NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
14/12/2015 at 22:14 #12914NCQTKeymaster
Quyền lực và các hệ thống cực quyền lực trong quan hệ quốc tế
Tác giả: Phạm Hoàng Sơn
Dẫn nhập
Chính trị, hiểu một cách khái quát nhất chính là quyền lực. Do vậy, quan hệ chính trị giữa các chủ thể trên trường quốc tế có thể được coi như một mối quan hệ đặc biệt về quyền lực. Và trong mối quan hệ này, quyền lực không phải lúc nào cũng được phân bổ cân bằng và ổn định giữa các chủ thể với nhau, mà ngược lại, đa phần quyền lực cũng như sự định hình chính trị, luật chơi trong quan hệ quốc tế nằm trong tay một số chủ thể nhất định, đặc biệt là các cường quốc (great powers) – các quốc gia có tiềm lực lớn và sức mạnh vượt trội so với các quốc gia khác. Chính các chủ thể này, với quyền lực lớn trong tay, đã tạo cho mình một vị thế lớn và khác biệt hơn với các chủ thể khác và hình thành nên các cực quyền lực (polarity) trong hệ thống quốc tế. Điều này quyết định cấu trúc hệ thống quan hệ quốc tế và tác động trực tiếp cũng như gián tiếp tới các hành vi giữa các chủ thể quốc tế với nhau trong đời sống kinh tế – chính trị toàn cầu. Các cực quyền lực, cùng với sự phân chia và cân bằng quyền lực với nhau, đã hình thành nên ba hệ thống chính trong quan hệ quốc tế: Đơn cực, Lưỡng cực và Đa cực.
- Đơn cực: hệ thống quốc tế gồm duy nhất một cường quốc thống trị, định hình và điều khiển toàn bộ đời sống quốc tế. Trong hệ thống này, vì chỉ có một cường quốc vượt trội nên cực quyền lực này sẽ không có và thiếu vắng đi các đối thủ cạnh tranh.Và chủ thể này sẽ đóng vai trò như một “cảnh sát quốc tế” trong việc giải quyết các tranh chấp, phòng ngừa chiến tranh, cũng như bảo đảm và định kinh tế toàn cầu thông qua việc thiết lập và giữ vững các luật lệ cho kinh tế. Đế chế La Mã trước công nguyên hay đế chế Anh trong thế kỷ 19 có thể được coi là hai cường quốc hình thành nên hệ thống đơn cực trong thời đại của họ. Ở hệ thống này, nhất cực sẽ được coi là bá quyền vì quốc gia này lãnh đạo và chi phối gần như hoàn toàn các quốc gia khác.
- Bên cạnh đó, Lưỡng cực (hay còn gọi là nhị cực và song cực) được coi là hệ thống khi đời sống quốc tế bị chi phối và hoạt động xung quanh hai cực quyền lực ( hoặc hai khối quyền lực) riêng biệt. Khái niệm này thường được gắn với giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, khi sự đối đầu Đông – Tây bởi sự dẫn dắt của Moscow và Washington đã định hình nên luật chơi cũng như cấu trúc quốc tế trên toàn cầu. Mỹ và Liên Xô trong hệ thống này được coi là siêu cường, bởi tiềm lực và khả năng chi phối của hai quốc gia này hoàn toàn vượt trội hơn so với Nhật, Trung, Tây Đức, hay các cường quốc khác trong giai đoạn này.
- Đa cực, khi hơn hai cường quốc tương đối tương đương nhau về quyền lực xuất hiện sẽ định hình nên hệ thống này. Khái niệm này bao hàm từ hệ thống tam cực quyền lực ( tripolar system) ví dụ như Mỹ, Nhật, và EU cuối thế kỉ 20 tới hệ thống vô cực (non-polar system) – khi quyền lực toàn cầu bị phân tán tới mức không chủ thể nào có thể được coi như là một cực quyền lực(Heywood, 2011, p. 230). Quan hệ và tình trạng thế giới trước chiến tranh thế giới thứ nhất có thể được coi là ví dụ điển hình cho hệ thống đa cực với sự vượt trội về sức mạnh của khối 7 đế quốc: Pháp, Anh, Áo-Hung, Đức, Ý, Nhật và Mỹ .
