#104 – Chủ nghĩa tự do và nền chính trị thế giới

Print Friendly, PDF & Email

 

Nguồn: Michael W. Doyle (1986). “Liberalism and World Politics”, The American Political Science Review, Vol. 80, No. 4 (Dec.), pp. 1151-1169.>>PDF

Biên dịch: Phạm Trang Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: #58 – Dân chủ có đem lại hòa bình hay không?

Dựa trên lượng văn liệu ngày càng nhiều về khoa học chính trị quốc tế, tôi khảo sát lại tuyên bố truyền thống của chủ nghĩa tự do rằng các chính phủ được xây dựng trên cơ sở tôn trọng tự do cá nhân thực hiện việc “kiềm chế” và “các ý định hòa bình” trong chính sách đối ngoại của họ. Tôi xem xét ba truyền thống lý thuyết khác biệt của chủ nghĩa tự do, thuộc về ba nhà lý thuyết: Schumpeter, một nhà tư bản dân chủ mà cách giải thích của ông về thuyết hòa bình nhờ dân chủ thường được chúng ta viện dẫn; Machiavelli, một nhà cộng hòa cổ điển mà hào quang của ông là một chủ nghĩa đế quốc chúng ta thường thực hành; và Kant, một nhà cộng hòa tự do mà lý thuyết về chủ nghĩa quốc tế của ông là lời giải thích tốt nhất cho thực tế của chúng ta. Bất chấp những mâu thuẫn của thuyết hòa bình dân chủ và chủ nghĩa đế quốc tự do, tôi thấy rằng, với Kant và các nhà cộng hòa dân chủ khác, chủ nghĩa tự do đã để lại một di sản nhất quán cho quan hệ đối ngoại. Các nhà nước tự do khác với các loại nhà nước khác. Chúng thực sự hòa bình. Nhưng chúng cũng có xu hướng tạo ra chiến tranh (với các nước phi tự do – NHĐ). Các nhà nước tự do đã tạo ra một nền hòa bình riêng biệt, như Kant đã tranh luận rằng chúng sẽ như vậy, và cũng đã phát hiện những nguyên nhân bắt nguồn từ các tư tưởng tự do dẫn tới sự hiếu chiến, điều ông đã lo ngại sẽ xảy ra. Tôi kết luận bằng cách lập luận rằng sự khác biệt giữa chủ nghĩa hòa bình dân chủ, chủ nghĩa đế quốc tự do, và chủ nghĩa quốc tế của Kant không phải điều bất thường. Chúng có nguồn gốc từ các quan niệm khác nhau về công dân và nhà nước.

Thúc đẩy tự do sẽ tạo ra hòa bình, người ta thường nói như vậy. Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Anh vào tháng 6 năm 1982, Tổng thống Reagan đã tuyên bố rằng các chính phủ được xây dựng dựa trên việc tôn trọng tự do cá nhân thực hiện việc “kiềm chế” và “các ý định hòa bình” trong chính sách đối ngoại của họ. Khi đó ông đã tuyên bố một “cuộc thập tự chinh vì tự do” và một “chiến dịch nhằm phát triển dân chủ” (Reagan, 9/6, 1982).

Khi đưa ra các tuyên bố này Tổng thống đã gia nhập vào hàng ngũ nhiều nhà lý thuyết (và những người truyền bá) chủ nghĩa tự do và nhắc lại một lập luận xưa cũ: chính bản chất hung hăng của các lãnh đạo độc tài và các đảng cầm quyền độc tài tạo ra chiến tranh. Lập luận này khẳng định rằng các quốc gia tự do; thành lập dựa trên những quyền của cá nhân như là bình đẳng trước pháp luật, tự do ngôn luận và các quyền tự do dân sự khác, sở hữu tài sản tư nhân, và quyền đại diện thông qua bầu cử; về cơ bản là chống lại chiến tranh. Khi những công dân phải chịu đựng gánh nặng chiến tranh đi bầu cử chính quyền, chiến tranh sẽ trở thành việc không thể xảy ra được. Hơn nữa, các công dân nhận thức sâu sắc rằng chỉ có thể hưởng thụ lợi ích thương mại trong điều kiện hòa bình. Do đó, chính sự tồn tại của các quốc gia tự do, như Mỹ, Nhật, và các đồng minh châu Âu của chúng ta, tạo nên hòa bình.

