Một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây

Nguồn: Lý Gia Trung, Tạp chí Lịch sử Đảng (Trung Quốc), 07/02/2023.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Tên tuổi Hồ Chí Minh từ lâu đã được nhân dân Trung Quốc biết đến rộng rãi. Ông sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969, hưởng thọ 79 tuổi. Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vô sản kiệt xuất, chiến sĩ quốc tế nổi tiếng, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam và là người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc. Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, có một nửa thời gian ông phải bôn ba ở nước ngoài. Trong đó, việc ông bị bắt giam tại Quảng Tây, Trung Quốc là một giai đoạn quan trọng trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở hải ngoại.

Bị bắt tại Quảng Tây

Năm 1942, cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Việt Nam tiếp tục giành được những thắng lợi quan trọng. Ảnh hưởng của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (gọi tắt là “Việt Minh”) ngày càng lan rộng, nhiều nơi đã nổ ra các hoạt động du kích. Tuy nhiên, Việt Minh vẫn chưa thiết lập được quan hệ với bất kỳ quốc gia nào trong phe Đồng minh chống phát xít. Đồng thời, quan hệ giữa các tổ chức của Việt Minh ở khu vực Hoa Nam (Nam Trung Quốc) với chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng.

Trong hoàn cảnh đó, việc làm sao bắt liên lạc với các tổ chức Việt Minh ở nước ngoài, mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của Việt Minh và tranh thủ hiệu quả sự viện trợ quốc tế trở thành vấn đề cấp bách. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp này, cần cử một người hiểu biết về Trung Quốc và có uy tín sang Trùng Khánh. Là người sáng lập Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc được mọi người nhất trí đề cử đảm nhận trọng trách đó.

Giữa tháng 8, Nguyễn Ái Quốc rời khỏi căn cứ địa tỉnh Cao Bằng (miền Bắc Việt Nam), bí mật sang Trung Quốc. Để giữ bí mật và đánh lạc hướng dư luận, ông sử dụng một cái tên mới – Hồ Chí Minh. Từ đó về sau, cái tên này đã gắn bó với ông cho đến lúc qua đời.

Ngày 25 tháng 8, Hồ Chí Minh đến Bà Mông, huyện Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, nghỉ lại hai ngày tại nhà một nông dân Trung Quốc tên là Từ Vĩ Tam. Ngày 27 tháng 8, ông tiếp tục lên đường, được một nông dân tên là Dương Đào dẫn đường. Khi đi đến làng Túc Vinh, huyện Đức Bảo, ông bị cảnh sát địa phương của chính quyền Quốc Dân Đảng chặn lại kiểm tra. Cảnh sát phát hiện Hồ Chí Minh mang tấm thẻ của “Chi hội Việt Nam – Hội Quốc tế chống xâm lược”, ngoài ra còn mang theo thẻ hội viên của “Hội Nhà báo thanh niên Trung Quốc” và giấy thông hành quân sự của Bộ Tư lệnh Chiến khu 4 của chính phủ Quốc Dân Đảng, nhưng tất cả đều đã hết hạn. Cảnh sát cho rằng ông có lai lịch phức tạp, nghi là gián điệp quan trọng nên đã bắt giữ ông.

Ngày 29 tháng 8, Hồ Chí Minh bị áp giải từ huyện Đức Bảo đến huyện Tịnh Tây. Chính quyền Tịnh Tây cho rằng ông là người Việt Nam nhưng lại mang nhiều loại giấy tờ của Trung Quốc, rõ ràng là một nghi phạm quan trọng, nên quyết định chuyển ông đến cơ quan quân sự tối cao của tỉnh Quảng Tây – Hành dinh Quế Lâm của Quân ủy Chính phủ Quốc Dân Đảng để thẩm tra. Hồ Chí Minh đã viết thư xin gặp Huyện trưởng huyện Tịnh Tây — vì trước đây ông từng gặp người này ở Quế Lâm, nhưng bị từ chối. Ông cũng viết thư gửi các quan chức cấp cao của Quốc Dân Đảng nhưng đều không nhận được hồi âm.