Khái niệm hệ thống cực quyền lực không chỉ để nhằm chỉ hệ thống mang tính toàn cầu. mà nó cũng nhằm để chỉ sự đo lường quyền lực giữa các quốc gia trong khu vực với nhau. Hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi có thể coi là các cực sức mạnh trong khu vực của họ.Tuy nhiên, các quốc gia có thể là một cực trong một khu vực nhưng không có nghĩa là một cực của cả hệ thống chính trị toàn cầu. Trong thời điểm Chiến Tranh Lạnh, mặc dù hai cực Xô – Mỹ chi phối phần lớn thế giới, nhưng trong khu vực Đông Á, Trung Quốc hoàn toàn có thể coi là một cực của hệ thống, đặc biệt là sau năm 1973 với sự tái thiết lập quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Nhưng, để nói sau đó Trung Quốc là một cực của thế giới thì điều này có thể không phù hợp bởi lẽ trong thời điểm đó, ảnh hưởng của Trung Quốc chưa vượt qua khỏi phạm vi khu vực của mình một cách sâu sắc. Hay như hiện nay, một số nhà quan sát nhận định rằng Indonesia đang trở thành ngôi sao đang lên và dần khẳng định mình là một cực sức mạnh trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên cũng giống như trường hợp Trung Quốc trước đây, vị thế của Jakarta khó thể được coi như một cực trên trường quốc tế giống như Mỹ, Anh, Nga hay thậm chí Trung và Ấn hiện tại.
Bản chất và đặc điểm của hệ thống Đa cực
Các hệ thống quyền lực của các cường quốc được hình thành sẽ kéo theo một trật tự thế giới nhất định. Đơn cực, Lưỡng cực hay Đa cực cũng chỉ là các công cụ hay cách mà các cường quốc hay xa hơn nữa là các siêu cường định hình nên một trật tự thế giới mới mà ở đó, quyền lực của họ phải được triển khai và nắm giữ nhiều nhất có thể. Do vậy hệ thống đa cực nói riêng hay các hệ thống quan hệ quốc tế nói chung đều có yếu tố quyền lực và sự tham gia của các cường quốc là đặc điểm chung. Sự khác biệt giữa các hệ thống này có lẽ chính là sự khác biệt giữa sự “cân bằng quyền lực” (balance of power) cũng như “phân chia quyền lực” (distribution of power) trong hệ thống giữa các cường quốc với nhau.
Cụ thể, trong hệ thống đa cực, đặc điểm của hệ thống này là các cường quốc dễ dàng phân chia quyền lực bằng việc nhóm họp hay thậm chí liên minh với nhau để đạt được tối đa lợi ích cho lợi ích quốc gia để nhằm tăng thêm quyền lực và vị thế cũng như để tránh việc cạnh tranh quyền lực dẫn đến xung đột giữa các bên. Ngoài ra, các cực trong hệ thống này thông qua cân bằng quyền lực nhằm tìm cách để duy trì sức mạnh của mình thông qua việc ngăn chặn một quốc gia tiềm năng trỗi dậy có thể đối trọng với quyền lực của mình và cũng như nhằm để dè chừng được quyền lực của các cực đồng minh/đối thủ. Bởi, không một cường quốc nào, đặc biệt là siêu cường, muốn có một đối thủ cạnh tranh ngang bằng, hay thậm chí hơn mình trong một trật tự hệ thống mà mình điều hành. Cân bằng quyền lực, chính là chính sách mà các quốc gia thực hiện nhằm đảm bảo rằng sẽ không có một sự chi phối tất cả nào đến từ một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia bất kỳ (Smith, Hadfield, & Dunne, 2008, p. 389).
