Tiền điện tử và cuộc chiến Mỹ-Trung giành quyền lãnh đạo tài chính toàn cầu

Nguồn: Trần Ánh Phàm và Trần Định Định, “Who Will Rule Crypto? The China-US Battle for Global Financial Leadership,” The Diplomat, 22/07/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cuộc đua tiền kỹ thuật số giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là một cuộc chạy đua công nghệ, mà còn là một cuộc tái thiết hệ thống quản trị tiền tệ toàn cầu.

Trong năm 2025, Trung Quốc và Mỹ đang tăng cường sự cạnh tranh trong một lĩnh vực mới: cơ sở hạ tầng tiền tệ kỹ thuật số.

Tháng 5 vừa qua, Hong Kong đã thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt để quản lý các loại stablecoin (tiền điện tử có giá trị ổn định) được tham chiếu bằng tiền pháp định, nhấn mạnh tham vọng trở thành trung tâm tài chính kỹ thuật số và phù hợp với chiến lược rộng hơn của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) trở thành một lựa chọn thay thế cho đồng đô la Mỹ.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách và các công ty công nghệ tài chính (fintech) của Mỹ cũng đang nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận của các stablecoin được hỗ trợ bởi đồng đô la, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng về việc ai sẽ đặt ra các quy tắc cho trật tự tiền tệ kỹ thuật số mới nổi.

Trung Quốc thúc đẩy một hệ thống tiền tệ đa cực

Trung Quốc đã và đang tích cực quảng bá đồng e-CNY, với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố kế hoạch thành lập một trung tâm vận hành quốc tế cho đồng tiền này tại Thượng Hải. Sáng kiến này nhằm mục đích tăng cường sự hiện diện toàn cầu của e-CNY và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế. PBOC đặt mục tiêu tích hợp e-CNY vào tài chính chuỗi cung ứng và thanh toán xuyên biên giới – đặc biệt là giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong – nơi dự kiến mức sử dụng sẽ đạt 8 tỷ đô la vào năm 2025.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại JP Morgan vẫn cho rằng đồng e-CNY khó có thể làm xói mòn vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ trong các giao dịch toàn cầu, và dữ liệu đã củng cố nhận định này. Năm 2022, đồng đô la Mỹ vẫn chiếm 88% giao dịch ngoại hối toàn cầu, 70% phát hành nợ nước ngoài, và 48% nợ phải trả xuyên biên giới, trong khi đồng nhân dân tệ Trung Quốc chỉ chiếm 7% doanh thu ngoại hối.

Nhưng vai trò của đồng e-CNY trong việc tạo thuận lợi cho thương mại trong khối BRICS và các thị trường mới nổi khác có thể dần làm xói mòn ảnh hưởng của đồng đô la ở một số khu vực cụ thể. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2025 tại Rio de Janeiro, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết phi đô la hóa, kêu gọi triển khai các hệ thống thanh toán thay thế, và chỉ trích các biện pháp thương mại đơn phương dựa trên đồng đô la. Khối này đã lên án các mức thuế quan đơn phương, xem chúng là có hại cho sự ổn định kinh tế toàn cầu.

BRICS đang tích cực tìm hiểu các hệ thống thanh toán thay thế, một chiến lược được thể hiện thông qua một số cơ chế cụ thể. Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) đã phát hành hơn 2,1 tỷ đô la Mỹ dưới dạng các khoản vay bằng nội tệ để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn bằng đô la Mỹ, trong khi Quỹ Dự trữ Khẩn cấp (Contingent Reserve Arrangement) trị giá 100 tỷ đô la Mỹ cung cấp thanh khoản cho các quốc gia thành viên bằng các loại tiền tệ khác ngoài đô la Mỹ, giúp tăng cường khả năng phục hồi tài chính.

Bổ sung cho sự chuyển dịch này, Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc đã mở rộng đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ và có thể tương tác với hệ thống SPFS của Nga, qua đó cho phép một số quốc gia tránh được mạng lưới SWIFT dựa trên đồng đô la. Dữ liệu thương mại củng cố xu hướng này: năm 2024, thương mại song phương Trung-Nga đạt 218 tỷ đô la, với một tỷ trọng ngày càng tăng được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp, trong khi thương mại Ấn-Nga đạt tổng cộng 66 tỷ đô la, và phần lớn trong số đó không sử dụng đồng đô la nhờ có các thỏa thuận bằng nội tệ.

