#235 – Chủ tịch hoàng đế: Tập Cận Bình siết chặt quyền lực

Print Friendly, PDF & Email

xi-jinping-011

Nguồn: Elizabeth C. Economy, “China’s Imperial President: Xi Jinping Tightens His Grip”, Foreign Affairs, November/December 2014.

Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng & Lê Hồng Hiệp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một tầm nhìn đơn giản nhưng mạnh mẽ: sự chuyển mình của dân tộc Trung Hoa. Đó là một lời hiệu triệu yêu nước lấy cảm hứng từ những hào quang của đế chế Trung Hoa trong quá khứ, và từ những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội ở hiện tại, nhằm thúc đẩy sự đoàn kết chính trị trong nước và ảnh hưởng ở nước ngoài. Chỉ sau hai năm nắm quyền, Tập Cận Bình đã đưa bản thân lên tầm một vị lãnh đạo đổi mới, thông qua một chương trình nghị sự đề xuất cải cách, nếu không muốn nói là làm cách mạng các mối quan hệ chính trị và kinh tế không chỉ ở Trung Quốc mà còn với phần còn lại của thế giới.

Ẩn sau tầm nhìn của Tập Cận Bình là cảm giác cấp bách ngày một tăng dần. Tập Cận Bình nhậm chức trong thời điểm nền chính trị Trung Quốc bấp bênh, bất chấp những thành công về mặt kinh tế. Trong tình cảnh lao đao vì tham nhũng và thiếu một hệ tư tưởng mang tính thuyết phục, Đảng Cộng sản Trung Quốc dần đánh mất tín nhiệm với dân chúng, và bất ổn xã hội đang trên đà gia tăng.

Dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng ở mức ấn tượng, những dấu hiệu quá tải và bất ổn định đã bắt đầu xuất hiện. Và trên trường quốc tế, bất chấp vị trí là một cường quốc kinh tế toàn cầu, những gì Trung Quốc thể hiện vẫn không tương xứng với vị thế đó. Bắc Kinh đã không thể phản ứng một cách tích cực với những cuộc khủng hoảng tại Libya và Syria, đồng thời bất lực khi hai trong số các đồng minh thân cận nhất của mình là Myanmar và Triều Tiên rung chuyển bởi những biến động chính trị. Theo nhiều nhà quan sát, dường như Trung Quốc không có một chiến lược chính sách đối ngoại bao quát.

Tập Cận Bình đã đáp lại sự yếu kém này bằng cách nắm lấy quyền lực – cho bản thân, cho Đảng Cộng sản, và cho Trung Quốc. Ông xóa bỏ truyền thống của phe cộng sản là lãnh đạo tập thể, thay vào đó biến bản thân thành vị lãnh đạo tối cao trong hệ thống chính trị tập trung chặt chẽ. Trong nước, những cải cách kinh tế do ông đề xuất giúp nâng đỡ vai trò của thị trường nhưng vẫn cho phép nhà nước duy trì sự kiểm soát ở mức cao. Ở ngoài nước, Tập Cận Bình chủ trương nâng cao vị thế Trung Quốc thông qua việc mở rộng thương mại và đầu tư, thành lập những tổ chức quốc tế mới, và củng cố quân đội. Tầm nhìn của ông ngầm chứa đựng một nỗi lo sợ: rằng việc cởi mở với những tư tưởng chính trị và kinh tế của phương Tây sẽ làm giảm sức mạnh của nhà nước Trung Quốc.

