Thế giới hôm nay: 14/07/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ không áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ trước ngày 1 tháng 8. Hôm thứ Bảy, Donald Trump đe dọa sẽ áp mức thuế 30% lên nhiều mặt hàng của EU nhập khẩu vào Mỹ, bắt đầu từ cùng ngày. Bà von der Leyen nói rằng khối này muốn “một giải pháp thương lượng” nhưng đang chuẩn bị “các biện pháp đáp trả” nếu đàm phán thất bại.

Emmanuel Macron cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng của Pháp thêm 6,5 tỉ euro (7,6 tỉ USD) trong hai năm tới. Pháp đã chi 59,6 tỉ euro cho quốc phòng trong năm 2024 — tương đương 2% GDP. NATO đặt mục tiêu là 3,5%. Nhiều quốc gia châu Âu gần đây đã tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga. “Từ năm 1945 đến nay, tự do chưa bao giờ bị đe dọa đến thế,” tổng thống Pháp phát biểu.

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra thông báo cho biết khóa chuyển đổi nhiên liệu trên máy bay Boeing là an toàn. Các khóa điều khiển bằng tay này, vốn bảo vệ công tắc ngắt nhiên liệu vào động cơ, bị nghi là thủ phạm gây ra vụ tai nạn máy bay Boeing 787 của Air India khiến 260 người thiệt mạng tháng trước. Thông báo của FAA đã được gửi kín đến các cơ quan hàng không khác trên thế giới.

Ông Trump cho biết EU sẽ là bên chi trả cho các hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ gửi đến Ukraine. Tổng thống nói Ukraine “rất cần” số vũ khí này. Trước đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bày tỏ “sự ủng hộ vô điều kiện” với cuộc chiến của Nga khi tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Triều Tiên được cho là đã cử khoảng 11.000 binh sĩ đến hỗ trợ đồng minh của mình.

Cựu tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari qua đời ở tuổi 82. Ông từng lên nắm quyền bằng một cuộc đảo chính quân sự năm 1983, rồi giữ chức hai năm trước khi bị lật đổ. Sau khi chuyển sang con đường dân chủ, ông được bầu làm tổng thống năm 2015. Trong tám năm cầm quyền của mình, ông đã mắc nhiều sai lầm kinh tế, trong khi bóp nghẹt tự do ngôn luận và không thể dập tắt các phong trào Hồi giáo thánh chiến. Người dân Nigeria trở nên nghèo hơn và bạo lực gia tăng.

Một tên lửa của Israel đã bắn trúng trại tị nạn ở Gaza, khiến ít nhất tám người thiệt mạng, nhiều trong số đó là trẻ em. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết tên lửa đã gặp sự cố và không trúng mục tiêu. IDF bày tỏ sự hối tiếc và cho biết đang điều tra vụ việc. Bộ y tế Gaza thông báo trong vòng 24 giờ qua đã có 139 người thiệt mạng tại vùng lãnh thổ này.

Con số trong ngày: hơn 100.000 người đã xuống đường tham gia cuộc diễu hành Pride tại Budapest, bất chấp lệnh cấm của chính phủ.

TIÊU ĐIỂM

Liên minh châu Âu chuẩn bị cho đàm phán thương mại cam go

Cơn bão thuế quan mới nhất của Mỹ đã lan tới Liên minh châu Âu. Hôm 12 tháng 6, Donald Trump tuyên bố hàng hóa từ EU nhập vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 30%, bắt đầu từ ngày 1 tháng 8. Mức thuế này cao hơn nhiều so với mức 20% được áp hồi tháng 4, vốn sau đó đã giảm xuống 10%. Vào thứ Hai tới, các bộ trưởng thương mại EU sẽ nhóm họp để thảo luận về phản ứng của khối, cũng như chiến lược cho chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 7 của phái đoàn EU.

EU gần đây không đạt được nhiều kết quả khi đàm phán với hai siêu cường này — điều không quá bất ngờ. Khối có một số lợi thế, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều nắm đòn bẩy lớn hơn. Mỹ có thể đe dọa ngừng hỗ trợ Ukraine và rút lui khỏi châu Âu. Trung Quốc có thể tăng viện trợ cho Nga. Cuộc xung đột ở Ukraine đang giúp Bắc Kinh bằng cách khiến phương Tây phải dàn trải nguồn lực và sao nhãng các ưu tiên khác. Các bộ trưởng thương mại EU hiểu rằng đàm phán sắp tới không chỉ đơn thuần là về thương mại. Câu hỏi là liệu họ có thể vạch ra một chiến lược tương xứng hay không.

