- This topic is empty.
-
AuthorPosts
-
-
18/10/2021 at 09:28 #42322NCQTKeymaster
Các nước giàu đang phớt lờ hệ thống phân phối vắc xin toàn cầu
Nguồn: “Rich Countries Are Ignoring the Global Vaccine System”, Foreign Policy, 23/9/2021.
Biên dịch: Nguyễn Đức Khải
Khi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bắt đầu nhóm họp vào tuần trước, nhiều tiếng nói đã kêu gọi tăng viện trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp để tiếp cận với vắc xin phòng COVID-19. Mặc dù tăng tiếp cận vắc xin là cần thiết, việc nhấn mạnh vấn đề nguồn viện trợ đang đi sai hướng. Rất nhiều nước nghèo có thể chi trả để tiếp cận vắc xin, vấn đề lớn hơn ở đây là ngăn hệ thống phân phối vắc xin toàn cầu bị các nước giàu coi thường. Dù hệ thống này được củng cố bởi các cam kết hợp tác quốc tế về nhân quyền, các nước giàu có quyền tham gia hoặc không hoàn toàn theo ý muốn của họ.
Vấn đề tiếp cận bất bình đẳng với vắc xin COVID -19 là minh chứng cho thấy sự thiếu trách nhiệm đang gây phương hại đến các thể chế đa phương. Việc các nước nghèo nhất thiếu nguồn cung vắc xin không phải do chương trình COVAX thiếu đóng góp tài chính mà lí do lớn nhất là do các nước có thu nhập cao hơn tích trữ vắc xin. Vậy thì tại sao các nước giàu có thể làm được thế?
Sáng kiến COVAX lúc đầu được tạo ra như một công cụ đa phương để đảm bảo phân phối công bằng vắc xin, đủ để các quốc gia thành viên tiêm chủng cho đến 20% dân số – điều này là cần thiết để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất tại các nước thu nhập thấp và trung bình thấp khỏi COVID-19. Nó chưa từng được tạo ra với mục đích duy nhất là công cụ để các nước giàu quyên góp tài chính cho các nước nghèo.
Phân phối là thách thức lớn nhất mà COVAX phải đối mặt chứ không phải tài chính.
Thay vì mua vắc xin thông qua chương trình COVAX như hầu hết các nước đang phát triển sẵn sàng làm, rất nhiều nước giàu như Anh, kể cả các nước thu nhập trung bình cao như Nga, chọn không tham gia vào các công cụ đa phương mà theo đuổi các thoả thuận song phương. Những thoả thuận này bỏ qua nỗ lực phân phối vắc xin công bằng của COVAX mà sẽ đảm bảo nhóm người yếu thế nhất trên toàn thế giới được chích ngừa trước tiên. Thay vào đó, các thoả thuận song phương khuyến khích việc ưu tiên các nước giàu. Trong đó, nước Anh thậm chí còn có thể đàm phán các thoả thuận tài trợ có điều kiện với AstraZeneca để đảm bảo dân số Anh được ưu tiên cung cấp vắc xin.
Mặc dù hậu quả của các hành động này với đại dịch COVID-10 nay đã rất rõ ràng, việc bỏ qua các hệ thống đa phương thành lẽ thường. Các nước giàu thường biện minh bằng cách nói rằng họ đang tài trợ cho Liên Hợp Quốc hay hệ thống Bretton Woods để làm theo ý họ. Với vấn đề luật thương mại, phòng chống tội phạm, phân tích nợ và nay là các thách thức y tế, các nước giàu không bao giờ thoả hiệp lợi ích của họ với hệ thống đa phương. Họ hầu như không chấp nhận hệ thống đa phương đưa quyết định lên công dân họ vì lợi ích toàn cầu, trong khi chính phủ các nước nghèo hơn và công dân họ được kì vọng sẽ tuân theo luật chơi – thứ được tạo ra bởi các nước giàu. Chính việc không tham gia này là nguyên nhân thực sự dẫn tới thách thức lớn nhất hiện nay của chủ nghĩa đa phương.
COVID-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu nơi mà việc sử dụng các công cụ đa phương sẽ đảm bảo cho hợp tác quốc tế hiệu quả, mà trọng tâm là bảo vệ quyền được chăm sóc sức khoẻ. Như đã được nêu ra trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1976, quyền được chăm sóc sức khoẻ được nêu là quyền được phòng tránh và chữa trị các bệnh truyền nhiễm và buộc các quốc gia thành viên phải tôn trọng các quyền này không phân biệt chủng tộc, nguồn gốc quốc gia hay bất cứ thân trạng nào khác. Điều 2.1 của Công ước cũng áp dụng cho công dân quốc gia và hợp tác quốc tế của quốc gia đó.
Bằng việc không tham gia vào cơ chế phân phối của COVAX và tích trữ vắc xin, các nước giàu đang cản trở các nước nghèo hơn đảm bảo quyền được chăm sóc sức khoẻ cho người dân họ. Đây không phải là chuyện nhỏ. Ví dụ như chỉ có 4.02% người dân trên khắp Châu Phi được tiêm chủng đầy đủ do thiếu nguồn cung vắc xin, trong khi các nước giàu ở nơi khác đủ vắc xin để tiêm cho toàn bộ dân số họ nhiều lần. Đây không chỉ là phân phối không công bằng mà là xâm phạm đến quyền được chăm sóc sức khoẻ của nhóm người yếu thế nhất trên toàn thế giới.
Việc dùng các thoả thuận song phương để mua vắc xin cho thấy một nhận định nguy hiểm là việc tham gia vào các cơ chế đa phương như COVAX là tuỳ ý. Những cơ chế này, cùng với các thể chế như Liên Hợp Quốc và WHO, được tạo ra để thực hiện các cam kết về nhân quyền như quyền được chăm sóc sức khoẻ mà không bị phân biệt đối xử dựa trên yếu tố như quốc tịch. Họ sẽ không thể đạt được điều này nếu các quốc gia thu nhập cao có thể tuỳ ý không tham gia vào các cơ chế này. Với hành động này, các quốc gia đã gia tăng bất bình đẳng và làm hại đến các khuôn khổ về quyền con người đã được luật quốc tế bảo vệ.
Các quốc gia liên quan – đặc biệt là các nước giàu – hưởng lợi từ việc tham gia vào các thể chế đa phương của Liên Hợp Quốc như Hội đồng Bảo an. Mà việc hưởng các lợi ích này cần được dựa trên việc tuân thủ luật về quyền con người vốn là nền tảng của các thể chế này.
Sự thất bại của COVAX trong việc đảm bảo tiếp cận công bằng vắc xin phòng COVID-19 và quyền được chăm sóc sức khoẻ là bài học cho cộng đồng quốc tế. Nó thể hiện sự cần thiết của việc đánh giá lại các công cụ đa phương và thể chế của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tập trung vào tiền bạc là sự xao nhãng. Đảm bảo bảo vệ hiệu quả các quyền và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới không phải là vấn đề về tài chính, mà là tìm cách để ngăn cản các hành vi theo chủ nghĩa bảo hộ gây phương hại đến hợp tác quốc tế. Điều này rõ ràng là khó khăn hơn huy động thêm tiền. Tuy vậy, như COVID-19 đã cho thấy, điều này là cấp thiết.
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.