NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 7 years, 8 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
18/04/2017 at 15:04 #21170NCQTKeymaster
Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt và tình thế khó khăn của Mỹ
Nguyễn Thanh Tuân
Theo tin từ hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc, và từ hãng Sputnik (Nga) dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản, hiện tại Mỹ đang điều 3 nhóm tàu sân bay, gồm các nhóm USS Carl Winson, USS Ronald Reagan và USS Nimitz, tới khu vực Biển Hoa đông để thị uy với Triều Tiên. Hiện tại, cả Nga và Trung Quốc đều đang điều các tàu do thám theo sát để thu thập tin tức của các nhóm tàu sân bay nói trên. Trong khi đó, Triều Tiên cũng đã ra lệnh sơ tán khoảng 600.000 dân khỏi thủ đô Bình Nhưỡng, Nhật đang tìm cách rút khoảng 150.000 công dân của mình khỏi Hàn Quốc…Cung đã giương tên, đạn đã lên nòng, khu vực bán đảo Triều Tiên và vùng biển Hoa Đông tăng nhiệt bởi nguy cơ xung đột quân sự Mỹ – Triều Tiên.
Trong dịp kỷ niệm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành vừa qua, và trong bối cảnh tình hình căng thẳng lên cao điểm ở khu vực, bất chấp sức ép của cả Mỹ và Trung Quốc, Triều Tiên vẫn đã bắn thử một loại tên lửa mới, nhưng thất bại, tên lửa không chịu bay xa sau khi rời bệ phóng và đã nổ tung. Mỹ đã vội vàng tuyên bố việc bắn thử tên lửa này không được coi là sự thách thức, hay chống đối Mỹ, vì… nó đã thất bại (?!). Tuy nhiên, việc bắn thử tên lửa trong bối cảnh căng thẳng như vậy đã chứng tỏ Triều Tiên đã có những phân tích rất chính xác về thế và lực của các bên, bao gồm cả Mỹ, Nga, Trung Quốc Nhật bản và Hàn quốc, để tiếp tục có bước đi táo bạo như vừa qua, vận dụng rất thành công trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” để tạo thế thượng phong cho thương lượng sắp tới. Xét về thực chất, vấn đề đề ở đây là hình thức (hành vi bắn tên lửa), chứ không phải nội dung (Bắn tên lửa có thành công hay không). Triều Tiên đã “bắt bài”, thấy rõ tim đen của chính quyền Donald Trump và mức độ sẵn sàng can dự của các bên liên quan khác.
Những tuyên bố gần đây từ phía Mỹ cho thấy họ dường như quyết tâm “nói chuyện phải quấy” với Triều Tiên, và cũng sẵn sàng tự hành động đơn phương, phớt lờ cả Trung Quốc, để buộc Bình Nhưỡng phải xuống thang, chịu ngồi vào bàn đàm phán về triệt thoái chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cách tiếp cận vấn đề bán đảo Triều Tiên của chính quyền Donald Trump tỏ ra có những đột biến so với những gì đã được thực hiện bởi các chính quyền tiền nhiệm của ông, là vừa bao vây cô lập Triều Tiên, vừa tạo sức ép lên Trung Quốc để nước này buộc phải tham gia kiềm chế Triều Tiên. Chính sách của các chính quyền trước Trump, đặc biệt là từ thời tổng thống Obama hiện đang bị cho là quá “hiền”, làm cho Triều Tiên bị “lờn thuốc”, nhưng thực tế là chính sách đó cũng đã xác lập được một sự cân bằng chiến lược tại khu vực trong một thời gian dài. Động thái đe dọa dùng vũ lực hiện nay của Mỹ, nếu thành công, sẽ phá vỡ sự cân bằng chiến lược nói trên, và sẽ là thêm một “chiến công” của chính quyền Donald Trump, cả trong đối nội và đối ngoại, lấy lại uy tín với đồng minh, đồng thời dằn mặt cả Nga lẫn Trung quốc. Vậy, liệu Mỹ có thể thành công ?