Dựa trên một lượng văn liệu ngày càng phát triển về khoa học chính trị quốc tế, tôi khảo sát lại tuyên bố của chủ nghĩa tự do truyền thống rằng các chính phủ được xây dựng dựa trên việc tôn trọng tự do cá nhân thực hiện việc “kiềm chế” và “các ý định hòa bình” trong chính sách đối ngoại của họ. Tôi xem xét ba truyền thống lý thuyết khác biệt của chủ nghĩa tự do, của ba nhà lý thuyết: Schumpeter, một nhà tư bản dân chủ mà cách giải thích của ông về thuyết hòa bình dân chủ thường được chúng ta viện dẫn; Machiavelli, một nhà cộng hòa cổ điển mà hào quang của ông là một chủ nghĩa đế quốc chúng ta thường thực thi; và Kant.

Bất chấp những xung đột giữa thuyết hòa bình tự do và chủ nghĩa đế quốc tự do, tôi thấy rằng, với Kant và các nhà cộng hòa tự do khác, chủ nghĩa tự do thực sự đã để lại một di sản nhất quán về quan hệ đối ngoại. Các quốc gia tự do rất khác với các loại nhà nước khác. Chúng thực sự hòa bình, song chúng cũng có xu hướng gây chiến tranh (với các nước phi tự do), như là Mỹ và “những người đấu tranh cho tự do” của chúng ta đang làm, một cách không dấu diếm, chống lại Nicaragua. Các quốc gia tự do đã tạo ra một nền hòa bình riêng biệt, như Kant đã tranh luận, và cũng đã phát hiện ra các nguyên nhân xuất phát từ tư tưởng tự do dẫn tới sự hung hăng của các nước này như ông đã lo ngại. Tôi kết luận bằng cách lập luận rằng sự khác biệt giữa thuyết hòa bình dân chủ, chủ nghĩa đế quốc tự do, và chủ nghĩa quốc tế của Kant không hề bất bình thường. Chúng có nguồn gốc từ các quan niệm khác nhau về công dân và nhà nước.

Chủ nghĩa hòa bình tự do

Không có một mô tả chuẩn mực nào về chủ nghĩa tự do. Điều mà chúng ta thường gọi là chủ nghĩa tự do giống như một tập hợp các nguyên tắc và thể chế, có thể nhận ra bởi các đặc tính nhất định – ví dụ như tự do cá nhân, sự tham gia về chính trị, sở hữu tư nhân, và sự bình đẳng về cơ hội, mà phần lớn các quốc gia tự do chia sẻ, mặc dù chẳng có nước nào đáp ứng hoàn hảo toàn bộ. Joseph Schumpeter rõ ràng là một người theo chủ nghĩa tự do khi ông xem xét những ảnh hưởng quốc tế của chủ nghĩa tư bản và dân chủ.

“Xã hội học về chủ nghĩa tư bản” (Sociology of Imperialisms) của Schumpeter, được phát hành năm 1919, đã tạo ra một lập luận chặt chẽ và vững chắc liên quan đến những ảnh hưởng có tính hòa bình (theo nghĩa là không hiếu chiến) của các thể chế và nguyên lý tự do (Schumpeter, 1955; xem thêm Doyle, 1986, pp 155-59). Không giống một vài nhà lý thuyết tự do thời kì đầu khác vốn chỉ tập trung vào một đặc trưng đơn lẻ như thương mại (Montesquieu, 1949, vol. 1, bk. 20, chap. 1) hay không thể khảo sát một cách có phản biện các lập luận mà họ xây dựng, Schumpeter đã xem tương tác của chủ nghĩa tư bản và dân chủ là nền móng của thuyết hòa bình nhờ dân chủ, và ông kiểm nghiệm lập luận của mình trong một nghiên cứu xã hội học về chủ nghĩa đế quốc trong lịch sử.

Ông định nghĩa chủ nghĩa đế quốc là “một thiên hướng không có mục tiêu của một quốc gia dẫn tới việc bành trướng không giới hạn thông qua vũ lực” (Schumpeter, 1955, p. 6). Ngoại trừ các đế quốc chỉ đơn thuần là “khẩu hiệu” và những đế quốc “có mục tiêu” (ví dụ như, chủ nghĩa đế quốc phòng thủ), ông truy tìm nguồn gốc của chủ nghĩa đế quốc không có mục tiêu theo ba nguồn, mỗi nguồn gốc đều là sự tái xuất hiện. Chủ nghĩa đế quốc hiện đại, theo Schumpeter, bắt nguồn từ ảnh hưởng tổng hợp của một “cỗ máy chiến tranh,” bản năng hiếu chiến, và tư bản độc quyền xuất khẩu.

