#82 – Hiệu ứng CNN: Công cuộc tìm kiếm một lý thuyết truyền thông về quan hệ quốc tế

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Etyan Gilboa (2005). “The CNN Effect: The Search for a Communication Theory of International Relations”, Political Communication, Vol. 22, pp. 27–44.>>PDF

Biên dịch: Nguyễn Thị Ngân Khánh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài viết này phân tích một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm xây dựng và kiểm chứng một mô hình lý thuyết truyền thông về quan hệ quốc tế vốn cho rằng những mạng tin tức truyền hình toàn cầu như CNN và BBC World đã trở thành một nhân tố quyết định đối với các quyết sách và kết quả của các sự kiện tầm cỡ. Nghiên cứu đã phân tích một cách hệ thống và mang tính phản biện các công trình nghiên cứu chủ yếu về lý thuyết này, thường được biết đến với tên gọi ‘Hiệu ứng CNN’ trong giới học thuật lẫn ngành truyền thông. Nguồn tư liệu này bao gồm các công trình nghiên cứu lý thuyết lẫn thực nghiệm so sánh, các trường hợp nghiên cứu điển hình cụ thể và cả những mô hình mới.

Nghiên cứu đã cho thấy một cuộc tranh luận chưa có hồi kết về giá  trị thực tiễn của lý thuyết này và kết luận rằng các công trình nghiên cứu vẫn chưa cung cấp đầy đủ các dẫn chứng xác đáng cho hiệu ứng CNN, rằng nhiều bài viết đã thổi phồng vai trò của hiệu ứng, cũng như trọng tâm của lý thuyết này đã làm chệch hướng mối quan tâm khỏi các ảnh hưởng khác của truyền hình toàn cầu lên ngành truyền thông đại chúng, báo chí và cả quan hệ quốc tế. Bài viết này cũng đề xuất một lộ trình nghiên cứu mới về các hiệu ứng khác nhau của mạng lưới truyền hình toàn cầu.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã tạo ra một hệ thống quốc tế toàn cầu thật sự lần đầu tiên trong lịch sử. Các sự kiện diễn ra ở khu vực này có thể ảnh hưởng đến các sự kiện ở khu vực khác và vì thế trở thành tâm điểm chú ý của các nước liên quan. Đầu thập kỷ 1980, những phát minh trong công nghệ truyền thông và tầm nhìn của Ted Turner đã tạo ra một CNN, mạng lưới tin tức toàn cầu đầu tiên của thế giới (Whittemore, 1990). CNN phát sóng tin tức mọi lúc mọi nơi trên trái đất thông qua truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp. Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh những năm 1990 – 1991, CNN nổi lên như một thế lực toàn cầu trong trường quan hệ quốc tế, mạng lưới phủ sóng dày đặc của CNN đã truyền cảm hứng cho những tổ chức truyền hình khác như BBC vốn đã có sẵn một mạng lưới radio phủ khắp thế giới, hay như NBC, và Star, để thành lập những mạng lưới truyền hình toàn cầu.

Sự phát triển và đa dạng hóa của đế chế CNN, bao gồm việc thành lập kênh CNN Quốc tế, đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của truyền thông toàn cầu và quan hệ quốc tế, như công nghệ, kinh tế, văn hóa, luật pháp, ý kiến công chúng, chính trị và ngoại giao, cũng như quân sự, khủng bố, nhân quyền, sự xuống cấp của môi trường, vấn đề người tị nạn, và y tế. Trong những năm 1980, những hiệu ứng này thu hút rất ít chú ý trong cả giới nghiên cứu và ngành truyền thông, cho đến khi những đăng tải của CNN về chiến tranh Vùng Vịnh bắt đầu khuyến khích tất cả nghiên cứu sâu hơn về nó. Cuộc chiến đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử truyền thông nói chung và của CNN nói riêng, cũng như mang đến sự thay đổi tương tự trong giới nghiên cứu về mạng tin tức toàn cầu. Sự nổi lên của một thế lực đáng kể mới trong lĩnh vực truyền thông và Quan hệ quốc tế đòi hỏi một khuôn khổ lý thuyết tương xứng và nghiên cứu chuyên sâu để có thể đánh giá một cách khoa học vị trí và tầm ảnh hưởng của nó. Các học giả đã thực hiện vô số các nghiên cứu về CNN trong nhiều khuôn khổ khác nhau (Gurevitch, 1991; Silvia, 2001, 2001; McPhail, 2002) và cả những bối cảnh khác nhau như tầm ảnh hưởng công chúng (Volkmer, 1999), quyền sở hữu và kinh tế (Parker, 1995; Flournoy & Steward, 1997; Compaine, 2002), sự canh tranh (Johnston, 1995) và cách làm tin (Flournoy, 1992; Seib, 2002). Bài viết này kiểm chứng những nghiên cứu về hiệu ứng CNN lên chiến tranh và quyết định can thiệp vũ lực, chính sách đối ngoại và nền ngoại giao thế giới. Khá nhiều nghiên cứu dạng này đã cất công tìm hiểu cái gọi là Hiệu ứng CNN.

