Nguồn: Clean Air Act becomes law, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này 12 năm 1963, một trong những văn bản luật môi trường quan trọng đầu tiên tại Mỹ đã chính thức trở thành luật. Đạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act, CAA) trao quyền cho các cơ quan liên bang và tiểu bang để nghiên cứu và quản lý ô nhiễm không khí, đánh dấu sự mở rộng các nỗ lực của chính phủ nhằm chống lại thiệt hại về khí hậu.
Một đạo luật năm 1955, Đạo luật Kiểm soát Ô nhiễm Không khí (Air Pollution Control Act), đã phân bổ 15 triệu đô la cho việc nghiên cứu ô nhiễm không khí trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi chính phủ liên bang và tiểu bang bắt đầu tiến hành các nghiên cứu này, họ nhận ra mình cần có thêm luật. Sau khi được Quốc hội thông qua tương đối nhanh chóng, một đạo luật mạnh hơn đã được ký thành luật vào ngày 17/12/1963 bởi Tổng thống Lyndon B. Johnson, người chỉ mới nắm quyền chưa đầy một tháng sau vụ ám sát John F. Kennedy.
Đạo luật mang tính bước ngoặt này và các sửa đổi tiếp theo của nó – các bản cập nhật đã được thông qua vào các năm 1967, 1970, 1977, và 1990 – chứa đựng một số quy định về chất lượng không khí toàn diện nhất trên thế giới. Ngay sau khi thành lập vào năm 1970, Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency, EPA) đã bắt đầu sử dụng quyền hạn của mình theo CAA để thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, và sau đó đã tiến hành cấm các hóa chất độc hại cụ thể và giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể như mưa axit hoặc chlorofluorocarbon (CFCs) vốn góp phần trực tiếp gây ra “lỗ thủng” ở Tầng Ozone. Dù vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước, nhưng từ năm 1980 đến năm 2015, lượng khí thải quốc gia đã giảm 63%, bất chấp tăng trưởng kinh tế và số dặm lái xe tăng, phần lớn là nhờ vào các điều khoản của Đạo luật Không khí Sạch và các luật kế nhiệm nó.