Tại Tịnh Tây, một nông dân Trung Quốc tên là Vương Tích Cơ – người từng kết nghĩa anh em với các nhà cách mạng Việt Nam – đã đến nhà tù thăm ông. Hồ Chí Minh nhờ Vương Tích Cơ gửi thư về nước báo tin ông bị bắt và đang bị giam giữ.

Sau khoảng một tháng rưỡi ở Tịnh Tây, ông lại bị áp giải đến nơi khác. Cứ mỗi hai tuần hoặc một tháng, chính quyền lại chuyển ông đến một nhà tù mới. Mỗi lần chuyển, ông đều bị còng tay, đeo gông và có 5 lính vũ trang áp giải. Thông thường phải lên đường từ sáng sớm, trời tối mới đến nơi, có khi thậm chí phải đi bộ hai, ba ngày liền.

Trong tù, các phạm nhân chính trị như ông bị giam chung với những người nghiện ma túy và mắc bệnh hoa liễu, phòng giam lúc nào cũng chật kín người. Nếu đến muộn một chút thì ngay cả chỗ nằm cũng không còn. Có khi Hồ Chí Minh đành phải ngồi trên thùng xí, nếu có người cần đi vệ sinh thì phải đứng dậy “nhường chỗ”. Sáng dậy, việc đầu tiên phải làm là đổ thùng. Có một lần khi ông tỉnh dậy thì phát hiện người tù nằm bên cạnh đã chết, ông phải cùng các phạm nhân khác khiêng xác ra khỏi phòng giam.

Điều đau khổ khó chịu nhất trong tù là ghẻ lở, chấy rận và rệp, buổi tối còn có muỗi. Phạm nhân gọi chấy là “chiến xa”, gọi rệp là “xe tăng”, gọi muỗi là “máy bay”. Sống trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh bị ghẻ lở khắp mình, người gầy như que củi, tóc rụng nhiều.

Từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943, Hồ Chí Minh bị giam giữ tại 13 nhà tù, 30 xà lim thuộc 13 huyện ở Quảng Tây như: Tịnh Tây, Điền Đông, Long An, Thiên Đẳng, Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân, Liễu Châu.

Giải cứu

Khi hay tin Hồ Chí Minh bị bắt giam tại Quảng Tây, Trung Quốc, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng lo lắng, nhiều lần lấy danh nghĩa “Chi hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược” gửi điện cho Tôn Khoa – Viện trưởng Viện Lập Pháp [tức Chủ tịch Quốc Hội] của Chính phủ Quốc Dân Đảng – để hỏi thăm tăm tích của Hồ Chí Minh. Về sau họ còn thông qua các hãng thông tấn như AP (Mỹ), Reuters (Anh), AFP (Pháp), TASS (Liên Xô)… để tạo dư luận, tìm mọi cách sức ép buộc Chính phủ Quốc Dân Đảng phải thả Hồ Chí Minh, nhưng phía Quốc Dân Đảng làm ngơ, không đoái hoài gì. Trong tình cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn cách cầu cứu Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Diên An [căn cứ địa của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi ấy] lập tức gửi điện cho Chu Ân Lai – khi đó đang ở Trùng Khánh – yêu cầu ông nghĩ cách cứu Hồ Chí Minh. Chu Ân Lai từng quen biết Hồ Chí Minh từ những năm 1920 tại Pháp; sau đó trong thời kỳ Đại Cách mạng, hai người lại gặp nhau ở Quảng Châu – khi ấy họ đều là những đảng viên cộng sản trẻ tuổi – qua thường xuyên đi lại với nhau họ đã xây dựng tình bạn cách mạng sâu sắc. Nhận được chỉ thị từ Diên An, dù vừa mới hồi phục sau trận ốm nặng lại mới mất cha, Chu Ân Lai vẫn cố hết sức tìm mọi cách cứu Hồ Chí Minh.

