Nguồn nước đang trở thành vũ khí khủng bố như thế nào?

Nguồn: Abdoulie Ceesay, “The World Is Entering a Dark New Era of Hydroterrorism”, Foreign Policy, 18/07/2025

Biên dịch: Viên Đăng Huy

Nước từ lâu đã là một công cụ của chiến tranh, nhưng trong những năm gần đây, thế giới đã bước vào một kỷ nguyên đen tối mới của khủng bố nguồn nước. Trên khắp toàn cầu, từ Yemen đến Ukraine, nguồn tài nguyên thiết yếu này ngày càng được sử dụng như một công cụ kiểm soát. Theo Viện Thái Bình Dương, bạo lực liên quan đến nguồn nước trên toàn cầu đã tăng hơn 50% chỉ riêng trong năm 2023. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn coi nguồn nước là vấn đề phát triển hay môi trường – chứ không phải là điểm nóng an ninh quốc gia mà nó đã trở thành.

Các khuôn khổ lỗi thời, như Công ước Liên Hợp Quốc về Nước và phương pháp Quản lý Tài nguyên Nước Tích hợp, sẽ không thể chống chọi được với những cơn bão sắp tới, và khi các cú sốc khí hậu gia tăng, việc phớt lờ mối đe dọa này chẳng khác nào sự sơ suất. Căng thẳng về nước do biến đổi khí hậu gây ra sự tuyệt vọng, đặc biệt ở những nơi mà chính phủ tham nhũng hoặc vắng mặt tạo ra một khoảng trống. Và các nhóm cực đoan đã bước vào khoảng trống này, mang đến một trật tự méo mó.

Vấn đề này đặc biệt rõ rệt ở vùng Sahel, nơi các nhóm cực đoan bạo lực có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và al Qaeda lợi dụng tình trạng khan hiếm nước để giành quyền lực. Tại các khu vực bị chính phủ thiếu hụt ngân sách bỏ rơi, các nhóm này cung cấp nước và tài nguyên cho các cộng đồng đang tuyệt vọng, tuyển mộ thông qua sự kết hợp đáng lo ngại giữa đức tin và sự sống còn.

Tại quê hương tôi ở Gambia, nằm ở vùng Sahel, độ mặn gia tăng do biến đổi khí hậu đang xâm lấn đất liền. Kết quả là, gần một phần ba diện tích cánh đồng lúa của đất nước có thể trở nên không sử dụng được trong vòng một thập kỷ. Ở nước láng giềng Senegal, nhu cầu nước được dự báo sẽ tăng tới 60% vào năm 2035, trong khi lượng mưa nhìn chung đã giảm.

Căng thẳng đã và đang gia tăng nhanh chóng. Hơn một phần tư trong số 2,6 triệu người dân Gambia thiếu tiếp cận nước uống an toàn. Tình trạng thiếu nước theo mùa thúc đẩy di cư nội bộ và gây căng thẳng cho các thành phố như Banjul. Trong năm năm qua, đã có 450 cuộc đụng độ giữa nông dân và người chăn nuôi ở trung tâm Sahel về nguồn nước và đồng cỏ cạn kiệt. Truyền thống khoan dung tôn giáo mạnh mẽ của Gambia đã giúp nước này chống lại sức hấp dẫn của chủ nghĩa cực đoan cho đến nay. Nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng và căng thẳng khí hậu làm tăng nguy cơ cực đoan hóa.

Trên khắp vùng Sahel, điều này đang trở thành quy chuẩn. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các cuộc xung đột về nguồn nước ở Châu Phi đã gia tăng trong 20 năm qua và tình trạng khan hiếm nước có liên quan đến xung đột bạo lực ở vùng Sahel. Trong khi đó, các nhóm cực đoan đang mở rộng sang Mali, Niger và Burkina Faso, nơi quyền lực nhà nước đang sụp đổ. Gambia nằm ngay phía tây các quốc gia này, và nếu không có sự hợp tác khu vực khẩn cấp, nước này có thể là nạn nhân tiếp theo của các cuộc nổi dậy lan rộng.

Trong quá khứ, các chính phủ khu vực đã cố gắng hợp tác để ngăn chặn vấn đề này. Trong những năm 1970 và 1980, điều kiện hạn hán khắc nghiệt đã thúc đẩy sự hình thành Liên bang Senegambia – một liên minh chính trị táo bạo nhưng tồn tại ngắn ngủi nhằm thúc đẩy hội nhập giữa Gambia và Senegal, bao gồm việc quản lý chung các lưu vực sông và nông nghiệp. Liên bang cuối cùng sụp đổ vào năm 1989 do sự mất lòng tin chính trị và việc các quốc gia không thể hợp nhất quân đội và nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, nó đã nhận ra điều mà các nhà hoạch định chính sách phải ghi nhớ ngày nay: Nước không có biên giới.

Và đây chính là vấn đề. Mặc dù gần hai phần ba lượng nước ngọt toàn cầu chảy qua biên giới quốc gia, thế giới vẫn thiếu một khuôn khổ toàn cầu hiện đại để quản lý nó. Hầu hết các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước ngày nay là song phương, lỗi thời và dễ dàng bị từ bỏ khi quan hệ xấu đi. Lấy ví dụ Hiệp định Nước sông Nile năm 1959 giữa Ai Cập và Sudan, đã gây ra hàng thập kỷ xung đột trong khu vực vì nó loại trừ các quốc gia thượng nguồn như Ethiopia.

