NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
Tagged: Ngô Đình Diệm
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 8 years, 11 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
16/01/2016 at 08:07 #13697NCQTKeymaster
Chuyện 3 lần ám sát hụt Ngô Đình Diệm và đường dây giao liên xuyên biên giới
Sinh thời, ông Huỳnh Việt Thắng (Tư Thắng, Mười Quỳ) – Nguyên phó Chánh án TAND Tối cao, Nguyên Ủy viên Ban An ninh miền Nam thường kể lại nhiều chuyện về những năm tháng hoạt động, chiến đấu của lực lượng An ninh từ thời kháng Pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong những câu chuyện có nhiều nhân chứng sống động, có người là cấp trên, là đồng đội của ông. Đến nay có nhiều người đã đi vào cõi vĩnh hằng như ông và vẫn còn những đồng đội, bạn bè ông đang sống và được hưởng chính thành quả mà họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình.
1. Sau khi được tổ chức bố trí vượt ngục, Tư Thắng bắt liên lạc với cơ sở tại Sài Gòn và bố trí đưa lên xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh để ra căn cứ. Vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến Trảng Bàng, Tư Thắng và đồng chí Ba Tý, cán bộ cơ sở gặp liên tiếp mấy vụ địch bố ráp, đi càn. Hết núp dưới hầm bí mật, rồi lại chạy hụt hơi băng đồng để tránh địch, có lần suýt chạm trán địch, mất mạng như chơi. Nhờ người dân nơi đây đều là dân cách mạng nên luôn che chở, bảo vệ cán bộ rất an toàn, khôn khéo.
Hà Minh Trí bị bắt sau khi ám sát hụt Ngô Đình Diệm tại Buôn Mê Thuột. Tại đây, chủ nhà cho biết: Hôm rày, tụi lính nó lùng sục tìm ông Năm dữ lắm… Ông Năm, Công an Trảng Bàng, chú biết hông? Ông Năm mà chủ nhà vừa nói đến là đồng chí Lâm Kiếm Xếp (Năm Xếp) Trưởng Công an huyện Trảng Bàng. Trước đây, anh Phan Đức – Bí thư Liên Tỉnh ủy đã có lần nói với Tư Thắng: Chúng ta không chủ trương lấy việc ám sát cá nhân làm thượng sách. Nhưng tình hình bấy giờ cho thấy, Ngô Đình Diệm đang điên cuồng đánh phá cách mạng, việc ám sát rất có lợi cho cách mạng, cho nhân dân. Sau đó, Liên Tỉnh ủy cùng với Tỉnh ủy Tây Ninh lập kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm, giao cho Năm Xếp – Trưởng Công an Trảng Bàng tổ chức thực hiện.
Vào ngày 20-10-1956, tại căn cứ ấp Rỗng Tượng, Gò Dầu, Tây Ninh, đồng chí Lâm Kiếm Xếp – Trưởng ban Địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh được giao nhiệm vụ tổ chức ám sát Ngô Đình Diệm khi lên thăm Tòa Thánh Tây Ninh để ký thỏa ước Bính Thân với giáo phái Cao Đài Tây Ninh. Nhưng do thời gian quá gấp gáp, lại thiếu thông tin từ nội vụ Phủ Tổng thống nên không nắm cụ thể ngày giờ nơi đi, đến của Ngô Đình Diệm. Do đó, kế hoạch ám sát không thể thực hiện được.
Theo thông lệ liên tiếp 2 năm 1954 và 1955, cứ vào lúc 12 giờ đêm Noel 24-12, Ngô Đình Diệm đều đến Nhà thờ Đức Bà dự lễ mừng “Thiên Chúa giáng sinh”. Trong số điệp báo của Ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh của Năm Xếp, có anh Lê Văn Cửu đã được cài vào làm phiên dịch trong Cơ quan Viện trợ Mỹ, tạo được mối quan hệ với nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn theo đạo Thiên Chúa. Anh Cửu được mời đi dự lễ Noel, làm cầu nối để làm thân với các cố vấn Mỹ.
Do đó, tháng 12-1956, Hà Minh Trí (Mười Thương) đề xuất với cấp trên kế hoạch diệt Ngô Đình Diệm tại Nhà thờ Đức Bà vào đêm Noel. Bố trí Lê Văn Cửu và Hà Minh Trí mỗi người một súng ngắn, có mặt tại Nhà thờ Đức Bà cùng với một số “quan chức” là bạn của anh Cửu. Hà Minh Trí đã tiếp cận cách gia đình Diệm – Nhu khoảng 12m, cách 9 hàng ghế trong lúc hành lễ. Phía bên ngoài, hai chiến sĩ Phan Văn Phát và Nguyễn Văn Tám sẵn sàng tiếp ứng khi nghe súng nổ, sẽ lập tức cắt cầu dao điện, tung lựu đạn khói mù tạo hoảng loạn để Cửu và Trí thoát thân. Nhưng khi đến giờ G, Tổng Giám mục Sài Gòn rung chuông, bắt đầu buổi lễ, quan sát không thấy Ngô Đình Diệm, vụ ám sát lần thứ hai bất thành.
