#32 – Chiến tranh là một công cụ của chính sách

Print Friendly, PDF & Email

Spanish-american-war

Nguồn: Carl von Clausewitz (2007). “War is an Instrument of Policy”, in C. v. Clausewitz, On War, translated by Michael Howard & Peter Paret (Oxford: Oxford University Press), pp. 252-258.

Biên dịch: Phạm Trang Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Đến nay chúng ta đã xem xét sự không tương hợp giữa chiến tranh và mọi mối quan tâm khác của con người, dù là về mặt cá nhân hay xã hội – một sự khác biệt xuất phát từ bản chất của con người, và do vậy không có triết lý nào có thể giải quyết. Chúng ta đã khảo sát sự không tương hợp này từ nhiều góc độ do đó không có bất kì yếu tố mâu thuẫn nào của nó còn bị bỏ sót. Bây giờ chúng ta phải tìm ra sự thống nhất mà những yếu tố mâu thuẫn này kết hợp nên trong đời thực, cái mà chúng thực hiện được một phần thông qua việc vô hiệu hóa, bổ sung lẫn nhau. Chúng ta đáng lẽ ra đã đề xuất sự thống nhất ấy ngay từ đầu nếu như không cần thiết phải nhấn mạnh các mâu thuẫn đó một cách rõ ràng nhất có thể và xem xét từng yếu tố khác nhau một cách riêng biệt. Sự thống nhất này nằm trong ý niệm rằng chiến tranh chỉ là một nhánh của hoạt động chính trị; rằng nó không hề độc lập theo bất cứ nghĩa nào.

Tất nhiên, người ta biết rõ rằng nguồn gốc duy nhất của chiến tranh là chính trị – mối quan hệ của các chính phủ và dân tộc; nhưng người ta dễ có xu hướng nhận định rằng chiến tranh đình chỉ loại giao thiệp đó và thay thế nó bằng một thứ tình cảnh hoàn toàn khác được điều chỉnh không bởi bất cứ luật lệ nào khác ngoại trừ luật lệ của chính nó.

Ngược lại, chúng ta cũng cho rằng chiến tranh đơn thuần là sự tiếp diễn của các quan hệ chính trị, với sự bổ sung của các phương tiện khác. Chúng ta cố ý sử dụng cụm từ “với sự bổ sung của các phương tiện khác” bởi vì chúng ta cũng muốn làm rõ rằng chiến tranh tự thân nó không chấm dứt các quan hệ chính trị hay thay đổi nó thành một thứ hoàn toàn khác biệt. Thực chất mối quan hệ đó vẫn tiếp diễn, bất luận nó sử dụng những phương tiện gì. Con đường phát triển chính của các sự kiện quân sự, và cũng là giới hạn chúng bị kiềm chế, là các con đường chính trị kéo dài qua cả cuộc chiến tranh đến tận thời kì hòa bình sau đó. Liệu có thể khác không? Liệu các quan hệ chính trị giữa các dân tộc và giữa các chính phủ của họ có ngừng lại khi người ta không còn trao đổi các công hàm ngoại giao không? Chẳng phải chiến tranh chỉ là một cách khác để các chính phủ biểu đạt suy nghĩ của mình, thông qua một cách nói hay cách viết khác sao? Thực sự thì, văn phạm (tức hình thức -NHĐ) của chiến tranh có thể là của riêng nó, nhưng logic (tức lý do dẫn tới chiến tranh) của nó lại không phải vậy.

Nếu vậy, chiến tranh không thể bị tách rời khỏi đời sống chính trị; và bất cứ khi nào chúng ta tách rời chúng trong suy nghĩ của mình về chiến tranh, thì nhiều mối quan hệ gắn kết hai yếu tố này sẽ bị phá hủy và chiến tranh chỉ còn là một điều gì đó vô dụng và vô nghĩa.

Quan điểm này là không thể tránh khỏi ngay cả khi chiến tranh là chiến tranh tổng lực,[1] khi mọi yếu tố thù địch thuần khiết nhất được thể hiện. Và mọi yếu tố tạo nên chiến tranh và quyết định các đặc trưng điển hình của nó – sức mạnh và đồng minh của mỗi địch thủ, tính cách của các dân tộc và chính phủ của họ, vv.., tất cả các yếu tố đã được liệt kê trong chương đầu tiên của Quyển 1 – chẳng phải tất cả chúng đều hoàn toàn mang tính chính trị, liên quan chặt chẽ với các hoạt động chính trị đến mức không thể chia tách sao? Nhưng điều thậm chí quan trọng hơn là ghi nhớ điều này khi nghiên cứu thực tiễn. Như thế chúng ta sẽ phát hiện ra rằng chiến tranh sẽ không liên tục tiến tới mức tuyệt đối, như lý thuyết nói. Vừa thiếu hoàn thiện vừa tự mâu thuẫn, nó không thể tuân theo các luật lệ của chính mình, mà cần phải được coi như một phần của một tổng thể khác, đó là chính sách.

