triển và hòa bình. Nhưng sự thật này rất dễ bị bỏ qua khi chúng ta ngày nay nhìn lại các đế quốc. Sự suy tàn của các đế quốc thường được xem xét theo quan điểm tất định luận, coi đó là kết quả của thất bại trong cuộc cạnh tranh giữa sức mạnh kinh tế và năng lực quân sự. Cùng với đó, các thể chế hay văn hóa được coi là những yếu tố thiết yếu quyết định sức mạnh kinh tế và quân sự trong một thời gian dài.
Trên thực tế, từ giữa thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, chủ yếu là các nhà lý thuyết người Mỹ, đã thích sử dụng khái niệm “cường quốc” (great powers) để chỉ các đế quốc được hình thành trong quá trình bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản thời kỳ cận đại, như Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Đồng thời, dựa trên những biến đổi lịch sử cận đại của các “cường quốc” phương Tây, họ đã xây dựng một bộ diễn ngôn hiện đại hóa đầy màu sắc tươi đẹp. Chẳng hạn, những nhà tư tưởng về lý thuyết hiện đại hóa cổ điển với nền tảng xã hội học xuất hiện vào giữa thế kỷ 20 đã tập trung hình dung của họ về trật tự thế giới vào các quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và dân chủ hóa chính trị.
Xuất phát từ lý thuyết hệ thống và chủ nghĩa chức năng cấu trúc, nhận thức về hiện đại hóa của Talcott Parsons nhấn mạnh rằng, hiện đại hóa là một quá trình phức tạp mà trong đó xã hội được thúc đẩy tiến tới một trạng thái phát triển cao cấp hơn và có sự phân hóa rõ rệt hơn dưới sự tương tác của nhiều khía cạnh như chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Trong khi đó, Walt Rostow đề xuất lý thuyết “các giai đoạn tăng trưởng kinh tế” dựa trên kinh nghiệm hiện đại hóa của Mỹ và phương Tây. Sử dụng quan điểm lịch sử tuyến tính mục đích luận, ông chia quá trình hiện đại hóa thành 5 giai đoạn: “xã hội truyền thống”, “giai đoạn chuẩn bị cất cánh”, “giai đoạn cất cánh”, “tiến tới trưởng thành”, và sau đó là “kỷ nguyên tiêu dùng đại chúng”.
Ngoài ra, nhánh này còn bao gồm nghiên cứu của Seymour Martin Lipset về cách các yếu tố như giáo dục hiện đại, đô thị hóa và mức tăng thu nhập… thúc đẩy việc thiết lập các thể chế dân chủ, cũng như thảo luận của Wilbert E. Moore về vai trò của các yếu tố văn hóa, đặc biệt là những thay đổi về giá trị quan và niềm tin, trong quá trình hiện đại hóa.
Nếu thử thoát khỏi triết học nhất nguyên luận này, chúng ta có thể đặt câu hỏi về mức độ phổ biến của sự tưởng tượng đáng sợ về “vô trật tự”. Trên thực tế, nếu xuất phát từ góc nhìn của triết học biện chứng, trong đó coi trật tự là kết quả tự nhiên của sự tương tác tự nhiên giữa con người và cộng đồng, và coi hợp tác và xung đột phát sinh một cách tự nhiên trong quá trình này là những phản ứng tự chủ trong các bối cảnh tự nhiên và xã hội khác nhau, thì chúng ta có thể đưa ra một hình dung hoàn toàn khác về trật tự. Từ góc nhìn của các mối quan hệ tương tác, chúng ta có thể coi những mối liên kết sâu rộng giữa con người là đơn vị cấu thành cơ bản của các mối quan hệ xã hội, và coi quyền lực là kết quả tất yếu của những liên kết tương tác này.