Đây là lý do tại sao thế giới cần các thỏa thuận về nguồn nước xuyên biên giới quốc tế mới có hiệu lực. Các tổ chức như Liên minh châu Phi, Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi và Liên Hợp Quốc cần đóng vai trò tiên phong và xây dựng các hiệp ước có hiệu lực pháp lý phải bao gồm các điều khoản về giảm leo thang, trọng tài ràng buộc và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực để đảm bảo hợp tác cơ bản ngay cả trong xung đột. Ngoài ra, các hiệp ước cũng nên bắt buộc sử dụng các công nghệ như giám sát vệ tinh và dự báo dựa trên trí tuệ nhân tạo để dự đoán và quản lý tình trạng thiếu nước thông qua các hệ thống cảnh báo sớm, cho phép hành động phòng ngừa trước khi tuyệt vọng biến thành bạo lực.

Nhưng không có giải pháp quốc tế nào như thế này sẽ thành công cho đến khi các nhà hoạch định chính sách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố nguồn nước: tình trạng thiếu nước do biến đổi khí hậu, sự thất bại của nhà nước và sự xói mòn lòng tin công chúng. Để chống lại điều này, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế phải hợp lực để cung cấp các dịch vụ công và xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng từ bên trong. Điều đó có nghĩa là nhìn xa hơn các chiến lược chính trị và ngoại giao truyền thống để thúc đẩy thay đổi lâu dài từ cơ sở.

Trên khắp Tây Phi, các nhóm xã hội dân sự đã và đang đặt nền móng để huy động hành động vì khí hậu. Các tổ chức như Faith for Our Planet (FFOP) đảm bảo rằng tôn giáo có thể là một công cụ cho hành động khí hậu. Được thành lập bởi Mohammed bin Abdul Karim Al-Issa, người đứng đầu Liên đoàn Hồi giáo Thế giới, FFOP đào tạo các nhà lãnh đạo tôn giáo để kết nối khoa học khí hậu với các giáo lý tâm linh.

Ví dụ, Chương trình Lãnh đạo Liên tôn Thanh niên của FFOP, mà tôi đã tham dự vào năm 2023, trao quyền cho thế hệ tiếp theo đối mặt với các vấn đề như khan hiếm nước theo những cách có tính đến bối cảnh văn hóa. Và vào năm 2024, Liên đoàn Hồi giáo Thế giới đã giúp đưa những giáo lý này vào thực tế. Dẫn lời tín ngưỡng Hồi giáo rằng phúc lợi của tất cả mọi người nên được tìm kiếm mà không phân biệt đối xử, tổ chức này đã khởi động một dự án đầy tham vọng nhằm đảm bảo tiếp cận nước sạch ở Malawi.

Các sáng kiến cơ sở khác đã đạt được những tiến bộ có ý nghĩa trong giải quyết xung đột. Ví dụ, ở Nigeria, các tổ chức như Search for Common Ground đào tạo các nhà hòa giải địa phương để giải quyết các tranh chấp liên quan đến nước ở các khu vực bị Boko Haram ảnh hưởng. Ở Mali, các cuộc đối thoại cộng đồng đã thành công trong việc xoa dịu căng thẳng về việc tiếp cận thủy lợi ở các khu vực bị hạn hán.

Tác động của các sáng kiến này thường vượt trội so với các sứ mệnh quốc tế, phần lớn là do chúng được gắn kết sâu sắc với các cộng đồng địa phương. Và lịch sử cho thấy áp lực cơ sở bền vững mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, nhờ sự vận động mạnh mẽ của các nhóm xã hội dân sự như Stop Ecocide International, Tòa án Hình sự Quốc tế đang chuẩn bị công nhận tội ác phá hoại môi trường (ecocide) là tội ác cốt lõi thứ năm. Đây là một bước đột phá quan trọng, tiếp nối những thành công gần đây trong việc thiết lập công lý khí hậu, khi người dân châu Âu đã bắt đầu buộc chính phủ của họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót trong bảo vệ môi trường.

Điều này dẫn đến điểm cuối cùng.. Cộng đồng quốc tế phải thực hiện bước đi quyết định là công nhận rõ ràng việc vũ khí hóa nước là một tội ác theo luật pháp quốc tế. Việc thao túng nguồn tài nguyên này để gây hại cho dân thường hoặc ép buộc các quốc gia phải chịu những hậu quả thực sự, bao gồm các biện pháp trừng phạt, truy tố và bồi thường.

Trên khắp thế giới, 1,8 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước tuyệt đối, nghĩa là họ có ít hơn 500 mét khối nước mỗi năm. Nhiều người trong số này chỉ cần một cuộc khủng hoảng là rơi vào vòng tay của chủ nghĩa cực đoan. Việc đối phó với thực tế này có thể sẽ mất hàng thập kỷ và nỗ lực chung của vô số tổ chức và chính phủ.

Nhưng nếu cộng đồng quốc tế xây dựng được một khuôn khổ hiện đại để quản lý nguồn nước xuyên biên giới – với các tiêu chuẩn pháp lý có thể thực thi, cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và đề cao vai trò của cộng đồng – thì điều đó có thể thay đổi cục diện. Chỉ khi đó, con người mới có thể lấy lại nước như một nguồn sống thiết yếu, chứ không phải là vũ khí chiến tranh.

Abdoulie Ceesay là Phó lãnh đạo phe đa số tại Quốc hội Gambia, nơi ông tham gia các ủy ban về giáo dục, thương mại, thanh niên, nhân quyền và các vấn đề hiến pháp.