Những nhân vật cấp cao trong chính phủ đã thừa nhận tầm ảnh hưởng của truyền thông lên việc hoạch định chính sách của họ. Trong hồi ký của mình, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Baker III (1995) đã viết: “Ở Iraq, Bosnia, Somalia, Rwanda và Chechnya và nhiều nước khác, việc đưa tin trực tiếp về các cuộc xung đột của những phương tiện truyền thông điện tử đã tạo ra một sự thúc đẩy mới đầy mạnh mẽ đòi hỏi các phản ứng nhanh chóng vốn chưa từng xảy ra ở các thời điểm ít hỗn loạn hơn” (trang 103). Những cựu bộ trưởng ngoại giao Anh như Douglas Hurd (Hopkinson, 1993, trang 11) và David Owen (1996, trang 308) cũng có những quan sát tương tự. Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros-Ghali cũng đã từng nói hay chính xác hơn là phàn nàn rằng “CNN chính là thành viên thứ 16 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” (Minear, Scott & Weiss, 1996, trang 4). Tuy nhiên, những nhà hoạch định chiến lược cấp cao khác lại đưa ra những nhận định đa chiều về hiệu ứng CNN. Colin Powell nhận thấy rằng “việc truyền hình trực tiếp từ vùng chiến không làm thay đổi chính sách nhưng tạo ra một bối cảnh mà trong đó các chính sách được hình thành” (McNulty, 1993, trang 80). Anthony Lake, môt học giả và cũng là cố vấn quốc gia đầu tiên của Bill Clinton thừa nhận rằng công luận, vốn bị lèo lái bởi những hình ảnh đã được truyền thông hóa, ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách liên quan đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo, nhưng cũng bổ sung rằng những nhân tố khác như chi phí và tính khả thi của chính sách cũng quan trọng không kém (Hoge, 1994, trang 139).

Dù vậy, các học giả vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa hợp lý cho cái gọi là Hiệu ứng CNN, dẫn đến nghi vấn liệu có tồn tại hay không một lý thuyết hay đơn thuần chỉ dừng lại ở một khái niệm mơ hồ mà thôi. Trong những phân tích ban đầu về hiệu ứng này, các học giả cũng thường gọi nó là ‘tâm lý CNN’, ‘đường cong CNN’ hay ‘nhân tố CNN’, mỗi cái tên đều bao hàm những ý nghĩa khác nhau đối với các nhà báo, chính trị gia hay học giả. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đa phần liên hệ việc đưa tin truyền hình trực tiếp với việc áp đặt chính sách lên các lãnh đạo nhà nước và thúc đẩy tiến độ của truyền thông quốc tế. Việc xây dựng và thử nghiệm một lý thuyết mới trong những lĩnh vực này sẽ rất quan trọng khi mà cộng đồng quốc tế vẫn xem những xung đột sắc tộc, nội chiến cũng như các cuộc can thiệp nhân đạo là hai trong số những vấn đề quan trọng của kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.  Những hiệu ứng của truyền hình trực tiếp và áp lực thời gian được tạo ra bởi tốc độ truyền tin có thể khiến các chiến lược gia phải đưa ra quyết định mà không có đủ thời gian hiệu quả để xem xét cẩn thận các lựa chọn (Gilboa, 2002a, 2003). Thêm vào đó, sự nổi tiếng của hiệu ứng CNN và mối quan tâm nó có được từ nhiều phía, bao gồm phía hoạch định chính sách và cộng đồng truyền thông, và những hệ quả của hiệu ứng này đối với việc hoạch định chính sách lẫn nghiên cứu đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện về nguồn gốc, quá trình phát triển và những đóng góp của lý thuyết này.

Bài nghiên cứu này mong muốn tìm lời giải đáp cho những câu hỏi sau: Hiệu ứng CNN là gì? Nó đã được nghiên cứu và phân tích ra sao trong quá khứ? Đâu là kết quả của những nỗ lực nghiên cứu, và tiến độ ra sao trong vòng một thập kỷ nghiên cứu? Những mảng nghiên cứu nào còn bị bỏ sót? Đâu là điểm đến tiếp theo? Phương hướng và chiến lược nào các học giả nên áp dụng để nghiên cứu các hiệu ứng của truyền thông toàn cầu nói chung, chứ không chỉ của CNN nói riêng, trong tương lai gần? Với mục tiêu trả lời những câu hỏi đó, bài nghiên cứu này cố gắng phân tích một cách hệ thống và mang tính phản biện các công trình nghiên cứu chính về chủ đề này trong một thập kỷ gần đây nhất trong giới nghiên cứu học thuật lẫn chuyên ngành. Những tài liệu này bao gồm các bài nghiên cứu mang tính lý thuyết lẫn so sánh, phân tích các tình huống điển hình, các mô hình và phương pháp luận. Các kết quả đã cho thấy một cuộc tranh luận nóng bỏng đang diễn ra giữa các học giả về giá trị thực tế của lý thuyết về hiệu ứng CNN.

Bài viết này kết luận rằng các nghiên cứu vẫn chưa thể dẫn chứng một cách thuyết phục về cái gọi là hiệu ứng CNN, rằng nhiều công trình đã phóng đại hiệu ứng này, và rằng mối quan tâm về lý thuyết đã làm lu mờ các tác động khác của truyền hình toàn cầu lên truyền thông đại chúng, báo chí và quan hệ quốc tế. Bài viết này trước tiên sẽ xem xét các định nghĩa và cách tiếp cận khi nghiên cứu về Hiệu ứng CNN. Sau đó nó sẽ phân tích tường tận các lý thuyết cũng như những mô hình và phương pháp nghiên cứu được sử dụng bởi các học giả để lý giải hiệu tượng này. Phần tiếp theo sẽ trình bày các kết luận nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau và ở phần cuối cùng của bài nghiên cứu, tác giả sẽ hệ thống các bài học kinh nghiêm và đề ra một chương trình mới cho các công trình nghiên về các ảnh hưởng của truyền thông toàn cầu trong tương lai.