Đồng thời, dù một cộng đồng có hình thức và quy mô ra sao, thì mục đích cơ bản của nó đều có thể được hiểu là nhằm theo đuổi hạnh phúc ở mức độ lớn nhất có thể. Khi các cộng đồng khác nhau mở rộng, chồng chéo và tương tác với nhau, các mối quan hệ và cấu trúc quyền lực được phản ánh từ đó chắc chắn cũng sẽ ngày càng phức tạp hơn. Hạnh phúc mà một cộng đồng theo đuổi có thể phải trả giá bằng sự bất hạnh của một cộng đồng khác. Trong trường hợp này, việc hiện thực hóa “lợi ích chung” (common good) trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng tích hợp nhiều mối quan hệ quyền lực phức tạp của các cộng đồng khác nhau. Việc liệu có đạt được lợi ích chung trong một cộng đồng lớn hơn hay không trở thành một yếu tố quan trọng sẽ quyết định quy mô và sự ổn định của cộng đồng đó. Trong mối quan hệ biện chứng này, cả hai bên của các mối quan hệ quyền lực đều thực sự tham gia vào việc định hình mối quan hệ cộng đồng đó.
Tất nhiên, trong bất kỳ mối quan hệ quyền lực xác định nào, cả hai bên trong mối quan hệ đều chắc chắn sẽ chiếm một vị trí mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hiểu được các mối quan hệ chủ-tớ, mạnh-yếu, lớn-nhỏ trong cấu trúc quyền lực cụ thể này thông qua phương pháp biện chứng. Cụ thể, tiền đề cho sự xuất hiện và sự phức tạp hóa, mạng lưới hóa của quyền lực chính là mối quan hệ biện chứng giữa mong muốn xây dựng một cộng đồng lớn mạnh, thịnh vượng và ổn định hơn của con người với những hạn chế vật chất trong việc duy trì sự ổn định của cộng đồng đó.
Do sự phát triển các mối quan hệ xã hội của con người vừa mang tính thời gian vừa mang tính không gian, nên mỗi cá nhân chỉ có thể thiết lập mối liên kết có ý nghĩa với người khác trong một không gian nhất định. Về cơ bản, sự tương tác cần thiết cho mối liên kết này là việc truyền tải thông tin cho nhau dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự truyền tải này là chiều kích thời gian của bất kỳ cộng đồng nào. Đồng thời, không gian mà các cộng đồng phụ thuộc có thể là hữu hình hoặc vô hình – chúng ta có thể coi đó là tưởng tượng, nhưng không thể phủ nhận rằng tất cả những không gian này đều bắt nguồn từ một nền tảng vật chất nào đó.
Chẳng hạn, tiền đề cho sự hình thành của quan hệ gia đình và bộ lạc là sự chung sống của hai hoặc nhiều người trên một mảnh đất chung. Mối liên kết ý thức hệ tôn giáo dựa trên một số nhận thức về một niềm tin chung nào đó. Việc xây dựng đường sá, phương tiện giao thông và thậm chí cả mạng lưới thông tin tốc độ cao ngày nay về cơ bản chỉ là việc rút ngắn thời gian cần thiết trong việc truyền thông tin từ không gian vật lý này sang không gian vật lý khác. Hai chiều kích thời gian và không gian cần thiết cho việc xây dựng cộng đồng, ít nhất cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ thay đổi về bản chất nào theo sự phát triển của lịch sử nhân loại.
Thuộc tính thời gian của cấu trúc cộng đồng, ở một mức độ nào đó, quyết định khoảng cách tối đa mà cộng đồng có thể mở rộng trong không gian và dân số tối đa mà cộng đồng có thể chứa đựng. Thuộc tính thời gian này cũng có thể được hiểu là hiệu quả của sự truyền tải thông tin vật chất. Từ việc điều động quân đội, trao đổi hàng hóa và tiền tệ, di dân, thậm chí xây dựng niềm tin và bản sắc, tất cả đều có thể được quy về các vấn đề về thời gian.
