Lợi ích của Trung Quốc khi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine

Nguồn: Justyna Szczudlik, “Chinese peacekeepers in Ukraine would be a win-win for Beijing”, The Interpreter, 22/07/2025

Biên dịch: Viên Đăng Huy

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine vào tháng 2, Trung Quốc đã liên tục phát tín hiệu rằng họ đang cân nhắc việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình – hoặc ít nhất là thảo luận về ý tưởng này – một khi lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình được ký kết.

Mặc dù các quan chức nhà nước Trung Quốc cho rằng còn quá sớm để nói về việc gìn giữ hòa bình, nhưng các chuyên gia an ninh của nước này đang thảo luận về chủ đề này tại các diễn đàn quốc tế, các bài tiểu luận phân tích đang được các chuyên gia Trung Quốc viết về vấn đề này, và chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tới Berlin và Paris đã đưa vấn đề gìn giữ hòa bình vào chương trình nghị sự một cách rõ ràng. Việc ông Đổng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc lần thứ 6 tại Berlin là chuyến thăm đầu tiên tới châu Âu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong hơn bốn năm. Chuyến thăm diễn ra ngay trước các cuộc đàm phán Ukraine-Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, và phía Trung Quốc giữ thái độ khá kín đáo.

Trong khi đó, Trung Quốc đã kín đáo tăng cường hợp tác với Ukraine để tránh làm Nga phật lòng. Đại sứ Trung Quốc mới được bổ nhiệm tại Ukraine, Mã Thành Côn, người từng là Phó Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tích cực làm việc với giới kinh doanh và học thuật, cũng như chính quyền Ukraine. Ông cũng nằm trong nhóm hơn 60 nhà ngoại giao nước ngoài đã đến thăm hiện trường vụ tấn công tên lửa của Nga ở quận Solomyanskyi của Kyiv.

Đây là một trò chơi khéo léo và tinh tế mà Trung Quốc đã và đang chơi, đặc biệt là với châu Âu và Mỹ. Một bình luận gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, được đưa ra trong cuộc trò chuyện của ông với Kaja Kallas của EU tại Brussels, rằng Trung Quốc không muốn Nga thua cuộc chiến, đã minh họa quan điểm của Bắc Kinh. Không muốn Nga thua cuộc chiến không có nghĩa là muốn Nga thắng. Vấn đề nằm ở chỗ này. Kết cục cuối cùng mà Trung Quốc mong muốn ở Ukraine là một nền hòa bình nửa vời: không phải chiến tranh và cũng không phải hòa bình, mà là một cái gì đó ở giữa, tương tự như một cuộc xung đột đóng băng. Điều này sẽ không khiến Nga mạnh lên (như khi giành chiến thắng) cũng không làm nước này sụp đổ hoàn toàn (như khi thất bại). Như Vương Nghị đã đề cập, điều này cũng sẽ giữ sự chú ý của Mỹ tập trung hoàn toàn vào Nga thay vì Trung Quốc. Cuộc xung đột đóng băng vẫn cần được giám sát chặt chẽ, vì nó có thể ‘tan chảy’ bất cứ lúc nào.

Có những lý do chính trị khác nữa khiến Bắc Kinh có thể cân nhắc việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine. Các quan chức Trung Quốc thường nhấn mạnh tầm quan trọng của một sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc khi thảo luận về các chiến dịch như vậy. Việc Trung Quốc đặc biệt chú trọng vào Liên Hợp Quốc là điều đáng lưu ý, bởi nó cho thấy Bắc Kinh muốn củng cố vai trò của tổ chức này như nền tảng của trật tự toàn cầu. Điều quan trọng cần lưu ý là Trung Quốc tạo ra một sự phân biệt nhân tạo giữa cái mà họ gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Mỹ dẫn đầu, mà họ muốn phá bỏ, và trật tự quốc tế tập trung vào Liên Hợp Quốc, mà Trung Quốc là thành viên sáng lập và muốn duy trì. Sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc trong Liên Hợp Quốc là nhằm mục đích củng cố vị thế của các nước Phương Nam toàn cầu, một nhóm các quốc gia mà Trung Quốc coi là đồng minh chính trị tiềm năng.

Bất kể Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp nhận hay phủ quyết nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Trung Quốc tại Ukraine, kết quả sẽ đều có lợi cho Trung Quốc. Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về nhiệm vụ này có thể chỉ diễn ra sau khi Nga đã chấp thuận, điều này dường như rất có thể xảy ra do mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. Hơn nữa, Ukraine có thể nhìn nhận nhiệm vụ của Trung Quốc một cách tích cực, vì Volodymyr Zelenskyy đã áp dụng cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” tinh tế với Trung Quốc và rất muốn tránh làm căng thẳng quan hệ với Bắc Kinh. Thậm chí tôi còn được một chuyên gia về Ukraine cho biết rằng chính phủ ở Kyiv coi Trung Quốc là lựa chọn cuối cùng của mình.

Nếu Hội đồng Bảo an chấp nhận nhiệm vụ, Trung Quốc sẽ tự khẳng định mình là một bên liên quan có trách nhiệm và giảm (hoặc thậm chí chấm dứt) sự chỉ trích của phương Tây vì đã ủng hộ Nga. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc mong muốn tích cực bảo vệ một lệnh ngừng bắn hoặc hòa bình ở Ukraine. Trên thực tế, mục tiêu hoàn toàn mang tính chính trị: giành lợi thế chiến lược. Trung Quốc quan tâm đến một sự hiện diện gìn giữ hòa bình mang tính biểu tượng và có khả năng chỉ triển khai một số lượng nhỏ nhân sự, chẳng hạn như cảnh sát hoặc kỹ sư công binh. Tuy nhiên, bất kể số lượng hay liệu lực lượng gìn giữ hòa bình có thực sự xuất hiện hay không, đó sẽ là một thử thách nghiêm trọng đối với phương Tây.

Ngược lại, nếu Hội đồng Bảo an phủ quyết việc triển khai, Bắc Kinh có thể cáo buộc phương Tây – đặc biệt là Mỹ, Pháp hoặc Anh – cản trở các nỗ lực hòa bình của mình. Điều này sẽ củng cố quan điểm của Trung Quốc và Nga rằng phương Tây không quan tâm đến việc đạt được hòa bình ở Ukraine và phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột.

Ngoài việc củng cố vị thế của mình trong Liên Hợp Quốc và đối với các quốc gia Phương Nam toàn cầu, Trung Quốc còn quan tâm đến việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Nước này đã công khai phát tín hiệu về lợi ích này ít nhất từ đầu năm 2023, khi họ công bố “kế hoạch hòa bình” 12 điểm của mình. Một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tiềm năng có thể đóng vai trò là giai đoạn chuẩn bị cho việc này. Điều này cũng sẽ cho phép Trung Quốc quan sát việc sử dụng vũ khí phương Tây trên chiến trường châu Âu và đánh giá các yêu cầu tái thiết của Ukraine. Với quy mô lớn của nhu cầu tái thiết Ukraine, sự tham gia sớm của Trung Quốc có thể mang lại lợi thế trong việc đảm bảo các hợp đồng tốt nhất và thiết lập sự hiện diện chính trị mạnh mẽ hơn ở Đông Âu ngay trước cửa EU. Điều này sẽ đặt ra một thách thức đáng kể đối với phương Tây, đặc biệt là châu Âu.

Tiến sĩ Justyna Szczudlik Tiến sĩ là Phó trưởng phòng Nghiên cứu và là phân tích viên về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan (PISM).