Chu Ân Lai nhận định Viện trưởng Viện Lập Pháp Quốc Dân Đảng Tôn Khoa là người nhát gan, sợ rắc rối, nên ông phải tìm cách thu hồi lại bức điện của Đảng Việt Nam gửi Tôn rồi đích thân trình bức điện ấy lên Tưởng Giới Thạch.

Vì vậy, ông giao nhiệm vụ này cho Tiễn Bá Tán. Tiễn là đồng hương với Đàm Trấn Phó Viện trưởng Viện Lập Pháp Quốc Dân Đảng, và từng làm thư ký cho ông ta. Nhờ mối quan hệ này, Chu Ân Lai đã thu hồi được bức điện báo gốc gửi từ Việt Nam. Tiếp theo, Chu Ân Lai nhờ viên tướng yêu nước Phùng Ngọc Tường (cấp dưới của Tưởng Giới Thạch) đi thuyết phục Lý Tôn Nhân – nhân vật tai mắt của phe Quế Hệ [phe quân phiệt Quảng Tây] – yêu cầu phía Quảng Tây nhanh chóng điều tra tăm tích Hồ Chí Minh. Phùng Ngọc Tường kiên quyết chống Nhật, lại đồng tình với Đảng Cộng sản và phản đối Tưởng Giới Thạch đầu hàng bán nước, trong tình hình ấy việc Phùng đứng ra giải cứu Hồ Chí Minh là hành động có nhiều rủi ro.

Tìm hiểu qua nhiều kênh, Phùng Ngọc Tường biết rằng đích thân Tưởng Giới Thạch quan tâm đến vụ án Hồ Chí Minh, nếu không có cái gật đầu của Tưởng thì không ai có thể tự giải quyết được vụ này. Sau khi bàn bạc với Đoàn Cố vấn Liên Xô do Quốc dân Đảng mời sang, Phùng Ngọc Tường quyết định lợi dụng mâu thuẫn giữa Lý Tôn Nhân với Tưởng Giới Thạch để ép Tưởng phải thả Hồ Chí Minh.

Phùng Ngọc Tường nói với Lý Tôn Nhân: “Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây của các ông, ông không sợ Tưởng Giới Thạch đổ tội cho ông sao?” Là người thuộc phái thực lực của Quế Hệ, Lý Tông Nhân biết Hồ Chí Minh là lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy có mâu thuẫn với Tưởng và từng có một số liên hệ nhất định với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng Lý không tán thành chủ trương của Đảng Cộng sản. Tuy vậy, cuối cùng Lý Tôn Nhân vẫn đồng ý cùng Phùng Ngọc Tường đi gặp Tưởng Giới Thạch.

Phùng Ngọc Tường nói với Tưởng Giới Thạch: “Chưa bàn đến việc Hồ Chí Minh có phải là cộng sản hay không, cho dù là cộng sản thì ông ấy cũng là cộng sản của Việt Nam. Chúng ta có quyền và có cần phải bắt giữ đảng cộng sản nước ngoài hay không? Các thành viên Đoàn Cố vấn Liên Xô chẳng phải cũng là cộng sản đấy ư? Sao không bắt giam họ? Hơn nữa, Việt Nam đang ủng hộ chúng ta kháng chiến chống Nhật, Hồ Chí Minh phải là bạn của chúng ta, sao lại thành tội phạm? Giả sử biến bạn bè quốc tế ủng hộ chúng ta kháng chiến thành tội phạm, vậy cuộc kháng chiến của chúng ta chẳng phải là giả tạo đấy ư? Như thế chẳng phải là sẽ mất đi tất cả sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế ? Nếu muốn thực sự kháng chiến, thì phải nhanh chóng thả Hồ Chí Minh!”

Lý Tôn Nhân ở bên cũng góp lời: “Phùng Tiên sinh đã nói hết các lý lẽ về việc thả Hồ Chí Minh rồi. Tôi hỏi ông, tại sao lại bắt Hồ Chí Minh ở Quảng Tây? Như thế chẳng phải là đổ vạ cho Quảng Tây sao? Đây là ý của cấp dưới hay là lệnh của ông?”