Khi sử dụng chiến tranh, chính sách lảng tránh mọi kết cục hà khắc xuất phát từ bản chất của chiến tranh, rất ít bận tâm về các khả năng tối hậu mà chỉ quan tâm tới những gì có thể xảy ra tức thì. Mặc dù điều này làm cho toàn bộ vấn đề [chiến tranh] trở nên không chắc chắn hơn nhiều, biến nó thành một dạng trò chơi [may rủi], thì mỗi chính phủ vẫn luôn tự tin rằng nó có thể vượt qua kẻ thù bằng kĩ năng và sự khôn ngoan, nhạy bén.

Do vậy chính sách chuyển đổi yếu tố mang tính phá hủy áp đảo của chiến tranh thành một dạng công cụ đơn thuần. Nó thay đổi thanh gươm ra trận mà một người cần cả hai tay và toàn bộ sức mạnh để điều khiển, và một thứ mà anh ta chỉ có thể đánh trúng mục tiêu một lần duy nhất, thành một thanh trường kiếm nhẹ, dễ cầm – đôi khi chỉ là một lá kim loại để thực hiện những nhát đâm, những đòn nhử và các cú gạt.

Vì vậy sự mâu thuẫn mà trong đó chiến tranh kéo thứ sinh vật nhút nhát bản năng là con người vào, được giải quyết; nếu đó là cách giải quyết mà chúng ta muốn chấp nhận.

Nếu chiến tranh là một phần của chính sách, chính sách sẽ quyết định đặc điểm của nó. Khi chính sách trở nên tham vọng và mạnh mẽ hơn thì chiến tranh cũng vậy và điều này có thể đạt đến điểm mà ở đó chiến tranh đạt tới dạng tuyệt đối của nó. Nếu chúng ta nhìn vào chiến tranh theo hướng này, chúng ta không cần phải bỏ qua thể tuyệt đối đó: ngược lại, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ nó.

Chỉ khi chiến tranh được nhìn nhận theo cách này thì sự thống nhất của nó mới tái xuất hiện; chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhìn thấy rằng mọi cuộc chiến đều có bản chất giống nhau; và chỉ điều này thôi mới mang lại tiêu chuẩn đúng đắn cho việc hiểu và đánh giá các ý đồ lớn.

Tất nhiên, chính sách sẽ không mở rộng ảnh hưởng của mình đến các chi tiết trong hành động tác chiến. Các tính toán chính trị không xác định vị trí trạm gác hay việc đi tuần tra. Nhưng chúng có ảnh hưởng nhiều hơn trong việc hoạch định chiến tranh, chiến dịch và thường là cả các trận đánh.

Đó là lý do mà vì sao chúng ta không cần vội vàng đưa ra quan điểm này ngay từ đầu. Ở giai đoạn nghiên cứu chi tiết nó chẳng có mấy ích lợi và có thể gây phân tâm. Nhưng khi các kế hoạch cho một cuộc chiến tranh hay một chiến dịch được nghiên cứu, thì quan điểm này là không thể thiếu được.

Không có gì quan trọng hơn trên đời là tìm được lập trường đúng đắn để quan sát và đánh giá các sự kiện, và rồi trung thành tuyệt đối với nó. Một điểm nhìn và chỉ một điểm nhìn duy nhất có được góc quan sát tổng thể đối với tất cả hiện tượng; và chỉ bằng cách giữ vững quan điểm đó người ta mới có thể tránh được sự thiếu nhất quán.

Nếu việc hoạch định một cuộc chiến không cho phép có một quan điểm nước đôi hay đa diện – nghĩa là, đầu tiên phải sử dụng nhãn quan quân sự, sau đó là nhãn quan quản lý, rồi tới nhãn quan chính trị, và cứ thế – câu hỏi đặt ra là liệu chinh sách có cần phải được ưu tiên trước mọi thứ khác không?

Có thể nói người ta đồng ý rằng mục tiêu của chính sách là hợp nhất và điều hòa tất cả các khía cạnh của quản lý nội bộ cũng như các giá trị tinh thần, và bất cứ cái gì khác mà những nhà luân lý có thể quan tâm thêm vào. Tất nhiên, bản thân chính sách chẳng là gì cả; nó chỉ đơn thuần là nơi người ta ủy thác mọi lợi ích đối nghịch với các nước khác. Chuyện nó có thể sai lầm, phục vụ cho các tham vọng, các lợi ích cá nhân và sự phù hoa của những người nắm quyền, không hề có ở bất kì đâu. Nghệ thuật chiến tranh không thể được coi là bà đỡ của chính sách theo bất cứ nghĩa nào, mà ở đây chúng ta phải coi chính sách là đại diện cho toàn bộ lợi ích của cộng đồng.