Đồng thời, vấn đề về “tính thâm nhập” của quyền lực giữa các cộng đồng cũng có tác động rất quan trọng đến sự ổn định của cộng đồng. Tính thâm nhập này không mang nghĩa thông thường là quyền lực thẩm thấu từ trên xuống dưới theo một cấu trúc thể chế cố định. Thay vào đó, nó cần được hiểu là khả năng và độ trơn tru của sự chuyển đổi vị trí giữa chủ-tớ, mạnh-yếu, lớn-nhỏ trong mối quan hệ quyền lực, cũng như mật độ chồng chéo giữa các mạng lưới quyền lực khác nhau. Chẳng hạn, sau sự suy tàn của Đế quốc La Mã, các “mạng lưới quyền lực” trên khắp châu Âu cũng có thể được coi là những cộng đồng có quy mô khác nhau được liên kết theo những nguyên tắc khác nhau. Chúng hoặc xoay quanh ý thức hệ tôn giáo, dựa trên quyền lực hoàng gia, hoặc phụ thuộc vào những quý tộc địa phương nhỏ hơn, và liên tục nỗ lực tích hợp các cộng đồng có quy mô khác nhau với các nguồn lực nhằm xây dựng một “cộng đồng toàn hảo” (communitas perfecta) theo lý tưởng của riêng mình.
Đối với quan hệ quốc tế hiện đại, ranh giới của các quốc gia dân tộc đã trở thành đơn vị cơ bản để xác định sự khác biệt giữa các cộng đồng. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử và phạm vi rộng lớn hơn, đây chỉ là một cách cụ thể để phân định ranh giới của một cộng đồng. Chắc chắn rằng đế quốc cũng là một trong những cách thức để xây dựng một cộng đồng lớn hơn. Hơn nữa, xét về mặt lịch sử, ranh giới quyền lực của các cộng đồng như quốc gia không phải là bất biến và cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn các liên kết rộng rãi giữa các cộng đồng khác nhau ở nhiều cấp độ và chiều kích khác nhau.
Từ quan hệ thương mại và bản sắc tôn giáo đến liên hệ huyết thống giữa các gia tộc hoàng gia châu Âu và việc chuyển dịch xuyên quốc gia của cá nhân, những liên kết cộng đồng ở nhiều quy mô và cấp độ khác nhau này đã vượt khỏi phạm vi không gian được xác định bởi lãnh thổ của quốc gia dân tộc, nhưng lại tạo ra những tác động chính trị ở nhiều mức độ khác nhau đối với các quốc gia mà chúng liên kết. Đổi lại, ảnh hưởng này cũng có khả năng định hình những thay đổi quyền lực trong các cộng đồng.
So với nhiều khái niệm theo thuyết bản chất mà quan hệ quốc tế dựa vào, khái niệm cộng đồng có thể giúp chúng ta hiểu được sự hình thành và phát triển của trật tự, cũng như ý nghĩa lịch sử và triết học của các tương tác, giao lưu, hội nhập và xung đột giữa các nhóm khác nhau, theo một cách năng động và biện chứng hơn. Một “cộng đồng toàn hảo” phải là sự hiện thực hóa lâu dài lợi ích chung trong một không gian rộng lớn, giữa một cộng đồng dân cư đông đúc, trong một môi trường hòa bình và ổn định. Việc hình thành cộng đồng này phải được xây dựng trên nền tảng là sự tích hợp các cộng đồng có quy mô và chiều kích khác nhau. Sự tích hợp này đòi hỏi phải đáp ứng điều kiện về “tính thâm nhập” của quyền lực.
Điều này cũng đòi hỏi mỗi cá nhân cấu thành nên cộng đồng phải được trao quyền trong đời sống cộng đồng. Lý tưởng về việc người người đều thánh thiện, người người đều bình đẳng và người người đều thịnh vượng chính là trạng thái lý tưởng nhất của một “cộng đồng toàn hảo”. Vì việc xây dựng một “cộng đồng toàn hảo” có thể được coi là mục đích căn bản của con người khi xây dựng các mối quan hệ quyền lực, nên sự tan rã của bất kỳ cộng đồng nào cũng có thể được coi là kết quả chính trị của việc cộng đồng đó đi ngược lại sự bảo đảm này. Ngược lại, việc thiết lập các thể chế trong cộng đồng, các cải cách xã hội trong cộng đồng, và thậm chí cả sự mở rộng của cộng đồng đều có thể được coi là những khám phá chủ động của các chủ thể khác nhau nhằm cố gắng đạt đến “cộng đồng toàn hảo” này.