Một khi cần thiết, cỗ máy chiến tranh sau đó sẽ phát triển sức sống của riêng mình và kiểm soát chính sách đối ngoại của một quốc gia: “Được tạo ra bởi các cuộc chiến tranh đòi hỏi nó, cỗ máy này bây giờ tạo ra các cuộc chiến tranh mà nó đòi hỏi” (Schumpeter, 1955, p. 25). Do vậy, Schumpeter kể cho chúng ta biết rằng quân đội Ai Cập cổ đại, được tạo ra để đẩy quân xâm lược người Tây Á khỏi Ai Cập, đã chiếm lĩnh nhà nước này và theo đuổi chủ nghĩa đế quốc quân sự. Cũng như quân đội của các triều đình chuyên chế ở châu Âu sau này, nó tham chiến vì vinh quang và chiến lợi phẩm, vì mục tiêu của các chiến binh và vua chúa – chiến tranh mang lại vinh dự cho chiến binh.

Một thiên hướng hiếu chiến, ở đâu đó được gọi là “yếu tố bản năng của thời kỳ nguyên thủy đẫm máu” là ý thức hệ bản chất của một cỗ máy chiến tranh. Nó cũng tồn tại một cách độc lập; Ba Tư, như Schumpeter nói (1955, pp. 25-32), là một quốc gia chiến binh ngay từ ban đầu.

Dưới thời kỳ chủ nghĩa tư bản hiện đại, các nhà độc quyền xuất khẩu, nguồn gốc thứ ba của chủ nghĩa đế quốc hiện đại, thúc đẩy việc mở rộng đế quốc như là một cách để mở rộng thị trường khép  kín của họ. Các nền quân chủ tuyệt đối là những đế quốc rõ rệt cuối cùng. Các đế quốc thế kỉ 19 chỉ là hình bóng chứa đựng các vết tích của các đế quốc được tạo ra bởi Louis XIV và Catherine Đại đế. Do vậy, các nhà tư bản độc quyền xuất khẩu là sự tái hiện các nền quân chủ tuyệt đối, bởi vì họ phụ thuộc hoàn toàn vào thuế quan mà vua chúa và những người thừa kế quân phiệt của họ áp đặt để có thu nhập (Schumpeter, 1955, p. 82-83). Không có thuế quan, chủ nghĩa tư bản độc quyền sẽ bị loại bỏ bởi cạnh tranh nước ngoài.

Do vậy, chủ nghĩa đế quốc hiện đại (thế kỉ 19) dựa trên một cỗ máy chiến tranh tái sinh, thái độ quân phiệt còn lại từ thời kì chiến tranh giữa các nền quân chủ, và chủ nghĩa tư bản độc quyền xuất khẩu, vốn chẳng là gì khác ngoài tàn dư kinh tế của nền tài chính thời kỳ quân chủ. Trong kỉ nguyên hiện đại, các nhà đế quốc thỏa mãn lợi ích cá nhân của họ. Từ quan điểm quốc gia, các cuộc chiến đế quốc của họ là không có mục tiêu.

Luận đề của Schumpeter xuất hiện ở đây. Chủ nghĩa tư bản và dân chủ là các lực lượng vì hòa bình. Thực tế chúng đối lập với chủ nghĩa đế quốc. Đối với Schumpeter, sự phát triển xa hơn của chủ nghĩa tư bản và dân chủ nghĩa là chủ nghĩa đế quốc chắc chắn sẽ biến mất. Ông cho rằng chủ nghĩa tư bản tạo ra một khuynh hướng không hiếu chiến; dân chúng của nó “dân chủ, được cá nhân hóa, được lý trí hóa” (Schumpeter, 1955, p. 68). Năng lượng của người dân được hấp thu hằng ngày vào việc sản xuất. Kỷ luật của công nghiệp và thị trường đào tạo nên con người trong môi trường “chủ nghĩa duy lý về kinh tế”; sự không ổn định của đời sống công nghiệp đòi hỏi phải có tính toán. Chủ nghĩa tư bản cũng “cá nhân hóa”; “các cơ hội chủ quan” thay thế “các yếu tố không thay đổi được” của xã hội thứ bậc truyền thống. Các cá nhân duy lý đòi hỏi việc quản lý một cách dân chủ.

Chủ nghĩa tư bản dân chủ dẫn tới hòa bình. Để làm bằng chứng, Schumpeter tuyên bố rằng trong toàn bộ thế giới tư bản ngày càng xuất hiện sự chống đối “chiến tranh, bành trướng, ngoại giao bí mật”; rằng chủ nghĩa tư bản đương đại đi liền với các đảng hòa bình; và rằng các công nhân công nghiệp của chủ nghĩa tư bản “chống chủ nghĩa đế quốc một cách quyết liệt”. Thêm vào đó, ông chỉ ra rằng thế giới tư bản đã phát triển những phương tiện ngăn chặn chiến tranh, như Tòa án Quốc tế La Haye và rằng xã hội ít phong kiến nhất, tư bản nhất – nước Mỹ – đã chứng minh những xu hướng ít đế quốc nhất (Schumpeter 1955, pp. 95-96). Một ví dụ của việc nước Mỹ không có xu hướng đế quốc, theo Schumpeter, là việc Mỹ không chiếm nốt một nửa còn lại của Mexico trong cuộc chiến 1846-48.