Tưởng Giới Thạch cứng họng, chỉ đành nói: “Được rồi, lập tức cho người điều tra.” Cuộc nói chuyện này có tác dụng quan trọng đối với việc sau đó Tưởng Giới Thạch ra lệnh thả Hồ Chí Minh.

Chính trong bối cảnh đó, cuối cùng Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho Chiến khu 4 [Tướng Trương Phát Khuê là Tư lệnh Chiến khu này] thả Hồ Chí Minh.  Và như vậy, ngày 10 tháng 9 năm 1943, Hồ Chí Minh ra khỏi nhà giam, sau đó được giao cho Phòng Chính trị Chiến khu 4 “theo dõi và cảm hóa”. Từ đấy, trên danh nghĩa, Hồ Chí Minh đã được phục hồi tự do.

Các hoạt động sau khi ra tù

Do bị giam cầm trong thời gian dài, sức khỏe Hồ Chí Minh bị tổn hại nghiêm trọng: tóc bạc trắng, răng lung lay, thị lực suy giảm, đi lại lảo đảo không vững. Ông tự nhủ: “Đã thấp khớp lại còn mù mắt, ai cần một chiến sĩ như thế này?” Dựa vào ý chí và nghị lực kiên cường, Hồ Chí Minh kiên trì leo núi để rèn luyện đôi chân, ban đêm kiên trì nhìn vào bầu trời đen kịt để luyện thị lực. Nhờ vậy sức khỏe của ông dần dần được hồi phục.

Tuy ra khỏi nhà tù, nhưng Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự được tự do. Tư lệnh Chiến khu 4 Quốc dân Đảng là Trương Phát Khuê muốn lợi dụng Hồ Chí Minh để phục vụ ý đồ của mình, điều này khiến Hồ Chí Minh lại trải qua một giai đoạn khó quên mới.

Tháng 10 năm 1942, một tổ chức Việt kiều có tên là “Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội” (gọi tắt là “Việt Cách”) được thành lập tại Quảng Tây. Ban chấp hành của tổ chức này gồm toàn những người lâu nay có quan hệ mật thiết với Quốc dân Đảng Trung Quốc, đứng đầu là một viên tướng của Quốc dân Đảng tên là Trương Bội Công. Một nhân vật khác là Nguyễn Hải Thần, ông này đã ngoài 70 tuổi, từ năm 1912 luôn sống tại Trung Quốc, gần như đã quên sạch tiếng Việt. Ngay từ ngày mới thành lập, Việt Cách đã gặp khó khăn do các nhân vật chóp bu đấu đá lẫn nhau tranh giành quyền lực.

Lúc này, một số thành viên Việt Minh ở Côn Minh lần lượt viết thư cho Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Khuê, tuyên bố không thừa nhận Việt Cách mới thành lập, với lý do tổ chức này không có đại diện trong nước, và chủ tịch ban chấp hành lại là một tướng Quốc dân Đảng Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó, Trương Phát Khuê quyết định cải tổ Việt Cách và mời Hồ Chí Minh tham gia công tác lãnh đạo, hợp tác với Nguyễn Hải Thần.