Nếu thành công, những cải cách của Tập Cận Bình có thể xây dựng một quốc gia độc đảng không có tham nhũng, đoàn kết về chính trị và hùng mạnh về kinh tế, một quốc gia với tầm ảnh hưởng toàn cầu: trở thành một Singapore phiên bản lớn. Nhưng chẳng ai có thể đảm bảo rằng những cải cách này sẽ khiến Trung Quốc chuyển mình như Tập Cận Bình hy vọng. Những chính sách của ông đã tạo ra làn sóng bất mãn trong nước và gây nên phản ứng tiêu cực từ quốc tế. Để dập tắt sự bất đồng, Tập Cận Bình tiến hành một cuộc đàn áp chính trị, cô lập nhiều công dân Trung Quốc tài năng và sáng tạo – những người đáng lẽ cần được khuyến khích trong chính những cải cách của ông. Các bước phát triển kinh tế còn do dự của Tập Cận Bình cũng làm dấy lên những câu hỏi về viễn cảnh đất nước tiếp tục tăng trưởng. Và tâm lý “thắng làm vua” của ông đã làm tổn hại những nỗ lực của chính mình trên con đường trở thành một lãnh đạo toàn cầu.

Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới không thể chờ xem những cải cách này sẽ diễn ra như thế nào. Nước Mỹ nên sẵn sàng hưởng ứng một vài sáng kiến của Tập Cận Bình để tạo cơ hội cho hợp tác quốc tế, đồng thời coi những sáng kiến khác như là những xu hướng đáng ngại cần ngăn chặn trước khi chúng được củng cố thêm.

Đàn áp trong nước

Viễn cảnh về một Trung Quốc phục hưng mà Tập Cận Bình vẽ nên dựa trên hết vào khả năng hiện thực hóa cách thức cải cách chính trị của ông: củng cố quyền lực bản thân bằng cách tạo nên những thể chế mới, dập tắt phe đối lập chính trị, và hợp pháp hóa sự lãnh đạo của ông và quyền lực của Đảng Cộng sản trong con mắt của nhân dân Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức, Tập Cận Bình đã nhanh chóng tập hợp quyền lực, vươn tới vị trí số một trong giới lãnh đạo Trung Quốc chứ không chỉ là số một trong số những người ngang hàng nhau. Ông đứng đầu Đảng Cộng sản và Quân ủy Trung ương, hai trụ cột truyền thống của vị trí lãnh đạo đảng tại Trung Quốc; đồng thời cũng là lãnh đạo của các nhóm chỉ đạo về các vấn đề kinh tế, cải cách quân sự, an ninh mạng, Đài Loan, quan hệ ngoại giao và một ủy ban về an ninh quốc gia.

Không giống những chủ tịch nước trước thường để thủ tướng nắm thẩm quyền quản lý nền kinh tế quốc gia, Tập Cận Bình tự gánh vác vai trò đó. Ông cũng nắm quyền chỉ huy khá cá nhân đối với quân đội Trung Quốc: mùa xuân vừa qua, ông nhận được những tuyên bố công khai về lòng trung thành từ 53 quan chức quân đội cấp cao. Theo lời một cựu tướng lĩnh, những cam kết như vậy mới chỉ từng xuất hiện ba lần trong lịch sử Trung Quốc.

Trong nỗ lực củng cố quyền lực, Tập Cận Bình cũng tìm cách loại bỏ những tiếng nói chính trị khác, đặc biệt là trên mạng Internet vốn từng rất sống động ở Trung Quốc. Chính phủ đã tạm giữ, bắt giam, hoặc sỉ nhục công khai những bloggers nổi tiếng như doanh nhân tỉ phú Phan Thạch Ngật (Pan Shiyi) và Tiết Tất Quần (Charles Xue). Với hàng chục triệu người theo dõi trên mạng xã hội, những nhà bình luận như vậy đã từng đăng bài bàn luận hàng ngày từ vấn đề ô nhiễm môi trường đến kiểm duyệt, cho tới nạn buôn bán trẻ em. Dù không bị ép buộc phải im lặng hoàn toàn, họ không còn dám bén mảng đến lĩnh vực chính trị nhạy cảm nữa. Thực tế là Phan Thạch Ngật, một biểu tượng trung tâm trong phong trào gây sức ép buộc chính phủ Trung Quốc phải cải thiện chất lượng không khí tại Bắc Kinh, đã bị ép phải tự phê bình bản thân trên truyền hình quốc gia vào năm 2013. Sau đó, ông đăng trên Weibo – một dịch vụ tiểu blog thịnh hành ở Trung Quốc – lời cảnh báo đến các tỉ phú bất động sản đang chỉ trích chương trình cải cách kinh tế của chính phủ: “Hãy cẩn thận, nếu không các anh có thể bị bắt.”