Trong quá trình này, các cộng đồng lớn hơn, sâu sắc hơn và ổn định hơn có thể được hình thành; các cộng đồng khác nhau cũng có thể sụp đổ, tan rã và biến mất. Theo cách nhìn này, quốc gia không còn đơn thuần là cỗ máy bạo lực độc quyền theo kiểu Hobbes nữa, mà là một sự sắp đặt thể chế phức tạp và khổng lồ trong quá trình tìm kiếm một “cộng đồng toàn hảo”. Thay vì coi nó là “cái ác cần thiết”, chúng ta cũng có thể coi nó là cái thiện bị giới hạn. Nó được hình thành trong quá trình tìm kiếm một “cộng đồng toàn hảo”. Thiện chí của nó bị giới hạn bởi nền tảng vật chất mà nó hy vọng dựa vào, bởi cộng đồng mà nó phục vụ, bởi phương thức mà nó thực hiện, và bởi quy mô lợi ích công mà nó đạt được.
Theo nghĩa này, chúng ta cũng có thể sử dụng khả năng cung cấp dịch vụ công của nhà nước – thay vì chỉ sử dụng khả năng huy động chiến tranh – như một khuôn khổ để lý giải hành vi của quốc gia và nguyên do thịnh suy của các cộng đồng khác nhau. Phạm vi của lợi ích công quyết định quy mô và sự ổn định của cộng đồng. Theo góc nhìn này, sự hình thành và suy tàn của các đế quốc châu Âu trở nên có ý nghĩa so sánh với thế giới ngoài phương Tây. Một trật tự đế chế dựa trên sự mở rộng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản chỉ mang lại thiện chí ở mức độ hạn chế, vì nó chỉ thực hiện một mức độ lợi ích công nhất định ở một cộng đồng hạn chế trong không gian mà nó tích hợp. Những cộng đồng bị loại trừ cuối cùng sẽ thách thức lợi ích công bị hạn chế này. Sự suy tàn của đế quốc là kết quả cuối cùng của việc phản bội lời hứa về một cộng đồng toàn hảo.
Khi suy nghĩ về trật tự theo góc nhìn “cộng đồng”, chúng ta cần nhận thức toàn diện về sự cai trị bá quyền từ trên xuống của đế quốc và các hành động chống bá quyền tự phát của toàn thể những người bị trị. Thế giới quan dựa trên phép biện chứng này tin chắc rằng, trật tự xuất hiện trong sự tương tác phức tạp của các lực lượng mâu thuẫn, trong sự đan xen lịch sử giữa sự thống trị bá quyền và chống bá quyền, trong mối quan hệ giữa khai sáng và cách mạng, và trong ý thức tự chủ không ngừng khám phá vì một cộng đồng tốt đẹp hơn. Trong vài thế kỷ qua, “trật tự cũ được xây dựng dựa trên chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền” đã kết nối thế giới lại với nhau. Sau đó, sứ mệnh xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh từ sự suy tàn của trật tự cũ và sự phát triển của những thế lực mới.
Trong dạng nhận thức luận sau, trật tự không còn có nghĩa là mọi thứ trên thế gian được sắp xếp ở một vị trí cố định bất biến và nguồn gốc của nó cũng không còn mang tính nhất nguyên nữa. Do đó, theo trật tự quan này, không có sự bá quyền vĩnh cửu bất biến, và càng không có lý do gì để ủng hộ sự can thiệp. Theo trật tự quan này, sự phát triển cần lấy sản xuất làm trung tâm và hướng tới việc thúc đẩy năng lực tự chủ của cộng đồng. Đây là cuộc tìm kiếm một trật tự mới dựa trên bình đẳng, tương trợ, tự chủ và không can thiệp, ra đời từ các hoạt động chính trị vào giữa thế kỷ 20 ở vùng ngoại vi và bán ngoại vi của hệ thống tư bản toàn cầu, với mong muốn đạt được quyền tự chủ và độc lập thực sự.