Ban đầu Hồ Chí Minh không muốn tham gia. Ông nói: “Tôi đã mong mỏi tự do từ lâu, bây giờ không có quyền lãng phí mỗi ngày. Trong nước có rất nhiều công việc cấp bách và quan trọng đang chờ tôi về làm. Ở đây sẽ có đại diện của chúng tôi thay thế tôi.” Nhưng hôm sau, Hồ Chí Minh nhận được thư của Trương Phát Khuê, yêu cầu ông dù thế nào cũng phải tham gia Ủy ban này, và kín đáo cho biết việc tham gia Ủy ban ấy là điều kiện để Hồ Chí Minh được trả tự do. Mọi việc đã rõ ràng: Trương Phát Khuê muốn thông qua Hồ Chí Minh để kiểm soát Ủy ban này. Chính là vì biết rõ thân thế và uy tín của Hồ Chí Minh, cũng nhận thức được rằng đối thủ mình sau này sẽ phải tiếp xúc chính là Hồ Chí Minh, nên Trương Phát Khuê cố gắng thể hiện sự quan tâm và kính trọng đối với Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 2 năm 1944, Hồ Chí Minh tham gia Ủy ban Trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội. Điều này đồng nghĩa với việc ông phải giao thiệp với các tay chân của Quốc dân Đảng Trung Quốc. Tại hội nghị, Hồ Chí Minh đề nghị mở rộng thành phần tham dự đại hội, ngoài các thành viên ban chấp hành Việt Cách, đại diện Việt Nam Quốc dân Đảng (gọi tắt là “Việt Quốc”), đại diện Đảng Đại Việt, còn nên có đại biểu Việt Minh, các tổ chức thuộc Việt Minh và các tổ chức trong nước như Hội Phật giáo, Hội Khai trí Tiến Đức. Vì thế, Ủy ban Trù bị đã tranh luận gay gắt xung quanh việc có nên cho đại biếu Việt Minh tham dự Đại hội hay không. Nhưng Trương Phát Khuê ủng hộ ý kiến của Hồ Chí Minh và giao cho ông soạn thảo kế hoạch tổ chức đại hội.

Do Trương Phát Khuê ủng hộ Việt Minh nên một số thành viên Việt Cách im lặng không ho he gì. Như vậy, Ủy ban Trù bị nhanh chóng đạt được sự nhất trí về vấn đề thành phần tham dự hội nghị. Các thành viên gồm có đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội [tức Việt Cách], Việt Quốc và Đại Việt. Một số đại biểu phản đối việc cho Đảng Đại Việt tham dự vì lý do tổ chức này có khuynh hướng thân Nhật. Hồ Chí Minh thì tán thành cho Đảng Đại Việt tham dự, cho rằng như vậy có thể tranh thủ giới trí thức yêu nước phục vụ cách mạng.

Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn đề nghị mời đại diện một số đoàn thể không tham gia chính trị như Hội Phật giáo, Hội Khai trí Tiến Đức. Sau đó, ông lại đề xuất mở rộng thêm thành phần hội nghị, cho các đại biểu Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc cùng Việt Minh tham dự hội nghị. Đề xuất này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những người đứng đầu Việt Cách như Trương Bội Công. Họ cho rằng như vậy thì thế lực Việt Minh sẽ chiếm đại đa số đại biểu hội nghị. Trước tình thế đó, Hồ Chí Minh quyết định nhờ Trương Phát Khuê phân xử, và viết thư cho Trương. Do tôn trọng Hồ Chí Minh, lại nghĩ rằng quan hệ với Việt Minh đang trong giai đoạn khởi đầu thuận lợi, không nên gây rắc rối về chuyện này, cho nên Trương Phát Khuê đã ủng hộ đề nghị của Hồ Chí Minh.

Vài ngày sau, Trương Phát Khuê mở tiệc chiêu đãi các đại biểu trong Ủy ban Trù bị và phát biểu: “Tôi cho rằng nếu chờ đến khi mọi sự chuẩn bị hoàn toàn chu đáo mới họp thì là một sai lầm lớn. Vì vậy, tôi đã mời đại biểu Hồ (Hồ Chí Minh) soạn thảo cho tôi bản kế hoạch tổ chức đại hội. Tôi đã đọc kỹ bản dự thảo kế hoạch này và nhận thấy đây là một kế hoạch cách mạng, chỗ nào cũng thể hiện tinh thần bình đẳng và nguyện vọng tăng cường đoàn kết của các đảng phái cách mạng Việt Nam. Tôi xin giới thiệu kế hoạch này tới các vị.”

Bài nói của Trương Phát Khuê đã xác lập giọng điệu của Ủy ban Trù bị. Trương Bội Công đành cảm ơn Trương, không dám đưa ra ý kiến khác. Các đại biểu khác cũng không thể không tỏ ý tán thành kế hoạch do Hồ Chí Minh soạn thảo. Ngoài ra, Ủy ban Trù bị còn chấp nhận đề nghị của Hồ Chí Minh, đổi tên “Đại hội đại biểu toàn quốc Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội” thành “Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại thuộc Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội”.