Dưới thời Tập Cận Bình, Bắc Kinh cũng ban hành một loạt các quy định mới về mạng Internet. Một luật đe dọa phạt tù lên tới ba năm vì tội đăng bất cứ điều gì mà các nhà chức trách cho là “tin đồn,” nếu bài đó có hơn 5.000 người đọc hoặc được chia sẻ hơn 500 lần. Dưới những điều luật mới chặt chẽ này, nhiều công dân Trung Quốc đã bị bắt giữ vì đăng các giả thuyết về việc chuyến bay 370 của hãng hàng không Malaysia biến mất. Trong một giai đoạn kéo dài bốn tháng, Bắc Kinh đã đình chỉ, xóa bỏ, hay trừng phạt hơn 100.000 tài khoản trên Weibo vì vi phạm một trong bảy điều được định nghĩa là “ngưỡng” trong quy định giới hạn cho phép sự biểu đạt ý kiến.

Theo một nghiên cứu do tạp chí The Telegraph khảo sát trên 1,6 triệu người dùng Weibo, những hạn chế này dẫn đến việc số lượng bài đăng trên Weibo từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2013 tụt giảm đến 70%. Và khi cư dân mạng Trung Quốc tìm được những hình thức trao đổi, giao tiếp thay thế, ví dụ như sử dụng ứng dụng nhắn tin nhanh cho nhóm trong WeChat, các nhà kiểm duyệt của chính phủ lại bắt đầu theo dõi chúng. Vào tháng 8/2014, Bắc Kinh ban hành những quy định mới về nhắn tin nhanh, yêu cầu người dùng phải đăng ký tên thật, hạn chế việc chia sẻ tin tức chính trị, và áp đặt thi hành một bộ quy tắc ứng xử. Không có gì bất ngờ khi tổ chức phi lợi nhuận Freedom House (có trụ sở tại Mỹ) đã xếp Trung Quốc đứng thứ 58 trên 60 nước trong bảng xếp hạng tự do Internet trên thế giới năm 2013 – ngang với Cuba. Chỉ có Iran là xếp hạng thấp hơn.

Trong nỗ lực thúc đẩy sự thống nhất về ý thức hệ, Tập Cận Bình cũng gọi những tư tưởng nước ngoài có khả năng thách thức hệ thống chính trị Trung Quốc là “không yêu nước” và thậm chí là “nguy hiểm”. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cấm những hoạt động nghiên cứu học thuật và giảng dạy về bảy chủ đề: các giá trị toàn cầu, xã hội dân sự, quyền công dân, tự do báo chí, sai lầm của Đảng Cộng sản, đặc quyền của chủ nghĩa tư bản, và sự độc lập của cơ quan tư pháp. Mùa hè vừa rồi, một quan chức Đảng Cộng sản đã công khai công kích Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, một viện nghiên cứu của chính phủ, vì đã bị “xâm nhập bởi những thế lực ngoại quốc”. Vụ công kích này gặp phải sự chế nhạo từ các nhà trí thức Trung Quốc nổi tiếng bên ngoài Viện, bao gồm nhà kinh tế Mao Vu Thức (Mao Yushi), giáo sư luật Hạ Vệ Phương (He Weifang), và cây viết Lưu Nhất Minh (Liu Yiming). Tuy nhiên, những lời công kích cáo buộc này có thể sẽ gây tác động làm nhụt tinh thần của những nghiên cứu học thuật và cộng tác quốc tế.