Hôm sau, báo chí Sài Gòn loan tin “Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đến dự lễ cầu nguyện cùng với giáo dân miền Bắc di cư đang sống tại Khu trù mật Đức Huệ – Long An”.
Ngày 22-2-1957, Ngô Đình Diệm dự lễ và cắt băng khánh thành Hội chợ Kinh tế Trung phần Cao nguyên tại Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Dịp may hiếm có, Năm Xếp liền mật báo bố trí cho đồng chí Hà Minh Trí trong vai một thương nhân từ Tây Ninh lên dự hội chợ. Đúng 9 giờ sáng, khai mạc hội chợ, Ngô Đình Diệm dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiến vào lễ đài với sự bảo vệ dày đặc của lực lượng quân cảnh và mật thám. Khi tiếng hô chào cờ vang lên… Hà Minh Trí đã nhanh chóng rút khẩu súng MAT-49 cưa nòng, nhắm Ngô Đình Diệm nhả đạn. Nhưng đạn không nổ… lập tức Hà Minh Trí bị bắt. Sau đó chúng giam Hà Minh Trí tại nhiều nhà lao và đày ra Côn Đảo.
Sau đó, anh em Diệm – Nhu bị giết trong cuộc đảo chính quân sự vào tháng 11-1963. Do mang sắc lính Cao Đài đối lập, nên vào tháng 3-1965 Hà Minh Trí được trả tự do. Ra tù, Hà Minh Trí lấy tên là Mười Thương, được tổ chức phân công về làm việc tại Ban tổ chức Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Đầu năm 1965, Hà Minh Trí về công tác tại Ban an ninh T4 với tên mới là Nguyễn Văn Điền. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục công tác trong lực lượng Công an, đến năm 1989 chuyển sang làm Phó ban Nội chính rồi Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Năm 2005, ông Mười Thương được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Từ sau năm 1956, tình hình miền Nam có nhiều rối ren, bất lợi cho cách mạng. Tại căn cứ Bời Lời (Tây Ninh), tổ chức nhận thấy nhiều cán bộ nằm vùng hoạt động bí mật đã bị đấu tố, vây bắt bỏ tù và giết hại. Nhiều đường dây giao liên cơ sở mật bị địch phá hoại, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam khiến cho đồng bào bị sát hại dã man.
Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tặng thưởng huân chương cho ông Huỳnh Việt Thắng. Bí thư Liên Tỉnh ủy Phan Đức trao đổi, giao nhiệm vụ cho Tư Thắng sang Campuchia tạm lánh và hoạt động, tổ chức đường giao liên mật từ Phnôm Pênh về Sài Gòn. Nhận lệnh lên đường, từ Vàm Trảng, Tư Thắng băng qua sông Vàm Cỏ Đông về hướng Đức Huệ (Long An) qua Mỹ Quý có trạm giao liên bố trí đón. Tại đây, Tư Thắng gặp Năm Xếp – người chỉ huy tổ chức ám sát Ngô Đình Diệm 3 lần không thành công.
Đến khu chợ thị tứ Sóc Nóc, thuộc huyện Svay Tiệp, tỉnh Svay Riêng (Campuchia) Tư Thắng và Năm Xếp được tổ chức bố trí ở nhà anh Hai Ngầu, một Việt kiều trong Hội Việt kiều yêu nước. Các anh gặp một số cán bộ Tỉnh ủy Chợ Lớn, Công an Ty Chợ Lớn đang sinh sống tại đây. Ít lâu sau, Tư Thắng và Năm Xếp chuyển sang sống tại nhà Xì Hoằng, một Hoa kiều làm nghề buôn bán tại chợ. Những ngày sống bên nhau nơi đất khách quê người, Năm Xếp thường kể lại chuyện ám sát hụt Ngô Đình Diệm đầy tiếc rẻ.
Tư Thắng kể lại cho Năm Xếp nghe chuyện khi còn làm ở Ty Công an Chợ Lớn và huyện Trung Huyện. Khi lên kế hoạch diệt tên ác ôn Đội Đồng khét tiếng trong vùng Bến Lức, có nhiều nợ máu với nhân dân, Công an Trung Huyện bố trí 3 tổ công tác tạo thành thế trận rất an toàn, hiệu quả. Một tổ trinh sát, theo dõi, ra ám hiệu cho tổ hành động và tổ bảo vệ yểm trợ cho tổ hành động rút lui, đánh trả giải vây đồng đội. Chính đồng chí Đại tá, Anh hùng Đặng Công Hậu (Tư Nam, Bá Âm) – Nguyên Giám đốc Công an Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo là người nổ súng bắn gục tên ác ôn Đội Đồng tại chợ giữa ban ngày và rút lui an toàn. Một chiến công vang dội của Ty Công an Chợ Lớn và Công an huyện Trung Huyện được ghi vào sử sách.