Cân bằng quyền lực, như là một đặc điểm của hệ thống đa cực, có thể được thấy thông qua hệ thống quốc tế trước thế chiến thứ nhất. Học giả Joseph S. Nye trong tác phẩm “Cân bằng quyền lực và Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất” đã chỉ ra rằng Châu Âu thế kỉ 19 đôi khi được xem như kiểu mẫu của một hệ thống cân bằng quyền lực ôn hòa và đa cực (Nye, 2007). Trước sự lớn mạnh của Đức, đế chế đang lên, chủ thể gây ra một sự bất ổn định trong cán cân quyền lực tại Châu Âu, Anh, Pháp và Nga đã liên minh lại với nhau để tạo nên một khối hiệp ước Entente ba bên nhằm mục đích ngăn chặn sự lớn mạnh của Đức. Cả ba cường quốc trên đều hiểu rằng, nếu không ngăn chặn, cô lập và tiêu diệt được mối lo mang tên “sức mạnh Đức” thì viễn cảnh một hệ thống trật tự trước hết là khu vực, tiếp đó là toàn cầu mà cả London, Paris và St.Peterburg đã hình thành nên sẽ bị Berlin chiếm đoạt và phân bổ lại theo chiều hướng bất lợi cho cả ba. Cũng như ngược lại, Đức dẫn đầu phe liên minh trung tâm (Central power) gồm Áo-Hung, Ottoman và Bulgaria để đối trọng lại quyền lực lấn át của khối hiệp ước nhằm vào mình.
Ngoài ra, tại hệ thống đa cực với đặc điểm là cân bằng và phân chia quyền lực đã kéo theo một đặc điểm nữa trong hệ thống quan hệ quốc tế giữa các cường quốc với nhau chính là sự hòa hợp quyền lực (bandwagoning). Cường quốc A thay vì cân bằng quốc gia B mạnh hơn bằng cách gia tăng sức mạnh nội tại để đối trọng, sẽ chọn cách hòa hợp mình, nghiêng theo phía B để nhằm đạt được an ninh và ảnh hưởng tối đa cho mình. A và cả B đều hiểu rằng, nếu cân bằng (balancing) thì viễn cạnh canh tranh và gia tăng xung đột dài hạn giữa hai bên là điều gây tác động tiêu cực tới đà phát triển quyền lực của cả đôi bên. Do vậy, B quyền lực cũ sẽ muốn A trỗi dậy trong vòng ảnh hưởng của mình để cùng duy trì hệ thống mà B sắp đặt, cũng như A quyền lực mới với tiềm lực chưa đủ “chín” sẽ dễ hoạt động và gia tăng sức mạnh thông qua một trật tự mà A ít bị phân tán quyền lực. Qua các thông cáo báo chí cũng như các chiến lược của Washington thì rõ ràng tại một hệ thống đa cực chưa rõ ràng như hiện nay, Mỹ luôn mong muốn Trung Quốc hòa hợp quyền lực với mình để cùng chia sẻ gánh nặng trách nhiệm quốc tế thay vì cân bằng quyền lực với Mỹ.
Sự chủ động trong chính sách cũng là một đặc điểm của các quốc gia trong hệ thống đa cực. Cường quốc dễ dàng lựa chọn đồng minh để hợp tác cũng như nhận định kẻ thù để đấu tranh một cách dễ dàng hơn trong hệ thống này thay vì phải chịu sự áp đặt bạn hay thù như trong hệ thống lưỡng cực. Ví dụ như nước Ý, ban đầu tham chiến với tư cách phe liên minh xong đã bắt tay với phe hiệp ước trong thế chiến đệ nhất. Một điều mà khó có thể thực hiện được trong hệ thống Lưỡng cực và Đơn cực, khi sự chi phối của siêu cường gần như là áp đảo đối với cường quốc yếu hơn.
Cực quyền lực hiện nay, một trật tự đa cực mới đang hình thành
Sau chiến tranh lạnh, với sự sụp đổ của hệ thống Lưỡng cực cũng như sự tồn tại ngắn hạn của Đơn cực, quan hệ quốc tế hiện nay có thể được coi là sự định dạng của hệ thống Đa cực. Đa cực hiện đại không chỉ mang đặc điểm bao gồm chủ thể chính và duy nhất là cường quốc nữa, mà hệ thống này giờ đây còn có cả sự góp mặt và cạnh tranh quyền lực của các chủ thể phi quốc gia hay tập hợp nhóm nước tầm trung và nhỏ. Điều này có thể được thấy thông qua toàn cầu hóa, tiến trình này đã khiến sự trỗi dậy dành ảnh hưởng của các nhóm tổ chức đa quốc gia hay nhóm tổ chức phi chính phủ với quyền lực kinh tế và mạng lưới cơ sở rộng khắp thế giới cho nên tác động không nhỏ vào việc ra quyết sách chính trị, kinh tế, và xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Ngoài ra, sự nhóm họp hay liên minh của các quốc gia vừa và nhỏ là để đối trọng quyền lực với các cực của thế giới cũng là một điều đáng chú ý trong hệ thống Đa cực mới. ASEAN, tổ chức khu vực gồm 10 nước Đông Nam Á, đang dần chứng tỏ vị thế của mình khi cơ chế này khiến sự phân chia quyền lực cũng như cân bằng và hòa hợp quyền lực tại Châu Á-Thái Bình Dương được tương đối ổn định và cân bằng trước đà gia tăng ảnh hưởng của Mỹ, Nga, Trung Quốc,Nhật, Ấn, và Úc.
