Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s decision-making system under review amid economic woes’“ Nikkei Asia, 03/07/2025.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Thế lưỡng nan của Tập Cận Bình: Cân bằng an ninh quốc gia với thực tế khắc nghiệt của Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có dấu hiệu thay đổi.
Những dấu hiệu này xuất hiện dù Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tích lũy thành công cái được gọi là “quyền lực tối cao.”
Nguồn gốc quyền lực của ông bắt nguồn từ hệ thống điều phối chính sách và ra quyết định mà Ban chấp hành Trung ương đảng đã thông qua vào năm 2013.
Nhưng giờ đây, sau 12 năm, các lãnh đạo đảng đã đưa ra một quyết định quan trọng, phần nào làm lung lay nền tảng của hệ thống lâu đời này.
Vào Thứ Hai ngày 30/06, Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng đã họp với sự tham dự của tất cả 24 thành viên, ngoại trừ một người. Đúng như dự đoán, tướng Hà Vệ Đông, sĩ quan quân đội cấp cao thứ hai, đã vắng mặt. Ông đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 3.

Bộ Chính trị Trung Quốc thường họp định kỳ mỗi tháng một lần. Nhưng điều bất thường là không có thông báo nào về cuộc họp tháng 5 của họ.
Trong hoàn cảnh này, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào những gì nhà lãnh đạo tối cao Tập có thể phát biểu và những quyết định có thể được đưa ra.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng, đã đăng một thông báo trên trang nhất vào Thứ Ba ngày 01/07, kỷ niệm 104 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng thông báo này lại ngắn một cách bất thường, và tiêu đề của nó cũng thiếu sức nặng.
Tuy nhiên, quyết định của Bộ Chính trị về việc ban hành “quy định mới về các thể chế ra quyết định, thảo luận, và điều phối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng” đã thu hút sự chú ý.
Các quy định mới sẽ thiết lập ranh giới cho các thể chế này, để đảm bảo họ không vượt quá thẩm quyền của mình.
Việc đảng đưa ra một quyết định quan trọng như vậy mà không chờ đến hội nghị trung ương tiếp theo (hội nghị trung ương bốn) của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 hiện tại cũng là điều bất thường.
Thoạt nhìn, thông báo về cuộc họp mới nhất của Bộ Chính trị tưởng chừng là sự tập trung quyền lực hơn nữa vào tay Tập, vì nó chứa đựng những thuật ngữ thường được sử dụng như “lãnh đạo tập trung và thống nhất.”
Nhưng thay vào đó, thông báo này tương đương với việc bác bỏ vai trò của các thể chế ra quyết định, thảo luận, và điều phối của chính quyền Tập. Vấn đề là cách thức hoạt động của các thể chế này đã vượt quá thẩm quyền của chúng.

Theo thông báo, cuộc họp nhấn mạnh rằng các thể chế ra quyết định, thảo luận, và điều phối của Ban Chấp hành Trung ương “cần tập trung vào việc lập kế hoạch, thảo luận, và giám sát các nhiệm vụ lớn, cung cấp hướng dẫn tổng thể và điều phối hiệu quả hơn đối với các sáng kiến lớn.”
Kế đến, thông báo cảnh báo rằng “Trong lúc thực hiện đầy đủ trách nhiệm điều phối của mình, các cơ quan phải tránh lấn sân sang chức năng của cơ quan khác hoặc vượt quá giới hạn.”
Có thể khẳng định rằng: bằng cách đặt ra giới hạn đối với việc ra quyết định, thảo luận, và điều phối chính sách, các quy định mới này sẽ đóng vai trò kiểm soát sự hỗn loạn nảy sinh khi các cơ quan thường xuyên vượt quá thẩm quyền của mình.
Nhưng “vượt quyền” có nghĩa cụ thể là gì? Việc nhìn lại những thay đổi đáng kể trong hệ thống ra quyết định của Trung Quốc kể từ khi Tập trở thành nhà lãnh đạo tối cao vào năm 2012 sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.