Stablecoin của Mỹ: Quy định rõ ràng và phạm vi toàn cầu

Nhằm ứng phó với tầm quan trọng ngày càng tăng của các loại tiền tệ kỹ thuật số, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật GENIUS (Guiding and Establishing National Innovation for U.S. Stablecoins, Hướng dẫn và Thiết lập Đổi mới Quốc gia cho Đồng tiền ổn định Mỹ) vào ngày 17/06, với tỷ lệ phiếu bầu lưỡng đảng 68-30, đánh dấu khuôn khổ pháp lý liên bang đầu tiên cho các stablecoin thanh toán. Đạo luật mang tính bước ngoặt này yêu cầu các nhà phát hành phải bảo chứng đầy đủ cho stablecoin của mình bằng các tài sản thanh khoản, đăng ký với các cơ quan quản lý, và đáp ứng các yêu cầu về minh bạch và kiểm toán. Việc thông qua đạo luật này được cho là sẽ củng cố sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, bằng cách đảm bảo quyền tiếp cận được quản lý đối với các stablecoin được neo giá bằng đồng đô la.

Trong khi đó, Circle – nhà phát hành USDC, một stablecoin được neo vào đồng đô la Mỹ – đang mở rộng hoạt động trên toàn cầu. Theo báo cáo Tình hình Kinh tế USDC năm 2025, lượng lưu thông của USDC đã tăng 78% so với cùng kỳ năm trước, vượt mốc 60 tỷ đô la nguồn cung đang hoạt động vào đầu năm 2025, trong khi tổng giao dịch trọn đời vượt 20 nghìn tỷ đô la, với kỷ lục 1 nghìn tỷ đô la lượng giao dịch hàng tháng vào tháng 11/2024. USDC hiện có thể được sử dụng bởi hơn 500 triệu người dùng tại hơn 180 quốc gia, được hỗ trợ bởi một mạng lưới ngày càng tăng các đối tác ngân hàng toàn cầu và các giao thức chuyển giao chuỗi chéo (cross-chain transfer protocols) vốn đã tạo điều kiện cho việc chuyển khoản hơn 20 tỷ đô la giữa các chuỗi (blockchains).

Trong một động thái đáng chú ý, Ant International, chi nhánh ở nước ngoài của Ant Group do Jack Ma hậu thuẫn, đang chuẩn bị tích hợp USDC vào nền tảng AntChain của mình sau khi token này đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Mỹ theo Đạo luật GENIUS. Việc tích hợp này sẽ kết nối USDC với cơ sở khổng lồ gồm hơn 1 tỷ người dùng của Alipay và mở ra khả năng giao dịch xuyên biên giới mới cho đồng đô la kỹ thuật số được quản lý.

Sự tăng trưởng nhanh chóng này – cùng với sự rõ ràng về mặt quy định sau Đạo luật GENIUS – đã định vị USDC như một phương tiện mạnh mẽ để củng cố vị thế số hóa của đồng đô la Mỹ trên khắp các biên giới và ngành nghề. Việc đồng tiền này ngày càng được các tổ chức chấp nhận và khả năng tương tác của nó với các nền tảng như Alipay và AntChain báo hiệu sự hội tụ giữa cơ sở hạ tầng stablecoin của Mỹ với tầm vươn của công nghệ tài chính Trung Quốc, theo đó củng cố lợi thế cạnh tranh của đồng đô la trong nền kinh tế kỹ thuật số đang nổi lên.

Hàm ý đối với tài chính toàn cầu

Cuộc cạnh tranh tiền tệ kỹ thuật số ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm giành ảnh hưởng đối với tương lai của tài chính toàn cầu. Trong khi Trung Quốc tích cực quảng bá e-CNY với hy vọng thiết lập một hệ thống tiền tệ đa cực, Mỹ lại đang tận dụng stablecoin để củng cố sự thống trị của đồng đô la trong các giao dịch kỹ thuật số.

Cuộc cạnh tranh này góp phần tạo ra một bối cảnh tiền tệ toàn cầu phân mảnh, nơi nhiều loại tiền kỹ thuật số khác nhau cùng tồn tại, mỗi loại được hỗ trợ bởi các khối địa chính trị khác nhau. Sự phân mảnh này có thể làm tăng chi phí giao dịch và làm phức tạp thương mại quốc tế; tuy nhiên, nó cũng phản ánh bản chất đang thay đổi của các cấu trúc quyền lực kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu gần đây đã minh họa bối cảnh đang thay đổi này. Tỷ trọng của đồng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm từ hơn 70% vào đầu những năm 2000 xuống còn khoảng 59% vào cuối năm 2021, theo dữ liệu dự trữ ngoại hối của IMF (COFER). Nguyên nhân là do các quốc gia – đặc biệt là trong khối BRICS – theo đuổi các chiến lược đa dạng hóa dự trữ. Ví dụ, các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã mua hơn 244 tấn vàng chỉ trong quý đầu tiên của năm 2025, mức cao nhất trong một quý trong những năm gần đây, báo hiệu một nỗ lực phối hợp để phòng bị nước đôi trước sự phụ thuộc vào đồng đô la và tăng cường khả năng phục hồi trước các cú sốc địa chính trị và tiền tệ.