 

Các định nghĩa và cách tiếp cận

Một nghiên cứu hệ thống của bất kỳ hiện tượng truyền thông chính trị đáng kể nào đều bắt đầu với một định nghĩa. Tuy nhiên các học giả về hiện tượng CNN đã áp dụng nhiều định nghĩa khá rối rắm. Một vài công thức chú trọng vào hiệu ứng ‘áp đặt’ vào các quyết sách về vấn đề can thiệp nhân đạo, trong khi một vài định nghĩa khác khơi gợi cách tiếp cận hoàn toàn mới về quá trình hoạch định chính sách đối ngoại và nền chính trị thế giới. Feist (2001, trang 713) đã viết: “Hiệu ứng CNN là một lý thuyết cho rằng các hình ảnh truyền thông ám ảnh, ví dụ như hình ảnh của một cuộc khủng hoảng nhân đạo, sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải quyết định can thiệp vào một tình huống vốn dĩ có thể nằm ngoài lợi ích quốc gia của nước Mỹ”. Schoor (1998) định nghĩa hiệu ứng CNN là “cách mà các loạt tin nóng ảnh hưởng đến các quyết định về chính sách ngoại giao,” trong khi Livinston và Eachus (1995, trang 413) xem đó là “việc các nhà làm chính sách cấp cao đánh mất quyền kiểm soát chính sách vào tay giới truyền thông.” Theo Seib (2002), hiệu ứng CNN “thể hiện mối quan hệ căng thẳng vốn đã tồn tại giữa các tin tức truyền hình trực tiếp và quá trình hoạch định chính sách, khi mà tin tức nay ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn hơn” (trang 27).

Neuman (1996) đã mở rộng phạm vi hiệu ứng khi đề cập đến ảnh hưởng của các bản tin lên những quyết định ban đầu cũng như những giai đoạn can thiệp về sau, bao gồm quyết định triển khai quân sự lâu dài hay chiến lược rút quân hậu can thiệp. Tác giả này cũng mô tả hiệu ứng theo mô hình vòng cung: ‘Hiệu ứng cho thấy khi cơn lũ tin tức của CNN bao phủ tất thảy sóng truyền hình về một cuộc khủng hoảng quốc tế nào đó, các nhà làm chính sách không còn cách nào khác ngoài việc chuyển hướng quan tâm đến cuộc khủng hoảng đó ngay tức thì. Điều đó cũng cho thấy việc đưa tin về những ‘điểm nóng’ đã tạo ra làn sóng dư luận yêu cầu chính phủ phải ra tay can thiệp vào sự kiện, đòi hỏi giới lãnh đạo chính trị hoặc phải thay đổi tình hình hoặc bị mất điểm với công chúng’ (trang 15 – 16). Vòng cung trong khung cảnh này chính là việc truyền hình có thể hối thúc các chính trị gia phải quyết định can thiệp vũ trang vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo, và buộc họ phải chấm dứt cuộc can thiệp một khi lực lượng quân sự gánh chịu thương vong hoặc bị bôi nhọ bởi những sự kiện không hay. Định nghĩa này bao gồm hai đối trọng liên kết nhau bởi chức năng ‘thúc đẩy’. Đối trọng thứ nhất chính là một bối cảnh điển hình – đóng vai trò thúc đẩy các nhà lãnh đạo phải giải quyết những vấn đề mà họ muốn bỏ qua. Đối trọng thứ hai liên quan đến quyền lực của giới truyền hình, thông qua dư luận, có thể thúc đẩy các chính trị gia phải đưa ra quyết sách ngược lại ý muốn của họ cũng như cách định nghĩa lợi ích quốc gia.

Freedman (2000, trang 339) đã phân biệt giữa ba dạng hiệu ứng mà tin tức có thể tác động lên các cuộc can thiệp quân sự: ‘hiệu ứng CNN’ (CNN effect), nơi mà những hình ảnh gây sốc của các nạn nhân đẩy nhiều chính phủ đưa chân vào các cuộc can thiệp; ‘hiệu ứng túi đựng xác” (bodybags effect) mà qua đó hình ảnh thương vong kéo họ ra khỏi cuộc can thiệp; và ‘hiệu ứng bắt nạt’ (bullying effect) nơi mà việc sử dụng vũ lực quá mức có nguy cơ đẩy lùi sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc can thiệp. Tuy nhiên, công thức này có phần khá rối rắm. Như đã đề cập trước đây, đối với Neuman ‘hiệu ứng CNN’ và ‘hiệu ứng túi đựng xác” tạo ra một một hiện tượng mà học giả này gọi là ‘vòng cung CNN’. Hơn nữa, cả ba hiệu ứng được trình bày bởi Friedman thực chất chỉ là kết quả của một hành động đưa tin về các giai đoạn can thiệp khác nhau mà thôi, và vì thế đều có thể được nhóm lại dưới tên gọi chung là hiệu ứng CNN. Strobel (1997) phân biệt giữa hiệu ứng tác động lên kết quả và hiệu ứng tác động lên quá trình hoạch định chính sách và viết như sau: “Tôi không tìm thấy bất kỳ dẫn chứng nào cho thấy giới truyền thông, tự thân họ, buộc các quan chức Mỹ phải thay đổi các chính sách của chính phủ. Nhưng, trong điều kiện phù hợp, truyền thông vẫn có một hiệu ứng mạnh mẽ lên quá trình hoạch định chính sách. Và những điều kiện đó gần như luôn luôn được thiết lập bởi các nhà hoạch định chính sách đối ngoại hoặc bởi số lượng ngày một gia tăng các chủ thể chính sách trên trường quốc tế’ (trang 5).