“Thế giới phát triển nhanh chóng theo hướng Đa cực, tuy vậy cục diện Đa cực chưa hẳn hình thành và đang trải qua thời kì quá độ từ Trật tự cũ để tiến tới một Trật tự mới”. Lời nhận xét trên của học giả Nguyễn Quốc Hùng trong bài tham luận “Thế giới sau chiến tranh Lạnh – Một số đặc điểm và xu thế”, đã khái quát được bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế hiện nay. Ông cũng chia sẻ cùng với các học giả khác rằng thời kì quá độ này phải kéo dài trong nhiều thập kỉ, bởi sự chuyển đổi cục diện thế giới lần này mang đặc điểm mới, quan trọng nhất là không trải qua chiến tranh như các cục diện trước kia . Thế giới hiện đang trong quá trình “một siêu cường, nhiều cường quốc”, đó là các nước Mỹ, Tây Âu (EU), Nhật, Nga và Trung Quốc (Quốc Hùng, 2012). .
Như nhận định của học giả Quốc Hùng, sự tan rã của Liên Xô đã tạo ra cho Mỹ một lợi thế tạm thời. Là cực duy nhất còn lại, Mỹ ra sức củng cố vị trí siêu cường, mong muốn giữ vai trò chi phối bá chủ thế giới. Nhưng mặt khác, tuy là cực duy nhất còn lại nhưng tình hình thế giới lại không phải là thế giới một cực. Mỹ đã bị suy yếu tương đối, mâu thuẫn lớn nhất của Mỹ giữa tham vọng bá chủ và khả năng thực hiện của nó. Rõ ràng là Mỹ không muốn sự phát triển của thế giới theo chiều hướng đa cực, cho nên Mỹ ra sức điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại, tăng cường năng lực cạnh tranh, xây dưng Trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo, làm cho sự thay đổi của thế giới theo quĩ đạo có lợi cho Mỹ (Quốc Hùng, 2012). Bên cạnh đó, dựa theo các động thái của các cường quốc còn lại, có thể thấy rằng Trung Quốc thì đang ra sức gây ảnh hưởng để cạnh tranh với Mỹ trên toàn cầu cũng như mong muốn thiết lập một hệ thống đơn cực trung tâm, chí ít là trong khu vực do Bắc Kinh nắm giữ. “Sinocentrism” – hệ thống quan hệ quốc tế mà lấy Trung Quốc làm tâm chủ đạo như đã được hình thành từ trước thế kỉ 19 luôn là điều mà các lãnh đạo Trung Quốc quan tâm và mong muốn thi hành. Nhật, quốc gia đang đứng trước sự đang lên tham vọng của Trung Nam Hải cũng như một phần nào đó sự thiếu nhiệt tình của Nhà Trắng, Tokyo đang cố vươn lên cạnh tranh quyền lực với hai siêu cường một cũ một mới thông qua các chính sách quyết liệt của thủ tướng Shinzo Abe như “Ba mũi tên” trong kinh tế hay sửa đổi điều 9 hiến pháp hòa bình để phù hợp hơn với tiến trình cải cách hóa, “quân sự hóa” lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Còn Nga cũng đang dần thi hành các chính sách đẩy mạnh an ninh – quốc phòng để lấy lại vị thế của mình khi ngày càng gia tăng sức ép quân sự lên các quốc gia Đông Âu cũ như việc xâm chiếm Georgia năm 2008 , sự sát nhập đảo Krưm vào Liên Bang Cộng Hòa Nga – một động thái chính trị – quân sự khiến Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây coi như là một sự quay lại chính trị toàn cầu của “sức mạnh và bá quyền Nga”, và cũng như việc Nga gia tăng tuyên chiến với ISIS để nhằm loại bỏ nhà nước Hồi giáo tự xưng này cho việc bảo toàn chế độ của tổng thống Bashar al-Assad tại Syria, đồng minh địa chính trị duy nhất của Moscow tại Trung Đông.