Giải thích của Schumpeter về thuyết hòa bình tự do khá là đơn giản: chỉ có những kẻ đầu cơ trục lợi từ chiến tranh và các nhà quý tộc quân sự được lợi từ chiến tranh. Không có nền dân chủ nào lại theo đuổi lợi ích ít ỏi và chịu đựng chi phí lớn của chủ nghĩa đế quốc. Khi thương mại tự do thắng thế, “không có tầng lớp nào” được lợi từ việc bành trướng bằng vũ lực bởi vì

mỗi quốc gia có thể tiếp cận nguyên liệu thô và thực phẩm ở nước ngoài như thể chúng ở trên lãnh thổ của họ. Nơi nào mà sự lạc hậu về văn hóa của một khu vực làm cho các mối quan hệ kinh tế thông thường phụ thuộc vào quá trình thực dân hóa thì với thương mại tự do, việc quốc gia “văn minh” nào thực hiện nhiệm vụ thực dân hóa không còn quan trọng nữa. (Schumpeter, 1955, pp. 75-76).

Khó có thể đánh giá lập luận của Schumpeter. Trong những khảo sát một phần các lý thuyết kiểu của Schumpeter, Michael Haas (1974, pp. 464-65) đã phát hiện ra một nhóm các yếu tố bao gồm dân chủ, phát triển, và hiện đại hóa bền vững gắn với các điều kiện hòa bình. Tuy nhiên, M. Small và J. D. Singer (1976) đã phát hiện ra rằng không có mối tương quan tỉ lệ nghịch rõ rệt nào giữa dân chủ và chiến tranh trong khoảng thời gian 1816-1965 – thời kì là trung tâm trong lập luận của Schumpeter (xem thêm Wilkenfeld, 1968, Wright, 1942, p. 841).

Vào giai đoạn sau sự nghiệp của mình, trong cuốn “Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ” (Capitalism, Socialism, and Democracy), Schumpeter (1950, pp. 127-28) đã nhận định rằng “hầu hết các khối thịnh vượng chung thuần túy tư sản thường hiếu chiến nếu điều đó có vẻ mang lại lợi ích – như các khối thịnh vượng chung kiểu Athens hay Venice.” Nhưng ông đã tắc lại trong khẩu súng hòa bình của mình, lặp lại quan điểm rằng dân chủ tư bản chủ nghĩa “đã tuyên bố … chống lại việc sử dụng bạo lực quân sự và ủng hộ các dàn xếp hòa bình, ngay cả khi cán cân lợi ích về mặt tài chính rõ ràng là nằm bên phía chiến tranh, điều mà (tức việc chiến tranh mang lại lợi ích – NHĐ) trong các hoàn cảnh hiện đại nhìn chung là khó có thể xảy ra” (Schumpeter, 1950, p. 128).[1] Một nghiên cứu gần đây của R. J. Rummel (1983) về “chủ nghĩa tự do” và bạo lực quốc tế là kiểm nghiệm gần nhất về thuyết hòa bình của Schumpeter cho đến nay. Các quốc gia “tự do” (những nước được hưởng quyền tự do về kinh tế và chính trị) cho thấy có số lượng xung đột bằng hoặc trên mức cấm vận kinh tế (tức một dạng xung đột – NHĐ) ít hơn đáng kể so với các nước “phi tự do”. Những nước tự do, những nước tự do một phần (bao gồm cả các nước xã hội chủ nghĩa dân chủ như Thụy Điển chẳng hạn) và các nước không tự do chiếm lần lượt 24%, 26% và 61% lượng bạo lực quốc tế trong thời gian được nghiên cứu.

Những ảnh hưởng này khá ấn tượng nhưng không có khả năng giúp tăng tính thuyết phục cho lý thuyết của Schumpeter. Trong cuộc khảo sát này, dữ liệu chỉ hạn chế trong giai đoạn 1976 tới 1980. Ví dụ, nó bao gồm chiến tranh Liên Xô – Afghanistan, cuộc can thiệp vào Campuchia của Việt Nam, cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc và cuộc xâm lược Uganda của Tanzania nhưng lại bỏ qua cuộc can thiệp gần như bí mật của Mỹ ở Angola (1975) và cuộc chiến tranh gần như công khai của chúng ta (tức Mỹ) ở Nicaragua (1981). Quan trọng hơn, nó đã bỏ qua giai đoạn Chiến tranh Lạnh, với rất nhiều cuộc can thiệp, và lịch sử lâu dài của các cuộc chiến tranh thực dân (như Chiến tranh Boer, Chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ, Cuộc can thiệp vào Mexico, v.v…) vốn đánh dấu lịch sử của các quốc gia tự do, bao gồm cả các nước tư bản chủ nghĩa dân chủ (Doyle, 1983b; Chan, 1984; Weede, 1984).