Livingston (1997, trang 293), Wheeler (2000, trang 300 và Robinson (2001, trang 942; 2002, trang 37-41) đã trình bày cách phân biệt một cách hữu ích hơn giữa các hiệu ứng CNN khác nhau. Livingston xác định ba dạng của các hiệu ứng này: đẩy nhanh quá trình ra quyết định; cản trở việc đạt được các mục tiêu chính sách mong muốn, và giúp hình thành nghị trình chính sách. Hiệu ứng cản trở về cơ bản liên hệ đến những lỗ hổng gây nên cho hệ thống an ninh hoạt động. Wheeler đã phân biệt giữa hiệu ứng có ‘tính quyết định’ và hiệu ứng có ‘tính xúc tác’ của truyền hình. Hiệu ứng có tính quyết định thúc đẩy chính sách, trong khi hiệu ứng có tính xúc tác ngụ ý rằng các tin tức có thể khiến việc can thiệp nhân đạo có thể diễn ra bằng cách huy động được sự ủng hộ của công chúng. Robinson cũng đã áp dụng sự phân biệt khá tương tự giữa hiệu ứng ‘yếu’‘mạnh’. Hiệu ứng ‘mạnh’ tương ứng với việc thúc đẩy chính sách trong khi hiệu ứng ‘yếu’ diễn ra khi các bản tin truyền thông có thể khiến các nhà hoạch định chính sách nghiêng về phía hành động hơn là tạo ra một mệnh lệnh chắc chắn’. Cả hai hiệu ứng có ‘tính xúc tác’ và hiệu ứng ‘yếu’ đều chỉ ra vai trò tương đối nhỏ của truyền thông đối với việc hoạnh định chính sách. Belknap (2002) bổ sung rằng hiệu ứng CNN thực chất là một con dao hai lưỡi: vừa là một đòn bẩy chiến lược nhưng cũng có thể là mối rủi ro hoạt động tiềm tàng. Nó cho phép các nhà hoạch định chính sách giành được sự ủng hộ của công chúng cho các hoạt động quân sự nhưng đồng thời cũng làm lộ các thông tin nhạy cảm vốn có thể gây tổn hại đến sự an toàn của các chiến dịch.

Các học giả đã sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận bao quát cũng như chuyên biệt khác nhau để nghiên cứu về hiệu ứng CNN, như phân tích các tình huống điển hình, nghiên cứu đối chiếu so sánh, hay sử dụng các mô hình về quá trình hoạch định chính sách và quan hệ quốc tế, và các cơ chế vận hành. Các nhà nghiên cứu đã áp dụng phương pháp phân tích tình huống để tìm hiểu tác động của truyền hình lên các cuộc can thiệp quân sự, bao gồm trường hợp bắc Iraq (khu vực người Kurd), Somila và Kosovo. Có ba nghiên cứu tập trung vào sự can thiệp của Anh – Mỹ ở miền bắc Iraq: Schorr (1991) đã xem xét tác động của truyền hình lên chính sách Mỹ; Shaw (1996) phân tích ảnh hưởng của truyền thông lên chính sách của Anh; và Miller (2002) nghiên cứu ảnh hưởng của truyền thông lên chính sách của cả Anh và Mỹ. Livingston và Eachus (1995) và Mermin (1997) nghiên cứu sự can thiệp của Mỹ vào Somalia, Freedman (2000), Livingston (2000), Hammond và Herman (2000), và Thusu (2000) đều nghiên cứu hiệu ứng CNN đối với vấn đề can thiệp của NATO vào Kosovo. Một vài nghiên cứu cũng tìm hiểu các phản ứng nghịch, khi mà không có sự can thiệp nào dù tin tức được phát sóng như trường hợp của Rwanda (Livingston và Eachus, 1999), hoặc sự thiếu vắng của cả tin tức truyền thông lẫn sự can thiệp như trường hợp ở Sudan (Livingston, 1996).

Một vài học giả thực hiện các nghiên cứu đối chiếu giữa các trường hợp can thiệp nhân đạo. Jakobsen (1996) đã phân tích vai trò của hiệu ứng CNN và các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định can thiệp vào các cuộc khủng hoảng như: Kuwait, Bắc Iraq (khu vực người Kurd), Somalia, Rwanda và Haiti. Strobel (1997) lại thực hiện nghiên cứu hiệu ứng CNN trong các chiến dịch quân sự ở bán đảo Balkan, Somalia, Rwanda và Haiti, trong khi học giả Mermin (1996, 1997, 1999) phân tích các ảnh hưởng của truyền thông lên các quyết định can thiệp quân sự của Mỹ vào các cuộc khủng hoảng thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam, bao gồm Grenada, Panama, vụ không kích Libya, chiến tranh vùng Vịnh, Somalia và Haiti. Robinson (2000a, 2001, 2002) lại phân tích hiệu ứng CNN ở vùng bắc Iraq, Bosnia, Somalia, Rwanda và Kosovo.