Cuộc tìm kiếm trật tự từ góc nhìn của vùng ngoại vi và bán ngoại vi này phát hiện ra rằng, trật tự hiện đại toàn cầu được xây dựng trên chủ nghĩa tư bản đã củng cố sự bất bình đẳng giữa các quốc gia. Lý thuyết hệ thống thế giới đã thảo luận về tình trạng này một cách sâu sắc nhất. Nó nhấn mạnh rằng, trạng thái phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa không có gì đặc biệt, mà chỉ đơn thuần là kết quả của sự phân công lao động trong hệ thống thế giới tư bản chủ nghĩa. Sự phân công lao động này không được phân bổ đồng đều trên toàn cầu.
Một số nhóm trong hệ thống dựa vào tình trạng bất bình đẳng này để bóc lột sức lao động của các nhóm khác. Nhóm chiếm giữ trung tâm của hệ thống, dựa vào nhà nước mạnh của mình, có khả năng mở rộng và hợp pháp hóa địa vị ưu thế của mình. Tương ứng với đó, các quốc gia ở vùng ngoại vi và bán ngoại vi của hệ thống, hoặc vốn rất yếu ớt hoặc dần trở thành thuộc địa và bán thuộc địa có mức độ tự lực thấp trong quá trình hình thành hệ thống thế giới. Sự phát triển của hệ thống thế giới tư bản chủ nghĩa chắc chắn sẽ làm gia tăng, thay vì làm suy yếu sự bất bình đẳng giữa các khu vực khác nhau. Bá quyền của các quốc gia ở trung tâm hệ thống sẽ bị thách thức, nhưng kiểu thách thức chuyển giao bá quyền này không thể thực sự giải quyết được sự bất bình đẳng cố hữu trong hệ thống toàn cầu tư bản chủ nghĩa.
Trước hiện thực bất bình đẳng này, thực tiễn của phong trào đoàn kết Thế giới thứ ba vào thế kỷ 20 đã đưa ra một giải pháp đầy sức sáng tạo, cụ thể là trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thông qua hợp tác khu vực song phương và đa phương, vừa thúc đẩy việc xây dựng các nhà nước mạnh ở nhiều quốc gia, vừa tìm kiếm sự hội nhập khu vực, từ đó giành được ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và quyền phát ngôn với các cường quốc dưới hình thức một khối đoàn kết. Các tổ chức hiện có như Liên minh châu Phi, Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đều ít nhiều được hưởng lợi từ các lý tưởng và thực tiễn của phong trào đoàn kết Thế giới thứ ba vào giữa thế kỷ 20.
Samir Amin gọi giải pháp này là “khu vực hóa đa trung tâm” (polycentric regionalization). Nó nhấn mạnh rằng, có thể sử dụng sự đoàn kết khu vực để tạo ra không gian có khả năng chống lại sự can thiệp của bá quyền, từ đó làm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng toàn cầu do quá trình hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa gây ra.
Trên thực tế, sự phát triển không bình đẳng và bá quyền chính trị là những vấn đề mang tính cấu trúc không thể vượt qua trong quá trình hiện đại hóa toàn cầu tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, nếu chúng ta cố gắng hình dung một kế hoạch mới để xây dựng cộng đồng toàn hảo, kế hoạch đó phải bao gồm tầm nhìn toàn diện về sự phát triển bình đẳng toàn cầu và dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Về mặt khái niệm, cốt lõi của ý tưởng này là “không thay thế thể chế này bằng thể chế khác, không thay thế nền văn minh này bằng nền văn minh khác”.