Chính quyền khi ấy đã có nhiều cơ quan điều phối chính sách với quyền hạn đáng kể.
Nhưng tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 18, được tổ chức vào tháng 11/2013, hai cơ quan mới đã được thành lập: Ủy ban An ninh quốc gia và Tiểu nhóm Lãnh đạo Cải cách Toàn diện Trung ương, mà vào tháng 03/2018 đã được nâng cấp thành Ủy ban Cải cách Toàn diện Trung ương.
Vào thời điểm đó, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc dưới thời nhà lãnh đạo tối cao mới. Các chính sách kinh tế lớn của Trung Quốc thường được thiết lập tại hội nghị trung ương ba.
Nhưng cuối cùng, việc thành lập các ủy ban cải cách và an ninh quốc gia theo yêu cầu của Tập đã tác động lớn đến kinh tế và nhiều vấn đề khác.
Sau hội nghị trung ương ba, lần lượt các “tiểu nhóm lãnh đạo” phụ trách các lĩnh vực chính sách khác nhau đã được thành lập trong Ban Chấp hành Trung ương và đều do Tập đứng đầu. Một vài trong số này sau đó đã được nâng cấp thành ủy ban.
Cái được gọi là “chính trị nhóm nhỏ” hay “cai trị nhóm nhỏ” đã mở đường để Tập thâu tóm quyền lực vào tay mình.
Dù Ủy ban Cải cách Toàn diện Trung ương vẫn họp thường kỳ, nhưng suốt thời gian qua, đã không có báo cáo nào về các cuộc họp chính thức.
Trong khi đó, vì bản chất của mình nên Ủy ban An ninh Quốc gia thường họp kín. Nhưng với việc các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn để thúc đẩy nền kinh tế, họ đã bị đặt vào một tình thế lưỡng nan: phải làm thế nào để cân bằng giữa các ưu tiên kinh tế và an ninh quốc gia.
Một diễn biến đáng chú ý là việc xuất bản một bài viết của Vương Tập Tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh. Bài viết đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chính sách “an ninh quốc gia là trên hết” của chính quyền Tập.
Vương đã dám xuất bản bài viết của mình trước Thứ Ba ngày 01/07, ngày kỷ niệm 10 năm luật an ninh quốc gia có hiệu lực. Ông là một học giả chính trị quốc tế ôn hòa, người đã tích cực đưa ra các bình luận về ngoại giao, chủ yếu là khi Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập, còn nắm quyền.

Luật an ninh quốc gia quản lý mọi vấn đề từ chính trị, kinh tế, đến xã hội, nên động thái của Vương là rất dũng cảm, đặc biệt khi xét đến việc chính quyền Tập đang ưu tiên an ninh quốc gia hơn mọi mối quan tâm khác.
Kết luận trong bài viết của Vương rất rõ ràng.
Ông lập luận rằng dù tầm quan trọng của an ninh quốc gia là không thể bàn cãi, nhưng ranh giới của nó phải được làm rõ. Ông cũng nhấn mạnh rằng an ninh quốc gia phải được cân bằng với các mục tiêu quốc gia khác, bao gồm cả sự thịnh vượng kinh tế.
Trước khi đưa ra những kết luận này, Vương đã giải thích những tác động tiêu cực của việc quá nhấn mạnh vào an ninh quốc gia, dẫn chứng trường hợp của Đức và Nhật, cùng những thất bại đã dẫn họ đến Thế chiến II.
Ông viết rằng sự tăng trưởng nhanh chóng về của cải cũng thúc đẩy tham vọng bành trướng của Đức và Nhật.
Quay trở lại hiện tại, Vương viết rằng những kẻ cầm quyền phản động ngày nay thường dùng đến biện pháp đàn áp bạo lực dưới vỏ bọc bảo vệ an ninh quốc gia.