Một loạt sách và nghiên cứu liên hệ đến ảnh hưởng của CNN trong một bối cảnh rộng hơn của cục diện quan hệ quốc tế và quá trình hoạch định chính sách ngoại giao. Các nghiên cứu này được viết từ quan điểm của những nhà báo, quan chức chính phủ và giới ngoại giao. Pearce (1995), một nhà báo, đã tập trung phân tích mối quan hệ căng thẳng giữa các phóng viên và các nhà ngoại giao, trong khi các quan chức ngoại giao Newsom (1996) và Buckley (1998) lại tiếp cận cùng một vấn đề từ góc nhìn của giới ngoại giao. Hopkinson (1995) và Neuman (1996) đã đặt hiệu ứng CNN trong bối cảnh lịch sử của các phát minh công nghệ trong ngành truyền thông, và Taylor (1997) lại lần theo các dấu vết của truyền thông toàn cầu ảnh hưởng lên quan hệ quốc tế từ 1945. Seib (1997, 2001, 2002) lại đề cập vấn đề này theo các cột mốc lịch sử trong giới truyền thông nói chung. Edwards (1998), Carruthers (2000), Badsey (2000) và Belknap (2002) đã viết về hiệu ứng CNN trong bối cảnh của mối quan hệ giữa truyền thông và giới quân sự. Nhiều sách nghiên cứu cũng đã đề cập đến vai trò của truyền thông đến các chiến dịch can thiệp nhân đạo (Girardet và Bartoli, 1995; Rotberg & Weiss, 1996; Minear et al., 1996; Gow, Paterson, và Preston, 1996). Những quyển sách này giới thiệu nhiều cách lý giải lịch sử khác nhau về vai trò của truyền thông, nhưng thường dao động giữa các cách tiếp cận chuẩn tắc, vốn diễn giải những điều truyền thông nên làm, và cách tiếp cận thực nghiệm vốn nghiên cứu những hoạt động thực tế của truyền hình lên chính sách.

Có ba đề tài nghiên cứu quan trọng đã nâng cuộc tranh luận quanh hiệu ứng CNN lên tầm vĩ mô. O’Neill (1993) đề cập lần đầu tiên về mô hình mới về chính trị thế giới trong đó ghi nhận vai trò thống trị và mang tính quyết định của truyền hình toàn cầu. Học giả này cho rằng ý kiến của công chúng và truyền hình đã dân chủ hóa thế giới và rằng việc đưa tin trực tiếp của CNN đã phá hủy hệ thống ngoại giao truyền thống và đóng vai trò quyết định những kết quả chính trị và ngoại giao. Ammon (2001) và Edwards (2011) cũng cho rằng giới truyền thông, đặc biệt là truyền hình, đã biến đổi hoàn toàn nền chính trị thế giới. Cả hai học giả đã sử dụng các khái niệm hậu hiện đại để miêu tả những mô hình mới về sự thống trị của truyền thông: ngoại giao truyền thông (telediplomacy) và chính trị truyền thông (mediapolitik).

 

Những khuôn khổ lý thuyết và phương pháp luận

Trong quá trình nghiên cứu những hiệu ứng CNN trực tiếp và gián tiếp, các học giả đã áp dụng các lý thuyết, mô hình, giả thuyết và khái niệm từ các ngành khoa học xã hội bao gồm ngành truyền thông, tâm lý, xã hội học, khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để phân tích các dữ liệu về tin tức và các bài phỏng vấn với các chính trị gia. Những nhà báo chủ yếu thực hiện các cuộc phỏng vấn với nhà hoạch định chính sách và đồng nghiệp trong giới truyền thông vì phỏng vấn là một phần thiết yếu trong công việc hàng ngày của họ. Các học giả dùng phương pháp phỏng vấn và cả phân tích dữ liệu, và vận dụng dữ liệu vào các mô hình và lý thuyết của cả ngành truyền thông và quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu vốn chỉ dựa vào các bài phỏng vấn lại đặt ra những câu hỏi về tính xác thực và độ tin cậy. Những câu trả lời thể hiện cách thức các nhà hoạch định chính sách muốn được nhớ đến chứ không phải cách thức thật sự mà họ áp dụng để hoạch định chính sách.

Các khuôn khổ lý thuyết ngành truyền thông bao gồm các lý thuyết như xác định nghị trình (agenda setting) (McCombs, Shaw, & Weaver, 1997) và đóng khung vấn đề (framing) (Reese, Gandy & Grant, 2001) và các lý thuyết cụ thể liên quan đến mối quan hệ báo chí và chính phủ như ‘giả thuyết phản ánh lập trường chính thống’ (indexing hypothesis – tức truyền thông đưa tin dựa theo đồng thuận của giới chính trị gia – NHĐ) (Bennett, 1990) và lý thuyết về ‘tạo đồng thuận’ (manufacturing consent – cho rằng truyền thông Mỹ thực hiện chức năng tuyên truyền ủng hộ chính phủ dựa trên nguyên tắc thị trường, các giả định nội tại và tự kiểm duyệt mà không có sự ép buộc công khai của chính phủ -NHĐ) (Chomsky & Herman, 1988). Cả hai lý thuyết chuyên biệt này rất phù hợp bởi chúng coi việc phủ tin của truyền thông thể hiện quan điểm và lợi ích của riêng chính phủ, và vì thế đã trái ngược hoàn toàn với cái gọi là hiệu ứng CNN.