Sự không nhất quán giữa lịch sử hiếu chiến của các nhà nước tự do và kì vọng hòa bình của Schumpeter đã nhấn mạnh ba nhận định cực đoan. Đầu tiên, “thuyết nhất nguyên luận duy vật” của ông dành rất ít không gian cho những mục tiêu phi kinh tế, cho dù đó là những mục tiêu theo đuổi bởi các nhà nước hay các cá nhân. Không phải vinh quang, danh dự, hay các biện minh về ý thức hệ, cũng không phải quyền lực đơn thuần của giới cầm quyền đã định hình nên chính sách. Các mục tiêu phi vật chất này không có chỗ cho các kết quả có tổng dương (tức hai bên cùng thắng), như là lợi thế so sánh của thương mại. Thứ hai, và cũng có liên quan, là điều tương tự cũng đúng đối với đất nước của ông. Đời sống chính trị của các cá nhân có vẻ đã bị đồng nhất hóa cùng thời điểm khi mà họ bị “lý trí hóa, cá nhân hóa và tự do hóa.” Các công dân – gồm các nhà tư bản hay công nhân, ở thành thị hay nông thôn, đều tìm kiếm phúc lợi về vật chất. Dường như Schumpeter cho rằng việc cai trị chẳng thay đổi được gì. Ông cũng cho rằng không ai được chuẩn bị để tiến hành những biện pháp (như là khuấy động các tranh chấp bên ngoài để bảo toàn liên minh cầm quyền trong nước) nhằm tăng cường sức mạnh chính trị của một người, bất chấp những ảnh hưởng có hại đối với phúc lợi đại chúng. Thứ ba, giống như chính trị nội bộ, chính trị thế giới bị đồng nhất hóa. Dù là đi theo thuyết nhất nguyên luận duy vật hay chủ nghĩa tư bản dân chủ, mọi quốc gia đều cùng nhau biến đổi theo hướng tự do thương mại và tự do cá nhân. Các quốc gia có cấu trúc khác nhau dường như đã biến mất khỏi phân tích của Schumpeter. Các quốc gia “văn minh” điều hành các khu vực “lạc hậu về văn hóa”. Những nhận định này không tương đồng với lý thuyết về chủ nghĩa tự do của Machiavelli.

Chủ nghĩa đế quốc tự do

Machiavelli tranh luận rằng, không những các nền cộng hòa không có xu hướng hòa bình, mà rằng chúng là dạng quốc gia tốt nhất cho việc bành trướng đế quốc. Thiết lập một nền cộng hòa phù hợp với việc mở rộng đế quốc, hơn nữa là cách tốt nhất để đảm bảo sự tồn tại của một nhà nước.

Chính thể cộng hòa của Machiavelli là một dạng nhà nước cộng hòa hỗn hợp cổ điển. Đó không phải là một nền dân chủ – thứ mà ông nghĩ sẽ nhanh chóng thoái hóa thành một nền chuyên chế – mà là một chính thể được đặc trưng bởi công bằng xã hội, tự do phổ cập, và sự tham gia vào chính trị của người dân (Machiavelli, 1950, bk. 1, chap. 2, p. 112; xem thêm Huliung, 1983, chap. 2; Mansfield, 1970; Pocock, 1975; pp. 198-99; Skinner, 1981, chap. 3). Người chấp chính tối cao có vai trò là “vua”, thượng viện là tầng lớp quý tộc quản lý quốc gia, và người dân nói chung là nguồn sức mạnh.

Tự do xuất phát từ sự “không thống nhất” – sự cạnh tranh và nhu cầu thỏa hiệp xuất phát từ việc phân chia quyền lực giữa thượng viện, người chấp chính và các đại biểu đại diện (tribunes – những người đại diện cho dân thường). Tự do cũng xuất phát từ quyền phủ quyết của người dân. Machiavelli cho rằng số nhỏ người có quyền lực đe dọa phần còn lại bằng chế độ chuyên chế bởi vì họ tìm cách thống trị. Số đông đòi hỏi việc không bị thống trị, và do vậy mà quyền phủ quyết của họ bảo tồn sự tự do của nhà nước (Machiavelli, 1950, bk. 1, p. 122). Tuy nhiên, bởi vì người dân và những nhà cai trị có đặc tính xã hội khác nhau, người dân cần phải được “quản lý” bởi số ít nhằm tránh việc sự liều lĩnh của họ làm sụp đổ hay sự vô trách nhiệm của họ làm giảm khả năng mở rộng của nhà nước (Machiavelli, 1950, bk. 1, chap. 53, pp. 249-50). Do đó thượng viện và người chấp chính lên kế hoạch mở rộng, xin ý kiến các nhà tiên tri, và dùng tôn giáo để quản lý các nguồn lực mà năng lượng của người dân cung cấp.