Khoảng một thập kỷ trước, “cách mạng màu” đã nổ ra ở Đông Âu và Trung Á, còn “Mùa xuân Ả Rập” đã lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi. Những cuộc nổi dậy quần chúng này được châm ngòi bởi căng thẳng giữa việc yêu cầu tự do và công lý với việc đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định, ông viết thêm.
Bài viết của Vương đã được đăng tải ngày 12/06 trên trang web của Viện Hợp tác và Hiểu biết Toàn cầu trực thuộc Đại học Bắc Kinh. Bài viết gốc đã được xuất bản vào tháng 3, trên một tạp chí học thuật do Tri thức Thế giới, một nhà xuất bản trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát hành.
Đáng nói là bài viết này đã không bị cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc xóa. Ngược lại, vào ngày 23/06, nó còn được đăng tiếp trên trang web của Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, trường cũ của Tập.
Cũng vào ngày 23/06, một hội nghị chuyên đề đã được tổ chức tại Bắc Kinh để kỷ niệm 10 năm ngày ban hành luật an ninh quốc gia. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) do nhà nước điều hành đã đưa tin về hội nghị này trong chương trình thời sự buổi tối ngày hôm đó.
Nhưng một điều bất thường đã xảy ra.
Nhân vật có cấp bậc cao nhất tại hội nghị chuyên đề là Lý Hồng Trung, Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Nhưng chương trình tin tức buổi tối của CCTV lại không hề đề cập đến Lý, và đoạn phim ghi hình sự kiện này cũng không có cảnh quay cận cảnh nào của ông.

Một điều bất thường nữa là Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trần Nhất Tân không có mặt tại hội nghị chuyên đề, dù ông là người giám sát các chính sách an ninh quốc gia.
Bản tin kỳ lạ của CCTV và sự vắng mặt của Trần cho thấy rằng thay đổi dường như đang diễn ra.
Việc gác lại chính sách an ninh quốc gia để ưu tiên phục hồi kinh tế cũng được cho là một trong những mục tiêu chính của Bộ Chính trị khi quyết định ban hành các quy định mới.
Một nguồn tin thân cận với đảng cho biết: “Đã có những lời chỉ trích sâu rộng bên trong Đảng Cộng sản về một hệ thống ra quyết định xa rời thực tế khắc nghiệt của cuộc sống dân thường.”
Một chuyên gia am hiểu chính trị Trung Quốc chỉ ra rằng quá trình củng cố quyền lực nhanh chóng của Tập “đã qua thời kỳ đỉnh cao.”
Chuyên gia này nói thêm rằng quyết định của Bộ Chính trị về việc xem xét lại hệ thống điều phối chính sách và ra quyết định được thông qua vào năm 2013 – vốn cho phép Tập tiếp tục độc chiếm quyền lực – cũng có thể là một điềm báo về sự thay đổi đang diễn ra bên trong đảng: một sự trở lại truyền thống lãnh đạo tập thể.
Hồi cuối tháng 6, tướng Miêu Hoa, người được cho là đại diện chính trị của Tập trong quân đội, đã bị cách chức thành viên Quân ủy Trung ương. Điều này cho thấy rằng lệnh cấm vượt quyền cũng áp dụng cho các trợ lý thân cận của ông Tập.
Một diễn biến bất thường cuối cùng, hoặc chí ít là một diễn biến có vẻ bất thường: Tập dự kiến sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới tại Rio de Janeiro, Brazil, vào Chủ Nhật và Thứ Hai ngày 06-07/07. Đây sẽ là lần đầu tiên ông không tham dự cuộc họp này kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013.
Phải chăng Tập quyết định không đến Brazil để phản ứng với những diễn biến gần đây trong chính trị Trung Quốc? Cần hết sức chú ý, không chỉ đến động thái của các thể chế ra quyết định, thảo luận, và điều phối, mà còn đến bất kỳ thay đổi nhân sự liên quan nào.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.