Do đó, câu hỏi duy nhất là liệu khi chiến tranh đang được lên kế hoạch thì quan điểm chính trị có nên nhường đường cho quan điểm quân sự thuần túy (nếu thực sự quan điểm quân sự thuần túy là có thể đáng tin cậy): có nghĩa là, liệu nó có nên hoàn toàn biến mất hay chỉ giữ tầm quan trọng thứ yếu so với quan điểm quân sự, hay quan điểm chính trị nên đóng vai trò chủ đạo và quan điểm quân sự lệ thuộc vào nó?

Ý tưởng rằng nên hoàn toàn không tính tới quan điểm chính trị khi chiến tranh nổ ra khó có thể tưởng tượng được trừ phi sự căm ghét tột cùng đã khiến tất cả các cuộc chiến trở thành một cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Thực tế, như chúng ta đã nói, chiến tranh chẳng là gì khác ngoài là sự biểu hiện của chính sách. Việc hạ tầm quan trọng của quan điểm chính trị so với quan điểm quân sự sẽ là phi lý, bởi vì chính sách sản sinh ra chiến tranh. Chính sách là tư tưởng điều khiển và chiến tranh chỉ là công cụ, không phải ngược lại. Do đó, không có khả năng nào khác tồn tại ngoài việc đưa quan điểm quân sự phụ thuộc vào quan điểm chính trị.

Nếu chúng ta nhớ lại bản chất của chiến tranh thực sự, nếu chúng ta nhớ đến lập luận trong chương 3 ở trên – rằng bản chất có thể có và định dạng tổng quát của bất kì cuộc chiến tranh nào cũng nên được đánh giá chủ yếu dưới ánh sáng của các yếu tố và điều kiện chính trị – và rằng chiến tranh thường nên (thực ra ngày nay người ta có thể nói là thông thường) được hiểu như là một tổng thể hữu cơ với các bộ phận không thể tách rời, thì mỗi một hành động riêng lẻ vốn khởi nguồn từ khái niệm trung tâm [tức chiến tranh] sẽ đóng góp vào tổng thể này. Do đó, hoàn toàn rõ ràng và chắc chắn rằng lập trường tối cao đối với việc tiến hành chiến tranh cũng như quan niệm quyết định phương hướng hành động chính của chiến tranh chỉ có thể là lập trường của chính sách.

Chính là từ quan niệm này mà các kế hoạch được hình thành từ một khuôn mẫu, như đã từng xảy ra trong quá khứ. Theo đó, các đánh giá và hiểu biết dễ đạt được hơn và tự nhiên hơn, niềm tin được tăng thêm sức mạnh, động cơ được tăng thêm niềm tin, và lịch sử được tăng thêm ý nghĩa.

Lại cũng từ quan điểm này, không nhất thiết phải có xung đột nào nảy sinh giữa các lợi ích chính trị và quân sự – điều đó hoàn toàn không phải do bản chất của chiến tranh– và nếu điều đó có xảy ra thì đó chẳng qua chỉ là biểu hiện của sự thấu hiểu chưa đầy đủ. Người ta có thể nghĩ rằng chính sách có thể đặt ra những yêu cầu đối với chiến tranh mà chiến tranh không thể thực thi; nhưng giả thuyết này sẽ thách thức giả định tự nhiên và tất yếu rằng chính sách biết rõ công cụ mà nó định dùng. Nếu chính sách có thể nhìn nhận đường hướng của các sự kiện quân sự một cách chính xác, nó có quyền hoàn toàn và tuyệt đối trong việc quyết định sự kiện và khuynh hướng nào là tốt nhất đối với các mục đích của cuộc chiến.

Nói ngắn gọn, ở cấp độ cao nhất, nghệ thuật chiến tranh chuyển thành chính sách – nhưng đó là một chính sách được thực thi bởi các trận chiến thực thụ chứ không phải bằng các công hàm ngoại giao.