Sức mạnh, và sau đó là sự mở rộng đế chế, là kết quả việc sự tự do giúp thúc đẩy tăng dân số và của cải, những thứ tăng lên khi công dân biết rằng cuộc đời và tài sản của họ an toàn không bị tịch thu một cách tùy tiện. Các công dân tự do trang bị cho các đội quân lớn và cung cấp những chiến binh đánh trận vì hào quang của công chúng và lợi ích chung, bởi vì những thứ này, trên thực tế, cũng là của họ (Machiavelli, 1950, bk. 2, chap. 2, pp. 287-90). Nếu bạn tìm kiếm vinh quang trong việc mở rộng quốc gia, Machiavelli khuyên rằng bạn nên tổ chức nó thành một nền cộng hòa tự do và được lòng dân như ở Rome, thay vì một nền cộng hòa quý tộc như Sparta hay Venice. Do vậy mà việc mở rộng đòi hỏi một nền cộng hòa tự do.

“Nhu cầu” – sự tồn vong về mặt chính trị – đòi hỏi phải mở rộng. Nếu một nền cộng hòa quý tộc bị các xung đột bên ngoài buộc phải “mở rộng lãnh thổ của mình, thì lúc đó ta thấy nền tảng của nó sẽ không còn và bản thân nó sẽ nhanh chóng sụp đổ”. Mặt khác, nếu như an ninh nội bộ được đảm bảo, thì “tình trạng hòa bình sau đó sẽ làm nó suy yếu, hay kích động các xung đột nội bộ, mà cả hai, hay bất kì cái nào trong số đó, cũng có khuynh hướng đưa đến sự hủy hoại chính nó” (Machiavelli,  1950, bk. 1, chap. 6, p. 129). Do vậy Machiavelli tin rằng cần thiết phải coi thể chế của Rome, chứ không phải của Sparta hay Venice, là hình mẫu của chúng ta.

Do vậy, niềm tin này dẫn đến chủ nghĩa đế quốc tự do. Machiavelli đã tuyên bố rằng chúng ta là những kẻ yêu hào quang. Chúng ta tìm cách cai trị, hay ít nhất là tránh bị đàn áp. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng muốn bản thân mình và quốc gia của chúng ta được nhiều hơn so với lợi ích vật chất đơn thuần (nhất nguyên luận duy vật). Bởi vì các quốc gia khác với những mục đích tương tự đe dọa chúng ta, chúng ta cần chuẩn bị bản thân cho việc bành trướng. Bởi vì các công dân của chúng ta đe dọa chúng ta nếu chúng ta không cho phép họ hoặc thỏa mãn các tham vọng của mình hoặc giải phóng năng lượng chính trị của họ thông qua việc mở rộng đế quốc, chúng ta phải bành trướng.

Có bằng chứng lịch sử đáng kể cho chủ nghĩa đế quốc tự do. Rome của Machiavelli (hay của Polybius) và Athens của Thucydides đều là những nền cộng hòa đế quốc theo cách nhìn của Machiavelli (Thucydides, 1954, bk. 6). Ghi nhận lịch sử về nhiều cuộc can thiệp của Mỹ trong thời kì hậu chiến là minh chứng cho lập luận của Machiavelli (Aaron, 1973, chaps. 3 – 4; Barnet, 1968, chap. 11) nhưng những ghi nhận gần đây về thuyết hòa bình tự do, mặc dù khá yếu, lại đặt ra nghi vấn đối với một vài quan điểm của ông. Do quần chúng hiện đại thực sự kiểm soát (và do vậy làm mất cân bằng) nền cộng hòa hỗn hợp, sự nhút nhát của nó có thể vượt trội so với sự hung hăng của giới tinh hoa (như của thượng viện ở Rome cổ đại).

Chúng ta có thể kết luận rằng hoặc là (1) thuyết hòa bình tự do ít nhất đã chiếm ưu thế nhờ sự phát triển xa hơn của nền dân chủ tư bản chủ nghĩa, như Schumpeter đã dự đoán; hoặc là (2) hồ sơ hỗn hợp về chủ nghĩa đế quốc – thuyết hòa bình và chủ nghĩa đế quốc – chỉ ra rằng một số nước tự do là các nền dân chủ kiểu Schumpeter trong khi một số khác là các nền cộng hòa kiểu Machiavelli. Tuy nhiên, trước khi chúng ta chấp nhận những kết luận khác, chúng ta phải xem xét hình thái phổ biến hiển nhiên thứ ba của chính trị thế giới hiện đại.