Để đảm bảo hội nghị diễn ra thuận lợi, không bị bên ngoài quấy rối, Trương Phát Khuê bố trí dùng hội trường của Chiến khu 4 làm nơi tổ chức hội nghị. Hội nghị diễn ra nghiêm trang và long trọng, các đại biểu đều mặc Âu phục, riêng Hồ Chí Minh vẫn mặc như thường ngày. Tuy biết rõ nhiều người trong hội nghị đứng ở phía đối lập với cách mạng Việt Nam, nhưng trong hội nghị Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra tự nhiên thoải mái. Trong bài phát biểu, ông tập trung giới thiệu hoạt động của Việt Minh, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược Pháp – Nhật. Trương Phát Khuê nhiều lần vỗ tay hoan nghênh bài phát biểu của Hồ Chí Minh và ở lại đến khi hội nghị kết thúc.

Sau hội nghị, Hồ Chí Minh nói với những người bên mình: “Kết quả hội nghị là một thắng lợi lớn của chúng ta. Việc chúng ta tham gia hội nghị là đúng, còn tẩy chay hội nghị là sai. Tất nhiên, không thể ảo tưởng về Tưởng Giới Thạch, nhưng chúng ta có thể và cần phải thông qua Trung Quốc để tìm cách liên hệ với các quốc gia đồng minh khác, tranh thủ sự giúp đỡ cho sự nghiệp giải phóng của chúng ta.”

Trong một bữa tiệc do Trưởng Ban Chính trị Chiến khu 4 của Quốc dân Đảng là Hầu Chí Minh chủ trì, Nguyễn Hải Thần cố tình tâng bốc Hầu Chí Minh và đọc vế trên một câu đối: “Hồ Chí Minh, Hầu Chí Minh, hai đồng chí, chí đều minh.” Hồ Chí Minh liền ung dung đối lại: “Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng ắt cách.” Câu đối chưa dứt, mọi người có mặt đều đồng thanh tán thưởng. Nguyễn Hải Thần lại càng luôn miệng khen hay: “Bái phục! Bái phục!”

Tại bữa tiệc đó, Hồ Chí Minh nói về tương lai của Việt Nam sau khi giành độc lập: “Bất kể có ý kiến gì về quốc sách hay về chế độ nhà nước sau khi độc lập, thì đều phải đợi cho đến sau độc lập để cho nhân dân lựa chọn, đều phải thông qua một cuộc tổng tuyển cử rộng rãi rồi mới quyết định.” Khi nói về tình hình chiến tranh, Hồ Chí Minh nói: “Tại châu Âu, các nước đồng minh vẫn chưa mở mặt trận thứ hai, nhưng Hồng quân Liên Xô đã tự mình đảm đương được, từ thế yếu chuyển thành thế mạnh, chẳng bao lâu nữa sẽ mở cuộc tấn công Berlin. Có thể dự đoán, việc Liên Xô đánh bại Đức sẽ được giải quyết trong khoảng nửa năm. Với sự phối hợp của các nước đồng minh, Trung Quốc có thể đánh bại Nhật trong khoảng một năm, như vậy chiến tranh thế giới sẽ có thể kết thúc. Trong tương lai không xa, Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn toàn đánh bại thực dân Pháp, giành được độc lập hoàn toàn, bất cứ lực lượng nào đều không thể ngăn cản.”

Với sự ủng hộ và giúp đỡ của Hồ Chí Minh, từ ngày 25 đến 28 tháng 3 năm 1944, Trương Phát Khuê đã tổ chức thành công “Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội”, đạt được mục tiêu cải tổ Việt Cách. Đại hội đã bầu ra một Ban chấp hành gồm 7 người và một Ủy ban kiểm tra gồm 3 người. Hồ Chí Minh được bầu làm Ủy viên dự khuyết của Ban chấp hành khóa đầu tiên.

