Thế giới hôm nay: 28/07/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

MỹEU đã đạt được thỏa thuận thương mại, tránh một cuộc chiến thuế quan giữa hai bờ Đại Tây Dương. Thỏa thuận được ký kết sau khi chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp tổng thống Donald Trump tại sân golf Turnberry ở Scotland. EU sẽ chịu mức thuế 15% đối với hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là ô tô. Khối này cũng cam kết sẽ mua thêm năng lượng và thiết bị quân sự từ Mỹ.

Nhà Trắng yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất “mạnh tay” trước cuộc họp tuần này, gia tăng áp lực lên chủ tịch Jerome Powell. Các quan chức của ông Trump cáo buộc ông Powell hành động quá chậm và chỉ trích kế hoạch cải tạo trụ sở Fed trị giá 2,5 tỷ USD. Tổng thống muốn lãi suất giảm từ mức 4,25–4,5% hiện tại xuống còn 1%; thị trường kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz kêu gọi thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu viện trợ cho dân thường ở Gaza đang “đói khát” và yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức. Trước đó, quân đội Israel thông báo sẽ tạm dừng chiến sự tại một số khu vực ở Gaza để cho phép đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào. Việc “tạm ngừng chiến thuật” này sẽ được áp dụng hằng ngày từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối tại Al-Mawasi, Deir al-Balah, và Thành phố Gaza cho đến khi có thông báo mới.

Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố St Petersburg, buộc sân bay của thành phố phải đóng cửa trong năm giờ. Tổng thống Vladimir Putin đang có mặt tại đây để dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân, một ngày lễ vinh danh hạm đội Nga. Cuộc duyệt binh hải quân thường niên đã bị hủy, thay thế bằng một buổi lễ quy mô nhỏ hơn. Nga cho biết đã đánh chặn hơn mười máy bay không người lái gần thành phố và tổng cộng 291 chiếc trên toàn quốc. Có một phụ nữ bị thương.

Lãnh đạo Thái LanCampuchia đã đến Malaysia để tiến hành đàm phán hòa bình. Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ tiến trình này. Căng thẳng biên giới kéo dài từ lâu đã bùng phát trở lại vào tháng 5 sau khi một đội tuần tra của quân đội Thái bắn chết một binh sĩ Campuchia. Bạo lực leo thang từ ngày 24 tháng 7 khi Campuchia pháo kích một căn cứ quân sự Thái và máy bay chiến đấu F-16 của Thái tiến hành không kích Campuchia. Ít nhất 35 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ kể từ đó.

Các tay súng của Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF), một nhóm phiến quân có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất thân từ Uganda, đã giết chết 38 người trong một vụ tấn công vào nhà thờ Công giáo ở thành phố Komanda, phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Những người tham dự thánh lễ đêm bị tấn công bất ngờ bằng súng và dao rựa. Ít nhất 15 người bị thương và một số người vẫn đang mất tích. Bạo lực trong khu vực đang gia tăng mạnh.

Con số trong ngày: 85 tỷ euro (100 tỷ USD), là doanh thu mà tập đoàn LVMH đạt được trong năm ngoái, cao gấp bốn lần đối thủ xếp sau trong ngành hàng xa xỉ.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc và Mỹ đàm phán thương mại tại Stockholm

Sau các cuộc đàm phán gần đây tại Geneva và London, các quan chức kinh tế Trung Quốc sẽ gặp gỡ các đối tác Mỹ vào thứ Hai tại một thành phố châu Âu xinh đẹp khác: Stockholm. Mục tiêu là gia hạn thỏa thuận đình chiến thuế quan dự kiến hết hạn vào ngày 12 tháng 8 và chuẩn bị nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo vào cuối năm nay.

Phía Mỹ có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc mua thêm nông sản và năng lượng từ Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc được cho là sẽ đề xuất nới lỏng các hạn chế nhập khẩu công nghệ Mỹ. Chính quyền ông Trump đã khiến nhiều người bất ngờ khi cho phép Nvidia bán chip bán dẫn H20 cho Trung Quốc hồi đầu tháng. Động thái đó khiến các nhân vật “diều hâu” trong chính quyền lo ngại. Dù ông Trump thường xuyên cáo buộc Trung Quốc lạm dụng Mỹ trong các chính sách thương mại, ông dường như lại ngưỡng mộ chủ tịch Tập Cận Bình. Nhiều người ví đây là một kiểu “Hội chứng Stockholm” trong chính trị.