Hai tuần lễ trôi qua, một buổi sáng Năm Xếp cầm trên tay tờ báo “Sống Chung” do Hội Việt kiều xuất bản tại Phnôm Pênh. Tờ báo đăng tin: Chính phủ Ngô Đình Diệm phản đối Chính phủ Hoàng gia Campuchia chứa chấp tên tội phạm đã tổ chức ám sát Diệm. Phía Chính phủ Hoàng gia Campuchia đính chính là họ không chứa chấp, nếu tội phạm trốn tại Campuchia, bắt được sẽ giao cho Chính phủ Ngô Đình Diệm xử lý.
Sau khi đọc thông tin đó, Năm Xếp lo lắng, bồn chồn mất ăn mất ngủ. Anh nói với Tư Thắng: “Anh Tư à, anh cho tôi về miền Nam vô rừng ôm gò mối tránh né còn chắc ăn hơn. Ở đây ai cũng tốt với mình, nhưng hằng ngày hai đứa nằm trong nhà, còn khu bên ngoài chợ, lính Khmer đi lễnh nghễnh. Sớm muộn gì chúng cũng biết tôi ở đây, bắt giao cho thằng Diệm thì toi đời, lại còn liên lụy đến anh và tổ chức”. Hiểu tâm trạng bất an của Năm Xếp, nhưng Tư Thắng suy nghĩ liệu về thì có an toàn hơn không?
Thời gian sau, Năm Xếp cũng được bố trí quay trở lại căn cứ Bời Lời, Tây Ninh chiến đấu cùng đồng đội. Đầu năm 1963, tại chiến trường Khu D, Năm Xếp bị lọt vào ổ phục kích của địch, chiến đấu oanh liệt và hy sinh. Bọn địch đã chặt đầu anh mang về nộp cho Ngô Đình Diệm để lĩnh thưởng…
3. Tiếp tục những ngày hoạt động bên đất bạn, Tư Thắng xây dựng đường dây giao liên và tại chợ Chiphou, ông xin làm thợ phụ rửa ảnh cho ông chủ người Hoa tên Lưu Dực. Thời kỳ hoạt động tại Sài Gòn, Tư Thắng đã từng làm việc tại tiệm Photo Trí trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, quận 1) nên có kinh nghiệm. Từ thợ phụ, chẳng bao lâu Tư Thắng trở thành thợ chụp ảnh được ông chủ rất quý mến, ông còn quảng cáo “có thợ ảnh từ Sài Gòn lên” với tất cả tự hào. Sau đó, ông Dực còn sang lại toàn bộ tiệm hình cho Tư Thắng làm chủ để ông lui về lập vườn sinh sống điền viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với ông Huỳnh Việt Thắng tại nhà riêng (khi đồng chí là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ). Có chỗ ở, công việc làm ổn định, Tư Thắng tranh thủ vận động bà con Việt kiều yêu nước tham gia giúp đỡ cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở bí mật liên lạc, nơi đón tiếp khách công tác đặc biệt an toàn, tránh tai mắt quân địch và kẻ xấu. Nhiều bà con Việt kiều có tinh thần yêu nước và trung thành với Tổ quốc đã tích cực vận động các Việt kiều khác tham gia, giúp đỡ nhiều việc thiết thực có ích cho cách mạng trong thời kỳ gian khó nhất. Hệ thống đường giao liên từ Xứ ủy về Liên Tỉnh ủy miền Đông và Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn được Tư Thắng xây dựng thành hình hoàn chỉnh và quản lý hoạt động. Nhánh công khai có nhiều hộp thư, nút thư… rải từ Phnôm Pênh về thị xã Svay Riêng, thị trấn Chiphou, tỏa xuống Bà Quách, Sóc Nóc qua Gò Dầu, vượt sông Vàm Cỏ Đông về Sài Gòn.
Một sự cố “suýt chết” xảy ra trong đường dây giao liên bí mật do Tư Thắng lập ra, đó là lần đưa đồng chí Trần Bạch Đằng dự họp Xứ ủy tại Phnôm Pênh về nước mang theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về chủ trương đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang của cách mạng miền Nam tiền Đồng Khởi. Khi ghé Chiphou, Tư Thắng bố trí giao liên đưa đồng chí vượt biên qua Rạch Tràm, lên Vàm Trảng để về căn cứ Bời Lời. Ai dè xuồng qua mé sông gặp lính đang phong tỏa vớt cháu bé chết đuối, phát hiện xuồng quầy bỏ chạy chúng đuổi theo bắn xối xả. Cậu lính giao liên hy sinh, đồng chí Sáu Xoài và Trần Bạch Đằng bỏ xuồng nhảy xuống sông bơi thoát thân. Nhưng chẳng may cặp tài liệu mật mang theo người của đồng chí Trần Bạch Đằng bị rơi mất dưới sông…
Cuộc chiến đấu của những cán bộ công an, an ninh miền Nam những ngày đầu chống Mỹ cứu nước có biết bao gian khổ, hy sinh và oanh liệt. Một thế hệ vàng của Công an nhân dân Việt Nam đã góp phần làm nên trang sử vàng vẻ vang cho truyền thống Công an nhân dân Việt Nam anh hùng, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Hoàng Châu
Nguồn: ANTG
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.