Cuộc đàn áp này có thể sẽ làm xói mòn tính thống nhất chính trị mà Tập Cận Bình vẫn đang kiếm tìm. Dân chúng ở Hồng Kông và Ma Cao, những người vốn được tận hưởng sự tự do chính trị nhiều hơn so với ở lục địa, đã theo dõi từng động thái của Tập Cận Bình với cảm giác bất an; nhiều người còn kêu gọi cải cách dân chủ. Tại Đài Loan, nơi dân chủ đã phát triển mạnh mẽ, xu hướng đàn áp của Tập Cận Bình có lẽ sẽ không giúp xúc tiến quá trình tái hợp hòn đảo này với đại lục. Và tại Tân Cương, khu vực bị chia rẽ sắc tộc, những chính sách chính trị và kinh tế mang tính trói buộc của Bắc Kinh đã dẫn đến những cuộc biểu tình bạo lực.

Ngay cả trong giới thượng lưu chính trị và kinh tế ở Trung Quốc, nhiều người đã bày tỏ mối quan ngại đối với việc Tập Cận Bình siết chặt chính trị và họ đang tìm kiếm chốn nương thân ở nước ngoài. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun Report) tại Trung Quốc, 85% số người sở hữu tài sản hơn 1 triệu đô la Mỹ muốn con cái của mình đi du học, và hơn 65% người dân Trung Quốc với tài sản trị giá hơn 1,6 triệu đô la đã di cư hoặc lên kế hoạch di cư. Sự tháo chạy của giới tinh hoa ra khỏi Trung Quốc không chỉ trở thành một nỗi tủi hổ chính trị, mà còn là một cản trở đáng kể đối với những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thu hút trở lại các nhà khoa học và học giả hàng đầu vốn đã ra nước ngoài trong nhiều thập kỉ qua.

Thẩm quyền đạo đức?

Điểm mấu chốt trong cuộc cải cách chính trị của Tập Cận Bình là nỗ lực phục hồi thẩm quyền đạo đức của chính quyền Đảng Cộng sản. Ông cho rằng thất bại trong việc giải quyết tệ nạn tham nhũng lan tràn trong Đảng có thể dẫn đến sự sụp đổ không chỉ của Đảng mà còn của nhà nước Trung Quốc. Dưới sự giám sát chặt chẽ của Vương Kỳ Sơn, một thành viên của Ban thường vụ Bộ chính trị, cuộc chiến chống tham nhũng trong giới quan chức trở thành vấn đề đặc trưng của Tập Cận Bình. Những nhà lãnh đạo trước đã tiến hành những chiến dịch chống tham nhũng, nhưng Tập Cận Bình mang lại nguồn năng lượng mới và thái độ nghiêm túc giải quyết đến tận căn nguyên: hạn chế nguồn quỹ chi cho những yến tiệc, xe hơi và bữa ăn của quan chức; theo dõi những gương mặt nổi tiếng trong ngành truyền thông, chính phủ, quân đội, lĩnh vực tư nhân; và nâng cao số vụ tham nhũng được các nhà chức trách thẩm tra.

Trong năm 2013, Đảng đã trừng phạt hơn 182.000 quan chức phạm tội tham nhũng, tăng 50.000 vụ so với số lượng trung bình hàng năm của 5 năm trước. Hai vụ bê bối nổ ra vào mùa xuân vừa qua đã thể hiện quy mô của chiến dịch. Trong vụ đầu tiên, chính quyền trung ương bắt giữ một thượng tướng quân đội vì đã bán hàng trăm ghế trong lực lượng vũ trang, đôi khi với một giá tiền khổng lồ. Ví dụ như cái giá để trở thành trung tướng lên đến 4,8 triệu đô la Mỹ. Trong vụ thứ hai, Bắc Kinh bắt đầu điều tra hơn 500 thành viên của chính quyền tỉnh Hồ Nam vì đã tham gia một nhóm mua phiếu bầu trị giá 18 triệu đô la Mỹ.

Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình chỉ là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm phục hồi thẩm quyền đạo đức của Đảng Cộng sản. Ông cũng đã công bố những cải cách để giải quyết một vài vấn đề cấp bách nhất của xã hội Trung Quốc. Với Tập Cận Bình ở vai trò cầm lái, tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc tiến hành một chiến dịch cải thiện chất lượng không khí trong nước; cải thiện chính sách một con; xem xét lại hệ thống hộ khẩu về cấp phép cư trú vốn gắn các vấn đề nhà cửa, chăm sóc sức khỏe và giáo dục của một công dân với nơi cư trú chính thức của người đó và có xu hướng ưu tiên cư dân thành thị hơn nông thôn; và đóng cửa hệ thống trại “lao động cải tạo,” một hình thức cho phép chính phủ giam giữ người vô cớ. Chính phủ cũng công bố những kế hoạch nhằm làm hệ thống pháp lý minh bạch hơn và loại bỏ sự can thiệp của các quan chức địa phương.

Dẫu cho những bước cải cách của Tập Cận Bình có nhịp độ và quy mô đầy ấn tượng, người ta vẫn không biết liệu chúng đánh dấu sự bắt đầu của một sự thay đổi lâu dài, hay chỉ là những biện pháp hời hợt để chiếm được sự ủng hộ trong ngắn hạn của người dân. Dù có nghĩa thế nào, một vài cải cách đã kích động sự chống đối dữ dội. Theo tờ Financial Times, các nhà lãnh đạo đi trước, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đều đã cảnh báo Tập Cận Bình phải kiềm chế chiến dịch chống tham nhũng của mình, và bản thân Tập Cận Bình phải chấp nhận thực tế rằng những nỗ lực của ông đã và đang gặp phải sự chống cự quyết liệt.

Chiến dịch cũng phải chịu những tổn thất kinh tế thực sự. Theo một báo cáo của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, năm nay GDP Trung Quốc có thể giảm 1,5%, hậu quả của sự sụt giảm doanh thu bán hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, bởi các quan chức ngày càng lo sợ việc dính líu đến những bữa tiệc hoang phí, mua bán sự ủng hộ chính trị, và những hóa đơn thanh toán đắt đỏ sẽ gây sự chú ý không mong muốn. (Tất nhiên, nhiều người Trung Quốc vẫn tiếp tục mua bán, chỉ là họ làm điều đó ở nước ngoài.) Và ngay cả những người ủng hộ mục tiêu chống tham nhũng cũng nghi ngờ những phương pháp của Tập Cận Bình. Chẳng hạn như đầu năm 2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình công khai trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ – tuy nhiên, lời nói của ông này nhanh chóng bị xóa khỏi các trang mạng.

Lập trường của Tập Cận Bình về tham nhũng cũng có thể gây rủi ro đến vị thế cá nhân và chính trị của ông: gia đình ông được xếp vào nhóm những gia đình giàu có nhất trong số các lãnh đạo Trung Quốc, và theo tờ New York Times, Tập Cận Bình đã bảo họ hàng giấu tài sản đi nhằm giảm nguy cơ công kích nhắm vào ông. Thêm vào đó, ông đã kháng lại những kêu gọi về minh bạch, bắt giữ các nhà hoạt động đòi hỏi quan chức phải tiết lộ giá trị tài sản và trừng phạt những cơ quan truyền thông phương Tây đã tiến hành điều tra các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Giữ kiểm soát

Trong khi cố gắng củng cố quyền kiểm soát chính trị và phục hồi tính chính đáng của Đảng Cộng sản, Tập Cận Bình cũng phải tìm cách kích thích nền kinh tế đất nước tăng trưởng hơn nữa. Nói rộng ra, mục đích của ông bao gồm biến Trung Quốc từ công xưởng trở thành trung tâm sáng tạo của thế giới, tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc thông qua việc ưu tiên tiêu thụ hơn đầu tư, và mở rộng không gian cho doanh nghiệp tư nhân. Kế hoạch của Tập Cận Bình hướng đến cải cách cả thể chế và chính sách. Chẳng hạn, ông đã sắp xếp lại hệ thống thuế để tiến tới một cải tiến lớn: nguồn thu địa phương sẽ đến từ nhiều loại thuế thay vì chủ yếu từ việc bán đất, nguyên nhân của tham nhũng và bất ổn xã hội.

