Cách chuyển bính âm thành âm Hán Việt

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

  • This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 8 years ago by NCQT.
Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #18773
      NCQT
      Keymaster

      Cách chuyển bính âm thành âm Hán Việt

      Tác giả: Nguyễn Huy Hoàng

      pinyin.jpg

      Mình luôn ủng hộ việc chuyển bính âm Hán ngữ (pinyin 拼音, tức phiên âm Latin của chữ Hán) qua âm Hán Việt, ví dụ như Xi Jinping thành Tập Cận Bình, Hu Jintao thành Hổ Cẩm Đào, nhất là trong ngôn ngữ báo chí. (Bác Nguyễn Việt Long đã có phân tích rất kỹ về vấn đề này ở đây.) Do cũng biết dăm ba chữ Hán, mình có thể đảm nhận công việc này mà không có vấn đề gì, nhưng giả sử mình không biết một chữ nào thì khi đó phải làm sao?

      Pinyin thực ra có bốn thanh điệu, mỗi thanh điệu thể hiện một ký tự khác nhau. Nhưng vì lý do kỹ thuật, người ta không thể lúc nào cũng có điều kiện bỏ dấu lên pinyin. Chẳng thế mà trong tiếng Anh, tên của tỉnh Thiểm Tây (陕西 Shǎnxī) phải viết thành Shaanxi (hai chữ cái a) để phân biệt với Shanxi là tên của tỉnh Sơn Tây (山西 Shānxī). Dễ nhầm lẫn như vậy nên tiếng Việt cũng gặp phải nhiều rắc rối không kém.

      Chẳng hạn, trong một bài báo của tác giả Đức Dương trên VnExpress, tên của Giáo sư Shujie Yao ở Đại học Nottingham đã bị phiên âm thành Đào Thụ Khiết (陶树洁), trong khi tên đúng của ông phải là Diêu Thụ Khiết (姚树洁); cùng có pinyin là “Zhang Lifan,” tên của nhà nghiên cứu Chương Lập Phàm (章立凡) đã bị nhầm thành Trương Lập Phàm (张立凡); tương tự, tên của Tổng Biên tập Nam Hoa Tảo báo (South China Morning Post) Vương Hướng Vĩ (王向偉) cũng bị phiên âm sai thành Vương Tường Vĩ (王祥偉), tuy cả hai đều có cùng pinyin là “Wang Xiangwei.”

      Nếu đọc báo mà gặp cái tên Mao Zedong hay Lee Kuan Yew, chắc bạn sẽ nhớ ngay tới cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Hoặc gặp sách của các tác giả Mo Yan hay Gao Xingjian, ai lại không biết đó là Mạc Ngôn, người được trao giải Nobel Văn học 2012, và Cao Hành Kiện, nhà văn người Trung Quốc mang quốc tịch Pháp được trao giải Nobel Văn học năm 2000? Nhưng chẳng hạn với những cái tên “Pan Shiyi,” “Mao Yushi,” “He Weifang,” và “Liu Yiming” như trong bài “China’s Imperial President: Xi Jinping Tightens His Grip
” (“Chủ tịch hoàng đế: Tập Cận Bình siết chặt quyền lực“) của Elizabeth C. Economy, thì làm thế nào để biết tên Hán Việt của họ?

      Có hai bước cần thực hiện: (1) Tìm tên tiếng Trung của họ bằng các công cụ tìm kiếm như Google và Baidu, và (2) Dùng từ điển Hán-Việt online để tra phiên âm Hán Việt.

      Chẳng hạn, khi gõ từ khóa “Pan Shiyi” trên Google, trang Wikipedia của Pan Shiyi sẽ xuất hiện đầu tiên trong danh sách kết quả tìm kiếm. Trong đó, ta biết được native name của ông là 潘石屹. Tra bằng từ điển, ta biết tên Hán Việt của Pan Shiyi là Phan Thạch Ngật. Tương tự, “Mao Yushi” sẽ là “Mao Vu Thức,” và “He Weifang” là “Hạ Vĩ Phương.”

      Nhưng với cái tên như “Zhang Yingwei,” Google dường như bất lực, ngay cả khi tìm với chế độ tìm kiếm nâng cao (advanced search), với ngôn ngữ là tiếng Trung giản thể (simplified Chinese). Lúc này, Baidu sẽ phát huy tác dụng. Có thể gọi Baidu là Google phiên bản Trung Quốc, do đó, nó sẽ ưu tiên các kết quả tiếng Trung. Bạn cần truy cập vào địa chỉ baidu.com, và gõ “Zhang Yingwei” vào ô tìm kiếm. Kết quả đầu tiên hiện lên là trang Baidu Baike (百度百科 – một phiên bản Wikipedia của Trung Quốc) của Zhang Yingwei. Qua đó, ta biết tên tiếng Trung của vị Trưởng ban kiểm tra kỷ luật tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) này là 张英伟, tức Trương Anh Vĩ.

      Nếu bạn thất bại với Google hay Baidu, hãy nhờ ai đó biết tiếng Trung giúp đỡ. Bất quá thì cứ mạnh dạn để nguyên pinyin để tránh sai sót – cô diễn viên Chương Tử Di chắc phải may mắn lắm mới không bị nhầm thành Trương Tử Thi. Dĩ nhiên, những hướng dẫn trên đây chỉ hữu ích với những ai không biết mà vì công việc nên bắt buộc phải tiếp xúc với chữ Hán. Nếu dịch giả cũng chọn cách giữ nguyên tên phiên âm Latin trong các tác phẩm thì thôi rồi: Còn ai có thể đọc Xi You Ji, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Zhonghua, dưới ngòi bút của Wu Cheng-en, kể lại cuộc hành trình của bốn thầy trò Chen Xuanzang, Sun Wukong, Zhu Wuneng, và Sha Wujing trên đường tới Tianzhu thỉnh kinh được nữa? ♦

      Nguồn: Hoanghannom.com

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.