“Giả thuyết phản ánh lập trường chính thống” cho rằng các phóng viên lên danh mục các quan điểm về tin tức mà họ tường thuật để phản ánh các quan điểm tồn tại trong nội bộ chính phủ. Nếu giả thuyết này là xác thực thì truyền thông đóng vai trò chủ yếu như một công cụ tiếp tay các nhà hoạch định chính sách. Zaller và Chiu (1996, 2000) áp dụng ‘giả thuyết phản ánh lập trường chính thống’ vào 42 cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh cho đến cuộc khủng hoảng tại Kosovo năm 1999. Mermin (1996, 1997, 1999) lại áp dụng lý thuyết tương tự vào những can thiệp quân sự của Mỹ thời hậu chiến tranh Việt Nam. Những chứng cứ của học giả này ủng hộ cho ‘giả thuyết phản ánh lập trường chính thống’ cho cả thời Chiến tranh Lạnh và hậu Chiến tranh Lạnh. Những chứng cứ của Zaller và Chiu về mối quan hệ giữa truyền thông và chính phủ ở Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng ủng hộ giả thuyết trên nhưng kết luận về thời hậu Chiến tranh Lạnh của họ có phần pha trộn hơn. Sự khác biệt giữa kết quả của hai nghiên cứu nằm ở việc sử dụng các cơ chế mã hóa khác nhau. Zaller và Chiu (2000, trang 80 – 81) kiểm định những tin tức tiêu cực về mọi khía cạnh của một chính sách bao gồm các tiền đề, việc triển khai, chi phí và hậu thuẫn chính trị, trong khi Mermin chỉ kiểm định những tin tức tiêu cực nào thách thức trực tiếp các tiền đề của một chính sách mà thôi. Sự tranh luận về phương pháp nghiên cứu này cho thấy điểm yếu trong ‘giả thuyết phản ánh lập trường chính thống’, và các phát hiện đối với giả thuyết này trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh vẫn chưa rõ ràng ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại.

Lý thuyết ‘tạo đồng thuận’  hoặc ‘mô hình tuyên truyền chính sách’ cho rằng sức mạnh kinh tế có khả năng kiểm soát chặt chẽ giới truyền thông và chính phủ, và vì thế có thể lợi dụng truyền thông để thu hút sự ủng hộ của công chúng cho các chính sách của chính phủ. Theo lý thuyết này, giới truyền thông ‘đóng vai trò chủ yếu như là trợ thủ đắc lực cho nhà nước và các lãnh đạo cấp cao, chú trọng vào các chủ đề có lợi cho họ và việc tranh luận cũng như tiết lộ những thông tin nằm trong khuôn khổ đã được định sẵn trước đó’ (Herman, 1993, trang 25). Các học giả đã sử dụng dẫn chứng về các đại tập đoàn truyền thông và việc đưa tin theo thiên hướng bảo thủ tạm thời để minh chứng cho lý thuyết này. Herman và Peterson (2000) và Thussu (2000) đã áp dụng lý thuyết ‘tạo đồng thuận’ vào cuộc khủng hoảng tại Kosovo. Tuy nhiên, lý thuyết vốn theo trường phái tân Marxist này cũng chỉ dựa vào chứng cứ gián tiếp, và mặc dù có thể là một công cụ để phân tích việc đưa tin của truyền thông Mỹ về các cuộc xung đột thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng nó ít phù hợp hơn nhiều đối với các cuộc xung đột thời hậu Chiến tranh Lạnh (Compaine, 2002).

Shaw (1996) và Miller (2002) đã áp dụng các lý thuyết về khoa học hành vi để tìm hiểu về hiệu ứng CNN trong cuộc khủng hoảng ở miền Bắc Iraq – khu tự trị của người Kurd. Shaw đã sử dụng khái niệm ‘xã hội dân sự toàn cầu’ của xã hội học, một xã hội mà trong đó những tổ chức siêu quốc gia và bên dưới quốc gia, các phong trào và các cá nhân giành lấy trách nhiệm đại diện cho người bị hại của sự đàn áp bạo lực ở cấp quốc gia và quốc tế. Trong giới hạn của khái niệm này, Shaw đã cho rằng giới truyền thông, hơn bất kỳ các tổ chức xã hội nào khác, đã đại diện cho các nạn nhân của bạo lực và chiến tranh. Shaw còn cho rằng truyền thông đã ảnh hưởng chính sách thông qua ý kiến của công chúng và vì thế đã nghiên cứu chi tiết tin tức về khủng hoảng khu vực tự trị người Kurd trên báo in và báo điện tử của Anh quốc, phân tích các khảo sát công luận quốc gia, và thực hiện một cuộc điều tra ý kiến độc lập tại hai địa điểm ở Anh. Học giả này sau đó đã dùng mối quan hệ tam giác giữa tin tức, thái độ của công chúng và sự thay đổi trong chính sách nhà nước để minh chứng cho giả thuyết cơ bản về những ảnh hưởng của truyền thông lên chính sách của nước Anh. Tuy nhiên, vấn đề của phương pháp tiếp cận này nằm ở việc đã đương nhiên mặc định về ảnh hưởng của truyền thông lên ý kiến của công chúng và ảnh hưởng của truyền thông lên chính sách. Những mặc định này rất đáng tranh luận và không thể được sử dụng mà không có những kiểm định cụ thể hơn. Hơn nữa, Shaw cũng đã bỏ qua quá trình hoạch định chính sách trong thực tế và chỉ xem chính sách như một hệ quả tất yếu.