Đơn cực, Lưỡng cực hay Đa cực – lựa chọn nào là hoàn hảo?
Như đã phân tích ở trên, bản chất của hệ thống cực trong quan hệ quốc tế vốn chỉ là sự định hình một trật tự thế giới được đặt ra bởi các cường quốc. Và với các cường quốc, họ đều mong muốn hướng tới một thế giới Đơn cực ổn định và cân bằng do họ lãnh đạo, bởi đây là môi trường lí tưởng nhất cho họ thi hành các chính sách một cách tối ưu để đạt được tối đa quyền lợi. Đơn cực, một cực duy nhất chi phối, với sự lấn át về sức mạnh, nước bá quyền sẽ ngăn chặn một cách tương đối dễ dàng các mối nguy bằng các sự dàn xếp thông qua tính toán cá nhân mà không chịu sự ảnh hưởng của bất kỳ chủ thề nào khác, không phải chịu sự “đa phương hóa”, “đa dạng hóa” vấn đề cũng như hoàn toàn làm chủ được chủ quyền của mình. Không chỉ có vậy, các học giả theo trường phái ủng hộ bá quyền còn cho rằng đơn cực còn là hệ thống tối ưu nhất trong quan hệ quốc tế để ngăn chặn xung đột xảy ra giữa các chủ thể trong hệ thống này bằng lập luận chính liên quan đến lợi ích và quyền lực kinh tế: Kinh tế tự do toàn cầu luôn dễ bị tổn thương bởi các yếu tố như sự tăng cao của chủ nghĩa dân tộc (rising nationalism) hay sự dàn trải của chủ nghĩa bảo hộ (spread of proctetionism) do đó, cần có các chế tải để giữ vững tự do giao thương (free trade) nhằm đạt được thành công trong kinh tế. Chính bởi vậy, với sự thống trị của nước bá quyền sẽ dễ dàng thực hiện các trọng trách như thiết lập và vận hành các chế tài quốc tế. Họ cho rằng, nước bá quyền hiểu rằng quyền lợi của họ gắn chặt với hệ thống qui củ hiện hành nên nó sẽ phải đảm bảo sự ổn định của kinh tế quốc tế trong sự tồn tại dài hạn của nó (Heywood, 2011, p. 229). Ngoài ra, các quốc gia còn lại yếu hơn cũng sẽ phải thực hiện theo qui luật của nước bá quyền bởi các nước bé nếu thoát khỏi ảnh hưởng của nước bá quyền thì sự vận động phát triển sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực, hoặc thậm chí bị cô lập trong cuộc chơi toàn cầu.
So với hệ thống đơn cực thì hai hệ thống còn lại là lưỡng cực và đa cực cũng được nhận định và diễn giải trong sự lựa chọn phân chia quyền lực của các quốc gia để nhằm đạt được một qui chuẩn ổn định trong quan hệ quốc tế. Lưỡng cực được giới học giả theo trường phái hiện thực đề cao trong việc ổn định cân bằng và trật tự trong trường quốc tế dựa theo ba yếu tố chính. Một là, lưỡng cực chú trọng tới cân bằng quyền lực. Trong chiến tranh Lạnh, đối đầu Đông – Tây không leo thang chiến tranh trực tiếp với nhau giữa các cường quốc như trong thế chiến thứ hai , mà chỉ là những xung đột nội tại bên trong giữa các quốc gia với nhau, điều mà ít ảnh hưởng trực tiếp tới cán cân quyền lực quốc tế. Hai là, chỉ có hai chủ thể chính. Nghĩa là, càng ít cường quốc hay siêu cường thì càng làm giảm được khả năng chiến tranh của các cường quốc với nhau. Ngoài ra, với yếu tố ít “người chơi”, sự tính toán nhầm lẫn trong tương quan sức lực cũng được giảm đi đáng kể, khiến việc thi hành các chiến lược phòng ngừa đối phương được hiệu quả. Ba là, quan hệ quyền lực trong hệ thống thời chiến tranh lạnh được đảm bảo bởi các khối quyền lực ( Đông – Tây ) bị buộc dựa theo nguồn năng lực nội khối cả trong kinh tế lẫn quân sự, các nguồn tiềm lực bên ngoài ( ví dụ như đồng minh với các quốc gia khác hay khối khác) để tăng quyền lực quốc gia là điều không thể. Chính vì vậy, sự bất ổn trong cán cân quyền lực trong việc dịch chuyển cơ cấu quyền lực từ bên này sang bên khác là không có dẫn đến việc dễ dàng kiểm soát cũng như duy trì hợp tác nội khối bên trong hệ thống (Heywood, 2011, pp. 216-217).