Chủ nghĩa quốc tế tự do

Chủ nghĩa tự do hiện đại mang theo mình hai di sản. Chúng không ảnh hưởng đến các quốc gia tự do một cách riêng lẻ, dù là chúng mang tính hòa bình hay đế quốc, mà ảnh hưởng đồng thời.

Di sản đầu tiên là sự hòa bình hóa các mối quan hệ đối ngoại giữa các nhà nước dân chủ.[2] Trong suốt thế kỉ 19, Mỹ và Anh đã vướng vào xung đột gần như liên tục; tuy nhiên, sau khi Đạo luật Cải cách năm 1832 xác định quyền đại diện trên thực tế là nguồn quyền lực chính thức của quốc hội Anh, Anh và Mỹ đã đàm phán về những tranh chấp của mình. Họ đã đàm phán bất chấp sự bất bình của người Anh trong suốt Cuộc nội chiến Hoa kỳ đối với việc miền Bắc phong tỏa miền Nam, nơi vốn có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Anh. Bất chấp việc tranh giành thuộc địa gay gắt giữa Anh và Pháp, nước Pháp dân chủ và nước Anh dân chủ đã tạo thành một Khối hiệp ước chống lại nước Đức phi dân chủ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Và từ năm 1914 đến năm 1915, Ý, thành viên dân chủ của Liên minh Tay ba (hay Liên minh Trung tâm) với Đức và Áo, đã quyết định không hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo như hiệp ước đó là ủng hộ các đồng minh. Thay vào đó, Ý đã tham gia vào một liên minh với Anh và Pháp, việc đã giúp ngăn nước này không phải chiến đấu chống lại các nước dân chủ khác, và sau đó Ý đã tuyên chiến với Đức và Áo. Bất chấp hàng thế hệ trải qua mâu thuẫn giữa Anh và Mỹ và việc Anh tiến hành hạn chế thời chiến đối với thương mại của Mỹ với Đức, Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Anh và Pháp từ 1914 đến 1915 trước khi tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cùng phe với các nước này.

Bắt đầu từ thế kỉ 18 và dần dần phát triển từ đó, một khu vực hòa bình, mà Kant gọi là “liên bang hòa bình” hay “liên minh hòa bình”, đã bắt đầu được thành lập giữa các xã hội tự do. Hơn 40 nước tự do hiện tại tạo nên liên minh này. Phần lớn là ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng chúng có mặt ở mọi châu lục.

Ở đây dự đoán của những người theo chủ nghĩa hòa bình tự do (và Tổng thống Reagan) được củng cố: các quốc gia tự do thực sự thực hiện kiềm chế một cách hòa bình, và một nền hòa bình riêng biệt tồn tại giữa họ với nhau. Nền hòa bình riêng biệt này cung cấp nền tảng vững chắc cho liên minh trọng yếu của Mỹ với các cường quốc tự do, ví dụ như với NATO và Nhật Bản. Nền tảng này có vẻ không bị ảnh hưởng bởi các cải vã giữa chúng ta với các đồng minh vốn đã gây đau đầu cho các chính quyền của Carter và Reagan. Nó cũng mang lại những hứa hẹn về một nền hòa bình tiếp tục giữa các quốc gia dân chủ, và khi số lượng các quốc gia dân chủ tăng lên, nó tuyên bố về khả năng sẽ có một nền hòa bình toàn cầu ngay khi chúng ta còn sống, hoặc là một cuộc chinh phục toàn thế giới.

Tất nhiên, khả năng nổ ra chiến tranh trong một năm nào đó giữa hai quốc gia nhất định là khá thấp. Sự xuất hiện chiến tranh giữa hai quốc gia gần kề bất kì nào, được xem xét trong một khoảng thời gian dài, sẽ có nhiều khả năng hơn. Sự vắng mặt gần như hoàn toàn của chiến tranh giữa các quốc gia tự do, dù là có gần kề hay không, trong gần 200 năm do vậy có lẽ là có ý nghĩa nào đó. Các tuyên bố tương tự không thể xuất hiện trong trường hợp các dạng cai trị phong kiến, phát xít, cộng sản, toàn trị hay chuyên chế (Doyle, 1983a, pp. 222), cũng không phải đối với nhà nước đa nguyên hay các xã hội đơn thuần là tương tự nhau. Quan trọng hơn nữa có lẽ là khi các quốc gia bị buộc phải quyết định chọn phía bên nào trong một cuộc chiến tranh thế giới sắp diễn ra, các quốc gia tự do sẽ tập hợp ở cùng một bên bất chấp sự phức tạp của những con đường dẫn họ đến đó. Những đặc trưng này không chứng tỏ rằng nền hòa bình giữa các nước tự do là đáng kể về mặt thống kê cũng không phải rằng chủ nghĩa tự do là lời luận giải chắc chắn duy nhất cho hòa bình.[3] Chúng gợi ý rằng chúng ta cần nhìn nhận về khả năng các chế độ tự do đã thực sự thiết lập nên một nền hòa bình riêng rẽ – nhưng chỉ giữa họ với nhau mà thôi.