Sau khi xin chỉ thị của Trùng Khánh, Trương Phát Khuê đồng ý cho Hồ Chí Minh về nước. Như vậy, ngày 9 tháng 8 năm 1944, Hồ Chí Minh dẫn 18 cán bộ Việt Minh rời Liễu Châu về nước, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Nhật ký trong tù – Thơ chữ Hán

Trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của nhà tù và sự giám sát nghiêm ngặt của cai ngục, Hồ Chí Minh đã sáng tác 133 bài thơ bằng chữ Hán, gồm có thơ thất tuyệt, thất luật, ngũ tuyệt và thơ tạp thể. Bác chép các bài thơ này lên giấy thô, đóng thành một cuốn sổ nhỏ và viết bốn chữ “Nhật ký trong tù” lên bìa. Những bài thơ này sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần với khẩu ngữ, nhằm tố cáo sự đối xử vô nhân đạo với tù nhân dưới chế độ Quốc Dân Đảng, thể hiện lòng cảm thông sâu sắc đối với quần chúng lao khổ, và phản ánh ý chí kiên cường, niềm tin tất thắng cùng tấm lòng rộng mở của một chiến sĩ cách mạng vô sản.

Bài đầu tiên của tập thơ mang tên chính là “Nhật ký trong tù”:

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao.

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao.

Bài thơ này có thể được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả tập thơ.

Dưới đây là một vài bài thơ được trích lại:

Mới đến nhà lao Thiên Bảo

Mỗi ngày đi bộ năm ba cây,
Ướt hết áo quần rách hết giày.
Suốt đêm không có chỗ nằm nghỉ,
Ngồi trên hố xí đợi sáng mai.

Tự khích lệ

Không có rét đông lạnh lẽo buồn,
Thì đâu có ấm áp ngày xuân.
Tai họa rèn giũa tôi cứng cỏi,
Khiến tinh thần tôi lại mạnh hơn.

Đi đường

Đi đường mới biết gian nan,
Núi cao lại có núi cao hơn.
Lên đến đỉnh cao trông bốn phía,
Một tấm bản đồ hiện trước mắt
.

Một bài thơ khác mang tựa đề “Trưởng khoa Vũ và nhân viên khoa Hoàng”, gắn với một câu chuyện cảm động. Toàn văn bài thơ như sau:

Trưởng khoa Vũ cùng nhân viên Hoàng,
Hai người thấy tôi quá đáng thương.
Ân cần an ủi và giúp đỡ,
Như mùa đông rét gặp nắng xuân.

Trưởng khoa Vũ trong thơ là Vũ Cam Hoa, lúc đó là nhân viên chính trị, trưởng khoa thuộc Bộ Chính trị Chiến khu 4 của Quốc Dân Đảng. Khi Hồ Chí Minh bị giam ở Quảng Tây, Vũ Cam Hoa phụ trách trông coi Bác và từng giúp đỡ Bác một số việc trong sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi Nhật đầu hàng, quân Quốc Dân Đảng theo quyết định của đồng minh đến Việt Nam tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Vũ Cam Hoa cũng theo quân Quốc Dân đến Việt Nam. Đầu năm 1946, khi quân Quốc Dân chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, một ngày nọ, Vũ Cam Hoa đến Bắc Bộ phủ – trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam ở Hà Nội – xin gặp ông Hồ Đức Thành, người từng làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, để nhờ dẫn ông đến chào từ biệt Chủ tịch.

Hồ Chí Minh bước vào phòng khách, thân mật bắt tay Vũ Cam Hoa, hỏi han và mời trà. Bác thấy Vũ Cam Hoa có vẻ lạnh, suy nghĩ một lúc rồi nói với Hồ Đức Thành:

“Anh tiếp khách nhé, tôi sang bên kia một chút.”