Đa cực, được coi như là hệ thống dễ xảy ra bất ổn nhất, được các nhà tân hiện thực cho rằng, với sự hiện diện của nhiều chủ thể, xung đột quyền lực sẽ rất dễ xảy ra . Và sự bất ổn trường kì trong sự cạnh tranh quyền lợi giữa các cực trong hệ thống này sẽ dẫn đến chiến tranh, bởi chiến tranh là cách duy nhất để xóa giải bất đồng không thể giải quyết thông qua ngoại giao và đàm phán cũng như tái thiết lập một trật tự thế giới mới. Sự năng động trong việc gia tăng tương tác giữa các cường quốc trong hệ thống đa cực cũng chính là điểm yếu của hệ thống này. Các nhà sử học cũng cho rằng chính cấu trúc đa cực là một trong những nhân tố chủ đạo gây ra hai cuộc thế chiến khi các cường quốc khai thác triệt để hệ thống này trong tham vọng bành trướng các mục tiêu bá quyền của mình bởi lẽ sự cân bằng quyền lực trong hệ thống này là rất mong manh. Chỉ cần một cường quốc nối trội vượt lên sẽ khiến sự tính toán trong chiến lược của các quốc gia bị đảo lộn. Cân bằng quyền lực hay hòa hợp quyền lực trước một đối thủ hơn mình sẽ luôn đặt cho các cường quốc một thách thức trong hệ thống vô chính phủ ( anarchy system) đầy phức tạp của quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, cũng như việc lựa chọn hệ thống điều hành nhà nước nào hay thể chế, lý tưởng nào phù hợp nhất, qua sự luận giải về đặc điểm của các hệ thống quan hệ quốc tế, hệ thống đơn, lưỡng hay đa cực cũng chỉ đem lại một sự lựa chọn mang tính tương đối trong việc hình thành nên một hệ thống kiểu mẫu. Hệ thống đa cực thì xung đột hay xảy ra, điều này đúng, nhưng mang một tính chất rất tương đối bởi lẽ mặc dù được cho là vượt trội trong việc định hình trật tự quan hệ quốc tế như đơn cực hay thiết lập được sự ổn định lâu dài của lưỡng cực, hai hệ thống này cũng đầy rẫy các ví dụ cho thấy sự bất ổn định và xung đột trong chúng. Thời kì đơn cực ngắn ngủi của Mỹ cho thấy sự yếu kém của quốc gia này trong việc ổn định xung đột sắc tộc trong quốc gia Nam Tư cũ, hay thậm chí là bảo vệ người dân Mỹ trước khủng hoảng 11/9. Với tư cách là “cảnh sát toàn cầu”, có lẽ Mỹ gần như hoàn toàn thất bại trong chính hệ thống mà Mỹ cũng như mọi quốc gia khác mong muốn. Còn đối với hệ thống Lưỡng cực, sự kéo dài đối đầu của hai cực quyền lực không những làm suy yếu chính bản thân chúng qua việc leo thang đối đầu, cân bằng lẫn nhau mà cũng kéo theo sự trỗi dậy của các cường quốc hay các cực khu vực dẫn đến sự phức tạp hóa trong quan hệ chính trị quốc tế. Tây Đức (sau là nước Đức thống nhất) , Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc, đã vươn mình vượt qua cái bóng của thế chiến thứ hai và đặc biệt là sau Chiến Tranh Lạnh, trở thành các đối trọng đáng gờm của Mỹ đã tạo ra sự phân chia quyền lực không rõ ràng và thiếu đồng nhất như hiện nay, vì vị thế của các quốc gia này có khi vượt