Để thực sự hiện thực hóa trật tự lý tưởng “cùng chia sẻ lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm chung trong các vấn đề quốc tế” giữa các quốc gia chủ quyền “có chế độ xã hội, tư tưởng, văn hóa lịch sử, trình độ phát triển khác nhau”, đòi hỏi phải vượt khỏi ranh giới quốc gia cố hữu trong nhận thức quan hệ quốc tế, lấy con người làm trung tâm, và xem xét, đo lường ý nghĩa và phương hướng của hiện đại hóa trên ba chiều kích con người, quốc gia, thế giới.
Sau khi bổ sung chiều kích con người, các thảo luận về trật tự bình đẳng quốc gia-toàn cầu, đặc biệt là phân tích về việc xây dựng cộng đồng ở các cấp độ khác nhau, trở nên có sự gắn kết nội tại. Bởi vì vận mệnh không thể chỉ giới hạn trong một lĩnh vực đơn lẻ, một nhóm người cụ thể hay một không gian, thời gian nhất định, mà phải là tiến trình phát triển chung của toàn nhân loại. Nhưng đồng thời, cộng đồng chung vận mệnh nhân loại không nhấn mạnh tầm quan trọng của xã hội dân sự toàn cầu và làm mờ đi chủ quyền quốc gia như một số lý thuyết quản trị toàn cầu của phương Tây.
Việc xây dựng quốc gia chủ quyền, đặc biệt là việc xây dựng và hình thành một chính phủ mạnh là một quá trình đa dạng và lâu dài. Nhiều quốc gia châu Á và châu Phi vẫn chưa xây dựng được nhà nước và chính phủ mạnh như hình dung trong lý thuyết này. Trong điều kiện toàn cầu phát triển một cách bất bình đẳng, việc hình thành các nhà nước mạnh từ các quốc gia đang phát triển thuộc Thế giới thứ ba là một quá trình “dò đá qua sông” vừa thực hành vừa phát triển một cách năng động. Qua việc phân tích quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy rằng, trong quá trình hình thành một nhà nước mạnh, Trung Quốc không đóng cửa, cũng không hoàn thành việc huy động và hội nhập xã hội thông qua chiến tranh rồi mới bước ra thế giới như kinh nghiệm lịch sử của châu Âu.
Ngược lại, Trung Quốc đang trong một quá trình thực tiễn được khởi đầu bằng cuộc cách mạng chống bá quyền. Trong khi tương tác với các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc tiến hành cải cách công nghiệp hóa và huy động xã hội, để xây dựng nhà nước mạnh hiện đại hóa của riêng mình. Những giao lưu không chính thức nảy sinh trong quá trình này thể hiện tinh thần tương trợ và bình đẳng quốc tế, đây cũng là kinh nghiệm chân thực nhất trong tiến trình lịch sử xây dựng nhà nước độc lập của thế giới Á-Phi vào thế kỷ 20.
Do đó, theo ba chiều kích này, quá trình xây dựng hiện đại hóa “cộng đồng” không chỉ phải đối mặt với tính đa dạng trong nội bộ các quốc gia chủ quyền mà còn phải đối mặt với tính đa dạng ở bình diện quốc tế. Cũng trong khuôn khổ này, chúng ta mới có thể thực sự mô tả một “con đường mới” hướng tới hiện đại hóa với cốt lõi là bình đẳng và dân chủ hóa. Điều này được phản ánh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc “vừa mang những đặc điểm chung của công cuộc hiện đại hóa ở các nước, vừa mang đặc sắc Trung Quốc dựa trên những điều kiện riêng của đất nước”.
Con đường hiện đại hóa và phát triển này hoàn toàn khác với “con đường cũ” “hại người lợi ta, đầy máu và tội ác” và “mang lại khổ đau sâu sắc cho người dân ở các nước đang phát triển”. Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng phụ thuộc lẫn nhau giữa “sự phát triển của riêng mình” và “sự phát triển hòa bình của thế giới”. Chính trong mối quan hệ đồng cấu này giữa Trung Quốc và thế giới, các cuộc thảo luận về phát triển bắt đầu mang ý nghĩa lịch sử, triết học và văn minh phổ quát.
Tác giả Ân Chi Quang là giáo sư Chính trị Quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế và Công vụ, Đại học Phúc Đán.