Singapore lo ngại chiến tranh thương mại

Ít nước nào lo lắng về gián đoạn thương mại toàn cầu do Donald Trump gây ra như Singapore. Tỷ lệ thương mại trên GDP của quốc đảo này là hơn 300% — thuộc hàng cao nhất thế giới. Hiện tại, hàng hóa Singapore xuất khẩu sang Mỹ chịu mức thuế cơ bản 10%, thấp hơn các nước láng giềng. Song những lời đe dọa về việc áp thuế lên chất bán dẫn và dược phẩm có thể ảnh hưởng nặng nề đến Singapore.

Các ước tính GDP quý hai, được công bố vào thứ Hai, cho thấy kinh tế Singapore vẫn đang đứng vững. Tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái đạt 4,3%, tăng từ mức 3,9% của quý một. Nhưng bộ trưởng thương mại Gan Kim Yong cảnh báo rằng hiệu ứng “chạy trước thuế” — tức việc tăng xuất khẩu để tránh bị áp thuế mới — sẽ không kéo dài. Ông dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại. Ông Gan có kế hoạch đến Mỹ trong tháng này để đàm phán về thương mại. Nhưng như nhiều nước khác đã xác nhận, đạt được một thỏa thuận tốt không hề dễ dàng.

Người Afghanistan mất quyền cư trú tại Mỹ

Vào tháng 5, bộ an ninh nội địa Mỹ thông báo người Afghanistan sẽ không còn đủ điều kiện nhận Tình trạng Bảo vệ Tạm thời (TPS) — một chính sách dành cho những người chạy trốn khỏi chiến tranh hoặc thảm họa tự nhiên và không đủ điều kiện xin tị nạn. Từ thứ Hai, những người này sẽ mất quyền cư trú tại Mỹ. Nhiều người trong số họ đã rời Afghanistan sau khi Mỹ rút quân năm 2021 và có thể phải quay lại sống dưới sự cai trị của Taliban. Một số từng giúp đỡ quân đội Mỹ trong thời gian chiếm đóng.

Khi nắm quyền, đảng Dân chủ dựa vào các hình thức bảo vệ tạm thời để hỗ trợ người tị nạn từ các khu vực nguy hiểm, vì cải cách luật nhập cư là rất khó. Trong năm 2024 có khoảng 1,1 triệu người được hưởng TPS. Ông Trump hiện đã hủy chính sách này đối với người Afghanistan, Haiti, Honduras, Nicaragua, Venezuela và các nhóm khác. Một số người đã sống ở Mỹ hàng thập niên. Khi biến những người nhập cư hợp pháp thành người không giấy tờ, ông Trump khiến họ dễ bị trục xuất hàng loạt — và làm lộ rõ điểm yếu trong chiến lược của phe Dân chủ: như tên gọi, TPS chỉ là tạm thời.

Diễn biến mới trong nội chiến Sudan

Giao tranh đang leo thang ở Bắc Kordofan, bang nằm ngay phía tây thủ đô Khartoum của Sudan. Quân đội chính phủ và lực lượng bán quân sự RSF đang giao chiến giành quyền kiểm soát thành phố el-Obeid, thủ phủ bang. Hồi tháng 2, sau gần hai năm, quân đội đã phá vỡ vòng vây của RSF quanh thành phố này, nơi có căn cứ quân sự và nằm trên một tuyến đường huyết mạch. Giờ đây, RSF đang tìm cách tái chiếm el-Obeid.

Chiến thắng sẽ là một bước ngoặt nữa trong cuộc nội chiến đầy biến động của Sudan. RSF, lực lượng từng bị cáo buộc phạm tội diệt chủng, lại đang chiếm ưu thế. Kể từ khi mất quyền kiểm soát Khartoum vào tháng 3, họ đã mở được tuyến tiếp tế quan trọng từ Libya và đạt nhiều bước tiến ở phía nam. Dù kết quả ra sao, người dân Sudan vẫn sẽ là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cuộc chiến giành el-Obeid đã khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Lương thực đang khan hiếm và dịch tả đang lan rộng.