Pháp tìm cách thay đổi cục diện ở Gaza

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm tuyên bố nước ông sẽ công nhận Nhà nước Palestine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9. Ngoại trưởng Jean-Noël Barrot sẽ chính thức trình bày lập trường này vào thứ Hai tại New York, trong một hội nghị Pháp–Ả Rập Saudi về giải pháp hai nhà nước. Sự kiện ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 6, nhưng bị hoãn do các cuộc không kích của Israel nhằm vào Iran.

Israel và ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã chỉ trích gay gắt quyết định của Pháp. Tuy nhiên, ông Macron đã cân nhắc vấn đề này suốt nhiều tháng qua, đồng thời thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Đông và vùng Vịnh. Ông cho rằng đây là bước đi cần thiết để tiến tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Gaza. Pháp sẽ trở thành quốc gia thứ 148 và là thành viên thứ 12 trong Liên minh châu Âu công nhận Palestine. Đáng chú ý, họ là nước đầu tiên của nhóm G7 làm việc này.

Gia tộc Marcos cố gắng thoát khỏi quá khứ độc tài

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr sẽ phát biểu trước quốc hội trong bài diễn văn thường niên vào thứ Hai. Bên cạnh những lời kêu gọi ủng hộ chương trình lập pháp, ông còn nhắm đến mục tiêu lớn hơn: thuyết phục cử tri rằng gia đình Marcos có thể điều hành đất nước một cách hiệu quả mà không lặp lại chủ nghĩa độc tài như thời cha ông, cố tổng thống Ferdinand Marcos Sr.

Tuy nhiên nỗ lực này có thể gặp khó khăn vì cuộc đối đầu chính trị xoay quanh tương lai của phó tổng thống Sara Duterte, người được cho là ứng viên tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2028. Nhiều nghị sĩ muốn luận tội bà Duterte, điều có thể khiến bà không đủ tư cách tranh cử. Bà bị cáo buộc nhiều tội danh, trong đó có đe dọa ám sát tổng thống Marcos – mà bà phủ nhận. Hôm thứ Sáu, Tòa án Tối cao đã bác bỏ nỗ lực luận tội đầu tiên, nhưng quốc hội có thể sẽ tiếp tục theo đuổi việc này. Dẫu vậy, ông Marcos không có nhiều lợi ích khi ủng hộ việc phế truất bà Duterte, vì nó có thể khiến công chúng liên tưởng đến những thủ đoạn của cha ông.

Cựu tổng thống Colombia ra tòa

Tuần này, một trong những vụ án gây tranh cãi nhất ở Colombia có thể sẽ khép lại. Một thẩm phán sắp ra phán quyết về việc liệu cựu tổng thống Álvaro Uribe (nhiệm kỳ 2002–2010) có tội trong việc mua chuộc nhân chứng và thao túng thủ tục tố tụng hay không. Nếu bị kết tội, ông có thể đối mặt với mức án lên đến 12 năm tù. Ông Uribe là cựu tổng thống đầu tiên của Colombia bị đưa ra xét xử hình sự.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2012, khi thượng nghị sĩ Iván Cepeda cáo buộc ông Uribe hậu thuẫn các nhóm bán quân sự chuyên đi giết người trong thập niên 1990. Ông Uribe kiện ngược lại vì tội phỉ báng, nhưng Tòa án Tối cao đã bác bỏ và thay vào đó mở cuộc điều tra về các cáo buộc làm giả bằng chứng và gây áp lực để nhân chứng thay đổi lời khai. Ông Uribe phủ nhận tất cả các cáo buộc.

Phiên tòa đã kéo dài nhiều năm. Một nhân chứng bị sát hại, hàng chục người ra làm chứng, và một công tố viên bị bỏ tù. Phán quyết sẽ định hình di sản chính trị của ông Uribe – đồng thời là phép thử xem ngành tư pháp Colombia có thể đứng vững trước sức ép chính trị từ một trong những nhân vật quyền lực nhất đất nước hay không.