hơn Mỹ trong một số vấn đề khu vực. Bên cạnh đó, các học giả theo chủ nghĩa tự do cũng cho rằng Lưỡng cực thay vì cân bằng và hòa hợp quyền lực giữa hai bên và trong nội khối, nó thực ra chỉ là cái cớ để hai siêu cường gia tăng sức ảnh hưởng của mình cũng như chi phối đồng minh của mình, điều này dẫn đến bất ổn trên trường quốc tế khi hai bên vì để đảm bảo rằng mình không thua đối thủ đều tăng sự kiểm soát và đẩy mạnh can thiệp với các quốc gia khác, kể cả đồng minh của mình. Mỹ can thiệp chính trị vào Mỹ Latinh và Việt Nam trong khi Liên Xô xâm lược Czechoslovakia (1968) và Afghanistan (1979). Nghĩa là Chiến tranh Lạnh tuy không bất ổn trên diện rộng nhưng sự bất ổn định và xung đột trong khu vực luôn thường trực và hiện hữu.
Ngoài ra, một số học giả ủng hệ thống Đa cực cho rằng hệ thống này dễ đem lại sự ổn định và tránh được xung đột dựa theo các yếu tố chính là đa phương hóa và toàn cầu hóa. Tại hệ thống này, vì các quốc gia dễ nhóm họp lại với nhau do sự tương quan trong quyền lực để cùng giải quyết một vấn đề quốc tế cho nên họ dễ dàng thỏa thuận với nhau cũng như hợp tác cùng giải quyết. Sự đóng góp quyền lực cũng là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề chung theo qui luật đôi bên cùng có lợi ( win-win game). Cũng chính bởi sự đa phương hóa, chủ động trong quyết sách, và quyền lực được chia nhỏ nên các quốc gia dễ hợp tác đã tạo nên sự “phụ thuộc lẫn nhau” trong hệ thồng đa cực ( interdependent multipolarity). Sự phụ thuộc lẫn nhau đảm bảo cho các quốc gia tránh xung đột và thúc đẩy được hợp tác đôi bên. Ngoài ra, toàn cầu hóa đã tạo nên các chủ thể mới như đã nói ở trên, các cá nhân, tổ chức quốc tế ngày càng có vị thế nhất định trong chính trị toàn cầu cũng là yếu tố cân bằng được cán cân quyền lực giữa các quốc gia. Các tổ chức này cũng chỉ hoạt động được hiểu quả trong hệ thống đa cực, khi sự ràng buộc giữa các tổ chức này với quốc gia trong sự khác biệt về thể chế hay lý tưởng gần như không có.
Bên cạnh đó, trong hệ thống vô chính phủ, sự tin tưởng bảo trợ hay giúp đỡ của các cường quốc cũng như siêu cường là một sự ngây thơ. Do vậy, các quốc gia bé không bao giờ chịu chấp nhận phụ thuộc gần như hoàn toàn sự chi phối hay hoạch định mà kẻ lớn áp đặt cho mình. Chính vì lẽ đó sự tin tưởng lẫn nhau (mutual trust) trong hệ thống đơn cực hay lưỡng cực gần như rất mong manh. Và khi các quốc gia không tin tưởng lẫn nhau, xung đột hay thậm chí là chiến tranh là điều rất dễ xảy ra. Trung Quốc và Liên Xô trong thời kì đầu chiến tranh Lạnh là đồng minh với nhau, nhưng dựa theo yếu tố nghi ngờ các sự thiện chí của đôi bên với nhau trong chiến lược chống đế quốc đã dần dẫn đến sự đối đầu trực tiếp Xô – Trung trong nửa sau chiến tranh lạnh và đỉnh điểm là xung đột biên giới năm 1969 giữa hai quốc gia Cộng sản này.