Uy tín của chính quyền của Donald Trump trong những ngày gần đây đột nhiên lên giá, chủ yếu nhờ sự kiện cho bắn 59 qủa tên lửa hành trình Tomahawk vào một sân bay quân sự của Syria. Ở trong nước Mỹ, “chiến công” này đã làm tắt tiếng của hầu hết các “đài” đối lập, chủ yếu là làm lu mờ các nghi vấn về những sự “đi đêm” giữa Trump và gia đình; thành viên nội các và ban tham mưu của ông này với Putin, cụ thể là với cơ quan tình báo đối ngoại FSB của Nga. “Chiến thắng” quân sự này của Trump cũng góp phần làm cho nước Mỹ phải tạm quên đi nhưng bê bối, bất ổn trong nội các của ông sau những thất bại trong việc xây dựng và thực thi chính sách đối nội và đối ngoại vừa qua. Được đà từ “chiến thắng “ ở Syria, chính quyền Mỹ của Trump đang hưng phấn cao độ, tiếp tục “trỗi dậy” từ đống tro tàn uy tín, bắt đầu hăm he tính sổ với Bắc Triều Tiên.
Khi xem xét “chiến công” vang dội của chính quyền Trump ở Syria, người ta khó có thể tránh khỏi đặt nghi vấn: Liệu đây có thể là một “sự dàn xếp thế kỷ” giữa Nga và Trump? Kể cũng lạ. Tấn công quân sự để trừng phạt Syria, khi còn đang dưới sự bảo trợ toàn diện và kiên quyết của Nga, nhưng Mỹ vẫn phải “xin phép” Nga để tấn công Syria, đồng thời đương nhiên đã phải chừa cơ hội và thời gian để lính Nga (đương nhiên là cả lực lượng nòng cốt của Syria) kịp sơ tán… Đã “bật đèn xanh” cho Mỹ tấn công Syria, nhưng người Nga sau đó lại vẫn có những động thái khá lạ lùng. Ngay sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Thủ tướng Mevedev của Nga bèn cực lực phản đối, thậm chí ông ấy còn đi xa hơn, khi tuyên bố rằng “Thế giới vừa thoát khỏi một cuộc chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ”. Híc ! Cả thế giới đúng ra đã phải cám ơn Putin, vì ông ấy đã hết sức kiềm chế, không thèm chấp cái tính nết điên khùng, khó lường của Donald Trump, vì vậy vẫn cho nuuớc Mỹ và phần còn lại của thế giới một cơ hội vàng để cùng tồn tại với nước Nga ? Hài đến thế là cùng !
Vậy, thực chất mục tiêu của Mỹ khi phóng tên lửa hành trình vào Syria là gì ? Mục đích quân sự? Đối ngoại ? Đối nội ? Màn hài này làm tôi nhớ tới một phim trong loạt phim hoạt hình “Tom & Jerry” của hãngWalt Disney: Chuột Jerry “quậy” quá, làm cho Tom, phụ trách an ninh, bị ông chủ khiển trách nặng nề, bị “cúp” cả phần ăn… Thế là Jerry và Tom bèn ký một hợp đồng “ăn chia sản phẩm”, theo đó Tom hung hăng la hét om sòm, móc ra hai khẩu súng cầm hai tay, làm bộ xả đạn điên cuồng (nhưng dĩ nhiên là chỉ bắn vào … Thái Bình Dương), “đuổi” Jerry xách dép (không mất dép !) chạy trối chết… Ông chủ nghe súng nổ như bắp rang, sướng quá, vỗ vai Tom khen ngợi, rồi thưởng cho Tom một dĩa đầy khoai tây nghiền và cả một cái đùi gà to vật vã…Phải chăng giờ này “Jerry – Ivan” đang cười khúc khích một minh trong điện Kremln ở trên quảng Đỏ tại Moscow, cười nhạo dân Mỹ “khờ” và quê một cục khi không chỉ đã “đại xá” mà còn công kênh “thánh” Trump lên vai ?
Theo nhận định của giới quan sát quốc tế, trước những động thái vừa qua tại khu vực bán đảo Trều Tiên và Biển Hoa Đông, quan điểm và thái độ của các thành viên trong “phe đồng minh kháng Triều” gồm Mỹ, Trung quốc, Nga, Hàn quốc và Nhật Bản là không giống nhau. Trung quốc thì không chỉ không muốn từ bỏ vị thế “ngưới kiến tạo và duy trì hòa bình” tại bán đảo Triều Tiên, mà còn đang hết sức lo ngại về sự sụp đổ của chế độ Kim Jong- Un làm Trung quốc vừa mất một con bài có giá trị cao trong thương lượng sắp tới đối với Mỹ, vừa sợ Mỹ có điều kiện áp sát biên giới mình, trong khi lại phải đương đầu với làn sóng tỵ nạn nhân đạo từ Triều Tiên. Trung quốc vừa qua đã có những động thái bố trí lực lượng lớn ở bên kia sông Áp Lục, như một sự đề phòng cho một kịch bản tồi tệ nhất – xung đột quân sự Mỹ- Triều.