Bây giờ chúng ta có thể thấy việc quả quyết rằng một sự diễn tiến lớn về quân sự, hay một kế hoạch làm như vậy, nên là một vấn đề đối với quan điểm quân sự thuần túy là không thể chấp nhận được và có thể có hại. Cũng không thực sự là khôn ngoan khi triệu tập binh sĩ, như nhiều chính phủ đã làm khi họ đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh, và đề nghị họ đưa ra lời khuyên thuần túy quân sự. Nhưng còn vô lý hơn khi các lý thuyết gia quả quyết rằng mọi nguồn lực quân sự sẵn có nên được đặt vào tay của người chỉ huy mà dựa vào đó anh ta có thể đề ra những kế hoạch thuần túy quân sự cho một cuộc chiến tranh hay một chiến dịch. Trong bất kì trường hợp nào, kinh nghiệm phổ biến cho thấy rằng bất chấp sự đa dạng và phát triển vô cùng của chiến tranh hiện đại thì các phương hướng chủ đạo của nó vẫn được đề ra bởi các chính phủ; nói cách khác, nếu muốn xét về mặt kỹ thuật, là bởi một cơ quan chính trị thuần túy chứ không phải là một cơ quan quân sự.

Đây chính là điều nên xảy ra. Không có đề xuất lớn cần thiết cho chiến tranh nào có thể có hiệu quả khi bỏ qua các yếu tố chính trị; và khi mọi người nói, như họ vẫn thường làm, về ảnh hưởng có hại của chính trị lên việc quản lý chiến tranh, họ không thực sự có ý nói như thế. Cuộc tranh cãi của họ nên là về bản thân chính sách, chứ không phải là về ảnh hưởng của nó. Nếu chính sách là đúng – tức là thành công – thì bất cứ tác động có chủ đích nào mà nó có đối với việc tiến hành chiến tranh chỉ có thể đi theo hướng tốt. Nếu nó có ảnh hưởng ngược lại thì bản thân chính sách này đã sai lầm.

Chỉ khi nào các chính khách viện đến các động thái và hành động quân sự cụ thể để tạo ra các hiệu ứng khác xa với bản chất của chúng thì các quyết định chính trị mới ảnh hưởng xấu tới hành động quân sự. Cũng giống như một người chưa hoàn toàn làm chủ một ngoại ngữ đôi khi không thể biểu đạt mình một cách chính xác, các chính khách thường đưa ra các mệnh lệnh làm thất bại mục đích mà họ muốn thực hiện. Điều này đã xảy ra nhiều lần, chứng minh rằng việc nắm bắt cụ thể các vấn đề quân sự là tối quan trọng đối với những người chịu trách nhiệm về chính sách chung.

Trước khi tiếp tục, chúng ta phải tránh một sự hiểu lầm thường xảy ra. Chúng ta còn lâu mới tin rằng một bộ trưởng chiến tranh ngập đầu trong hồ sơ giấy tờ, một vị chuyên gia cố vấn [quân sự] uyên bác hay thậm chí là một người lính có kinh nghiệm sẽ chỉ cần dựa vào kinh nghiệm cụ thể của họ là đã có thể trở thành người làm chính sách tốt nhất – và luôn luôn nghĩ rằng bậc quân vương không kiểm soát được tình hình [như anh ta]. Không phải thế. Cái cần thiết ở vị trí này là trí tuệ xuất chúng và tính cách kiên cường. Anh ta luôn luôn có thể có được thông tin quân sự cần thiết bằng cách này hay cách khác. Các quan hệ chính trị và quân sự của nước Pháp chưa bao giờ ở vào thế tệ hơn so với thời anh em Belle-Isle[2] và Công tước Choiseul[3] chịu trách nhiệm này – mặc dù họ luôn là những chiến binh giỏi.

…..

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Chien tranh la cong cu cua chinh sach.pdf


[1] Từ “chiến tranh tổng lực” được nhiều dịch giả đồng ý chọn, không phản ánh cách nghĩ của Clausewitz: ông đã không nghĩ đến Chiến tranh tổng lực diệt chủng, trong thế kỉ 20, như được xác định bởi Ludenforff chẳng hạn. Nguyên văn có thể được dịch đúng hơn là “nếu chiến tranh trở thành chiến tranh hoàn toàn”, ví dụ như, không có các giới hạn về chính trị và các yếu tố khác.

[2] Charles-Louis-Auguste Fouquet, Công tước xứ Belle-Isle (1684-1761), thống chế người Pháp, là Bộ trưởng Chiến tranh dưới thời Louis XV, và em trai ông là Louis Charles Armand của Belle-Isle ( 1693-1746); cả hai đều có vai trò cực lớn trong lịch sử quân sự Pháp dưới chế độ cũ (Ancien Regime).

[3] Etienne Francois, Công tước vùng Choiseul, Hầu tước vùng Stainville (1719-1785), chính khách Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao, và sau đó là Bộ trưởng Chiến tranh dưới thời Louis XV.