Lời Kết
Quan hệ quốc tế luôn tồn tại trong mình bản chất của đấu tranh lẫn hợp tác giữa các quốc gia với nhau. Hệ thống nào cũng có các cái ưu và nhược riêng. Đơn, Lưỡng hay Đa cực đều sẽ lập nên một trật tự thế giới với sự ổn định và cân bằng nhất định, tuy nhiên các hệ thống này khó có thể phá vỡ được qui luật đấu tranh luôn tồn tại trong quan hệ quốc tế khi tất cả các quốc gia, dù bé hay nhỏ, luôn đấu tranh và cạnh tranh lẫn nhau để đạt được quyền lợi lớn nhất có thể. Khi quyền lực là không giới hạn thì không thể có bất kì hệ thống hay chế tài nào có thể giới hạn được sự phân bổ quyển lực bên trong nó. Các cực quyền lực lên hay xuống, duy trì hay xóa bỏ hệ thống tồn tại và vận hành có lẽ sẽ chỉ có thể dựa vào quyền lực và động thái chính trị bên trong nó. Hệ thống quan hệ quốc tế chỉ vững chắc và duy trì ổn định khi các quốc gia cùng chấp nhận và hài lòng với nó, nhưng khi một quốc gia không hài lòng, thấy được hệ thống quốc tế ràng buộc lợi ích ngắn hay dài hạn của nó thì sự xung đột và sụp đổ của cả hệ thống là điều tất yếu. Và các quốc gia, luôn luôn, không bao giờ thỏa mãn với quyền lực của họ đang có trong tay.
Tài liệu tham khảo
Campbell, S. (2015, 12 3). End of ISIS? Putin ‘sending 150,000 soldiers to Syria to WIPE OUT evil Islamic State’. Retrieved 12 11, 2015, from Express: http://www.express.co.uk/news/world/609757/Putin-ISIS-Islamic-State-Syria-Raqqa-troops-soldiers-air-strike-jets-military
Heywood, A. (2011). Global Politics. New York: Palgrave Macmillan.
Jiji. (2015, 10 6). LDP loses enthusiasm for Article 9 revision, but Abe still determined. Retrieved 11 12, 2015, from The Japan Times: http://www.japantimes.co.jp/news/2015/10/06/national/politics-diplomacy/ldp-loses-enthusiasm-article-9-revision-abe-still-determined/#.VmqBLEqLQdU
North, A. (2015, 5 20). Russian expansion: ‘I went to bed in Georgia – and woke up in South Ossetia’. Retrieved 12 11, 2015, from The guardian: http://www.theguardian.com/world/2015/may/20/russian-expansion-georgia-south-ossetia
Nye, S. J. (2007). Understanding International Conflicts: An Introduction to Theory and History (Sixth Edition ed.). United States: Harvard University.
Osborn, A., & Foster, P. (2010, 5 13). USSR planned nuclear attack on China in 1969. Retrieved 12 11, 2015, from The Telegraph: http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/7720461/USSR-planned-nuclear-attack-on-China-in-1969.html
Quốc Hùng, N. (2012). Thế giới sau chiến tranh Lạnh – Một số đặc điểm. Hanoi: Học Viện Ngoại Giao.
Sino-Soviet Border Disputes (March 1969) . (n.d.). Retrieved 12 11, 2015, from PBS: http://www.pbs.org/wgbh/amex/china/peopleevents/pande06.html
Smith, S., Hadfield, A., & Dunne, T. (2008). Foreign Policy: Theories – Actor – Cases. New York: Oxford University Press.
Winglund, W. (2014, 3 18). Kremlin says Crimea is now officially part of Russia after treaty signing, Putin speech. Retrieved 12 11, 2015, from The Washington Post: https://www.washingtonpost.com/world/russias-putin-prepares-to-annex-crimea/2014/03/18/933183b2-654e-45ce-920e-4d18c0ffec73_story.html
Yoshino, N., & Farhad, T.-H. (2014, 8). Three Arrows of “Abenomics” and the Structural Reform of Japan: Inflation Targeting Policy of the Central Bank, Fiscal Consolidation, and Growth Strategy. Retrieved 12 11, 2015, from Asian Development Bank: http://www.adb.org/publications/three-arrows-abenomics-and-structural-reform-japan-inflation-targeting-policy-central-0
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.