Người Nga rốt cục cũng chẳng được lợi lộc gì. Chến tranh lan rộng ở khu vực này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch phát triển kinh tế ở khu vực Viễn Đông và quần đảo Kurin giàu tiềm năng, nguy cơ làn sóng tỵ nạn nhân đạo từ Triều Tiên, và sự áp sát hơn nữa về quân sự của Mỹ đến tận biên giới Nga – Triều. Có tin nước Nga gần đây đã triển khai lực lượng quân sự lớn áp sát biên giới Nga – Triều.
Nhật Bản và Hàn quốc thì càng có lý do thực tế, sát sườn hơn để không hề mong đợi sự tấn công quân sự của Mỹ với Triều Tiên, vì kiểu gì thì “… ruồi muỗi cũng chết” khi “trâu” Mỹ và “bò” Triều húc nhau. Một khi Mỹ tấn công quân sự đối với Triều Tiên, thì sự trả đũa trước tiên của Triều Tiên nhân danh quyền tự vệ, song song với việc giáng trả nhằm vào quân đội Mỹ, là đòn gíang trả bổ sung kể cả bằng vũ khí hóa học, hạt nhân, sẽ nhằm vào Hàn Quốc, và Nhật Bản, hai vùng đất được bảo trợ của Mỹ. Kiểu gì thì Mỹ cũng không dám “hy sinh” hai đồng minh chiến lược truyền thống của minh cùng với một số lượng rất đáng kể quân nhân Mỹ tại hai quốc gia nói trên.
Như vậy, rõ ràng là không có ai trong số “đồng minh bất đắc dĩ ” của Mỹ đang sẵn sàng đón nhận một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên hiện đã có những nước đi chiến lược rất thông minh, khai thác tối đa những sự khác biệt về mục tiêu chiến lược của Mỹ và từng quốc gia “đồng minh”. Hiện tại cả Nga và Trung quốc, hai siêu cường, thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đều đã bắn tiếng không đồng tình với kịch bản một cuộc tấn công quân sự của Mỹ đối với Triều Tiên, để ngăn chặn nguy cơ về một cuộc khủng hoảng hạt nhân trong khu vực. Mỹ, siêu cường quân sự hàng đầu của thế giới, có vẻ như đang “mất lửa” và trở thành con tin của chính cái chính sách ấu trĩ và hời hợt của mình đối với hồ sơ bán đảo Triều Tiên. Không chỉ có Nga và Trung Quốc, phe Dân chủ ở Mỹ đang trông đợi một sự mất mặt lớn tiếp theo trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Có thể cuối cùng thì Mỹ cũng lại phải (muối mặt?) nhờ cậy Trung quốc và Nga đứng ra dàn xếp, “ẵm” cậu bé Donald hiếu động từ cành cao chóng mặt xuống đất, để dẫn cậu lành lặn về nhà dự bữa tối trong ánh nến lung linh cùng gia đình. Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự Mỹ – Triều trên bán đảo Triều Tiên thực ra là rất, rất thấp ! Điều đó vô cùng khó có thể xảy ra, dù cho Trump có tùy hứng ra lệnh tấn công, bởi vì dẫu bác ấy có lú, thì nước Mỹ cũng vẫn còn rất nhiều những “ông chú khôn ngoan”. Triều Tiên không hề giống Syria.
Có ai muốn cá với tôi về kết cục nói trên hay không ?
Luật sư Nguyễn Thanh Tuân
Ông Nguyễn Thanh Tuân, tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội – chuyên ngành Luật quốc tế, là một Luật sư chuyên nghiệp, thành viên Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh. Luật sư Nguyễn Thanh Tuân đang hành nghề tại Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (TRACENT). Những thông tin và phân tích trong bài viết là quan điểm riêng của tác giả, và không nhất thiết là quan điểm của Dự án Nghiên Cứu Quốc Tế.
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.