Không giống như luận điểm của Shaw, Miller (2002) tập trung vào quá trình hoạch định chính sách và vì thế có thể phân biệt giữa những luận điệu của chính phủ và những quyết sách trong thực tế và giữa việc đưa tin và sức ép từ giới truyền thông. Miller đã sử dụng khái niệm ‘giả định mang tính định vị’ (positioning hypothesis) của ngành tâm lý học ngôn ngữ (discursive psychology) để xác định những mối liên hệ giữa việc đưa tin và chính sách ở Anh và Mỹ. ‘Giả định mang tính định vị’ cho phép một học giả phân tích những mẩu đối thoại giữa các tổ chức như truyền thông và chính phủ thông qua các câu hỏi trong các buổi họp báo và phản hồi chính thức từ chính phủ. Miller cũng ghi nhận những điểm yếu (trang 49 – 50) trong cách đo lường của mình nhưng dù sao cách tiếp cận này rất thâm thúy và có triển vọng.

Các nhà khoa học chính trị đã sử dụng các lý thuyết của ngành quan hệ quốc tế như ‘cách tiếp cận hiện thực’ và ‘lý thuyết thay thế’ để nghiên cứu các nhân tố quyết định việc can thiệp quân sự. Cách tiếp cận hiện thực cổ điển cho rằng trong các vấn đề ngoại giao, các chính phủ theo đuổi quyền lực và các lợi ích quốc gia một cách lý trí. Vì thế, cách tiếp cận hiện thực này sẽ không coi các tính toán nhân đạo và việc đưa tin truyền hình toàn cầu là những lý do đủ dẫn tới các cuộc can thiệp nhân đạo. Việc áp dụng thuyết phục cách tiếp cận hiện thực đối với những cuộc can thiệp nhân đạo đã phủ nhận hiệu ứng CNN. Gibbs (2000) đã áp dụng cách tiếp cận này vào quyết định can thiệp nhân đạo ở Somalia và đưa ra cách lý giải phủ nhận hiệu ứng CNN và thay vào đó nhấn mạnh vào những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Regan (2000)  áp dụng ‘lý thuyết thay thế’ để phân tích các chiến dịch can thiệp quân sự. Thông qua các dữ liệu định lượng, lý thuyết này ghi nhận và lý giải những thay đổi trong chính sách đối ngoại. Regan đã muốn tìm hiểu các điều kiện nào sẽ dẫn đến những thay đổi trong chiến lược can thiệp của Mỹ trong các cuộc khủng hoảng dân sự và các dạng can thiệp thay thế một khi có quyết định thay đổi chính sách. Học giả này ghi nhận việc điểm tin truyền thông là một biến số chính trị có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, Regan đã chọn để chỉ phân tích các tin tức báo chí, chủ yếu từ nguồn của báo New York Times, và tập trung vào các trang điểm tin trên báo. Ông đặt thời lượng tin tức dành cho các khủng hoảng ngang hàng với mức độ quan tâm của công chúng đối với vấn đề đó.  Một quy trình như thế mắc phải nhiều hạn chế vốn thường gặp phải trong các công trình nghiên cứu khoa học chính trị vì đã không tham khảo góc nhìn của các nghiên cứu ngành truyền thông. Trước tiên, hầu hết công chúng tiếp nhận tin tức qua truyền hình, không phải từ báo giấy (Graber, 2001, trang 3). Thứ hai, thời lượng điểm tin không nhất thiết đã đại diện được cho mức độ quan tâm của công chúng. Đôi khi, nó mang ý nghĩa ngược lại (Gilboa, 1993). Thứ ba, việc chỉ đo lường mức độ chú ý của báo chí đơn thuần không mang lại hiệu quả. Đường hướng phát triển của tin tức, tích cực, tiêu cực hay trung lập, cũng phải được nghiên cứu và đo lường để có được một đánh giá có ý nghĩa về ảnh hưởng của truyền thông. Thứ tư, nguồn tin tức đơn thuần là một thước đo nghèo nàn về áp lực của truyền thông lên quá trình hoạch định chính sách (Miller, 2002, trang 5).

Bất kỳ bước tiến nào trong nghiên cứu về hiệu ứng CNN đều đòi hỏi hai mảng phân tích liên đới với nhau: (a) đánh giá tác động của truyền hình toàn cầu lên một quyết định chính sách đối ngoại cụ thể trong sự so sánh tương quan ảnh hưởng của các nhân tố khác và (b) áp dụng quy trình nghiên cứu vào một số các trường hợp thực tế phù hợp. Chỉ có một vài học giả đã theo đuổi quy trình này một cách có hệ thống. Một trong số đó là Jakobsen (1996), người đã phân tích tác động của các nhân tố sau lên các quyết định can thiệp nhân đạo: một trường hợp khủng hoảng nhân đạo và/ hoặc một trường hợp pháp lý rõ ràng, lợi ích quốc gia, cơ hội thành công, sự ủng hộ trong nước, và hiệu ứng CNN. Học giả này sau đó đã phân tích sự ảnh hưởng tương đối của các nhân tố này lên các quyết định can thiệp vào các cuộc khủng hoảng sau: Kuwait, Bắc Iraq (khu vực người Kurd), Somalia, Rwanda, và Haiti.