Những thay đổi về dự trữ này chỉ ra những thay đổi sâu sắc hơn về mặt cấu trúc trong tài chính toàn cầu. Các tổ chức như IMF đã cảnh báo rằng hiệu quả thanh toán của tiền kỹ thuật số có thể bị “bù trừ bởi những thách thức đối với mạng lưới an toàn tài chính trong điều kiện căng thẳng,” đặc biệt là trong một thế giới có các chế độ tiền kỹ thuật số khác nhau. Như IMF đã cảnh báo trong một lưu ý chính sách năm 2024, “việc chuyển sang cấu trúc dự trữ đa cực có thể yêu cầu các tổ chức phát hành dự trữ toàn cầu mở rộng các biện pháp hỗ trợ thanh khoản” – nhấn mạnh cách sự phân mảnh kỹ thuật số có thể làm suy yếu chính sự ổn định mà các công nghệ này đang mong muốn tăng cường. S. Yash Kalash từ Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế cũng đưa ra cảnh báo tương tự, rằng các cơ sở hạ tầng tài chính kỹ thuật số khác nhau có thể thúc đẩy “sự phân mảnh, biến động về dòng vốn, và đứt gãy về quy định,” đặc biệt là khi các quốc gia xây dựng liên minh xung quanh các công nghệ tiền tệ cạnh tranh với nhau.

Nghiên cứu thực nghiệm ủng hộ xu hướng này. Một nghiên cứu năm 2025 của Antonis Ballis đã phát hiện ra rằng rủi ro gia tăng từ các lệnh trừng phạt và sự suy giảm niềm tin vào các mạng lưới thanh toán phương Tây đang đẩy nhanh việc áp dụng các hệ thống như CIPS và các hệ thống thanh toán tiền kỹ thuật số song phương của ngân hàng trung ương, do đó củng cố “sự phân mảnh kỹ thuật số theo các ranh giới địa chính trị.” Nghiên cứu nhấn mạnh rằng các mạng lưới như vậy đang ngày càng được sử dụng không chỉ vì hiệu quả, mà còn như một công cụ phòng bị nước đôi khỏi đồng đô la.

Đồng tình với quan điểm này, nhà kinh tế học Kenneth Rogoff, giáo sư Đại học Harvard và cựu nhà kinh tế trưởng của IMF, xem thời điểm hiện tại là bước ngoặt quan trọng nhất của hệ thống tiền tệ toàn cầu kể từ khi chế độ bản vị vàng kết thúc. Ông nhấn mạnh rằng, đồng đô la Mỹ có khả năng mất thị phần – chủ yếu vào tay đồng nhân dân tệ và ở mức độ thấp hơn là đồng euro – nhưng các loại tiền điện tử cũng đang làm suy giảm sự thống trị của đồng đô la trong nền kinh tế ngầm. Sự thay đổi này đã diễn ra trong hơn một thập kỷ do sự linh hoạt ngày càng tăng của đồng nhân dân tệ và sự phát triển của các hệ thống thanh toán thay thế của Trung Quốc. Những xu hướng này đã được thúc đẩy bởi các chính sách của chính quyền Trump.

Rogoff gợi ý trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng đồng đô la có thể vẫn chiếm ưu thế trong ngắn hạn, nhưng sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng khi trật tự tiền tệ toàn cầu phát triển.

Quá trình chuyển đổi này không phải là không có cái giá phải trả. Đối với các tổ chức tài chính, sự phân mảnh ngày càng tăng có thể làm gia tăng chi phí ma sát, gia tăng rủi ro tiền tệ, và làm phức tạp việc tuân thủ quy định giữa các khu vực pháp lý. Đối với các thị trường mới nổi, nó mang lại một động lực hai mặt: cơ hội vượt qua các điểm nghẽn do đồng đô la chi phối, nhưng đi kèm với đó là rủi ro tạo ra sự phụ thuộc mới – lần này là vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khu vực và các nền tảng công nghệ tài chính thống trị. Các tổ chức quản trị tài chính toàn cầu như IMF đã liên tục cảnh báo rằng sự phát triển thiếu đồng bộ của tiền kỹ thuật số có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng thanh khoản và làm suy yếu sự ổn định hệ thống trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị.

Xét cho cùng, cuộc đua tiền kỹ thuật số giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ – nó đại diện cho sự tái thiết lập hệ thống quản trị tiền tệ toàn cầu. Khi các cơ sở hạ tầng cạnh tranh dần trở thành các khối địa chính trị, tương lai của tài chính xuyên biên giới có thể sẽ được định hình không chỉ bởi hiệu quả hay khả năng đổi mới, mà còn bởi mạng lưới mà các nền kinh tế thế giới lựa chọn tin tưởng. Trong kỷ nguyên mới nổi này, chính trị về khả năng tương tác giữa các hệ thống, khả năng tiếp cận, và chủ quyền sẽ định hình tài chính toàn cầu hơn bao giờ hết.

Trần Ánh Phàm (Yingfan Chen) là nghiên cứu viên tại Viện Hải Quốc Đồ Trí (Intellisia Institute). Cô cũng là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Tế Nam.

Trần Định Định (Dingding Chen) là viện trưởng Viện Hải Quốc Đồ Trí.