Hơn nữa, chính quyền trung ương, vốn nhận khoảng một nửa tiền thuế quốc gia trong khi chỉ chi trả một phần ba chi phí phúc lợi xã hội, thì nay sẽ tăng ngân sách sử dụng cho các dịch vụ xã hội để giảm bớt gánh nặng cho các chính quyền địa phương. Hàng loạt sáng kiến chính sách khác cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm, bao gồm khuyến khích đầu tư tư nhân vào các doanh nghiệp nhà nước và giảm mức lương thưởng cho các chức danh điều hành các doanh nghiệp này, thành lập những ngân hàng tư nhân để điều vốn về những dự án kinh doanh vừa và nhỏ, và rút ngắn thời gian cấp phép hành chính cho doanh nghiệp mới.

Tuy nhiên khi các chi tiết kế hoạch kinh tế của Tập được hé lộ, người ta càng thấy rõ rằng bất chấp sự nhấn mạnh của ông đối với thị trường tự do thì nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát đối với phần lớn nền kinh tế. Cải cách cách thức quản trị các doanh nghiệp nhà nước sẽ không làm xói mòn vai trò áp đảo của Đảng Cộng sản trong cơ chế ra quyết định của các doanh nghiệp này; Tập tiếp tục duy trì các rào cản đáng kể đối với đầu tư nước ngoài, và thâm chí trong khi chính phủ cam kết rời bỏ dần mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư thì các nỗ lực kích cầu vẫn được tiếp tục, góp phần vào mức nợ địa phương ngày càng tăng cao. Thực tế, theo tờ Global Times, sự gia tăng giá trị nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2014 đã vượt tổng giá trị các khoản nợ xấu mới trong toàn bộ năm 2013.

Hơn nữa, Tập đã gắn chương trình kinh tế của mình với các tình cảm dân tộc chủ nghĩa – thậm chí bài ngoại – vốn đã tràn khắp chương trình nghị sự chính trị của ông. Chiến dịch chống tham nhũng và độc quyền của ông đã nhắm vào các công ty đa quốc gia chế tạo các sản phẩm bao gồm sữa bột, vật tư y tế, dược phẩm và phụ tùng ô tô.

Cũng giống như chiến dịch chống tham nhũng, việc Tập điều tra các công ty nước ngoài đã làm dấy lên câu hỏi về các ý định đằng sau đó. Trong một cuộc tranh luận được phát sóng rộng rãi trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc giữa trưởng đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc và một quan chức từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, vị quan chức Châu Âu đã khiến vị đồng sự người Trung Quốc phải bảo vệ sự phân biệt đối xử rõ ràng của chính phủ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Rốt cuộc, vị quan chức Trung Quốc dường như chấp nhận, nói rằng quy trình chống độc quyền của Trung Quốc là một quy trình “mang đặc sắc Trung Quốc”.

Lời hứa trước đó của Tập về cải tổ kinh tế vì vậy vẫn chưa được thực hiện. Một báo cáo đánh giá về cải cách kinh tế Trung Quốc dài 31 trang do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung xuất bản tháng 6/2014 cho thấy hàng loạt các nhiệm vụ chưa được hoàn thành. Báo cáo chỉ coi 3 sáng kiến chính sách của Tập là thành công: giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp mới; cho phép các công ty nước ngoài sử dụng nội tệ Trung Quốc để mở rộng kinh doanh; và cải cách hệ thống hộ khẩu. Tuy nhiên, để thực hiện được các cải cách sâu hơn đòi hỏi một cú hích vào hệ thống, ví dụ như sự sụp đổ thị trường nhà đất chẳng hạn. Hiện tại, Tập có thể chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính mình: việc kêu gọi sự lên ngôi của thị trường tự do không tương thích với mong muốn duy trì sự kiểm soát nền kinh tế của ông.

Đánh thức con sư tử

Lời đáp trả mạnh mẽ

…..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Tap Can Binh siet chat quyen luc.pdf