Livingston (1997) và Robinson (2000a) đã phát triển các mô hình nghiên cứu áp dụng kết hợp lý thuyết từ ngành truyền thông, quan hệ quốc tế và quy trình quyết định chính sách. Livingston đã áp dụng thành công các khái niệm truyền thông vào một mô hình phân loại các cuộc can thiệp nhân đạo được phát triển bởi Haass (1994). Học giả này đã xác định ba biến thể của hiệu ứng CNN – chất xúc tác cho quá trình hoạch định chính sách, chướng ngại vật đối với việc đạt được các mục tiêu chính sách, và một tác nhân xác định nghị trình chính sách – và sau đó chỉ ra những hiệu ứng này vận hành khác nhau trong tám dạng can thiệp: chiến tranh truyền thống, răn đe chiến lược, răn đe chiến thuật, các chiến dịch đặc biệt và các xung đột cường độ thấp, can thiệp để tạo lập hòa bình, can thiệp để gìn giữ hòa bình, các chiến dịch nhân đạo áp đặt, và các chiến dịch nhân đạo mang tính đồng thuận. Sự phân biệt này rất hữu ích, và cơ cấu phân loại lại rất chi tiết. Livingston (2000) đã chứng minh cho tính hiệu quả của khuôn khổ này bằng cách áp dụng, cụ thể là hiệu ứng gây trở ngại, vào thực tế của cuộc can thiệp của NATO vào Kosovo.

Robinson (2000a, 2002, trang 25-35) đã phát triển một mô hình tuyệt vời để miêu tả sự tương tác giữa truyền thông và chính sách, trong đó dự đoán rằng ảnh hưởng của truyền thông có thể xảy ra khi chính sách không rõ ràng và các tin tức đuợc định hình mang tính công kích chính phủ và đồng cảm với các nạn nhân. Khi chính sách chắc chắn, ảnh hưởng truyền thông sẽ khó diễn ra. Robinson đã áp dụng một cách thuyết phục mô hình này vào trường hợp các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Bosnia và Kosovo. Mặc cho những điểm yếu trong việc xác định và đo lường ‘ảnh hưởng’ và ‘đóng khung vấn đề’, mô hình này vẫn có thể hiệu quả và hữu ích.

Cuối cùng, hai mô hình mới xuất hiện đã cung cấp một khuôn khổ lý thuyết để nghiên cứu về hiệu ứng CNN. Ammon (2001) đã tuyên bố rằng những thay đổi lớn trong truyền thông lẫn ngoại giao đã giúp hình thành một mô hình mới cho chính trị quốc tế, cái mà ông gọi là ‘ngoại giao truyền thông – telediplomacy’. Học giả này đã giải thích rằng sự trỗi dậy và bành trướng của các hãng truyền thông toàn cầu tạo ra một sự dịch chuyển trong truyền thông, trong khi đó ‘nền ngoại giao mới’, chủ yếu mang đặc tính cởi mở, đã tạo ra một sự dịch chuyển trong việc hoạch định chính sách ngoại giao. Chính cái gọi là nền ngoại giao truyền thông đã thay thế những phương pháp ngoại giao hiện hữu, và lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, dưới một vài điều kiện cụ thể, cũng đã dẫn dắt đường hướng chính sách cũng như quyết định những kết quả của hoạt động ngoại giao (trang 152).

Edwards (2001) đã phát triển một mô hình chính trị truyền thông (mediapolitik) mới nhằm lấp đầy khoảng trống lý thuyết và mô hình về mối quan hệ giữa truyền thông và chính trị. Khuôn khổ này được xây dựng để ‘nghiên cứu bản chất của sức mạnh truyền thông và tác động của nó lên nền chính trị của các quốc gia trên thế giới’ (trang 276). Công trình nghiên cứu của Edwards rất bao quát và đề cập đến những quan sát thú vị về mối quan hệ giữa truyền thông và chính phủ ở một số nước. Mô hình này tuy nhiên lại không được định nghĩa rõ ràng và thường được áp dụng một cách rối rắm. Chính trị truyền thông vận hành ở những hệ thống chính trị khác nhau: từ chế độ dân chủ cấp tiến đến chế độ độc tài chuyên chế – nhưng cũng có những biến thể khác như ‘nền chính trị truyền thông Nhật Bản’ vốn không thuộc vào bất kỳ hệ thống nào. Edwards cho rằng vai trò của truyền thông đại chúng trong nền chính trị hiện đại phụ thuộc vào 4 tiêu chuẩn (trang 60 – 63): một cơ sở hạ tầng truyền thông lớn, một lượng độc giả và khán giả lớn, các chính trị gia tìm cách lợi dụng truyền thông vì những mục tiêu chính trị riêng, và một giới truyền thông đại chúng làm đảo chiều các chính sách công. Điều kiện cuối cùng chính là trọng tâm của lý thuyết hiệu ứng CNN, nhưng không rõ là có cần thiết phải hội đủ cả bốn yếu tố trên để nền chính trị truyền thông tồn tại hay không, hay liệu các yếu tố chỉ quyết định mức độ của hiệu ứng này mà thôi.

Các kết quả nghiên cứu

Thảo luận và kết luận

Tài liệu tham khảo

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Hieu ung CNN.pdf