Nói xong, Bác vội vã lên lầu, vài phút sau quay lại, trên tay cầm một gói nhỏ bọc bằng giấy báo. Bác nói bằng tiếng Trung:

“Lúc chia tay, lòng xúc động. Tôi không có gì để tặng anh, thật ngại quá. Vì nước tôi mới giải phóng, như anh đã biết, còn rất nhiều khó khăn. Xin anh nhận chiếc áo nhỏ này, mặc vào sẽ ấm hơn một chút, cũng là chút tấm lòng của tôi.”

Vũ Cam Hoa đứng lên, hai tay đón lấy gói quà. Hồ Đức Thành cũng đứng dậy, chợt phát hiện chiếc áo len mà Bác vừa mặc đã không còn trên người Bác. Vũ Cam Hoa cũng nhận ra điều đó, vô cùng xúc động, nước mắt chan chứa nói:

“Ngài Chủ tịch tặng tôi một món quà vô giá, là tình cảm chân thành ấm áp. Tôi sẽ trân trọng giữ gìn kỷ niệm thiêng liêng này, mãi mãi không quên giây phút vinh hạnh hôm nay.”

Tiễn khách xong, Hồ Đức Thành hỏi:

“Trời lạnh thế này, sao Bác không bảo chúng tôi chuẩn bị trước một món quà, lại cởi cả áo len của mình ra?”

Hồ Chí Minh đáp:

“Anh thử xem trong kho còn gì có thể tặng khách không?”

Tập thơ “Nhật ký trong tù” là một báu vật trong kho tàng văn học Việt Nam, đồng thời cũng là tài liệu quý trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng. Suốt hơn 70 năm qua, tác phẩm luôn được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh niên. Tuy nhiên, bản thảo gốc của tập thơ đã từng bị thất lạc một thời gian dài.

Khoảng giữa năm 1955, một ngày nọ, ông Tạ Quang Chiến – cán bộ phục vụ bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh – trong lúc sắp xếp các tài liệu gửi đến hàng ngày, thấy một phong bì dày, không ghi tên người gửi, chỉ đề “Gửi Văn phòng Chủ tịch, chuyển đến Bác Hồ”. Khi mở ra, ông thấy một cuốn sổ nhỏ viết kín bằng chữ Hán, liền trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác giở ra xem rồi nói:

“Cảm ơn chú nhé!”

Một lúc sau, Bác nói:

“Trải qua chín năm kháng chiến chống Pháp, cứ nghĩ cuốn sổ này đã thất lạc đâu đó. Tôi chỉ còn nhớ lúc ở chiến khu tỉnh Cao Bằng, vì công việc bận rộn, đã treo tạm cuốn sổ này lên mái một ngôi nhà tranh của dân.”

Bác dặn Văn phòng Chủ tịch phải tìm cách cảm ơn và khen thưởng người đã gìn giữ và gửi lại cuốn sổ quý này.

Năm 1960, Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam đã tổ chức nhóm chuyên gia dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Việt, do Nhà xuất bản Phổ thông Hà Nội ấn hành, một lần in đến 450.000 bản; Nhà xuất bản Văn hóa cũng in thêm 20.000 bản.

Năm 1963, hơn 20 chuyên gia, học giả đã biên soạn cuốn sách dài 659 trang có tựa đề “Những suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù”, do Nhà xuất bản Văn học phát hành.

Năm 1990, Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc cho xuất bản tập “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Để giúp độc giả Trung Quốc hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm, Giáo sư Hoàng Tranh (黄铮) thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây còn viết cuốn sách “Chú giải Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh”, do Nhà xuất bản Giáo dục Quảng Tây ấn hành.

Tác giả Lý Gia Trung sinh 1936, từng học Khoa tiếng Pháp Học viện Ngoại quốc ngữ Bắc Kinh, sau đó học Khoa Đông ngữ Đại học Bắc Kinh và Đại học Quốc gia Việt Nam. Từ 1963 công tác tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từng làm nhiều chức vụ ở Vụ Á châu, Bí thư rồi Tham tán Chính vụ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; từ 2/1992 đến 7/2000 làm Đại sứ Trung Quốc ở Lào và Việt Nam.

Hình: Hồ Chí Minh khoảng năm 1940. Nguồn: Keystone/Getty Images/BBC