Chủ nghĩa tự do cũng mang theo một di sản thứ hai: sự “thiếu thận trọng” quốc tế (Hume, 1963, pp. 346-47). Sự kiềm chế hòa bình có vẻ chỉ hiệu quả trong quan hệ giữa các nước tự do với nhau. Các quốc gia tự do đã tham gia nhiều cuộc chiến với các nước phi tự do.

Nhiều trong số những cuộc chiến này là để phòng vệ và do vậy người ta chỉ thận trọng khi cần thiết. Các quốc gia tự do đã bị tấn công và đe dọa bởi các quốc gia phi tự do vốn không thực hiện bất cứ sự kiềm chế đặc biệt nào trong quan hệ với các quốc gia tự do. Các nhà cai trị chuyên chế vừa khích động vừa phản ứng với một môi trường chính trị quốc tế mà ở đó các xung đột vì uy tín, lợi ích và nỗi sợ hãi đơn thuần về những việc mà các nước khác có thể làm đã đẩy các quốc gia đến chiến tranh. Chiến tranh và chinh phục do đó đã thành đặc trưng cho sự nghiệp của rất nhiều nhà cai trị và các đảng cầm quyền chuyên chế, từ Louis XIV và Napoleon tới lực lượng phát xít của Mussolini, Đức Quốc xã của Hitler và chủ nghĩa cộng sản của Stalin.

….

Kết luận

Xem phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Chu nghia tu do va chinh tri the gioi.pdf


[1] Ông ghi nhận rằng kiểm  nghiệm những lý thuyết này có thể sẽ rất khó khăn, đòi hỏi “phân tích chi tiết về mặt lịch sử”. Tuy nhiên, thái độ tư sản đối với quân đội, tinh thần và cách thức mà các xã hội tư sản tiến hành chiến tranh, và việc họ sẵn sàng phục tùng sự cai trị quân sự trong một cuộc chiến kéo dài “bản thân chúng đã mang tính kết luận” (Schumpeter, 1950, p. 129).

[2] Clarence Streit (1938, pp.88, 90-92) dường như là người đầu tiên chỉ ra (trong các quan hệ đối ngoại đương thời) xu hướng thực nghiệm rằng các nền dân chủ duy trì hòa bình với nhau, và ông đã xem đây là nền tảng cho đề xuất về một liên minh kiểu liên bang (không phải kiểu Kant) của 15 nền dân chủ hàng đầu vào những năm 1930. Trong một cuốn sách cực kì lý thú, Ferdinand Hermens (1944) đã khám phá ra vài hàm ý chính sách trong những phân tích của Streit. D. V. Babst (1972, pp. 55-58) đã thực hiện một nghiên cứu định lượng về hiện tượng “hòa bình nhờ dân chủ” này, và R. J. Rummel (1983) đã có nghiên cứu tương tự về “chủ nghĩa tự do” (về mặt tự do kinh tế) tập trung vào giai đoạn hậu chiến, dựa vào một nghiên cứu chưa được xuất bản (Dự án số 48) đã chú thích trong Phụ lục 1 của cuốn “Tìm hiểu Xung đột và Chiến tranh” (Understanding Conflict and War) (1979, p. 386) của ông. Tôi sử dụng từ “tự do” theo nghĩa rộng hơn, cái nhìn kiểu Kant trong lập luận của tôi về vấn đề này (Doyle, 1983a). Trong bài luận này, tôi nghiên cứu khoảng thời gian từ 1790 tới nay và tôi thấy không có cuộc chiến nào giữa các nhà nước tự do.

[3] Babst (1972) đã thực hiện một cuộc kiểm nghiệm sơ bộ về ý nghĩa của việc phân bổ các đối tác liên minh trong Thế chiến I. Ông phát hiện ra rằng khả năng phân chia đối tác liên minh một cách tình cờ chỉ có xác suất thấp hơn 1% (Babst, 1972, p. 56). Tuy nhiên, điều này giả định rằng có xác suất tương ứng diễn ra chiến tranh giữa bất kỳ hai quốc gia nào, và đây là một giả định khá mạnh. Rummel (1983) đã thảo luận sâu hơn về vấn đề ý nghĩa thống kê khi áp dụng điều này vào giả thuyết tự do của ông.